Cuộc săn lùng kho báu Yamashita sôi động trở lại

Thứ Ba, 16/08/2011, 18:10

Cuối tháng 7/2011, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định giao cho Sở Văn hóa - Truyền thông và Du lịch tỉnh này lập phương án cho phép một số cá nhân được khoan thăm dò "lần cuối cùng" để tìm kho báu Nhật Bản tại núi Tàu, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong. Theo "dự án", việc khoan thăm dò sẽ được tiến hành vào giữa tháng 8/2011.

Một lần nữa, huyền thoại về một kho báu khổng lồ có thể lên đến hàng trăm tấn vàng đang được chôn giấu lại đốt sôi hy vọng  của không ít người, khiến dư luận lại sắp bước vào  một phen sấp ngửa.

KỲ I: SỐ 13 ĐỊNH MỆNH

"Nhóm cá nhân" được cấp giấy phép săn lùng kho báu lần này do ông Trần Phương Tiệp ngụ tại đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, TP HCM dẫn dắt. Vai trò "người phát ngôn" cho "dự án thế kỷ" do bác sĩ Ngô Xuân Quýnh, ngụ tại  phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đảm trách. Những cuộc thương thảo, lo thủ tục giấy tờ, ông Tiệp cũng giao phó hết cho bác sĩ Quýnh, dù ông này đã tuổi cao sức yếu, 83 tuổi. Không có sự  lựa chọn nào khác, bởi ông chủ dự án Trần Phương Tiệp còn… già hơn rất  nhiều. ông  tuổi Ngọ, sinh năm 1918. Trong  giấy tờ, ông bảo vì "tiện cho việc làm ăn", ông đã khai tăng 3 tuổi, thành sinh năm 1915, nghĩa là khi dự án bắt đầu thì ông đã... 96 tuổi.

Logic của cụm từ "lần cuối cùng", đối với tuổi tác "người thợ săn kho báu" Trần Phương Tiệp thì tuyệt nhiên là quá đúng. Nhưng đối với toàn bộ cuộc săn tìm, chúng tôi không dám chắc, bởi "lần cuối cùng" đã diễn ra hàng chục lần trong suốt 66 năm, kể từ ngày huyền thoại "kho báu Yamashita” xuất hiện.

Bản thân tác giả loạt bài viết này cũng đã theo đuổi thông tin về kho báu Yamashita cùng ông Trần Phương Tiệp đúng 13 năm, kể từ năm 1998. Thật ngẫu nhiên, chúng tôi nhận ra rằng,  đó là khoảng thời gian tròn một chu kỳ trong chu kỳ đã 5 lần xuất hiện rầm rộ của những đợt săn tìm kho báu Yamashita. Số 13 trở nên định mệnh.

Câu chuyện bắt đầu vào khoảng tháng 3/1945. Chiến tranh thế giới thứ II sắp vào  hồi chung cuộc. Đoán biết trước kết cục thảm bại, quân đội Nhật Bản chủ trương tận thu, vơ vét tất cả những gì có thể, từ bạc vàng châu báu, kiệt tác nghệ thuật, đồ cổ  cho đến những tài nguyên quý hiếm  của nhiều nước bị chiếm đóng tại khu vực châu á - Thái Bình Dương đưa xuống tàu chở về đảo quốc mặt trời mọc. Quân Đồng minh ráo riết ngăn chặn. Cứ 10 tàu chở hàng đi thì có tới 8 chiếc bị trúng bom của quân Đồng minh. Một số đắm xuống đáy biển, số khác  phải hủy bỏ hải trình, quay lại bờ biển gần nhất của một số quốc gia Đông Nam Á. Theo lệnh của Đô đốc Tomoyuki Yamashita, Tư  lệnh quân đội Nhật ở châu Á - Thái Bình Dương, số bạc vàng châu báu không thể mang đi được, quân đội Nhật đã bí mật chôn giấu lại tại các rặng núi ven biển, nơi các con tàu không thể kết thúc chuyến hải hành buộc phải tấp vào.

Ở Việt Nam, người chịu trách nhiệm chính trong việc thiết lập các kho báu là Đại tá Io Yoshido. Đích thân Đô Đốc Yamashita đã gặp gỡ, bàn bạc và giao nhiệm vụ tuyệt mật cho viên sĩ quan cao cấp này, sau đó tự mình cùng đến  tận nơi để kiểm tra địa điểm chôn giấu. Mỗi kho báu được lập một tấm bản đồ vị trí, không có bản sao, giao  cho một sĩ quan  bí mật khác cất giữ. Trong toan tính, cả Đô đốc Yamashita lẫn các sĩ quan thuộc hạ trung thành đều kỳ vọng sẽ có ngày  quay trở lại để độc chiếm kho báu này.

Nhưng lịch sử đã không cho họ cơ hội. Thay vào đó, huyền thoại về "Kho báu Yamashita" đã trở thành "cơn khát thời đại", đẩy hàng ngàn, hàng vạn con người giàu tham vọng ở các quốc gia Đông Nam á có bờ biển vào những cuộc phiêu lưu, tìm kiếm và tranh giành khốc liệt. Cho đến nay, chỉ duy nhất gia đình cố Tổng thống Indonesia Ferdinand Marcos là được ghi nhận đã từng tìm thấy một trong số những kho báu Nhật Bản. Không có công bố chính thức, nhưng những lời đồn đoán của giới truyền thông quốc tế  đã thổi số bạc vàng châu báu tìm được này lên tới giá trị khổng lồ: 3,2 tỉ USD!

Sau Hiệp định Geneve 1954, ông Tiệp làm nghề khai thác và chế biến gỗ tại khu vực Căn cứ 5, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy (nay thuộc Bình Thuận), chung vốn  với một chủ xưởng là ông Năm Thuận. Trước  năm 1945, Năm Thuận đeo lon trung uý, là sĩ quan thông ngôn của quân đội Nhật. Chính ông ta đã phiên dịch cho Đô đốc Yamashita, Đại tá Io Yoshida và một số quan chức  tai to mặt lớn, tay chân thân tín người Việt về chuyện chôn kho báu tại Bình Thuận. Ngoài  nhiệm vụ phiên dịch, Năm Thuận không được phép tham gia gì thêm cũng không được đi đến nơi chôn giấu để tận mắt nhìn thấy vị trí những kho báu. Nhưng địa điểm chung chung thì ông Năm Thuận biết. Chúng nằm ở 3 nơi: một ở Núi Lớn, Vũng Tàu; một ở núi Tàu, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; và "kho báu thứ 3" nằm ở rừng núi giữa hai xã Suối Kiết và Sông Phan, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Tuy. Vì là bạn làm ăn thân thiết, Năm Thuận đã tiết lộ với ông Tiệp.

Đợt sóng săn tìm kho báu Yamashita đầu tiên ở Việt Nam diễn ra đúng 13 năm sau, kể từ ngày  nó được chôn giấu. Người khởi động nó là "ông cố vấn" Ngô Đình Nhu khét tiếng. Bắt đầu từ năm 1958, khoảng tháng 1 lần, Ngô Đình Nhu lại tổ chức một chuyến đi săn ban đêm vào các khu vực rừng ở Tánh Linh. Ông Phan Nghỉ, hiện nay sinh sống trên đường Nguyễn Kiệm, Gò Vấp, nguyên là địa điểm trưởng chi khu dinh điền Suối Kiết thuật lại: đoàn đi săn thường xuất hiện không hề báo trước vào khoảng 21 giờ. Ngô Đình  Nhu đi xe jeep mui trần có thiết kế đặc biệt. Trên mui xe lắp một giàn đèn cực sáng và một giàn súng săn đặc biệt 6 nòng, có 4 xe thiết giáp hộ tống và khoảng 10 xe khác tháp tùng. Tuy đi săn nhưng ông cố vấn không hề chạm tay vào cò súng, chỉ lúi cúi nghiên cứu bản đồ và hí hoáy ghi chép. Khoảng 4 giờ sáng, sau khi quần đảo khắp các khu vực rừng mà không bắn con thú nào, đoàn đi săn lại lập tức quay về Sài Gòn. Chính ông Nhu đã từng gọi ông Phan Nghỉ lên ra lệnh cấm tiết lộ  bất kỳ chi tiết nào về các cuộc đi săn trong chi khu dinh điền mà ông được giao quản lý.

Để tiện cho việc kiếm tìm, Ngô Đình Nhu đã không ngần ngại gọi Lê Văn Bường, cựu đại úy Quận trưởng quận Tiên Phước, Quảng Nam, người đang bị lột lon chờ ra tòa vì tội chỉ huy gây ra vụ thảm sát Cây Cóc giết  chết hơn 100 thường dân, gây căm phẫn về gắn cho quân hàm thiếu tá, giữ chức tỉnh trưởng Bình Tuy vừa thành lập tháng 3/1957. Những tài liệu, bản đồ mà Nhu nghiên cứu chính là những bức không ảnh do Bường điều động chụp theo chỉ dẫn của một vị già làng Suối Kiết. Ông già này là người duy nhất sống sót trong số 20 người được Nhật "thuê" đi chôn giấu kho vàng. Chôn xong, 19 người còn lại đều bị lính Nhật giết chết bằng kiếm.

Trước những chuyến đi săn này không lâu, ông Năm Thuận đã được chính tay sĩ quan Nhật Bản đang giữ kho báu bí mật tìm gặp và nhờ môi giới để giới thiệu với Lê Văn Bường, từ đó tìm cách gặp Ngô Đình Nhu bán lại tấm bản đồ kho vàng Suối Kiết do quân đội Nhật vẽ. Hoàn tất phi vụ, viên sĩ quan này được Ngô Đình Nhu mời uống cà phê. Chưa kịp cạn hết ly, ông ta đã lăn đùng  ra… chết.

Chu kỳ 13 năm tiếp theo không diễn ra tại kho báu huyền thoại thứ hai, nằm ở núi Tàu, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ngọn núi này khá thấp nhưng lởm chởm đá, nằm ngay bên Quốc  lộ 1A, đối diện với cổng Nhà máy nước  suối Vĩnh Hảo. Mặt Đông của núi hướng ra biển, nơi có hòn Lao Câu nằm cách bờ khoảng 4 hải lý. Đó là nơi năm 1945 từng có một tàu chở hàng của Nhật bị bom của quân Đồng minh đánh đắm.

Ông Trần Phương Tiệp rời công trường tìm kiếm kho báu tại núi Tàu sau khi bị cưỡng chế năm 2003.

Tháng 3/1971, Thượng nghị sĩ kiêm tỉ phú Hoàng Kim Quy đã dẫn đầu một đoàn cả dân sự lẫn quân sự nhiều lần dùng trực thăng đổ người xuống đào xới, thăm dò trên đỉnh núi Tàu. Dẫn đường  cho những chuyến thăm dò là một tay trung đội trưởng bảo an người địa phương. Bố của ông này trước năm 1945 là công nhân gác ghi của Đề pô xe lửa Vĩnh Hảo, cách núi Tàu không xa lắm. Ông đã phát hiện, suốt 18 đêm liền, lính Nhật đã phong tỏa chặt núi Tàu và chuyển lên đó rất nhiều những thùng nặng. Suốt 18 đêm đó, đỉnh núi luôn sáng choang ánh điện. Tò mò, về sau người công nhân này đã nhiều lần đưa con trai mình bí mật bò lên núi Tàu thám thính. Đến lượt người Trung đội trưởng bảo an này lại cũng nhiều lần dẫn con trai mình là Trương Văn Ánh, sinh năm 1956 nhiều lần bò lên đỉnh núi. Chỉ hoài công. Trên đỉnh núi chỉ toàn đất đá và những bụi cây còi cọc không có gì đáng khả nghi. Thế nhưng, sau những chuyến khảo sát năm 1971, Thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy đã cho đổ cọc bê tông đánh dấu một số vị trí phía sườn Đông Nam của núi Tàu.

Thêm 13 năm nữa, bắt đầu từ mùa hè năm 1984, lại có thêm một đợt khảo sát mới do một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện. Trong một lần tiếp xúc với chúng tôi vào năm 2004 tại nhà riêng trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM, ông Lê Văn Hiền, nguyên Bí thư Tỉnh  ủy tỉnh Thuận Hải (cũ) đã khẳng định: những chuyến khảo sát của Bộ Quốc phòng là hoàn toàn có cơ sở. Trước đó, theo tài liệu và yêu cầu, tỉnh Thuận Hải đã cho người nhái lặn khảo sát con tàu Nhật bị đắm ở đảo Lao Câu. Cả một con tàu khá lớn bọc sắt nhưng bên trong rỗng ruột  chỉ còn lại 76 thỏi ăngtimoan. Giả thiết vàng bạc châu báu được quân đội Nhật bốc dỡ đưa vào núi Tàu chôn giấu là khá thuyết phục. Nếu không, chỉ với lượng ăngtimoan ít ỏi, có lẽ nó đã không đáng để máy bay Đồng minh ráo riết tầm nã và đánh đắm.

Sau nhiều đợt khảo sát bằng máy dò cạn Forstep TYP 4051, ngày 31/8/1986, nhóm chuyên viên Bộ Quốc phòng đã có "phúc trình về kết quả dò bom" trên núi Tàu, có nội dung: "Có một khối lượng lớn với diện tích nhiễm từ xấp xỉ 1.200m2. Tại sườn chiều cao theo hướng Đông, Đông  Nam và hướng Nam có dấu vết rạn nứt… nghi là hướng cửa hầm".

Đó cũng chính là hướng mà ông Trần Phương Tiệp đã đổ xuống hàng tỉ đồng để đào bới dò tìm nhiều đợt, và đợt cao điểm nhất bắt đầu năm 1997, sau chuyến khảo sát của nhóm chuyên viên đúng 13 năm. Để đưa được một lượng lớn nguyên vật liệu, nhân công, xe cơ giới lên  đỉnh núi, ông Tiệp đã bỏ cả núi tiền bạt quanh chân núi làm hẳn một con đường dài 1,5 km. Hàng chục lần xin giấy phép, hàng chục lần bị thu  hồi, khoét  sâu hoắm vào lòng núi hơn 40m, tiêu tốn hàng tỉ đồng vẫn công cốc. Nhưng ông Tiệp vẫn không nản, vẫn khư khư giữ  lại "tấm bản đồ" kho báu  mà bằng cách nào đó, ông  đã có trong tay từ  hơn nửa thế kỷ. Hàng chục người, cả Việt lẫn Nhật đã từng thuyết phục mua lại tấm bản đồ với giá hàng trăm ngàn rồi cả triệu USD nhưng ông dứt khoát không bán.

Niềm tin của ông càng ngày càng mãnh liệt hơn, nhất là sau "chu kỳ thứ 13 lần thứ 4", bởi ông được chính ông cựu Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Hiền góp vốn và cùng tham gia săn đuổi kho báu mang tên viên Đô đốc người Nhật. Mọi chuyện chỉ tạm dừng lại vào đầu năm 2003. Ông Hiền  và ông Tiệp bị một nhóm giả danh khoa học lừa đảo, tình nguyện làm cố vấn khoa học khai thác kho báu núi Tàu. Sau khi cuỗm của hai ông già tuổi xấp xỉ cửu tuần hàng trăm triệu, chúng biến  mất. Quá già yếu để truy đuổi và trừng phạt, ông Trần Phương Tiệp và  ông Lê Văn Hiền đã thu dọn hành lý, nhặt vài cục đá bỏ tay nải và lặng lẽ rời núi Tàu sau khi bị UBND tỉnh Bình Thuận  thu hồi giấy phép và cưỡng chế giải tán công trường.

Nhưng chưa kết thúc. Vào cuối năm 2010, lại 13 năm tiếp theo, chu kỳ thứ 5 lại đến với những chứng cứ mới. Ông Tám Hiền đã quy tiên. Lần này bạn đồng hành của "đại lão giang hồ" Trần Phương Tiệp là bác sĩ Ngô Xuân Quýnh. Họ lại có được giấy phép… để bắt đầu cuộc săn lùng mới không biết ở đâu, khi nào mới đến hồi kết thúc

(Còn nữa)

N.H.L.
.
.