“Cõng” chữ lên non nơi rốn lũ

Thứ Hai, 10/09/2018, 11:00
Dọc theo dòng sông Mã, chúng tôi tìm về nơi rốn lũ Quan Hóa (Thanh Hóa) vào ngày khai giảng năm học mới, chỉ thấy ánh mắt khắc khoải của những người lái đò “cõng” chữ lên non khi nhìn dòng nước đục ngầu cuồn cuộn phù sa mà không biết tới khi nào mới đưa được học trò quay lại trường.

Tai họa ập xuống với người dân một nửa đời bình lặng bên dòng sông Mã vào ngày 31-8 khi lũ tràn về cuốn phăng nhà cửa, trường học… Hai cây cầu treo bắc qua sông Mã bị lũ đánh hỏng đã chia cắt đôi bờ, làm hàng trăm học sinh bị cô lập hoàn toàn, trong nhiều tháng tới có thể vẫn khó khăn tới trường nếu chưa có cầu mới.

Trường sập, chia cắt đôi bờ sông Mã

Từ trung tâm huyện Quan Hóa, vượt hơn 50km đường rừng gập ghềnh khó đi, chúng tôi tới xã Trung Sơn. Suốt dọc đường không thể đếm hết bao nhiêu ngôi nhà nằm bên sông bị lũ cuốn đổ sập, chỉ còn sót lại ít tường gạch, mái tôn đổ nát. Khung cảnh tan hoang và buồn đến não lòng.

Trung Sơn là một trong 3 xã của huyện Quan Hóa bị thiệt hại nặng nề nhất của trận mưa lũ vừa qua, cô lập từ ngày 31-8 đến 3-9 mới thông đường. Nằm trên một quả đồi thoai thoải, bản Co Me dưới ánh nắng chói chang mới hiện hữu hết sự tàn khốc sau lũ.

Dẫn chúng tôi lên ngôi trường đã gắn bó nửa đời người, thầy Hắc Xuân Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn không khỏi ngậm ngùi. Cơn lũ ống ngày 31-8 như con quái thú từ đỉnh đồi đổ ập xuống, cuốn theo nước và đất đá trong chớp mắt vùi lấp cả ngôi trường mấy chục năm tuổi. Dù 5 ngày đã trôi qua, nhưng khi lội bộ vào đây, chúng tôi vẫn không tin vào mắt mình.

Cô giáo Cao Thị Thu (ảnh trái) và Hà Thị Hậu trò chuyện với học sinh trước ngày lên đường cắm bản.

Lũ đã làm sập hoàn toàn một dãy nhà gồm 3 phòng học và 2 phòng chức năng, làm sập một nửa dãy nhà 6 phòng học, khu hiệu bộ và khu phòng giáo viên bị ngập lụt, hư hỏng. Nhà bếp, nhà ăn… tất cả đều bị đất đá lấp kín. Thầy Phúc cho biết, trường không thể tiếp tục hoạt động được nữa bởi hư hỏng toàn bộ. Hơn nữa, đã phát hiện một số vết nứt to ở trên đồi, nguy cơ sập là rất lớn. Tỉnh Thanh Hóa đã quyết định di chuyển cả bản Co Me gồm 154 hộ dân đến nơi ở khác an toàn.

Dù trường không còn nhưng ngày 5-9 nhà trường vẫn tổ chức khai giảng năm học mới ghép với Trường THCS Trung Sơn. Đây là một lễ khai giảng buồn nhất trong nhiều năm qua khi chỉ có 1/3 học sinh đến trường bởi các em còn bị chia cắt trong lũ. “2/3 học sinh ở tại 3 bản, trong đó có 1 bản nằm bên kia sông Mã còn bị cô lập hoàn toàn, chưa biết bao giờ ra được. Chúng tôi mới thống kê sơ bộ, có 20 học sinh và 1 giáo viên nhà bị trôi” – thầy Phúc lo lắng cho biết.

Mấy ngày qua thầy vất vả chạy ngược chạy xuôi để tìm nơi học tạm, nhưng thời tiết mưa nắng bất thường là một trở ngại lớn. Việc học thì không thể dừng lại, ngay sau lễ khai giảng, chiều 5-9 các em đã bước vào ngày học đầu tiên. Do quá khó khăn về chỗ học khi chỉ mượn được 2 lớp tại trường cấp hai nên nhà trường phải tranh thủ cho các em học ngay để duy trì nề nếp. Trường đã mượn được khu nhà công nhân của thủy điện, 3 ngày tới mới sửa chữa xong.

“Trường mới thì chưa biết bao giờ mới có. Hôm qua tôi mới đi khảo sát tìm được vị trí để xây trường nằm trên một quả đồi của nhà dân. Tôi đã báo cáo lên huyện để chờ phương án” – thầy Phúc cho biết.

10 năm nay, sông Mã vốn bình lặng là vậy mà rồi nước dâng cao sau nhiều ngày mưa kéo dài. Nhưng bất thường nhất chính là vào sáng 31-8, lũ tràn về bất ngờ, lòng sông gầm gừ, gào thét. Bà Hà Thị Thoán, Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành cho biết: “Nước sông dâng cao thì tôi đã từng trải qua, nhưng lũ quét thì từ khi sinh ra đến nay, đây là lần thứ hai tôi chứng kiến. Lần thứ nhất là vào năm 1975, sau 43 năm tôi mới gặp lại”.

Lũ từ sông dâng cao, lũ ống trên đồi quét xuống khiến nhiều trường học của cả ba cấp ở các xã Trung Thành, Trung Sơn, Thành Sơn và Phú Xuân của huyện Quan Hóa tan hoang, sụp đổ. Lũ đã làm cầu Chiềng bắc qua sông Mã để vào xã Trung Thành bị sập, khiến nơi đây bị cô lập 3 ngày không điện, không nước.

Ngồi đò vượt sông Mã để đến với các em học sinh Trường THCS Trung Thành, chúng tôi không khỏi lo lắng bởi phương tiện đi lại duy nhất hiện nay để vào xã là 2 chiếc đò sắt không số, mỗi chuyến chở khoảng 5-6 người, vừa không đảm bảo ATGT đường thủy, vừa không thể vận chuyển được lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cung cấp cho nhân dân cả xã.

Cầu treo bị sập, người dân phải qua sông bằng đò sắt.

Bà Hà Thị Thoán cho biết, 100% dân Trung Thành đều sống bằng nghề trồng luồng, từ ngày 31-8 cầu bị sập không có phương tiện để chở luồng ra ngoài bán đổi lấy lương thực, không biết mua gì cho các cháu ăn. Gặp các em học sinh Trường THCS Trung Thành, tôi khá ngỡ ngàng bởi các em thấp bé hơn rất nhiều so với trẻ em thành phố.

Những gương mặt ngơ ngác khi các em vừa trải qua cơn chấn động, lại phải cùng bố mẹ chạy lũ lên tận đồi cao khi có thông tin vỡ đập thủy điện. Có nhiều em nhà ở bên sông Mã bị lũ cuốn trôi đang phải đi ở nhờ. Có em thì không thể đến trường bởi còn bị cô lập trong bản.

Thầy  Lê Văn Viện, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Thành không giấu được lo lắng cho biết: “Các con phải học trong cảnh mất điện do trần nhà ngấm nước. Do bị hư hỏng nặng, nhà trường phải mượn Trạm y tế làm phòng học, tới đây phải mượn tạm nhà dân xung quanh”.

“Cõng” chữ lên non

Trong mưa lũ, dù khó khăn chồng chất, nhưng khi gặp những thầy cô giáo tình nguyện cắm bản ở nơi xa xôi của huyện Quan Hóa, chúng tôi thực sự khâm phục họ bởi những hy sinh lặng thầm “cõng” chữ lên non. Không thể vì nước lũ chia cắt mà gián đoạn việc học của các em, họ sẵn sàng xung phong đi cắm bản.

Ngay sau lễ khai giảng, tôi gặp hai cô giáo của Trường Tiểu học Thành Sơn, xã Thành Sơn đang chuẩn bị mì tôm, thực phẩm khô để ngày mai vào bản. Cô Hà Thị Hậu là giáo viên dạy lớp ghép 4-5 cho biết, lần này đi bản vào bản Bước dạy học có cô và cô giáo Cao Thị Thu. Theo thầy Trần Văn Tình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Sơn thì mưa lũ đã làm 90 học sinh của trường bị cô lập trong 3 bản. Nhà trường phát động giáo viên vào các điểm trường để dạy học, đợt này có 7 giáo viên đi, trong đó có cô Thu và cô Hậu xung phong đi bản Bước là bản xa nhất, cách trung tâm xã 12km và phải đi bộ hoàn toàn.

Cô giáo Hậu quê ở Mai Châu (Hòa Bình) là cô giáo trẻ mới về trường được một năm. Điều làm tôi ngạc nhiên chính là cô giáo Hậu đang nuôi con nhỏ 10 tháng tuổi. Nhiều người cũng lo ngại Hậu đi cắm bản lần này sẽ phải cai sữa sớm cho con. Chia sẻ với chúng tôi, Hậu nói rằng em đã suy nghĩ kỹ, quyết định đem theo con nhỏ đi cắm bản. Hậu nói lần này vào bản, sau đó lại quay về Mai Châu đón con và mẹ chồng vào theo.

“Bà nội tình nguyện đi vào bản chăm sóc cháu để em hoàn thành việc dạy học” – Hậu nói. Bản Bước là nơi chưa có điện lưới, không sóng điện thoại, chỉ hai điều này thôi chúng tôi cũng cảm thấy vô cùng gian nan khi Hậu đem theo con nhỏ đến nơi rốn lũ vừa đi qua. Nhưng em chỉ cười nói “khó mấy em cũng vượt qua”.

Xúc động khiến tôi nghẹn lời, bởi sự hy sinh ấy quá lớn lao, không thể diễn tả được bằng lời. Tôi thầm vui khi nghe cô giáo Cao Thị Thu đi cùng với Hậu vào bản Bước nói rằng, có gì khó khăn, hai chị em sẽ hỗ trợ cho nhau. Thu là cô giáo trẻ, chưa lập gia đình, lần này em tình nguyện vào đây dạy học chỉ vì muốn mang cái chữ lên cho các con.

“Nếu không có giáo viên, việc học sẽ bị gián đoạn, sau này vận động các con đến trường rất khó khăn” - Thu chia sẻ.

Không chỉ có Thành Sơn, một số trường học trên địa bàn Quan Hóa vẫn còn nhiều học sinh bị chia cắt ở đôi bờ sông Mã khi năm học mới đã bắt đầu. Đây là câu chuyện buồn của ngành giáo dục Quan Hóa bởi phương án đưa các em đến trường không thể thực hiện được vì không đảm bảo an toàn.

Theo thầy Hàn Thế Vượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Xuân thì năm học 2018-2019 nhà trường có 150 học sinh, nhưng chỉ có 66 học sinh đến được trường, còn lại các em đều sống ở bên kia sông Mã không sang được do cầu treo Phú Xuân bị sập.

Để các em không phải chui túi bóng hay đi trên những con đò không số tới trường, lãnh đạo nhà trường đã cử 5 giáo viên văn hóa và 3 giáo viên bộ môn sang tận bản dạy học cho các em. Cứ 7 giờ sáng các thầy cô giáo đi đò vượt sông Mã sang dạy học, chiều lại quay về. Theo thầy Vượng thì việc này duy trì tới khi nào có cầu treo mới thì mới ngừng.

Cần sớm quan tâm đến học sinh vùng lũ

Gặp một nhóm học sinh của Trường Tiểu học Thành Sơn tha thẩn chơi ở sân trường, chúng tôi mới được biết, gia đình các em đều bị mất nhà trong cơn lũ vừa qua. Hai chị em Phạm Diệu Linh và Phạm Thu Thủy, ở thôn Thành Sơn kể: “Nhà em bị tụt xuống sông nên đang ở nhờ tại trường cấp hai”.

Còn em Lộc Thị Thanh Bình chỉ tay về phía xa khoe “nhà em là cái lều ở gần bờ sông kia”. Bình cho biết, nhà của mình đã bị trôi xuống lòng sông, bố mẹ em phải dựng tạm cái lều để sống qua ngày. Nhà bị trôi theo nước lũ, em Lương Tùng Dương, ở bản Phé xã Phú Xuân phải tá túc nhờ nhà bác. Hằng ngày em phải đi bộ cả một quãng đường xa để tới trường.

Còn hai anh em Lương Gia Huy và Lương Gia Hân ở xã Trung Sơn nhà bị sập nhưng các em luôn hiếu học, đi ở nhờ xa trường nhưng vẫn cố gắng tới lớp. Cho tới nay, những gia đình mất nhà sau lũ vẫn đang cảnh màn trời chiếu đất, chờ đợi sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để họ có điều kiện xây nhà mới.

Trường Tiểu học Trung Sơn bị hỏng hoàn toàn do lũ cuốn.

Nhưng đến nay huyện Quan Hóa vẫn đang tìm chỗ tái định cư cho họ. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng của các trường tiểu học và THCS có học sinh bị mất nhà thì nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho các em như việc thuê nhà dân cho các em ở để các em thuận lợi trong việc học.

Quan Hóa đang đối mặt với khó khăn bị lũ chia cắt, khi học sinh vẫn còn mắc kẹt ở nhiều bản làng chưa được ra lớp học. Dù lũ đã đi qua nhưng người dân sống ở dọc sông Mã vẫn lo lắng vì mưa nắng bất chợt. Cầu treo là phương tiện duy nhất nối các xã bên kia sông Mã nhưng nay đã hỏng. Thầy Hàn Thế Vượng tỏ ra  lo lắng khi hàng ngày giáo viên của trường phải qua sông trong tình cảnh không đảm bảo ATGT đường thủy.

“Người lái đò thì có chứng chỉ nhưng đò lại không được cấp phép, không có đăng ký, đăng kiểm, rất nguy hiểm. Huyện đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu treo mới, nhưng không biết tới khi nào mới xong vì đây là cầu treo của dự án đền bù thủy điện Hồi Xuân đã bị chậm tiến độ. Nhanh thì cũng phải tới tháng 1-2019 mới xong, chúng tôi xác định phải hết học kỳ 1 giáo viên vẫn phải đi đò sang sông dạy học”- thầy Vượng cho biết.

Xã Trung Thành cũng trong tình cảnh tương tự khi phương tiện duy nhất nối xã với bên kia bờ là 2 chiếc đò sắt. Thiết nghĩ, để đảm bảo TTATGT đường thủy ở lòng sông nơi lũ dữ vừa đi qua, tỉnh Thanh Hóa cần thiết phải cấp cho người dân ở những xã có cầu treo bị hỏng tàu, thuyền đủ điều kiện hoạt động, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, cho học sinh qua lại.

Chia sẻ với học sinh vùng lũ, ngày 5-9, Báo Công an nhân dân và Tập đoàn Tuần Châu đã về Quan Hóa trao 950 suất quà trị giá 200 triệu đồng cho 950 học sinh của các trường: Tiểu học Thành Sơn, Tiểu học Trung Sơn, Tiểu học Phú Xuân và Trường THCS Trung Thành.
Trần Hằng
.
.