Cuộc giải cứu “Chúa sơn lâm” giữa thủ đô

Thứ Bảy, 19/01/2008, 10:30
Hai "ông ba mươi" đang "cưỡi" trên chiếc ôtô chuẩn bị vào... kho đông lạnh thì được Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội cứu thoát. Vụ việc thêm một lần nữa minh chứng về sự tồn tại của những đường dây săn bắt, mua bán hổ để... nấu cao.

“Vồ” hổ giữa đường

Lâu nay, trong giới “sành hổ” ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Hà Đông v.v... vẫn râm ran về một đường dây chuyên phân phối “cao hổ cốt” cực kỳ uy tín và chất lượng.

Người ta cũng kháo nhau về tên tuổi một người tên là Trượng “Dinh” vốn có thâm niên hàng chục năm buôn bán gấu và mật gấu, nay chuyển sang món hàng “hot” (hàng độc đáo, quý hiếm) là hổ và cao hổ.

Sở dĩ đường dây của Trượng “Dinh” được dân sành điệu tín nhiệm là bởi đã có người được tận mắt chứng kiến quá trình nấu cao khép kín từ A đến Z nên chất lượng cao hoàn toàn được bảo đảm. Mỗi lạng cao được bán với giá từ 6 đến 8 triệu đồng.

Thường mỗi lần “luyện cao”, phải có hàng chục đại gia chung tiền mới đủ một mẻ. Mỗi mẻ phải nấu một con hổ nặng khoảng 2 tạ trở lên (hoặc vài con hổ có tổng cân nặng tương đương).

Và hẳn đã rất nhiều người giật mình, khi ngày 9/1/008, nhiều phương tiện thông tin đại chúng loan tin về vụ án buôn bán động vật hoang dã quý hiếm ngay giữa lòng thủ đô. Hai đối tượng chính của vụ án là Nguyễn Thị Mùi và Nguyễn Quốc Trượng đã phải tra tay vào còng.

Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội phó Đội 2 Phòng Cảnh sát môi trường (PC36) Công an TP Hà Nội cho biết, việc bắt quả tang vụ mua bán 2 vị "chúa sơn lâm" trên là kết quả của một chuyên án mà phòng đã xác lập từ nhiều tháng trước.

Các trinh sát xác định được Nguyễn Thị Mùi (50 tuổi, quê Nam Định, trú tại 43, tổ 2, Mỗ Lao, Văn Mỗ, Hà Đông) và Nguyễn Quốc Trượng (44 tuổi, quê Ứng Hòa, Hà Tây, trú tại 472D phố Quang Trung, phường Quang Trung, TP Hà Đông) là 2 đối tượng quan trọng trong đường dây.

Nguyễn Thị Mùi được coi là đại lý chuyên cung cấp nguồn hàng động vật hoang dã, còn Nguyễn Quốc Trượng là chủ lò cao chuyên nghiệp chuyên nấu cao hổ và phân phối nhiều loại cao, hàng hóa động vật như tay gấu, sừng tê giác...

Trung tá Trần Quang Cường, Đội trưởng Đội 2- PC36 thuật lại: Từ chiều tối ngày 7/1/2008, hơn 20 chiến sĩ PC36 chia làm nhiều mũi mật phục tại một số địa điểm trọng yếu. Đúng 21 giờ, mũi trinh sát phục kích tại xã Tân Triều, Thanh Trì phát hiện một xe Toyota Zace BKS 29X-5613 lùi vào căn nhà số 49, quốc lộ 70 thuộc xã Tân Triều. Sau đó 3-4 người đàn ông xuống xe đi vào bên trong và khuân lên xe hai bao tải dứa nặng.

Chiếc xe vừa chuẩn bị chuyển bánh thì các trinh sát của PC36 ập đến. Qua kiểm tra xe ôtô trên, trinh sát phát hiện trong 2 bao tải dứa là 2 con hổ còn sống (trọng lượng mỗi con khoảng 50kg) đã bị bắn thuốc mê.

Nguyễn Quốc Trượng khai nhận đã mua 2 con hổ trên của Nguyễn Thị Mùi với giá 320 triệu đồng. Còn Nguyễn Thị Mùi khai nhận là mua 2 con hổ này của một người không quen biết (?!) ở Hòa Bình với giá 117 triệu đồng và nuôi được 5 tháng thì đem bán cho Nguyễn Quốc Trượng.

Trong khi lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ 2 con hổ tỉnh thuốc mê, bắt đầu vận động trong xe ôtô, một con còn thò cả đầu ra khỏi khe cửa kính xe chưa đóng. Lực lượng kiểm lâm đã phải bắn tiếp thuốc mê để khống chế 2 chú hổ này.

Ngay trong đêm, 2 con hổ đã được lực lượng PC36 Hà Nội bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội quản lý. Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng vừa ra quyết định khởi tố vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng Mùi, Trượng và hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm (theo Điều 190 Bộ luật Hình sự).

Chiến công giải cứu 2 chú hổ, bóc gỡ điểm nấu cao hổ bất hợp pháp của PC36 Hà Nội - một đơn vị mới thành lập được hơn 1 tháng thực sự là một “lễ ra mắt” ấn tượng.

Lò nấu cao trong phố

Cũng ngay trong đêm 7/1, Cơ quan Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng.

Tại căn nhà khác của đối tượng Nguyễn Thị Mùi (số 43, tổ 2, Mỗ Lao, Văn Mỗ, Hà Đông), cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ 2 hòm chứa rất nhiều cao các loại cùng nhiều sổ sách giấy tờ ghi chi tiết việc mua bán các sản phẩm từ động vật hoang dã. Ngoài ra còn phát hiện 7 con gấu loại lớn, 4 bộ tiêu bản hổ - báo nhồi bông...

Tại nhà của Nguyễn Quốc Trượng ở 472D Quang Trung, TP Hà Đông, Cơ quan Công an và kiểm lâm đã phát hiện hai lò (nghi là dùng để nấu cao hổ); lập biên bản thu giữ số lượng lớn cao động vật các loại, 1 khẩu súng săn và nhiều giấy tờ liên quan.

Khi khám xét nhà của Trượng, lực lượng chức năng rất băn khoăn vì... chưa tìm ra được những chứng cứ xác thực chứng minh việc Trượng tổ chức nấu cao ở đây.

Kiên trì kiểm tra, khám xét, đến khoảng 4 giờ sáng ngày 8-1, anh em đã phát hiện ra một nhà bảo ôn (kho đông lạnh) được ngụy trang rất khéo léo, trong đó có chứa xác 4 con hổ ướp lạnh nằm ngồn ngộn với một đống thịt hươu, hoẵng và xương lợn.

Những con hổ vừa được đưa ra từ kho đông lạnh.
Một trinh sát kể lại với chúng tôi. Vì khi ấy trời còn tối, căn phòng chứa 4 con hổ ướp lạnh lại được ngụy trang như một... công trình phụ thò ra tại phần đuôi của dãy nhà nên sau nhiều giờ khám xét mà không ai để ý.

Nhưng bằng con mắt nhà nghề, các trinh sát phát hiện có một đường dây điện rất lớn thòng từ nhà chính sang căn phòng ấy. Áp tai vào vách, các trinh sát nghe tiếng máy chạy rì rì. Đó phải chăng là tiếng máy làm lạnh? Và tại sao lại phải làm lạnh trong ấy? Câu trả lời đã được giải đáp khi cửa căn phòng được bật mở.

Trưa ngày 8/1, chúng tôi đã có mặt tại nhà đối tượng Nguyễn Quốc Trượng để chứng kiến việc đưa xác 4 con hổ nói trên về nơi tạm giữ. Mặc dù trong buổi sáng căn phòng đã được mở vài lần, song lúc các chiến sĩ PC36 vừa hé cửa thì một mùi tanh nồng bốc lên tận óc những người đứng gần.

Một số người không chịu nổi đã nôn thốc nôn tháo. Thế mà, các chiến sĩ của PC36 đã phải ngồi “canh” căn phòng này suốt từ 4 giờ sáng cho đến khi toàn bộ số hổ được đưa lên xe tải về nơi tạm giữ.

Chiếc lò được cho là dùng để nấu cao hổ.

4 con hổ đều bị đông cứng như những khối gỗ. Nhiệt độ trong buồng lạnh thường xuyên được giữ ở mức -30oC. Trong số 4 con hổ này, một con đã bị cưa làm hai. Một con dài khoảng 1 mét, một con dài 1,5 mét. Con còn lại dài khoảng 2,5 mét. Tất cả đều màu vàng - xám và đều đã bị bẻ hết răng nanh và móng vuốt. Ước tính con nhỏ nặng chừng 70kg, con to nhất nặng chừng 250 đến 300kg.

Bênh cạnh buồng lạnh để bảo quản hổ là một dãy liên hoàn chuồng gấu, nhím và 2 lò nấu cao rất “hoành tráng”. Những người dân ở xung quanh cho biết, mỗi lần nhà anh Trượng nổi lửa, hàng xóm cũng tò mò nhưng cũng chẳng ai ngờ là nhà này... nấu cao hổ! Ngay cả người tổ trưởng tổ dân phố cũng hoàn toàn bất ngờ khi biết rằng trong tổ dân phố của mình có những 2 lò nấu cao hổ!

“Ứng xử” với hổ bị chết ở vườn thú Hà Nội

Đi sâu tìm hiểu về nguồn gốc những con hổ để nấu cao của Trượng, chúng tôi phát hiện ra ngoài những lần sử dụng hổ không rõ nguồn gốc ra thì không dưới 2 lần Trượng mua hổ từ... vườn thú Hà Nội về để... nấu cao.

Chính vì thế, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo vườn thú Hà Nội. Bà Hà Thu Phương, Phó phòng Kế hoạch xác nhận, vào tháng 11/2007, Vườn thú Hà Nội đã bán cho Nguyễn Quốc Trượng một con hổ có trọng lượng 39 kg với giá 125 triệu đồng. “Đây là con hổ bị bệnh chết, vườn thú đã có đầy đủ các biên bản của cơ quan thú y, kiểm dịch chứng nhận”.

Cũng theo bà Phương thì trước đây, mỗi khi hổ chết, vườn thú thường... nấu cao luôn (!?), sau này mới bán lại cho người có nhu cầu. “Việc mua bán diễn ra dưới hình thức đấu thầu công khai, có cả nhân viên vườn thú tham gia nhưng ông Trượng đã thắng thầu”.

Bà Phương cho biết thêm, năm 2002, Vườn thú Hà Nội cũng đã bán cho Trượng một con hổ khác, nặng 150 kg với giá 150 triệu đồng. Như vậy, nếu với lời khai của Trượng và xác nhận của Vườn thú Hà Nội, phải chăng con hổ nặng 150 kg đã được để đông lạnh suốt... 5 năm?

Và theo giải thích của cán bộ Vườn thú Hà Nội, việc bán hổ này là đã thực hiện theo đúng quy định. Bởi trong giấy phép đăng ký kinh doanh do UBND TP Hà Nội cấp cho đơn vị này cho phép: “Sản xuất, buôn bán các sản phẩm trong quá trình nuôi dưỡng các loại chim thú, động vật”.

Tuy nhiên, theo Nghị định 32/2006 của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm quy định nghiêm cấm chế biến, kinh doanh động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IB (hổ thuộc nhóm này) và sản phẩm của chúng vì mục đích thương mại.

Lý giải về điều này, ông Đặng Gia Tùng - Phó giám đốc Vườn thú Hà Nội cho biết, việc bán hổ, Vườn thú Hà Nội chỉ dựa vào giấy phép đăng ký kinh doanh, và: “Chúng tôi nghĩ đó là tận thu cho cơ quan, được thành phố cho phép để dùng lại bổ sung kinh phí mua các động vật mới chứ không được sử dụng vào mục đích khác”.

Ông Tùng cũng giải thích, các sản phẩm vườn thú được bán không phải là động vật hoang dã mà là thế hệ F2 (động vật được sinh ra từ con bố mẹ từng được nuôi hợp pháp), theo quy định của pháp luật được trao đổi, nhượng bán.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, con hổ nặng 150kg, vườn thú đã bán cho Trượng năm 2002 là thế hệ F1, được đưa từ rừng về chứ không phải sinh ra tại đây. Khi chúng tôi đề nghị lãnh đạo Vườn thú Hà Nội cho xem hồ sơ gốc của con hổ bị vườn thú bán cho tư nhân năm 2002 thì ông Tùng chưa xuất trình được. Ông cho biết, cần phải có thêm thời gian để ông tìm và "lãnh đạo vườn thú còn nhiều việc để làm chứ không chỉ giải quyết chuyện mấy con hổ?!".

Một cán bộ thuộc Ban Pháp chế - Cục Kiểm lâm (Bộ NN và PTNT) cho biết, Nghị định 32 của Chính phủ đã nêu rất rõ, nghiêm cấm chế biến, kinh doanh động vật rừng nguy cấp, quý hiếm như hổ và sản phẩm của chúng vì mục đích thương mại. Trong trường hợp cụ thể là hổ ở vườn thú Hà Nội có chết, thì vấn đề này phải được báo cáo với Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội về hướng xử lý. Và thông thường, những trường hợp này thường sử dụng vào mục đích nghiên cứu khoa học.

Trong một diễn biến khác ngày 9/1/2008, PV ANTG đã có mặt tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (thuộc Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) để tìm hiểu về 2 con hổ được cứu thoát.

Ông Ngô Bá Oanh, Giám đốc Trung tâm cho biết: Chúng gồm 1 con đực (nặng 52 kg) và 1 con cái (nặng 46 kg). Hiện hai con hổ đang được chăm sóc đặc biệt vì khi đưa vào trung tâm, tình trạng sức khỏe của chúng chưa ổn định. Mỗi ngày, chế độ dinh dưỡng của mỗi con sẽ là 4-5kg thịt bò. Ngoài ra chúng sẽ được ăn thêm xương lợn, nội tạng lợn...

Cũng theo ông Oanh, qua quan sát của những người có kinh nghiệm về nuôi dưỡng động vật hoang dã, có thể dự đoán đôi hổ trên không phải là hổ hoang dã. Chúng khá dạn người và nghịch ngợm. Điều này cũng khớp với phán đoán trước đó của một cán bộ Chi cục Kiểm lâm rằng những con hổ này ít nhất cũng phải được nuôi tại nhà 10-12 tháng.

Như vậy có nghĩa là, đã xuất hiện hơn một đường dây mua bán hổ trái phép về Hà Nội, thậm chí nuôi cho nó “đủ lông đủ cánh” để chuyên... nấu cao, phục vụ cho nhu cầu của những “thượng đế” khoái món cao hổ.

Dư luận đang chờ sự xử lý thích đáng của các cơ quan chức năng đối với những người mua bán hổ và nấu cao trái phép

Minh Tiến
.
.