Cuộc săn lùng kho báu Yamashita: Cơn khát xuyên hai thế kỷ

Thứ Sáu, 26/08/2011, 10:25

Những âm mưu tranh đoạt bí mật kho báu Yamashita kéo dài hàng chục năm. Không trực tiếp dự phần nhưng do số phận run rủi, ông Trần Phương Tiệp đã vô tình quen biết và chứng kiến từ đầu chí cuối những vụ việc, con người trong các cuộc tranh giành đẫm máu ấy. Và khi đối thủ các bên lần lượt rơi rụng hết, những hiểu biết nắm được lại đốt bùng khao khát của chính ông.

Từ năm 1971  đến nay, không tính thời gian, công sức, chỉ  riêng chi phí mà ông đổ vào cuộc săn lùng kho báu Yamashita cũng đã ngang giá trị với một… kho báu  thực thụ!

Thời chống Mỹ, tuy không trực tiếp tham gia hoạt động nhưng ít nhiều, ông Tiệp cũng có cảm tình  với kháng chiến, có nhiều hành động bí mật giúp đỡ Cách mạng. Công việc làm ăn chủ yếu níu chân ông tại Bình Tuy, nhưng ông vẫn giữ liên lạc và trở  thành cơ sở cảm tình  của bà Đinh Thị Dậu, một cán bộ trí vận trong nội thành Sài Gòn.

Trong thâm tâm, ông luôn cho rằng, chuyện kho báu, nếu có thật, thì  đó chính là tài sản của quốc  gia, cần phải giữ gìn nó để trả về cho quốc gia. Sau chuyến khảo  sát tìm kho báu tại núi Tàu năm 1971 của Thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy, ông Tiệp cảm thấy cần phải làm một việc gì đó để ngăn cản, giữ kho báu giao cho Cách mạng, chờ đất nước thống nhất để khai thác.

Trong tay chúng tôi còn giữ  một bản tường trình dài 4 trang viết tay đề ngày 8/8/1986 của Trung tá Hoàng Việt, nguyên Trưởng ban Quân pháp, Bộ chỉ huy Quân sự TP HCM. Khi viết bản tường trình này, ông Việt đã nghỉ hưu, sống tại 139, Tô Hiến Thành, Q.10. Ông Việt viết tường trình theo yêu cầu của Đại tá Hồ Tấn Đắc, một cán bộ cao cấp của Bộ Quốc phòng, người có trách nhiệm liên quan trong một số chuyến khảo sát của Bộ Quốc phòng liên quan đến "kho báu Nhật Bản". Trong bản tường trình, Trung tá Hoàng Việt cho biết, năm 1971, bà Đinh Thị Dậu, mẹ của ông đã bí mật lên tận căn cứ tại Củ Chi, đề đạt nguyện vọng của ông Trần Phương Tiệp muốn gặp phía Cách mạng để trao lại toàn bộ bí mật kho báu Yamashita tại núi Tàu. Việc này, ông Hoàng Việt  đã báo cáo lại với Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Được chấp thuận, bà Đinh Thị Dậu đã dẫn ông Trần Phương Tiệp và ông Phúc, một cơ sở nội thành khác của Ban trí vận ra chiến khu gặp ông Hoàng Việt. Tại đây, toàn bộ bí mật liên quan đến kho báu - khá mơ hồ - ông Tiệp đã trình bày hết. Sau đó, qua đường giao liên của bà Dậu, một tấm bản đồ, 4 tấm ảnh địa hình và một số tài liệu khác về kho báu núi Tàu đã được chuyển ra chiến khu. Tất cả đều được ông Hoàng Việt tiếp nhận, báo cáo và nộp lại đầy  đủ cho Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định và sau này là Bộ chỉ huy Quân sự Quân khu 7.

Sau ngày giải phóng đúng một tuần, ông Trần Phương Tiệp và ông Phúc lại trực tiếp đến nhà bà Dậu để gặp Trung tá Hoàng Việt, nhắc lại chuyện kho báu. Công tác sau chiến tranh quá bận rộn nên phải gần 10 năm sau, năm 1984, một số đơn vị  thuộc Bộ Quốc phòng và tỉnh Thuận Hải mới bắt đầu vào cuộc khảo sát, thăm dò, xác minh thực hư. Có ý nghĩa nhất là báo cáo ngày 31/8/1986 về việc "có một khối lượng kim loại lớn với diện tích nhiễm từ 1.200m2" và "một số dấu vết rạn nứt nghi là hướng cửa hầm" tại sườn Đông, Đông Nam và Nam núi Tàu. Ngoài ra, những chứng cứ khác đều mờ nhạt.

Những chuyến khảo sát rải rác trong nhiều năm không đem lại kết quả đã khiến các đơn vị nhà nước và Bộ Quốc phòng lạt dần chuyện kho báu. Ông Tiệp sốt ruột, liên tục làm đơn trình bày gửi các cấp đề nghị đẩy nhanh việc tìm kiếm kho báu "trước khi nó lọt vào tay kẻ xấu". Mỗi lần đưa đơn đi, ông lại bổ sung thêm một vài cứ liệu mà ông đinh ninh là "chứng cứ xác thực". Đáng tiếc, những chứng cứ rất có sức nặng với cá nhân ông lại quá nhẹ để các cơ quan nhà nước đổ thời gian, tiền bạc vào giải quyết. Người ta khuyên ông: "Nếu Nhà nước không làm, tại sao ông không tự đứng ra xin giấy phép tìm kiếm?".

Ông Tiệp…tỉnh ngộ. Nhờ vốn tích lũy hàng chục năm ròng  với nghề buôn gỗ, ông Trần Phương Tiệp đã có một cơ ngơi khá vững chắc. Nhà riêng của ông ở địa chỉ 91/82/2 Nguyễn Trọng Tuyển được ông xây thành một…. ngôi chùa to mang tên Đông Quang Tự thay cho từ đường. Các con của ông đều rất thành  đạt, một số trở thành  những nhà tư bản tài chính cả ở trong lẫn ngoài nước, trong đó có ông T.P.B., hiện nay là CT HĐQT kiêm TGĐ một ngân hàng lớn tại TP HCM. Tiềm lực kinh tế xem ra đủ để đáp ứng cho cuộc chơi lớn của cả đời người. Niềm tin càng mãnh liệt hơn khi ông Tiệp nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của ông Lê Văn Hiền (Tám Hiền), cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thuận Hải. Từ năm 1966, ông Hiền đã giữ các chức vụ cao nhất trong Đảng và chính quyền Cách mạng của Khu 6 cũ, sau này là tỉnh Thuận Hải. Một người có vị trí công tác và trách nhiệm xã hội như ông Tám Hiền, dĩ nhiên sẽ không bao giờ để bị chi  phối bởi những chuyện hoang đường, thiếu cơ sở.

Ngày 16/10/1993, ông Trần Phương Tiệp chính thức được UBND tỉnh Bình Thuận (mới tách ra từ tỉnh Thuận Hải) cấp giấy phép đào tìm kho báu núi Tàu. Trong 2 năm sau đó, một khối đá khổng lồ có diện tích 150 x 20m, sâu 3m đã được ông thuê máy xúc, máy ủi, hợp đồng với cả  một đơn vị công binh ở Cam Ranh vào dùng mìn đánh tung lên. Thay vì đào vàng lên, tổng cộng, khoảng 2 tỉ đồng (khoảng 600 lượng vàng) đã bị ông "chôn" xuống đáy hố thăm dò ở núi Tàu. Đông Quang tự to đùng ở TP HCM cũng được ông thế chấp ngân hàng  để vay 700 triệu đồng đổ vào cuộc tìm kiếm. Kết quả: công cốc!

Đầu tháng 11/1994, cả UBND huyện Tuy Phong lẫn UBND tỉnh Bình Thuận đều tỏ ra hoài nghi về triển vọng tìm được vàng của ông Tiệp, trong khi lại hết sức quan ngại về việc ông sẽ băm nát núi Tàu làm ảnh hưởng môi sinh nên đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của  công trường. Ngay lập tức, ngày 5/11/1994, ông Tiệp đã gửi báo cáo lên UBND tỉnh Bình Thuận, thông báo (nguyên văn): "Đã phát giác ra mặt hầm. Mặt hầm che đậy bằng đá, đá tảng, đá nhỏ, cấu  kết với xi măng và vôi. Diện tích che đậy nắp hầm là 10m và 20m". Ông cho rằng "nếu lòi ra mặt hầm, không có bảo vệ sẽ rất khó cho anh em ở hiện trường" nên đề nghị tỉnh cử Công an đến bảo vệ và gửi cán bộ chuyên môn đến "để xem xét và để thảo luận chung về việc phá đá khui hầm cho Nhà nước". Ông nằng nặc đòi cho được "sự quan tâm của tỉnh", vì "huyện không có chuyên môn, không quan tâm lắm".

Được "gia hạn lòng tin", công cuộc đào bới của ông Tiệp lại tiếp tục, mệnh danh hẳn hoi là "Dự án LB" - viết tắt tên ông Lê Bửu đã quá cố. Từ đó đến năm 1999, thêm chục lần rút giấy phép rồi tái cho phép, vàng vẫn chẳng thấy đâu. Theo các báo cáo, tờ trình, đơn khẩn thiết, giấy cam đoan, bản cam kết...  mà ông Tiệp liên tục gửi đi sau mỗi lệnh cấm thì tính ra trong chừng đó thời gian, ông đã phải đào xuyên qua khoảng 10… nắp hầm, phá tung 11 vách hầm và không ít hơn 9 lần phải nhờ tỉnh cho Công an bảo vệ hầm vàng trước các nguy cơ kho báu bị cướp gây thất thoát cho Nhà nước. Diện tích và khối lượng hầm vàng ngày càng phình ra, từ 1.200m2, dày 2m đã thành một hố sâu 20m trên diện tích 3.000m2. Thế nhưng, ngoài một vài "dị vật" bằng đá mà ông gọi là "cổ vật yểm bùa", vàng thật vẫn không chịu xuất hiện. Chỉ có "vách hầm vàng" là xuất hiện rất nhiều lần, liên tục bị ông cho thợ đào xuyên qua để thấy rất  rõ sau vách hầm đá cũng chỉ lèn cứng toàn là… đá. Vậy là năm 1999, ông lại bị tỉnh Bình Thuận trục xuất và đóng cửa công trường.

Dù sao cũng có một niềm an ủi. Hơn 15 năm (tính từ năm 1984) cật lực tìm kiếm, tuy chưa tìm được vàng nhưng ông lại có thêm được… một cậu con trai khi đã xấp xỉ tuổi bát tuần!

Ông Tiệp ký biên bản đình chỉ thăm dò và trục xuất khỏi núi Tàu (2003).

Vẫn chưa hết. Dù chính thức rời bãi vàng từ năm 2000 nhưng ông Tiệp vẫn thuê hai cha con ông Bành Hoài Hơn và Bành Hoài Vân tiếp tục dựng chòi ở lại trên núi Tàu để canh giữ và đào bới thăm dò kho báu. Tháng 10/2000, ông Bành Hoài Hơn báo tin động trời: cha con ông tự moi một cái hố sâu khoảng 1m thì phát hiện nắp hầm của kho báu! Khi trời mưa, dòng nước mưa tập trung chảy xối vào miệng hầm. Đưa radio và đồng hồ đến "miệng hầm" thì radio mất sóng và đồng hồ ngừng chạy!

"Cơn khát" lại bùng lên dữ dội, kéo ông Tiệp quay lại núi Tàu. Lần này, ông Lê Văn Hiền đã chính thức đi cùng và hùn vốn với ông Tiệp. Sau khi kiểm tra tường tận ông đã có báo cáo gửi một số ban ngành trung ương và địa phương rằng không hiểu sao việc phát hiện ra nắp hầm lại…. bị lộ. Có hàng loạt những "dấu hiệu bất thường" xung quanh "Kho báu Yamashita": có một công ty nước ngoài đến thuê đất dưới chân núi Tàu, hàng đêm xe cơ giới hoạt động rầm rộ, pha đèn sáng rực; công ty này cũng đã khoan thăm dò hàng loạt mũi khoan dưới chân núi; có rất nhiều người lạ mặt xuất hiện quanh khu vực…!

Ngày 14/8/2001, Ủy Ban nhân dân và Công an tỉnh Bình Thuận đã cử người đến xác minh. Tại "cửa hầm", radio vẫn nói ra rả  như… đài, đồng hồ chạy đều 60 phút một giờ! Dưới chân núi, từ tháng 9/2000, Công ty Tonec đã bắt đầu triển khai dự án nuôi tôm, thuê Công ty Bạch Đằng đến xúc đất làm đường và thuê Đoàn Địa chất TP HCM để khoan thăm dò nguồn nước và chất đất. Làm cả ban  đêm, hiển nhiên phải ….thắp đèn sáng rực!

Thôi được, không bất thường thì… bình thường cũng chẳng sao. Nhờ uy tín của  ông Tám Hiền, UBND tỉnh Bình Thuận lại cấp giấy phép cho họ. Cuối năm 2002, niềm tin chưa bao giờ suy suyển của họ được "gia cố" bởi sự xuất hiện và trợ giúp của  Hoàng Thanh Trường sinh năm 1959 ngụ ở xã Thanh Cù, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, như lời tự giới thiệu là nhà khảo cổ học kiêm luôn nhà ngoại cảm, đi cùng một người đàn ông khác tên Sĩ, tự giới thiệu là đại úy quân đội, chuyên viên cao cấp về hóa chất sinh học!

Cùng với việc xuất hiện của họ, hàng loạt vật cổ có hình dạng kỳ dị cũng lần lượt được tìm thấy gồm một phiến đá hình gan gà nhỏ hình dạng uốn éo kỳ như đồ trưng cúng, một thanh kiếm mà theo Hoàng Thanh Trường là thanh kiếm của… Nhật hoàng, chứng tỏ chắc chắn sự có mặt của quân đội Nhật trên đỉnh núi này. Lưỡi kiếm đã rỉ sét nhưng cán kiếm bằng đồng có nạm đầu rồng vẫn nguyên vẹn. Phấn khởi, mọi yêu cầu của "nhà ngọai cảm" đều được ông Tiệp và ông Hiền đáp ứng. Mọi chi phí ăn ở, đi lại, "chạy việc" của ông Trường và "đại úy" Sĩ đều được họ ứng trước và thanh toán vui vẻ.

Theo chỉ dẫn của các "quý nhân", hàng trăm triệu đồng đã được hai ông Tiệp, Hiền đổ ra để đục đá, để đưa cho Trường và Sĩ mua "hóa chất làm nhũn đá" nhằm chạy đua với thời hạn giấy phép đã cận kề. Thầy trò "nhà ngoại cảm" còn bắt hai ông già gần 90 tuổi chi tiền cho họ vào TP HCM, ra Hà Nội để liên hệ với các cơ quan khoa học, vài "vị tướng" và Bộ Chỉ huy Quân sự Quân khu 7 thuyết phục hợp tác. Không ai nhận lời, không vị tướng nào xuất hiện. Đúng hẹn bật nắp kho báu, xuyên "hầm chui", phá "hầm nghi trang" và "lỗ thông hơi" thì đột ngột "nhà ngoại cảm" phải về Hà Nội gấp để "bàn giao 60 bộ hài cốt liệt sĩ, xong quay lại ngay". Ứng trước của hai ông lão một khoản tiền lớn, họ đã… một đi không  trở lại. Chờ mãi không thấy, hai ông già bất đắc dĩ đã phải gửi đơn kiện hai tên lừa đảo. Đầu năm 2003, không chờ đợi được lâu hơn, UBND tỉnh Bình Thuận lại rút giấy phép và hộ tống (thực chất là trục xuất cả hai ông) rời khỏi công trường.

Sau 7 năm nghiền ngẫm, cuối năm 2010, ông Tiệp lại tìm được "những chứng cứ mới xác thực". Tự tin đến mức, ông đã từng gặp phóng viên ANTG tại tòa soạn và quả quyết rằng: "Cái nhà anh Tổng thống Philippines F.Marcos rõ ràng là nói dối. Kho báu Yamashita của Philippines đâu có nhỏ hơn kho báu ở Việt Nam mà dám bảo trị giá  có 3,2 tỉ USD. Ít ra cũng phải 100 tỉ chứ".

Dĩ  nhiên, với một ông lão đã 96 tuổi, chúng tôi sẽ không dám tranh luận. Kho báu mà ông đề cập chưa mở cửa, chúng tôi sẽ không bình luận gì thêm. Tuy nhiên, đó là điều mà chúng tôi cho rằng rất đáng để quan tâm theo dõi. Hy vọng, không lâu nữa sẽ có thêm chi tiết mới để chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc

Nguyễn Hồng Lam
.
.