Cuộc chiến trên không gian mạng

Thứ Năm, 31/10/2019, 15:47
Khi viết về cuộc đấu tranh không kém phần quyết liệt đang từng ngày, từng giờ diễn ra trên không gian mạng của những chiến sĩ an ninh thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thanh Hóa, thú thực tôi không khỏi băn khoăn.

Viết về công tác của lực lượng an ninh nói chung đã luôn là một thách thức, đối với lực lượng trực tiếp đấu tranh trên không gian mạng, thì lại càng khó hơn. Bởi các anh làm rất nhiều việc cho sự bình yên trên không gian mạng nhưng lại không dễ gọi thành tên.

Những tia nắng vàng vọt cuối ngày chỉ chực như muốn tuột khỏi bậu cửa. Phó Trưởng phòng, Thượng tá Lê Việt Hồng ngẩng mặt nhìn đồng hồ. Gần 6h30 chiều. Giờ làm việc đã hết từ lâu nhưng những luồng suy nghĩ của người chỉ huy vẫn chưa rời khỏi chồng hồ sơ trên mặt bàn.

Kể từ khi tỉnh Thanh Hóa thành lập Ban chỉ đạo 94 của tỉnh và các ban chỉ đạo cấp huyện, đơn vị của của Thượng tá Lê Việt Hồng được Ban Giám đốc Công an tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện đấu tranh trên lĩnh vực rất mới và cũng đang rất “nóng” này. Vừa làm vừa vỡ ra, có những việc ban đầu tưởng như không thể giải quyết được thì bằng những biện pháp khôn khéo, đơn vị đã giải quyết vấn đề một cách phù hợp nhất.

Một buổi triển khai kế hoạch công tác của đơn vị Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thanh Hóa.

Cho đến nay, Thanh Hóa được coi là một trong những địa bàn giải quyết tốt nhất các vụ việc liên quan đến tuyên truyền, chống phá trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trên không gian mạng. Đã có những vụ việc buộc phải truy tố đối tượng ra trước pháp luật. Nhưng cũng có trường hợp, do nắm vững địa bàn, xác minh chính xác đối tượng, đơn vị đã có đề xuất xử lý hành chính, vừa có tính răn đe, lại vừa có tính giáo dục hiệu quả.

Một trong những trường hợp đó là vụ việc đối tượng Đỗ Anh Văn, SN 1986, ở thôn 8, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia. Do thiếu hiểu biết và muốn gây sự chú ý của cộng đồng mạng, Văn đã tung lên mạng YouTube đoạn ghi hình với tiêu đề “Dựng xe ngồi bên đường cũng bị công an đòi chứng minh nguồn gốc tài sản” có nội dung liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Đoạn ghi hình ngay lập tức bị những người có tâm địa xấu trên cộng đồng mạng chia sẻ, đưa ra những bình luận tiêu cực chửi bới, nói xấu lực lượng cảnh sát giao thông huyện Tĩnh Gia nói riêng và áp đặt lên lực lượng cảnh sát giao thông nói chung.

Chưa hết, đơn vị đã xác định có tới 6 đối tượng khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng sử dụng trang mạng xã hội Facebook cá nhân để chia sẻ đoạn ghi hình nói trên đồng thời có những bình luận sai trái, phản cảm, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín, danh dự của lực lượng công an.

Tiến hành xác minh về các đối tượng, triệu tập gọi hỏi trực tiếp Đỗ Anh Văn và các trường hợp liên quan nói trên, đơn vị đã làm rõ do những người này nhận thức chưa đúng, chỉ là bức xúc chung chung với lực lượng cảnh sát giao thông mà có hành vi vi phạm chứ không hẳn có mục đích chống đối nên đã đề xuất biện pháp xử lý hành chính để tạo hiệu quả răn đe và cho các đối tượng có điều kiện sửa chữa lỗi lầm.

Các đối tượng bị buộc phải gỡ bỏ các đoạn ghi hình nói trên cùng những bình luận có nội dung trái chiều, đồng thời chịu xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ với tổng mức tiền phạt là 52 triệu đồng và buộc phải đăng bài đính chính, xin lỗi trên mạng xã hội.

Có một thực tế là trong thời gian qua, các thế lực thù địch, đối tượng chống đối trong và ngoài nước ra sức chống phá trên các lĩnh vực, đặc biệt là triệt để sử dụng hệ thống thông tin, truyền thông và Internet để tuyên truyền phá hoại trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Chúng lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội để đăng tải tin bài tuyên truyền, xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước.

Các luồng thông tin xấu, độc tập trung vào những vấn đề như phê phán, đả kích, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đưa tin sai lệch về tình hình nội bộ trong nước, bịa đặt việc có sự chia sẻ, mâu thuẫn trong các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước nhằm gây tâm lý hoài nghi trong quần chúng nhân dân để tiện bề kêu gọi, hô hào kích động những người nhẹ dạ, kém hiểu biết đi theo chúng, gây mất ổn định tình hình, mất trật tự an toàn xã hội.

Cán bộ chiến sĩ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thanh Hóa luôn bám sát các hoạt động xã hội trên địa bàn.

Mỗi khi có vụ việc cụ thể xảy ra, Công an tỉnh chủ động triệu tập các cán bộ từ các đơn vị, các mảng việc có liên quan để cùng nhau phối hợp, hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng là một trong những điều mà Đại tá Dương Minh Tiến, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa luôn đau đáu. Đã là nhiệm vụ thì phải hoàn thành, đó là nghĩa vụ của người lính. Nhưng đặc thù công tác an ninh đâu phải lúc nào cũng công khai được toàn bộ công việc đã làm.

Đại tá Dương Minh Tiến là người hơn ai hết hiểu rõ nhiệm vụ nặng nề mà các lực lượng chức năng của Công an tỉnh đang phải thực hiện. Thanh Hóa là địa bàn nóng về an ninh mạng. Xác định rõ an ninh mạng là lĩnh vực an ninh phi truyền thống nên Đại tá Dương Minh Tiến cho rằng phải có những cách giải quyết phi truyền thống.

Có một điều mà những người trực tiếp tham gia vào công tác đấu tranh, đảm bảo an ninh mạng về văn hóa tư tưởng cần phải hiểu rằng trong thời đại công nghệ hiện nay, một vài thông tin tốt, chính thống về một vấn đề có khi còn chưa kịp lan tỏa thì chỉ cần một thông tin xấu, độc thôi là lập tức lan tràn, gây hậu quả tức thì. Với nền tảng công nghệ và một xã hội cởi mở như hiện nay, những thông tin xấu, độc gây nhiễu loạn đó sẽ ngày càng bị đẩy lên nếu không có sự lên tiếng kịp thời của những nguồn thông tin chính thống.

Đại tá Dương Minh Tiến luôn nhấn mạnh tính kịp thời trong xử lý thông tin. Đã có những bài học đắt giá chỉ bởi sự chậm trễ đưa ra những thông tin chính thống về một vụ việc mà khiến cho việc giải quyết hậu quả của sự lan tràn thông tin gây hại, thông tin xuyên tạc về vụ việc ấy trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Thời điểm cuối năm 2016, Công an Thanh Hóa phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện trường hợp đối tượng Nguyễn Danh Dũng, SN 1987, quê quán ở thị trấn Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa. Dũng đã lợi dụng sự kiện nóng được nhiều người quan tâm như tình hình ô nhiễm biển miền Trung; vụ việc liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài để sử dụng các thông tin, hình ảnh và các đoạn ghi hình trên các trang lề trái rồi chỉnh sửa, biên tập, viết lời bình và chèn logo Thien An TV, tung lên mạng để lôi kéo người đọc thiếu tỉnh táo.

Chưa hết, Dũng còn thay đổi các tiêu đề nội dung xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Mục đích toàn bộ việc làm này của Dũng là nhằm tạo độ “hot” trên mạng, câu “like”, câu “view” để kiếm tiền, bất chấp hậu quả. Chỉ riêng trên kênh YouTube Thiên An TV của Dũng đã thống kê được có tới hàng trăm đoạn ghi hình có nội dung xuyên tạc, phản động.

Ngày 14-12-2016, Công an Thanh Hóa đã tiến hành bắt quả tang Nguyễn Danh Dũng khi y đang thực hiện hành vi phạm tội. Ngày 16-12-2016, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Danh Dũng về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự.

Một trường hợp vi phạm được mời lên làm việc tại đơn vị.

Ngay sau khi đối tượng Nguyễn Danh Dũng bị bắt, Công an Thanh Hóa đã tham mưu cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý chặt chẽ đồng thời tiến hành chỉ đạo Đoàn Thanh niên Công an tỉnh xây dựng các bài viết tuyên truyền, phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa xây dựng video clip phát trên sóng truyền hình nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho quần chúng nhân dân trước các thông tin sai trái, thù địch trên mạng xã hội.

Đó chỉ là vài trong số những trường hợp mà Công an tỉnh Thanh Hóa tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan chức năng xử lý cương quyết, giải quyết dứt điểm trong thời gian qua. Phòng An ninh chính trị nội bộ của Công an tỉnh là đơn vị chủ công, đó là nguyên tắc. Nhưng đối với một người lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm như Đại tá Dương Minh Tiến thì luôn quan điểm rằng đối với một lĩnh vực mới và đầy phức tạp như cuộc chiến trên không gian mạng hiện nay, nỗ lực của riêng lực lượng Công an nhân dân là chưa đủ.

Địa bàn đấu tranh là không gian mạng, nhưng đối tượng đấu tranh cụ thể vẫn là con người. Bởi thế cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và làm tốt công tác tham mưu chính là để nâng sức mạnh tổng lực của cả bộ máy, cả hệ thống. Ý thức được điều này, trong thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa với mũi chủ công là Phòng An ninh chính trị nội bộ đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, Ban chỉ đạo 94 kiện toàn tổ chức, ban hành Chỉ thị 13/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường, sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh chống âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa trong tình hình mới; thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Trong khuôn khổ chỉ một bài viết, thật khó lột tả cho hết được những khó khăn, vất vả, thách thức của người chiến sĩ an ninh chuyên trách mặt trận văn hóa - tư tưởng trên không gian mạng, một lĩnh vực vô cùng mới mẻ. Xin được dùng lại lời của Đại tá Dương Như Tiến, tuy địa bàn đấu tranh mang tính trừu tượng đặc trưng là không gian mạng nhưng đối tượng đấu tranh lại rất cụ thể, đó là con người. Bởi thế, cho dù có sử dụng các biện pháp đấu tranh truyền thống hay phi truyền thống thì đối với công tác công an, vẫn luôn phải xác định phòng ngừa hơn là chống. Chỉ như thế mới có thể thành công.

Việt Ba
.
.