Công dân ưu tú Thủ đô 2020: Bác sĩ Cấp

Thứ Tư, 07/10/2020, 13:34
Gắn bó với Hồi sức cấp cứu 26 năm, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được nhiều người biết đến với cái tên trìu mến “bác sĩ COVID”, hay “Người hùng COVID-19”... Nhưng anh lại chỉ muốn mọi người nhớ tới mình bằng tên gọi giản dị “bác sĩ Cấp”.

Nhắc tới bác sĩ Cấp, người ta không chỉ biết anh “nổi tiếng” trong đại dịch COVID-19, mà còn biết tới anh qua các mùa dịch gây “chấn động” ở Việt Nam, dịch cúm A/H5N1 năm 2006, dịch tả năm 2017, dịch cúm A/H1N1 năm 2009 và giờ đây là Công dân ưu tú Thủ đô năm 2020.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp.

Cái duyên làm bác sĩ Hồi sức

Hẹn bác sĩ Nguyễn Trung Cấp vào một buổi sáng khi anh vừa trở về sau chuyến công tác, anh tâm sự rất nhiều về chuyện nghề, những lời tâm sự mộc mạc, chân thành đã cho chúng tôi hiểu, trên con đường đi đến thành công của ngày hôm nay, anh đã trải qua rất nhiều thăng trầm, có vất vả, có khó khăn nhưng nhiều hơn cả là hạnh phúc. Anh nói rằng, làm bác sĩ hồi sức tuy vất vả nhưng mỗi khi một bệnh nhân được mình cứu sống, đó là hạnh phúc mà chỉ nghề bác sĩ mới đem lại.

Tâm sự với chúng tôi về cái duyên đưa anh tới nghề bác sĩ, anh nói có lẽ đó là bước ngoặt mà đến giờ anh cũng không hiểu vì sao. Anh sinh ra ở miền quê vùng trũng về học ở huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, vì thế sự phấn đấu của anh luôn phải hơn các bạn ở những vùng có điều kiện học tập tốt hơn. Anh thích học khối A, ôn thi đại học khối A, thế nhưng đến học kỳ 2 năm lớp 12, anh lại thay đổi quyết định, thi khối B. “Đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao lại thi Đại học Y”, anh chia sẻ. 

Chính quyết định bất ngờ này đã đẩy anh vào thế khó. Hồi đó sách rất hiếm, bạn nào thi khối A thì nhường sách khối B cho bạn khác. Vì vậy, khi anh quyết định thi khối B thì không có sách học, chỉ tranh thủ mượn của bạn tối về đọc được ít nào biết thêm kiến thức ít đó. Nhưng, cũng chính vì quyết định đột ngột đó đã đưa anh trở thành bác sĩ của ngày hôm nay. Và khi tôi hỏi anh đã cứu được bao nhiêu bệnh nhân trong nghề, anh lắc đầu “không nhớ hết được nữa”. Không chỉ anh mới rẽ sang bước ngoặt này, mà trong đội tuyển vật lý của trường có 5 người thì 3 người thi đỗ Đại học Y Hà Nội.

Năm 1994, khi vừa ra trường, anh xin vào học việc không lương ở Bệnh viện 108. Biết mình không có nền bác sĩ nội trú nên ngoài thời gian đi làm, anh đã phải cố gắng rất nhiều bằng cách đọc thêm tài liệu, học hỏi thêm rất nhiều kiến thức từ các bác, các anh chị đi trước. 2 năm sau, không có cơ hội xin vào biên chế của Bệnh viện 108, anh về công tác tại Bệnh viện Bộ Nông nghiệp đóng tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) làm bác sĩ hồi sức.

Thời điểm đó, tại huyện Thanh Trì rộ lên tình trạng ngộ độc, có những gia đình rơi vào “khủng hoảng” sau đợt sốt đất. Do bán đất có tiền, thanh niên trai tráng sa đà vào tệ nạn. Mâu thuẫn trong nhiều gia đình tăng cao do tranh giành đất đai, khi không giải quyết được đã uống thuốc trừ sâu, thuốc độc, thuốc ngủ tự tử. Trung bình một tối có tới 2-3 ca ngộ độc thuốc ngủ, 1-2 ca ngộ độc thuốc trừ sâu, thuốc chuột vào cấp cứu. Bác sĩ hồi sức lại thiếu, vì thế có những ca trực anh và các đồng nghiệp vô cùng vất vả để hồi sức cấp cứu người bệnh. Các ca bệnh cứ nối tiếp nhau nhập viện, có ca nặng, nguy kịch khiến các bác sĩ không có thời gian nghỉ ngơi.

“Làn sóng” tự tử chưa qua đi thì lại đến đợt ngộ độc rượu ào vào nhập viện. Xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì có truyền thống nấu rượu, bệnh nhân vào cấp cứu do xuất huyết dạ dày, ngộ độc rượu, xơ gan rất nhiều. Bằng các kỹ năng được học, anh và đồng nghiệp đã cấp cứu chống độc cho nhiều ca bệnh nặng. Nhưng, chính trong giai đoạn thường xuyên phải đối mặt với các ca bệnh lâm sàng, tuy rất vất vả đó, đã có một lứa bác sĩ hồi sức xuất sắc trưởng thành, sau này các anh, các chị đã trở thành những bác sĩ đầu ngành ở các bệnh viện lớn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (áo blouse trắng, đứng giữa) với bệnh nhân COVID-19 được xuất viện.

2 tháng rưỡi không về nhà vì “trận chiến” COVID-19

Sau 26 năm ra trường, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, phụ trách về chuyên môn. Trong suốt thời gian ấy, anh luôn gắn bó với hồi sức cấp cứu, từ bác sĩ rồi đến Trưởng Khoa Cấp cứu. Có thể nói đây là một chuyên ngành “vất vả” bởi nhiều lẽ, trong đó có việc đánh giá về cơ cấu giá lao động chưa đúng, khiến việc bố trí nhân lực ít dẫn đến cường độ lao động cao, quá tải và áp lực công việc.

Hơn nữa, thông thường cán bộ y tế làm việc ở vị trí đó sau một thời gian trưởng thành về nghề thì có rất nhiều chỗ nhận. Ví dụ ở các tỉnh rất dễ xảy ra chuyện bác sĩ hồi sức chuyển sang làm lãnh đạo khoa khác, còn điều dưỡng nếu “nhả” ra thì các khoa khác sẵn sàng nhận về...

Nhưng hồi sức cấp cứu gắn bó với anh như một duyên phận. Anh kể, sau 11 năm công tác tại Bệnh viện Bộ Nông nghiệp, khi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tách ra từ Bệnh viện Bạch Mai thiếu người, anh đã xin chuyển công tác về đây. Cũng chính công việc của bác sĩ hồi sức cấp cứu đã cho anh trải nghiệm qua rất nhiều mùa dịch như dịch cúm A/H5N1 năm 2006, dịch tả năm 2007, dịch cúm A/H1N1 năm 2009, dịch sốt xuất huyết đều đặn hằng năm. Chuyện đang đêm bị dựng dậy chạy vào viện cấp cứu người bệnh là bình thường. Mỗi vụ dịch qua đi, lại tích lũy cho anh thêm rất nhiều kinh nghiệm.

Nhưng, chưa có vụ dịch nào làm đảo lộn cuộc sống như COVID-19. Mặc dù ở ngay Hà Nội, hai tháng rưỡi anh không được về nhà. Đại dịch COVID-19 đến với thế giới hoàn bất ngờ. “Bất cứ một dịch mới nào xuất hiện, người bác sĩ truyền nhiễm cũng phải theo dõi, tìm hiểu, học hỏi từ bạn bè đồng nghiệp trên thế giới. Khi có các ca bệnh xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), mình đã phải quan tâm, tìm hiểu rồi. Nếu dịch ở giai đoạn 1 chỉ là tập dượt thì giai đoạn 2 mới thực sự là “cuộc chiến”.

Đây là giai đoạn mà bệnh nhân nặng hơn, phải can thiệp nhiều hơn, bác sĩ mất nhiều công sức hơn. Giai đoạn này có 18 bệnh nhân nặng, đều tốn công sức nhưng không phải ca nặng nhất là tốn công sức nhất. Mà có ca bệnh đáng lẽ có thể nặng nhất nhưng mình giữ được, không để tiến triển thành nặng nhất. Để làm được điều đó, mình mất công sức rất nhiều”, bác sĩ Cấp nói.

Theo chia sẻ của anh, COVID-19 là bệnh lý mới nên giai đoạn đầu các bác sĩ không biết diễn biến sinh bệnh học như thế nào, tất cả các phương án điều trị đều chỉ căn cứ vào những hiểu biết qua việc đọc tài liệu nước ngoài đã làm trước đó và làm theo hoặc những suy ra từ kiến thức, kinh nghiệm của mình nhưng lại trên cơ sở là các bệnh lý khác như cúm, SARS và mình áp dụng.

Sau 2 ca đầu tiên, áp dụng đúng như sách thì diễn biến rất nặng và một trong 2 ca đó buộc phải chạy ECMO. 3 ca tiếp theo có hướng thay đổi phương án điều trị nhưng cũng đều chưa rõ ràng. Một loạt các ca tiếp nhận về sau thì sau một thời gian theo dõi, có thể đã hiểu hơn về cơ chế bệnh sinh của COVID, rút kinh nghiệm, có bước cải tiến thì có bệnh nhân đáp ứng tốt phương án điều trị mới. Trong 18 bệnh nhân nặng đó, nếu áp dụng như 2 ca đầu thì phải có 12 ca thở máy nhưng việc cập nhật, thay đổi phương pháp điều trị đã giảm bớt xuống chỉ còn 7 ca thở máy, giảm bớt nguy cơ phải chạy ECMO.

“Thành công này không chỉ có ý nghĩa với bệnh viện mà còn với ngành y tế. Kinh nghiệm này có thể chuyển giao đến các đơn vị y tế khác, giúp giảm thiểu nguy cơ cho các bệnh nhân tương tự khác. Thứ hai là tránh nhu cầu gia tăng máy thở đến mức khủng hoảng như đã xảy ra ở một số nước khác... Hơn nữa, nếu bùng dịch ở thời điểm đó, với Việt Nam nỗi lo không phải là thiếu máy thở mà số bác sĩ giỏi có thể vận hành được máy thở, máy ECMO và điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nặng không nhiều nên dù Chính phủ có mua kịp máy thở, máy ECMO nhưng đào tạo kịp số người sử dụng được máy thở thì gần như không có khả năng”, bác sĩ Cấp chia sẻ.

Vì vậy, ưu tiên hàng đầu ở thời điểm đó là hạn chế ca thở máy và an toàn cho bác sĩ và điều dưỡng bằng chiến lược của mình. Bảo vệ được số bệnh nhân nhiễm bệnh thì sẽ bảo vệ sự an toàn cho bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp thăm khám cho bệnh nhân.

Ước mơ chinh phục đỉnh cao

Vợ anh cũng là bác sĩ, mỗi khi hai người trùng lịch trực thì đều phải đổi. Sau này, vợ anh “hy sinh”, chuyển từ bác sĩ Khoa Nhi về làm chỉ đạo tuyến để có thời gian chăm lo cho gia đình, cũng để chồng yên tâm công tác. Chia sẻ với chúng tôi về mình là một trong 10 gương mặt được vinh danh “Công dân ưu tú Thủ đô”, anh nhẹ nhàng bảo: Khi được đề xuất nhận danh hiệu đó, tôi khá ngần ngại, bởi tôi nghĩ rằng riêng trong ngành y, có rất nhiều người xứng đáng. Tôi rất cảm ơn Hà Nội ưu ái và tin tưởng mình. Gắn bó với Hà Nội gần 30 năm, nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của mình nên những gì tôi cống hiến cho Thủ đô cũng là trách nhiệm của người con với quê hương.

Những đóng góp của bác sĩ Cấp trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân Thủ đô tiếp tục được ghi nhận khi anh ở vai trò mới, là phó giám đốc bệnh viện. Anh nói rằng, đây là một điều kiện để anh tiếp tục thực hiện một số ý tưởng mà mình chưa triển khai được. Chẳng hạn như ấp ủ ý tưởng chinh phục đỉnh cao kỹ thuật của y học thế giới. Vẫn biết, để làm được thì phải cố gắng rất nhiều nhưng đó chẳng phải là khát vọng và hoãi bão của con người sao?

Bác sĩ Cấp là một trong số ít người chủ động tiếp cận với tài liệu về Y học thảm họa – một lĩnh vực ít được quan tâm nhưng lại mang giá trị thực tiễn lớn trong chính đại dịch COVID-19. Anh kể lại, khi còn làm tại Bệnh viện Bộ Nông nghiệp, có sự cố đã xảy ra tại khu chợ cạnh đường tàu. Có một bà buôn chuyến trên tàu hỏa hôm đó, lại dựng cái đòn gánh ở cánh cửa tàu và sau đó đòn gánh đó đổ ra và trở thành “lưỡi kiếm” chém ngang cả khu chợ đó. Chợ lại sát với cầu nên ngoài bị thương bởi “lưỡi kiếm” đòn gánh thì nhiều người hoảng sợ nhảy xuống cầu cũng bị thương... Lúc bấy giờ số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu rất đông, trở thành thảm họa cục bộ, tất cả y, bác sĩ đều buộc phải bỏ vị trí để đồ dồn về khu vực cấp cứu. Và lúc đó, công tác tổ chức rất lộn xộn.

Đây chính là lý do mà sau nay khi có cơ hội được tiếp cận, nghiên cứu sâu, anh đã tự học thêm Y học thảm họa, với mong muốn từ cấp độ nhỏ nhất là mỗi bệnh viện cũng phải đều có giải pháp đối phó với những tình huống bất ngờ xảy ra mà vượt quá khả năng đáp ứng và những dự trữ cần thiết. Và cũng tương tự với cấp độ lớn hơn khi thảm họa xảy ra ở một địa phương, hay quốc gia. Và ít nhiều những hiểu biết về Y học thảm họa đã giúp anh cùng các đồng nghiệp ứng xử với dịch COVID-19 vừa qua hiệu quả hơn.

Gần 30 năm cống hiến cho ngành y, những đóng góp của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân thật đáng trân trọng. Với anh, niềm vui là được cứu sống người bệnh, là được cống hiến cho y học, là không ngừng say mê, sáng tạo để chinh phục đỉnh cao của y học, giúp cứu người bệnh có sức khỏe ngày một tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Trần Hằng
.
.