Cuộc chiến chống săn bắt, buôn bán động vật hoang dã: Đi chợ "địa ngục"

Thứ Ba, 29/12/2020, 14:02
Một số loài động vật hoang dã (ĐVHD) thông thường, các loài trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, đặc biệt có cả chim điêng điểng (chim cổ rắn - Anshinga Melanogaster) và cả rái cá lông mượt (Lutrogale Perspicillata), kỳ đà, khỉ,... từng được bày bán tại chợ nằm cặp QL62, thuộc huyện Thạnh Hóa (Long An).

Thực tế này gây hình ảnh phản cảm cho khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài; tạo dư luận không tốt. Bức xúc trước sự tồn tại của “địa ngục” ĐVHD có tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học nói chung, trong đó có các khu Ramsar trên địa bàn các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp từng có văn bản gởi Bộ NN&PTNT và lãnh đạo tỉnh Long An, đề nghị sớm chỉ đạo, chấn chỉnh. Câu chuyện vẫn đang làm “đau đầu” các địa phương...

Những gian hàng ngụy trang

Hôm ghé chợ nông sản Thạnh Hóa, nhìn từ ngoài, tôi thấy nhiều gian hàng chỉ treo lủng lẳng lồng nhốt chim cảnh, cạnh đó là bán cá khô, củ quả đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, khi đi sâu vào bên trong, ai cũng dễ dàng nhận ra sự biến tướng đang diễn ra tại đây. Tôi cảm thấy không hề chủ quan khi buông câu nhận xét: Người ta đã lợi dụng sự tồn tại của chợ này để buôn bán ĐVHD. Kèm theo đó là những hình ảnh giết mổ chim chóc, ĐVHD công khai, rất phản cảm.

Hôm đó, trong vai người đi tìm mối để cung cấp hàng cho các hàng quán “đặc sản” ở TP Hồ Chí Minh, PV Chuyên đề ANTG đã tận mắt chứng kiến những gì mà người ta gọi là “địa ngục” của nhiều loài ĐVHD. Khi được một nhóm khách hỏi mua, người phụ nữ tên Loan đã túm chân từng con gà nước, giật đầu rồi làm lông, khò lửa. Giờ xem lại hình ảnh này, đặc biệt là nghe tiếng kêu khi chết của chúng, tôi còn rợn người.

Chỉ trong tích tắc, người phụ nữ này đã làm gần cả chục ký cho nhóm khách thích “đặc sản chim rừng” từ nơi xa đến. Không như lời của một cán bộ địa phương cho rằng “không còn cảnh giết chim phản cảm như trước”, lần ghé này, chúng tôi lại chứng kiến những cảnh chẳng khác gì lần trước.

Tại gian hàng Thùy Dung, thấy tôi quan tâm đến mấy chú cò óc (cò nhạn, một loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam), một thanh niên tại gian Thùy Dung bước tới chào hàng và trao danh thiếp, rao bán giá 350.000 đồng/con; kèm theo là lời tư vấn làm các món ngon từ loài chim trời này.

Tôi nhìn danh thiếp của điểm mua bán hàng nông sản Thùy Dung mà muốn không tin vào mắt bởi được chủ nhân ghi hẳn chuyên bán chim rừng; 2 mặt in hình ảnh của nhiều loài ĐVHD quý hiếm, trong đó có rắn hổ chúa, khỉ, voọc và cả tê tê - loài đã được CITES cách nay nhiều năm liệt vào loài được bảo vệ ở cấp cao nhất, đồng nghĩa với việc tất cả hình thức buôn bán động vật này đều bị cấm.

Đứng giữa chợ, tôi được kể khi mới lập chợ, chỉ có vài hộ kinh doanh. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, con số đã lên trên 30 hộ. So với khu vực chợ ĐVHD ở Ngã Bảy (Hậu Giang) trước đây, thì chợ chim Thạnh Hóa sầm uất hơn gấp nhiều lần. Nhiều loại ĐVHD quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ cùng với hàng trăm loại chim trời được bày bán công khai, thậm chí người bán còn từng quảng bá nhiều loài chim “chỉ có ở Láng Sen” - khu bảo tồn đất ngập nước được thế giới công nhận là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam, bao gồm cả diện tích bảo tồn rừng tràm Đồng Tháp Mười, lâm trường Vĩnh Lợi và một phần diện tích của xã Vĩnh Đại thuộc huyện Tân Hưng (Long An).

Nhiều hộ kinh doanh trong chợ giải thích là sở dĩ chợ luôn nhộn nhịp là do nơi đây giờ như trạm dừng chân, lại nằm ở vị trí độc địa (cạnh ngã ba QL 62 với QL N2 nối với TP Hồ Chí Minh; cách đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ khoảng 30km). Hơn nữa, “đặc sản” từ chợ này dễ dàng lưu chuyển về An Giang, Kiên Giang theo hướng Hồng Ngự - Đồng Tháp, hoặc ngược lên biên giới Campuchia (theo hướng Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) và cũng không khó để cung cấp cho khu vực miền Đông Nam Bộ. Người ta từng ước tính trung bình mỗi ngày, không dưới 1.000 con chim trời bị "hóa kiếp", được chế biến thành “mồi bén” trên bàn nhậu.

Tìm hiểu thêm về chợ “địa ngục”, tôi bước tới gian hàng cạnh bên. Một phụ nữ nhiệt tình “cắt nghĩa đùi” về tấm biển tên bên trên: “Tôi tên Chín. Vì bán chim nên gọi... thành Chín “Cu”, chứ gọi đúng thì kỳ lắm”. Tôi chợt nhớ tới ki ốt Tám Rắn ở chợ Tam Nông (Đồng Tháp) cũng vậy. Bà chủ tên Tám nhưng do bán rắn lâu năm, người ta gọi chết danh. Bà Chín kể, hồi trước bán sát mặt đường được lắm nhưng giờ vô đây, bán chậm hơn.

Kể có mấy khách mối ở TP Hồ Chí Minh thường gọi điện đặt mua rắn hổ dện (hổ hèo, ráo trâu), chim trĩ, bà Chín cho tôi xem sổ tay theo dõi rồi khoe tối hôm qua, bà vừa chuyển cho một khách cả chục ký rùa, rắn hổ, chim rừng với giá gần 40 triệu đồng. Tôi hỏi nguồn gốc của nhiều loại rắn rùa, chim chóc, bà Chín nói “tất cả đều được bắt từ thiên nhiên”.

Mỗi khi bán hết hàng, con rể của bà sang Kiên Giang lấy, đem về. “Nhà tôi là đại lý rùa à nghen”, nói rồi bà lấy điện thoại mở cho chúng tôi xem hàng chục cá thể rùa ba gờ, rùa sen vàng. “Hôm qua tôi mới giao mấy tạ đó. Mấy anh cần thì gọi điện đặt trước 1 ngày, mấy trăm ký cũng có. Tôi gởi xe Kim Long, hay xe bên Vĩnh Hưng đi ngang ngày cả chục chuyến. Xe tính cước bằng vé 1 khách”.

Bà Chín còn nhiệt tình giới thiệu rắn hổ đất, rắn hổ chúa, nhím rừng và cả kỳ đà (thuộc nhóm 1B). “Kỳ đà ngon lắm, giá lại mềm. Tôi mới giao 3 con kỳ dà 43 ký cho khách nè. Kỳ đà cũng lấy bên Kiên Giang về, con nặng khoảng 7 đến 10 ký. Tôi để 430 ngàn đồng/ký thôi”.

Khi nghe tôi nhận xét “bà chủ” vui tính, bán “đặc sản” với giá cả hợp lý, lấy về bán lại cũng lời, bà Chín thấy trúng ý, nói thêm: “Đúng rồi. Mấy thứ này, tôi bán chỉ lời 20 ngàn/kg. Mấy anh em trên Sài Gòn lấy về bán, lời dữ dằn lắm, một lời một. Quan trọng nhất biết là sao không, hàng tôi bán đều là hàng tự nhiên, loài nào cũng ngon. Ngon tới mức đang ăn, ông già vợ đi ngang hổng thèm rủ luôn...”.

Hình ảnh bày bán, giết chim rất phản cảm tại “địa ngục” động vật hoang dã Thạnh Hóa mà phóng viên Chuyên đề ANTG ghi lại được.

Những chiêu trò đối phó

Hôm ở chợ chim Thạnh Hóa, tôi được kể câu chuyện dân buôn đối phó với lực lượng thực thi pháp luật, đến nỗi bắt được rái cá gần cả chục ký nhưng rốt cuộc chẳng xử được ai. Ngờ ngợ trước thông tin này, chúng tôi lập tức hẹn, xin lịch làm việc chính thức với ngành chức năng tỉnh Long An.

Quyền Chi Cục trưởng kiểm lâm tỉnh Long An Lê Hữu Lợi xác nhận vụ việc và cho biết nguyên nhân là do khi được phát hiện, cá thể rái cá đang đi lang thang trong một quầy không tên tạm bợ, không có người kinh doanh, nằm cạnh quầy bán chim cảnh của bà Hồ Thị Yên Tâm.

“Hôm đó (15-3-2020), đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản tạm giữ, sau đó chuyển cá thể nghi là rái cá này đến Thảo cầm viên Sài Gòn chăm sóc, quản lý, chờ kết quả giám định. Một tháng sau đó, Viện Sinh học nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết cá thể đó là rái cá lông mượt (Lutrogale Perspicillata). Được xác định là ĐVHD nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định pháp luật.

Nhưng mới đây, VKS thông báo cho biết vì không chứng minh được ai là chủ sở hữu, mua bán cá thể rái cá đó, cũng không chứng minh được ai có hành vi săn, bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép... nên Hạt Kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa - Tân Thạnh không thể khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”, ông Lợi cho biết.

Để có cuộc kiểm tra đột xuất và phát hiện cá thể rái cá kể trên, Cục Kiểm lâm đã cử lực lượng đội đặc nhiệm của Cục phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng 3 (đóng tại TP Hồ Chí Minh) đến hiện trường trinh sát và lên phương án. Chẳng ngờ, do lực lượng mỏng nên cuộc truy quét đã vấp phải sự chống đối quyết liệt và bằng nhiều cách của các chủ hàng buôn bán. Phổ biến nhất là cách cho các cá thể ĐVHD vào bao, nhanh chóng cho xe máy chở đi nơi khác hoặc giấu sang các gian hàng vắng chủ cạnh bên, khóa cửa lại.

Trong đợt kiểm tra bất ngờ ngày hôm đó, nhờ có sự hỗ trợ của lực lượng Công an và kiên trì vận động kéo dài 3-4 giờ đồng hồ, một gian hàng vắng chủ nằm cạnh gian hàng Yên Tâm mới được mở khóa, bên trong đó, ngoài cá thể rái cá lông mượt, còn có hơn 30 kg rắn, trong đó có mấy cá thể rắn hổ đất và 1 cá thể chồn đèn... được giấu trong các bao tải. Tại một gian hàng khác, đoàn công tác đã “bắt hụt” chủ gian hàng đang nuôi nhốt cá thể khỉ nhưng cũng thu giữ được 2 cá thể nhím, 3 cá thể chim cú mèo và nhiều chim hoang dã khác...

Sau vụ kiểm tra bất ngờ này, lãnh đạo tỉnh Long An cho biết đã nhiều lần nhận được phản ánh (cả phản ánh của chuyên gia quốc tế) trước nạn buôn bán ĐVHD, quý hiếm, việc giết mổ gây phản cảm. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra, lực lượng chức năng vào cuộc với tần suất có khi ngày kiểm tra 2 lần nhưng rất khó phát hiện, xử lý.

“Cái chợ này hồi xưa nó làm ở sát ngoài đường, ảnh hưởng đến giao thông. Khi dời vào trong, họ giấu hàng còn dữ hơn lúc ở ngoài. Lần này trên về mới bắt được động vật quý IB, chứ lâu nay anh em ở dưới chỉ bàn truy xuất nguồn gốc. Nếu không có nguồn gốc thì tịch thu nhưng lên tới nơi thì người ta đã giấu hết nên làm không được”, một lãnh đạo UBND tỉnh chia sẻ và thừa nhận: “Chưa sát thực tế do lâu nay chỉ nghe Sở NN&PTNT và UBND huyện Thạnh Hóa tham mưu và báo cáo. Hơn nữa, có thể vừa rồi, do nhiều anh em kiểm lâm bị dọa nên cũng chùn bước(?)”.

Lúng túng trong xử lý

Trong một báo cáo gửi Bộ NN&PTNT cùng UBND Đồng Tháp và Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Thạnh Hóa đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng xã hội; tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, mua bán trái phép động vật rừng thông thường, đặc biệt là các loại thuộc Danh mục nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ, nhằm răn đe các đối tượng vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Long An cho rằng phần nhiều các loài ĐVHD được bày bán tại chợ nông sản Thạnh Hóa không nằm trong danh mục quản lý của Nhà nước (theo quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Thông tư 47 của Bộ NN&PTNT...) nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong xử lý vi phạm.

Đồng quan điểm với UBND tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiến nghị Bộ NN&PTNT bổ sung các loài ĐVHD như: chim vạc, chim mỏ nhác, chim óc cao, chim trích, cò lạo Ấn Độ (Giang sen), cò trắng, cò ma, cò ruồi, cò ốc (cò nhạn), le le, vịt trời, cu gáy, cu ngói, rắn hổ hành, rắn trun,... vào Danh mục động vật rừng thông thường được ban hành kèm theo Thông tư 47. Ban hành hướng dẫn quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD không nằm trong danh mục quản lý của Nhà nước để các tỉnh thực hiện áp dụng pháp luật thống nhất, đồng bộ.

Ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp cần có sự trao đổi thông tin để đấu tranh chống các hành vi vi phạm quản lý và bảo vệ ĐVHD ở địa bàn giáp ranh. “Trước mắt, Long An tiếp tục chỉ đạo các sở ngành tỉnh và UBND huyện Thạnh Hóa tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các biện pháp thích hợp, nhằm tránh gây phản cảm với khách du lịch sinh thái khi đi ngang qua...”.

Văn bản đề ngày 16-4-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Long An nêu rõ quyết tâm như thế. Tuy nhiên, với những gì mà PV Chuyên đề ANTG ghi nhận, cho thấy dấu hiệu về sự tái nhộn nhịp như chưa hề có sự tác động mạnh mẽ nào từ công tác thực thi pháp luật vẫn đang diễn ra. 

Trong văn bản đề ngày 4-4-2020, gửi Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Long An, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết, tại Thạnh Hóa (Long An) có điểm tập kết mua bán các loài ĐVHD với số lượng lớn; một số loài ĐVHD thông thường và các loài trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm như rắn, rùa, chim các loại,... đặc biệt có chim điêng điểng (còn gọi là chim cổ rắn, Anshinga Melanogaster) thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ, cũng được bày bán.

“ĐVHD được bày bán tại đây chủ yếu được bẫy bắt từ tự nhiên tại tỉnh Long An và các tỉnh lân cận. Hiện nay, điểm mua bán này được xem là điểm dừng chân của các phương tiện qua lại trên tuyến quốc lộ, trong đó có nhiều khách tham quan du lịch và có cả khách nước ngoài. Việc bày bán ĐVHD tràn lan sẽ tạo hình ảnh phản cảm cho khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài; tạo dư luận không tốt cho tỉnh nhà và các tỉnh bạn thuộc khu vực Đồng Tháp Mười”, nội dung văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nêu rõ.

(Còn tiếp)

Binh Huyền
.
.