Cuộc thi người đẹp HIV: Vượt qua nỗi đau để là chính mình…

Thứ Hai, 22/11/2010, 09:15
Tại chung kết Liên hoan "Dấu cộng duyên dáng", đúng 20h, khi ánh đèn chiếu sáng bừng trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội, 15 tà áo dài lần lượt bước ra, thướt tha, dịu dàng, e ấp… Dưới khán đài, hàng tràng vỗ tay rộ lên, khích lệ. Những thí sinh đến từ 10 tỉnh, thành phía Bắc, (thí sinh trẻ nhất 27 tuổi, và lớn tuổi nhất 39 tuổi), trong số đó, đa phần lần đầu tiên trong đời đi những đôi guốc cao lênh khênh và sải bước trên sân khấu tưng bừng, rực rỡ để đến với một cuộc thi hương sắc.

Nhưng điều đặc biệt hơn là tất cả trong số họ đều đang mang trong người mầm bệnh HIV.

Họ, “những dấu cộng duyên dáng” đã gạt mọi nỗi đau đến tột cùng để đối mặt với sự thật, chiến thắng chính bản thân, bước qua sự phân biệt đối xử, mọi rào cản e dè ngại ngùng, công khai danh tính, từ bóng tối bước ra ánh sáng…

"Người đẹp có H" - Tại sao không?

Duyên cớ thế nào, ở dưới hàng ghế khán giả, ngồi ngay cạnh tôi là một người đàn ông dáng vóc nhỏ bé, khuôn mặt có phần khắc khổ. Ngay từ lúc đầu, anh cứ nhấp nhổm không yên, khi MC chương trình mời thành phần Ban tổ chức (BTC) lên phát biểu, người đàn ông này thoăn thoắt bước lên sân khấu để nói lời mở màn cho chương trình. Giọng anh run lên, có lẽ vì xúc động, cả thân hình nhỏ bé cũng run rẩy, xiêu vẹo. Sau khi quay trở về hàng ghế, trong hai tiếng đồng hồ của cuộc thi, tôi thấy anh là người cổ vũ nhiệt tình nhất cho các thí sinh. Như thể những thí sinh đó là vợ, là bạn gái, là chị gái, là em gái..., là những người ruột thịt thân thiết nhất của anh.

Đến tận cuối chương trình, vô tình cô bạn đồng nghiệp bên cạnh tôi hỏi chị Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, Trưởng BTC cuộc thi, "Tại sao là Trưởng BTC, chị không lên phát biểu khai mạc lại để Phó BTC lên phát biểu, anh ấy run quá...?". Chị bảo: "Đây là cuộc thi của những người bị nhiễm HIV, vậy thì để chính những người trong cuộc, nói lên tiếng nói của chính họ, như vậy sẽ có tác dụng tốt hơn và hợp lý hơn...".

Người đàn ông đặc biệt này có cái tên khá lạ, Ong Văn Tùng, điều phối viên của mạng lưới Ngày mai tươi sáng tại Hà Nội, một trong những người đầu tiên đưa ra ý tưởng về cuộc thi hoa hậu cho những người nhiễm HIV ở Việt Nam. Tôi hỏi anh, ở Việt Nam có nhiều phụ nữ mắc căn bệnh thế kỷ, nhưng tại sao thể lệ cuộc thi của BTC chỉ có giới hạn độ tuổi đến 39, như vậy có phải là thiệt thòi cho phụ nữ tuổi trung niên hay không? Đây là một cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp của lòng dũng cảm và nghị lực thì không nên giới hạn về độ tuổi. Vả lại, càng không nhất thiết phải nói đến số đo 3 vòng của các thí sinh.

Anh phân trần, đã là một cuộc thi về vẻ đẹp của người phụ nữ thì bao giờ cũng cần giới hạn về tuổi. Ngay từ đầu BTC chỉ định số tuổi của thí sinh từ 18 đến 30, nhưng hồ sơ nhận được ít và không hợp lệ nên đã tăng đến độ tuổi 40. Vậy là trong hơn 110 bộ hồ sơ đã chọn lựa ra được 15 thí sinh tại 10 tỉnh, thành phía Bắc. 15 thí sinh với 15 thân phận đặc biệt và mảnh đời khác nhau, họ đều có một niềm đau chung, mang trong mình căn bệnh mà xã hội ít nhiều kỳ thị, xa lánh. Đó là những tấm gương của nghị lực sống, những mảnh đời bất hạnh ấy đã khát khao vươn lên không ngừng, sống có ích cho mình và cho xã hội.

Ông Michael Michalak - Đại sứ Hoa Kỳ, Hoa hậu Thể thao 2007 Trần Thị Quỳnh trao giải và chụp ảnh chung với Á hậu, Hoa hậu.

Ngồi cạnh anh, tôi hỏi đâu là ý tưởng để mở cuộc thi này, anh khẳng khái: "Đại dịch HIV/AIDS đang có xu hướng gia tăng và lan nhanh ra cộng đồng, tại Việt Nam, sự phân biệt đối xử với những người có HIV vẫn diễn ra khá phổ biến mọi lúc, mọi nơi. Dẫn tới người có HIV không dám công khai tình trạng của mình để tiếp cận các dịch vụ như chăm sóc, hỗ trợ về y tế. Người có HIV chưa đủ tự tin và cảm thấy an toàn để gặp gỡ và chia sẻ thông tin với những người cùng cảnh ngộ. Tại nhiều địa phương, nhu cầu của những người có HIV mong muốn được gặp gỡ, hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau là rất cần thiết. Cuộc thi là sự khởi đầu mang một ý nghĩa tốt đẹp, đem lại lợi ích chung cho cộng đồng những người đang bị bệnh đối mặt với thực tại, với cuộc sống thường nhật, hoàn toàn không né tránh. Điều đó cũng giúp người bị bệnh sống thanh thản và đường hoàng hơn".

Bước qua bóng tối...

Trước khi nộp đơn dự thi, em hỏi con gái: "Mẹ đi thi nhiều người biết mẹ có HIV con có buồn không? Có lo mọi người xa lánh không?". Con gái em bảo: "Con không buồn, không lo đâu, mẹ có bệnh chứ tội tình gì đâu". Vậy là em yên tâm đi thi. Đấy là những lời tâm sự của Nguyễn Thị Chưng (sinh năm 1978) quê tại Vân Đồn, Quảng Ninh, hiện nay đang kinh doanh hàng mỹ phẩm và làm tiếp cận viên cộng đồng.

Còn với cô gái ở đất Lương Sơn, Hòa Bình, Bùi Thị Hiền (sinh năm 1985) làm nông nghiệp, thành viên nòng cốt của “Câu lạc bộ chia sẻ” trút bầu tâm sự: "Em tham gia mọi hoạt động để được gặp gỡ học hỏi và chia sẻ. Em cố gắng không phụ lòng tin của mọi người, chứng tỏ mình có thể làm được như bao người khác, để mọi người trong xã hội có cái nhìn khác về những người đang sống chung với HIV".

Đôi mắt long lanh, ánh lên những tia nhìn rắn rỏi, Quàng Thị Nguyệt (sinh năm 1983), ở Điện Biên, hiện đang làm việc tại Văn phòng Tiếp cận cộng đồng huyện Tuần Giáo thổ lộ: "Tỉnh em hiện có nhiều người sống chung với HIV, họ chưa có được hiểu biết về HIV và còn bị kì thị, đặc biệt là bà con dân tộc. Em nghĩ là không vì có HIV mà sống kì thị với bản thân nên em tham gia cuộc thi để chia sẻ với mọi người".

Đêm chung kết cuộc thi này có hai thí sinh lớn tuổi nhất đều sinh năm 1972 cùng ở tại Phú Lương, Thái Nguyên là Nguyễn Thị Liễu và Nguyễn Thị Tình. Nguyễn Thị Liễu kinh doanh hàng tạp hóa và vật liệu xây dựng, còn Nguyễn Thị Tình làm nông nghiệp, chăn nuôi, tham gia tuyên truyền phòng chống HIV. Chị Tình tuy mắc bệnh đã 10 năm, và cậu con trai thứ hai của chị năm nay 9 tuổi cũng đang mắc căn bệnh giống như mẹ. Dù bệnh tật nhưng dường như nhan sắc của chị vẫn không hề tàn phai, vẻ đẹp mặn mà của người phụ nữ đang vào độ tuổi chín đằm trông thật quyến rũ.

Tôi lại bên chị trò chuyện, chị bảo: "Tôi nghĩ đi thi sẽ gặp gỡ giao lưu với nhiều người, được học hỏi kinh nghiệm chống lại bệnh. Nếu được nhiều người biết đến sẽ được tham gia nhiều chương trình, học nhiều kiến thức để giúp đỡ những anh em bạn bè cùng hoàn cảnh...". Còn chị Liễu thì đầy mạnh mẽ: "Không ai thích mang bệnh tật của mình ra khoe làm gì. Nhưng thật phấn khởi vì có cuộc thi để cộng đồng hòa đồng với người có HIV, nên chồng tôi cũng động viên tôi đi thi cho thoải mái tinh thần, tự tin sống cho gia đình và cho xã hội".

Những người đẹp trên sân khấu trong đêm Chung kết.

Đến cuộc thi, mỗi thí sinh có một tâm trạng khác nhau, Nghiêm Thị Lan (sinh năm 1980) sinh sống tại Kiến Xương, Thái Bình: "Nhiều người có HIV sai lầm khi giấu kín bệnh của mình. Họ tưởng rằng mất công việc, bị kỳ thị, khó khăn trong việc học hành của con cái là mất hết, nhưng như vậy họ sẽ không nhận được hỗ trợ, đùm bọc của mọi người, gia đình và xã hội". Chính người phụ nữ bản lĩnh này đã nhận được giải Ứng xử hay nhất, khi trả lời câu hỏi: "Bạn sẽ nói gì nếu có người nói nhiễm HIV là chấm hết?". Lan trả lời đầy tự tin và dí dỏm: "Bản thân tôi đã sống chung với HIV được 10 năm, cũng như con trai tôi. Trong thời gian đó, có người nói với tôi nhiễm HIV là chấm hết, nhưng không phải thế. Tuy tôi có H 10 năm nay nhưng tôi vẫn khỏe mạnh, vẫn xinh đẹp, vẫn duyên dáng. Những người nhiễm H đến giai đoạn cuối có những dịch vụ y tế, được chăm sóc, được điều trị ARV miễn phí, có thể vẫn xinh đẹp, vẫn duyên dáng được 10 năm, 20 năm. Chúng ta, những người có H, có thể tuyên truyền cho người khác HIV là như thế nào, có thể tiếp thêm sức mạnh cho người có H có thêm nghị lực để sống tốt hơn cho bản thân và xã hội".

Một mong ước chung của nhiều người có HIV được thí sinh Tô Thị Tuyết (Bắc Giang) chia sẻ trên sân khấu, đã làm cho cả khán phòng trùng xuống vì xúc động, thương cảm: "Mối quan tâm lớn nhất của tôi là việc làm, bởi có việc làm thì những người có H có thu nhập, có hỗ trợ cho con cái, bản thân... Tôi từng có việc làm nhưng vì khi biết tôi mắc bệnh nên tôi bị mất việc làm. Nhiều người có H đã không được tham gia các cơ quan, đoàn thể và doanh nghiệp địa phương, họ phải tìm cho mình một công việc, dù ở xa nhà. Chính vì đi làm ăn xa làm ảnh hưởng rất nhiều đến tuân thủ điều trị với những người có H. Trước khi đến với cuộc thi này, tôi rất hy vọng nhiều người giảm kỳ thị với những người có H để họ có việc làm, cống hiến cho xã hội, được sống, được chăm sóc, được chăm sóc cho mình và con cái, để làm những công việc có ích cho xã hội".

Có lẽ, tìm việc làm cho những người có HIV, đấy chính là vấn đề nhức nhối mà xã hội đang đặt ra. Làm thế nào để những người có HIV có thu nhập và được quyền hưởng chế độ công dân một cách bình đẳng nhất. Trần Thị Huệ, cô gái 28 tuổi với khuôn mặt thánh thiện đã đăng quang ở ngôi vị giải nhất, vương miện hoa hậu là phần thưởng xứng đáng dành cho cô. 10 năm chung sống với căn bệnh HIV, hai con trai, cậu bé đầu bị câm, con trai thứ hai bị nhiễm bệnh từ hồi trong bụng mẹ, chồng mất, Huệ lưu lạc nhiều nơi để kiếm sống. Rồi cuối cùng cô ở lại Hà Nội, làm việc tại Trung tâm Sức khỏe phụ nữ Hà Nội.

Người đẹp Trần Thị Huệ (Hà Nam) giành Giải Nhất cuộc thi “Dấu cộng duyên dáng”.

Đêm chung kết cuộc thi khép lại, khi các phóng viên quây xung quanh Huệ, hai con trai rẽ đám đông chạy lại, ôm chầm lấy mẹ, líu ríu đòi mẹ bế chụp ảnh, đứa lớn nép vào bên mẹ, đứa nhỏ vòi vĩnh bế. Huệ bồng con trên tay, đôi mắt nhòe nước. Mảnh đời buồn của Huệ cũng như 15 thí sinh trong cuộc thi, hay 110 thí sinh nộp đơn và như hàng trăm ngàn các bà mẹ bất hạnh khác. Nhưng, vượt qua nỗi đau tưởng chừng như vô tận họ đã đối diện chính mình, hoàn toàn không tránh né, khát khao vươn lên. Dù ngày mai, khi trở về với cuộc sống đời thường, có người trong số họ phải đối mặt với sự kỳ thị, nhận mặt biết tên, nhưng những người phụ nữ can đảm đó sống thật, và hoàn toàn là chính mình, đầy tự tin, quyết đoán...

* Ngày 14/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton (hiện là Chủ tịch Quỹ Bill Clinton giúp chữa trị HIV/AIDS và ứng phó biến đổi khí hậu) hoan nghênh ông sang thăm Việt Nam đúng dịp hai nước kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, và mong muốn hai nước hợp tác nhiều mặt.

Trong buổi tiếp, về lĩnh vực y tế, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ  với Quỹ Bill Clinton để phòng, chống HIV/ AIDS, nhất là điều trị cho trẻ em... Cựu Tổng thống Bill Clinton bày tỏ mong muốn nhiều người dân Việt Nam tham gia phòng, chống HIV/AIDS và khẳng định quỹ của ông sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống và điều trị HIV/AIDS... Thì, ngay tối cùng ngày, Liên hoan "Dấu cộng duyên dáng" là cuộc thi tìm kiếm và tuyên dương vẻ đẹp tài năng, nghị lực của những người phụ nữ sống chung với HIV tại các tỉnh phía Bắc, được tổ chức tại Nhà hát Tuổi trẻ, thủ đô Hà Nội. Đây là cuộc thi người đẹp đầu tiên dành cho người có HIV tại Việt Nam. Cuộc thi được sự tài trợ từ Hội Cứu trợ khẩn cấp Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR), Mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng (BFNT), Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến  phát triển cộng đồng (SCDI).

* Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tính đến tháng 9/2010 tổng số nhiễm HIV ở nước ta hiện còn sống là hơn 164.000 trường hợp. Tổng số bệnh nhân AIDS hiện còn sống là 37.000 trường hợp. Tổng số người bị HIV/AIDS đã tử vong là hơn 45.000 trường hợp.

Phần lớn các trường hợp nhiễm HIV là do lây qua đường máu (47,5%), lây truyền qua đường tình dục (38,7%) và lây truyền từ mẹ sang con. Thái Nguyên là địa phương có tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS đứng thứ 3 toàn quốc chỉ sau TP HCM và Hà Nội.

Ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 6.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì hàng năm sẽ có thêm 2.000 trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV từ mẹ. Hiện tại con số trẻ bị nhiễm HIV trong cả nước là 5.225 trẻ.

Bắt đầu từ số báo tới, ANTG sẽ tiếp tục chuyển tải đến bạn đọc loạt bài viết về những thân phận đặc biệt của một số thí sinh tham dự cuộc thi đặc biệt này

Trần Mỹ Hiền
.
.