Đại gia Hoàng Kiều và những quái chiêu?

Cù lao Thới Sơn và “nỗi niềm”… hoa hậu(!)

Thứ Tư, 26/05/2010, 15:35
Người dân sinh sống tại khu vực cù lao Thới Sơn (Tiền Giang) biết đến chân dung của đại gia Hoàng Kiều vào năm 2007, khi đại gia này tổ chức những đợt làm từ thiện tại đây. Năm 2008, đại gia Hoàng Kiều chính thức "lùa" Hoa hậu thế giới về vùng đất này để người dân có cơ hội chiêm ngưỡng nhan sắc quốc tế.

Đang ở phương trời xa lắc nào đó, ông Hoàng Kiều - với danh nghĩa là một tỉ phú đột ngột xuất hiện tại Việt Nam và khiến dư luận nhiều phen... hoảng hốt bởi thái độ ngạo mạn, bất chấp lề luật của mình. Câu chuyện về đại gia hoa hậu này hẳn sẽ chẳng bao giờ có hồi kết, bởi mới đây thôi chuyện Hoàng Kiều biến một vài lãnh đạo địa phương thành con rối trong tay mình nhờ miếng mồi "Hoa hậu thế giới" còn chưa đủ lâu để người ta quên, thì hiện tại, dư luận còn "sốc" hơn với kế hoạch thâu tóm các dự án bất động sản tại Tiền Giang vẫn bằng chiêu thức "chân dài mồi chài dự án" của đại gia này.

Chuyên đề ANTG sẽ cung cấp đến bạn đọc cái nhìn cận cảnh liên quan đến những "phi vụ chân dài" của tỉ phú Hoàng Kiều.

Khi tỉ phú Hoàng Kiều xuất hiện liên tiếp trên các phương tiện truyền thông trong những chương trình trao quà từ thiện, họp báo với hoa hậu thế giới thân mật với UBND tỉnh Khánh Hòa... Dư luận vẫn cứ tưởng ấy là đại gia thứ thiệt, sau khi đã khẳng định mình trên thương trường quốc tế thì sẽ về "cống hiến" cho quê hương. Nào ngờ đâu, phía sau nụ cười của các hoa hậu thế giới đến Việt Nam theo lời mời của đại gia Hoàng Kiều là những toan tính cho các phi vụ kinh tế của ông tỉ phú này.

Cù lao Thới Sơn thuộc xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho, Tiền Giang. Ngày cầu Rạch Miễu được thông xe, cù lao Thới Sơn nằm ngay ở vị thế tuyệt đẹp. Qua cầu Rạch Miễu coi như đã đặt chân đến cù lao Thới Sơn. Không còn cách trở sông nước, cù lao Thới Sơn ẩn chứa tiềm năng lớn về du lịch sinh thái. Nhưng đó là chuyện trước khi đại gia Hoàng Kiều dự tính mang cuộc thi Hoa hậu thế giới về tổ chức tại nơi này. Hiện tại, cù lao Thới Sơn đang lâm vào tình trạng "bán thân bất toại" vì sự đổ vỡ cùa dự án Hoa hậu thế giới 2010. Tất tần tật mọi thứ, đều do một tay đại gia Hoàng Kiều dựng lên bằng một kịch bản cũng rất... Hoa hậu thế giới. Ban đầu thì tươi đẹp, càng về sau càng héo úa dần.

Theo điều tra của chúng tôi, người dân sinh sống tại khu vực cù lao Thới Sơn biết đến chân dung của đại gia Hoàng Kiều vào năm 2007, khi đại gia này tổ chức những đợt làm từ thiện tại đây. Năm 2008, đại gia Hoàng Kiều chính thức "lùa" Hoa hậu thế giới về vùng đất này để người dân có cơ hội chiêm ngưỡng nhan sắc quốc tế.

Đại gia Hoàng Kiều cùng hai Hoa hậu thế giới năm 2007 và 2008.

Khi Hoa hậu thế giới mỉm cười trao quà từ thiện, hẳn là lúc đó người dân ở cù lao Thới Sơn chưa hình dung được sự biến đổi theo chiều hướng tiêu cực chuẩn bị xảy ra tại cù lao vốn dĩ rất bình yên này. Cơn địa chấn mang tên "Hoa hậu thế giới 2010" sẽ được tổ chức tại Tiền Giang. Cần thiết phải nhắc lại rằng sau khi bị dư luận phản đối dự án "Ngàn sao" tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đại gia Hoàng Kiều "đùng đùng" nổi giận và "lôi" Hoa hậu thế giới về tổ chức tại cù lao Thới Sơn. Bất chấp những e ngại về cơ sở vật chất để có thể đảm bảo cho cuộc thi được thành công tốt đẹp.

Điều gì đến sẽ đến, khi đại gia Hoàng Kiều cho trương lên tấm băng-rôn bằng tiếng Anh mà dịch ra tiếng Việt có nghĩa "Chào mừng Hoa hậu thế giới 2010", thì toàn bộ đời sống của người dân tại nơi này bị đảo lộn. Giá đất tăng lên đến chóng mặt. Trước khi có Hoa hậu thế giới, giá sàn cho 1ha đất chưa đến 1 tỉ đồng thì nay đã tăng đến hơn 9 hoặc hơn 10 lần. Người dân cù lao vốn dĩ chỉ biết đến mảnh vườn, trái nhãn... bỗng dưng biến thành những chuyên gia hoạch định kinh tế. Họ có thể kể tên vanh vách những dự án mà ông Hoàng Kiều dự tính thực hiện, tổng số tiền cho dự án là bao nhiêu, khi nào thì khởi công, lúc nào thì hoàn thành và tình láng giềng tan vỡ vì chuyện tranh giành mua bán đất.

Đáp lại những "thiệt hại tình nghĩa" này,  đại gia Hoàng Kiều cũng đã minh chứng cho năng lực kinh tế của mình bằng cách mua hàng chục nghìn mét vuông đất tại cù lao. Thốt nhiên, người dân Thới Sơn mới hôm qua còn là nông dân chân chất thì hôm nay rủ nhau... biến thành tỉ phú. Tuy nhiên, đại gia thì lắm tiền nhưng cách mua bán thì không sòng phẳng như người dân Thới Sơn vẫn tưởng.

Giữa tháng 5/2010, tiếp xúc với chúng tôi, bà Tư Đoàn vẫn chưa hết sốc vì cách hành xử của ông đại gia này. Bà Tư Đoàn cho hay, vào thời điểm tháng 6/2009, ông Hoàng Kiều với danh nghĩa  là Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Trần Thanh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Tiền Giang đã đến gia đình bà Tư Đoàn với mục tiêu đặt vấn đề mua đất. Cái giá 30 tỉ đồng cho 2,3ha đất khiến cho gia đình bà Tư mừng còn hơn trúng số độc đắc. Vì đây là số tiền mà cả đời làm nông của mình, ông bà Tư Đoàn không dám mơ tới. Thậm chí, ông bà cũng không thể viết chính xác số tiền ấy bằng chữ.

Đưa trước cho gia đình bà Tư Đoàn 13 tỉ, coi như là tiền đặt cọc, ông Hoàng Kiều hứa là sẽ trả 17 tỉ còn lại trong vòng 5 tháng. Với uy tín của một đại gia có thể sai khiến cả một tổ chức Hoa hậu thế giới thì gia đình bà Tư Đoàn không hề nghi ngờ gì về lời hứa này. Nên khi ông Hoàng Kiều cho người xây dựng công trình trên phần đất của gia đình trong lúc chưa trả xong nợ là điều... đương nhiên. Bởi gia đình nông dân này cho rằng, đại gia Hoàng Kiều càng sớm xây dựng công trình thì số nợ 17 tỉ càng sớm được hoàn trả. Ngay cả khi cuộc thi Hoa hậu thế giới không được tổ chức tại cù lao Thới Sơn, ông bà Tư Đoàn vẫn chắc mẩm rằng, ông Hoàng Kiều sẽ trả đủ 17 tỉ như đã hứa. Nhưng ông bà đã lầm.--PageBreak--

Nếu như lần đầu, ông Hoàng Kiều thực hiện chuyện "trả góp" tiền đất cho bà Tư Đoàn đều đặn thì thời gian sau này đã bị khất lần và... im hẳn. Mãi cho đến tháng 5 này. Bà Tư Đoàn ngồi nhẩm tính, có đến 3 lần ông Hoàng Kiều hứa hẹn và tỏ ra cù nhầy với số tiền còn nợ. Tính đến nay đã ngót 1 năm, kể từ khi ông Hoàng Kiều đến làm việc và đặt vấn đề mua đất. Bà Tư Đoàn rất bức xúc: Ai ngờ một "đại gia" danh tiếng như ông Hoàng Kiều đến hồi cũng phải thiếu nợ và thiếu sòng phẳng như vậy.

Trước đó, phía bà Tư Đoàn đã làm đơn khiếu nại gửi lên UBND xã Thới Sơn, nhưng trong lần giải quyết này, nhân vật "trung tâm" là ông Hoàng Kiều lại vắng mặt, thế nên phía UBND xã đã không thể xử lý được cho bà Tư Đoàn. Bức bách, bà Tư Đoàn khẳng định, đã làm đơn kiện ông Hoàng Kiều ra Tòa vì tội... thiếu nợ.

Điều bất thường là, do quá tin vào đại gia Hoàng Kiều, nên gia đình bà Tư Đoàn đã vội vàng sang tên toàn bộ phần diện tích đất của mình cho Công ty Du lịch Tiền Giang. Thế cho nên, chuyện bà Tư Đoàn có  thể đòi được 17 tỉ đồng còn lại hay không, khi mà mình đang là người "nắm lưỡi dao" thì còn phải chờ sự quyết định từ phía Tòa án.

Cũng liên quan đến cách hành xử "quái đản" của đại gia Hoàng Kiều, ông Nguyễn Phục Dũng, Chủ tịch UBND xã Thới Sơn, bức xúc trước báo giới rằng, theo quy định của pháp luật, khi tiến hành xây dựng các công trình trên địa bàn, chủ đầu tư phải trình giấy phép đầu tư và giấy phép xây dựng với UBND xã, nhưng ông Hoàng Kiều đã phớt lờ địa phương.

"Chúng tôi đã nhiều lần trình bày việc này với UBND TP Mỹ Tho, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng. Nếu người dân vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, các cơ quan chức năng đều có biện pháp xử phạt, chế tài, nhưng khi ông Hoàng Kiều bất chấp luật pháp và chính quyền địa phương thì không thấy ai xử lý, thật bất công" - lời của ông Nguyễn Phục Dũng.

Hệ thống công trình nhà máy phát điện, hồ lọc nước xây trên đất của bà Tư Đoàn.

Chủ tịch xã thì bức xúc trước thái độ "ngạo mạn" của kẻ lắm tiền, người dân thì sốt ruột bởi trót tin đại gia nên dường như tất cả đã quên những lời hứa có cánh của ông Hoàng Kiều khi bắt tay vào thực hiện những dự án phục vụ cho cuộc thi Hoa hậu thế giới dự tính được tổ chức tại cù lao Thới Sơn.

Ông "trùm hoa hậu" này hứa, sẽ xây cầu cho bà con đi, xây trường cho trẻ con học. Rồi nào là cho thêm 40 bộ máy vi tính cho ngôi trường cấp I tại xã Thới Sơn. Nhưng đến nay, lời hứa của ông Hoàng Kiều chỉ còn là dư âm theo kiểu "hứa thật nhiều và... thất hứa cũng thật nhiều".

 Một điều khá buồn cười là, sau khi đã lấy lòng được người dân tại cù lao này, kể từ thời điểm 2009, người dân cù lao Thới Sơn  chẳng thấy ông đại gia này làm từ thiện trên vùng quê này nữa. Ông Tám ở ấp Thới Thuận tâm sự: "Dẫu bà con chúng tôi ở vùng quê nghèo thiệt, nhưng không phải vì những lần làm từ thiện của đại gia mà bà con lại tụm vào để xun xoe và tâng bốc người ta. Nhưng mà ông Hoàng Kiều làm kiểu này thì tình thiệt là chúng tôi thất vọng quá".

Tìm gặp ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND xã Thới Sơn để hỏi chuyện liên quan đến cù lao Thới Sơn và đại gia Hoàng Kiều. Ông Phong cho biết: "Cù lao Thới Sơn có tổng diện tích 1.200ha. Trước đây, khu du lịch Thới Sơn được quản lý bởi Công ty Du lịch Tiền Giang. Từ khi cầu Rạch Miễu được thông xe, cù lao Thới Sơn đã nằm trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư. Và, ông Hoàng Kiều cũng nằm trong số những nhà đầu tư... dòm ngó khu vực cù lao này. Chính vì lẽ đó, giá đất ở đây tăng chóng mặt và thậm chí có những lúc chỉ sau một đêm, nhiều người dân vùng miệt vườn đã trở thành tỉ phú".

Cũng theo vị Phó chủ tịch UBND xã Thới Sơn cho biết, tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch Thới Sơn thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng quy mô rộng 77ha. Năm 2006, tổng thể khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn được định hình chia thành 7 khu chức năng. Trong đó chỉ duy nhất 1 khu là có nhà đầu tư hiện hữu. Không ai khác hơn, nhà đầu tư ấy chính là đại gia Hoàng Kiều. Và khu du lịch cù lao Thới Sơn 1 bắt đầu lộ diện.

Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, thì Sở Kế hoạch - Đầu tư chưa cấp giấy phép xây dựng ở một số hạng mục công trình của đại gia Hoàng Kiều tại khu du lịch Thới Sơn 1. Tuy nhiên, đại gia này vẫn bất chấp để xây dựng tất cả các hạng mục công trình tại nơi đây. Đặt vấn đề về quản lý việc xây dựng của dự án trên địa bàn mà mình quản lý, vẫn ông Nguyễn Văn Phong, cho biết, nhiều lần phía UBND xã đề nghị trình giấy phép xây dựng, tuy nhiên, phía ông Hoàng Kiều vẫn phớt lờ trước các yêu cầu trên.

Điều đáng nói, một số hạng mục của đại gia này hiện chưa được cấp phép thi công nhưng vẫn được triển khai rầm rộ. Chẳng hạn, nhà máy phát điện và hồ lọc nước trên phần đất còn thiếu tiền của bà Tư Đoàn hiện đang được công khai thi công, dù công trình này chưa được cấp phép xây dựng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Tiền Giang cho rằng, công trình nhà máy phát điện chỉ là một căn nhà, bỏ máy phát điện vào đó thì cần gì phải xin giấy phép (?). Riêng về hồ lọc nước, cũng theo ông Tiến, đó chỉ là một cái hồ do đào sâu dưới đất nên cần gì phải xin phép. Một lần nữa cho thấy, vị đại gia này không biết dựa vào đâu, khi đầu tư vào các hạng mục, ngay cả chính quyền địa phương cũng không thể quản lý được.

Buổi chiều, khi chúng tôi chuẩn bị rời cù lao Thới Sơn để về lại TP HCM, nhìn vào tấm băng-rôn "Chào mừng Hoa hậu thế giới 2010" đang được che chắn tại công trình khu du lịch Thới Sơn 1, bỗng dưng có cảm giác tức tối xen lẫn buồn cười. Có gì ở nhan sắc thế giới mà nhiều quan chức tại các địa phương cứ chăm chăm lao vào giành giựt để tổ chức tại địa phương mình. Giành giựt đến mức tự nguyện chui vào cái bẫy của một kẻ trọc phú giương lên với miếng mồi là "chân dài quốc tế", thế nhỉ?

Không chỉ dừng lại ở cù lao Thới Sơn, cái vòi bạch tuộc của “nhà thầu hoa hậu” Hoàng Kiều còn vươn dài đến TP Mỹ Tho. Vẫn với chiêu bài hoa hậu, Hoàng Kiều suýt trở thành ông vua bất động sản tại tỉnh Tiền Giang

(Còn tiếp)
Kinh Hữu - Đỗ Hưng
.
.