Cựu chiến binh XôViết sang Việt Nam tìm đồng đội

Thứ Tư, 19/11/2014, 21:10

Trong những năm đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, nhiều chuyên gia quân sự Liên Xô bằng tinh thần "Vì nhiệm vụ quốc tế cao cả" sang Việt Nam giúp đỡ Quân đội Nhân dân Việt Nam nắm vững và sử dụng thành thạo vũ khí tên lửa phòng không, đánh trả và đập tan các cuộc tập kích bằng không quân Mỹ xâm phạm bầu trời Việt Nam. Nhiều đồng chí chuyên gia quân sự Liên xô, nay gọi là cựu chiến binh (CCB) XôViết ở Việt Nam, tuy đã xa Việt Nam cách đây hơn 40 năm, song họ vẫn luôn nhớ đến đất nước và con người Việt Nam, mong muốn được trở lại Việt Nam. Trong số đó phải kể đến ông Valentin Todorashko Ivanovich.

Valentin Todorashko nguyên là Thượng úy trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên đem theo khí tài tên lửa phòng không từ Liên Xô sang Việt Nam hồi tháng 4/1965, giáo viên của hai trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên (E236 và E238).

Ông là người trực tiếp tham gia trận ra quân đầu tiên của Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam - trận đánh ngày 24/7/1965 tại Phú Sơn, Ba vì, Hà Nội. Trong thời gian ở Việt Nam, ông vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ.

Năm 2007, khi đó Bộ Quốc phòng Việt Nam chưa có chương trình hằng năm mời các đoàn CCB Xôviết sang Việt Nam, ông Valentin  Todorashko đã sang Việt Nam bằng kinh phí cá nhân cùng với 2 người bạn của mình, những người bạn này đã sang thăm Việt Nam vào năm 2004 theo kênh của Hội Hữu nghị Nga - Việt.

Ông Valentin Todorasko Ivanovich và di ảnh đồng đội Trương Văn Ta.

Điểm đến đâu tiên ở Việt Nam của đoàn là TP HCM. Tại đây, họ được gặp những người bạn Việt Nam đang tham gia diễn đàn trên mạng điện tử mang tên "Nước Nga trong tâm hồn tôi" (www.nuocnga.net). Valentin Todorashko đã trao cho các thành viên của diễn đàn "Nước Nga trong tâm hồn tôi” những tấm ảnh của những người bạn Việt Nam, mà ông vẫn giữ gìn hơn 40 năm nay và tha thiết đề nghị nhà “diễn đàn” tìm kiếm địa chỉ của những người trong ảnh.

Với lòng nhiệt tình của những người tham gia diễn đàn "Nước Nga trong tâm hồn tôi", thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam, khi còn đang ở TP HCM các CCB đã nhận được thông tin về những người bạn Việt Nam cùng chung chiến hào với mình cách đây trên 40 năm. Ông Todorashko không cầm nổi nước mắt khi nghe tin cuối năm 1966, đồng chí phiên dịch Tran Phuc Can đã hy sinh.

Đồng chí phiên dịch Trương Văn Ta đã trải qua cuộc chiến tranh, đã xây dựng gia đình và có 4 người con, trong đó người con trai Trương Văn Ninh, tiếp nối sự nghiệp của cha, hiện đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 61 Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236. Năm 2002, đồng chí Trương Văn Ta đã qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo.

Tại TP HCM, các CCB Xôviết rất vui mừng và cảm động được gặp lại những CCB Bộ đội Tên lửa Phòng không. Buổi gặp diễn ra trong không khí ấm áp thân mật như những người thân trong gia đình lâu ngày được đoàn tụ, tại gia đình đồng chí Huỳnh Văn Thanh, nguyên là Đại đội trưởng Đại đội Bệ phóng tên lửa thuộc Tiểu đoàn 63 Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236, đơn vị đã ra quân trận đầu đánh thắng, bắn rơi chiếc máy bay thứ 399, thứ 400 và thứ 401 của không lực Mỹ trên bầu trời Việt Nam.

Tại buổi gặp này, các CCB Tên lửa Phòng không Việt Nam đã tặng các CCB Xôviết Kỷ niệm chương "Chiến thắng B-52" và cuốn sách "Điện Biên Phủ trên không". Khi ra Hà Nội, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân đã  tổ chức  buổi tiếp thân mật các CCB Xôviết.

Tại buổi tiếp, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hải, Phó Tư lệnh Quân chủng đã nói: "Trong tâm trí chúng tôi luôn luôn có một tình cảm đặc biệt và lòng biết ơn chân thành đối với các bạn Liên Xô trước đây và Nga ngày nay về sự giúp đỡ to lớn mà các bạn đã dành cho chúng tôi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Hôm nay chúng tôi rất vui mừng vì những người bạn chiến đấu Nga đã đến với chúng tôi".

Gặp mặt các cựu chiến binh tên lửa Xôviết - Việt Nam.

Ngày 7/10, trong ngày sinh của mình, ông Todorashko đã nhận hai niềm vui: Những lời chúc mừng tốt đẹp từ tập thể những người tham gia diễn đàn điện tử "Nước Nga trong tâm hồn tôi" và được gặp lại người học trò cũ, người bạn chiến đấu, trắc thủ hệ lập lệnh RPK, Thiếu tướng Nguyễn Đình Khoan. Hai người ôm nhau như không muốn rời nhau, rồi họ cùng nhớ lại những ngày cùng nhau chia lửa trên trận địa, kể cho nhau nghe về cuộc sống sau chiến tranh.

Tiếp theo đó là những cuộc gặp với các đồng chí: Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Văn Thân, Đoàn Đức Long, Lã Đình Chi, Tạ Sáu và một số đồng chí khác, họ đều là những người lính cùng đơn vị, cùng chung chiến hào thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236...

Các CCB Xôviết được các CCB Việt Nam đưa đi thăm lại  chiến trường xưa, thăm nơi đóng quân của Bộ đội Tên lửa Phòng không ở Hà Tây. Tại đây đồng chí Valentin Todorashko đã nhận ra những ngôi nhà đơn giản mà các chuyên gia quân sự Liên Xô đã sống trong thời kỳ chiến tranh. Đến thăm trận địa Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội, ông Todorashko đã đứng trên quả đồi chùa Gềnh xã Phú Sơn và bồi hồi xúc động chỉ cho mọi người vị trí đặt bệ phóng tên lửa trong trận đánh ngày 24/7/1965.

Ông xúc động nói: "Sau trận đánh này, tôi được tặng thưởng Huân chương Hữu nghị" và một phần thưởng chiến công đặc biệt - Kỷ niệm chương bắn rơi chiếc máy bay thứ 400 của không lực Hoa Kỳ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam".

Ông Todorashko nói tiếp: "Được trở lại thăm Việt Nam là niềm hạnh phúc lớn đối với tôi. Được gặp các bạn chiến đấu Việt Nam đã làm cho tôi rất xúc động. Bốn mươi hai năm đã trôi qua, song tình hữu nghị và tình đồng chí chiến đấu vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của mỗi chúng ta và chúng mãi mãi ở trong tâm trí chúng ta".

Ông Valentin Todorashko thắp hương tưởng niệm đồng đội Trương Văn Ta.

Trên đường từ Phú Sơn, Ba Vì trở về Hà Nội, các CCB Xôviết đã vào thăm gia đình người phiên dịch Trương Văn Ta. Thắp hương trên bàn thờ đồng chí Trương Văn Ta, ông Valentin Todorashko không cầm được nước mắt khi nhớ về người bạn chiến đấu của mình.

Trở về nước, Valentin Todorashko đã kể cho những người thân và bạn bè về những ngày tuyệt đẹp khi trở lại Việt Nam, được gặp lại những người bạn cùng chiến hào, được tận mắt nhìn thấy những đổi thay và phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Valentin Todorashko đã gửi thư cám ơn những người tham gia diễn đàn "Nước Nga trong tâm hồn tôi" đã giúp ông tìm gặp lại những đồng đội của mình

Ninh Công Khoát
.
.