“Đại ca” vào chùa

Thứ Bảy, 21/04/2007, 08:38

“Có người hỏi tôi rằng rũ những thứ bụi dày đặc trong tôi để vào chốn tu hành có quá khó không, tôi chỉ nói rằng không có thứ bụi nào khó rũ. Vấn đề là mình nhận thức về con đường để đi như thế nào”, Chơn Hữu, một "đại ca" từng khét tiếng ở Đà Lạt, giờ bình thản trong tấm áo nhà Phật, tâm sự.

Có người cho rằng cuộc đời của Tỳ kheo Chơn Hữu (chùa Định Quang, Thừa Thiên - Huế) như dẫn chứng một cách trực tiếp và chính xác cho câu tục ngữ: "Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy", nhưng tôi không nghĩ thế. Và ngay cả anh cũng chỉ đơn giản rằng, một thời gió bụi dù đã xếp yên ở quá khứ, nhưng đôi khi nghĩ lại vẫn thấy kinh sợ.

Cậu học trò giỏi văn và máu “yêng hùng nhí”...

Thời học phổ thông, cậu học trò Huỳnh Thiện Hữu mê văn lắm. Suốt quãng thời gian học cấp I, Hữu thường xuyên có mặt trong các kỳ thi học sinh giỏi văn thành phố Đà Lạt. Nhưng những năm cuối cấp II, những trang văn cứ thưa dần, thay vào đó là những trò quậy phá của một cậu bé mới lớn thích xưng anh, xưng chị với đám bạn cùng trường.

Hữu cùng những “yêng hùng nhí” tập trung thành một hội quậy phá trong trường và rất hài lòng với việc đó. Rồi đánh nhau, rồi bỏ học... Dù một năm không biết mấy chục lần mẹ phải đi “họp phụ huynh”, dù những trận đòn thập tử nhất sinh của người cha nhưng không thể ngăn nổi cái bản tính ngang ngạnh của Hữu.

Học dở cấp III thì Hữu bỏ học bắt đầu kiếp giang hồ, ấy là vào năm 1987 khi Hữu tròn 16 tuổi. Hữu trở thành thành viên của băng “Ánh sáng”, một băng chuyên “làm luật rừng” ở các vũ trường và tổ chức những lần đua xe quên đời ở Đà Lạt. Băng này chừng 20 đến 30 người, là những thanh niên có chút võ nghệ cộng với máu liều.

Thời gian này, Hữu và đồng bọn của mình thường đến các vũ trường chơi bời và đánh gục những kẻ nào dám “qua mặt”. Sau những cuộc ẩu đả là sự “lên ngôi” để từ đó có thể “giải quyết những mắc mớ nếu ai đó cần đến”. Hồi đó, địa bàn hoạt động chính của “Ánh sáng” là vũ trường Minh Tâm, vũ trường Hải Sơn với những chức năng chính như bảo kê và đánh mướn.

Tác phẩm ảnh tâm đắc nhất của nhà sư Chơn Hữu.

Trong đó, một công việc thường làm của Hữu là “bênh vực” những cô vũ nữ khi họ cần. Lúc này, vũ nữ nhảy múa tại các vũ trường vẫn đang là lén lút. Biết điểm yếu đó, nhiều cánh mày râu sức dài vai rộng nảy ý định tống tiền. “Ánh sáng” đã giải quyết được khá nhiều vụ như vậy và cũng đã kiếm được “lợi nhuận” không nhỏ từ sự hậu tạ. “Những lần ấy, băng chúng tôi có được một số tiền kha khá để ăn chơi. Nhưng đôi khi tôi sợ sự lạnh lùng của một số đồng bọn. Họ sát phạt đối phương một cách không thương tiếc” - Chơn Hữu nói.

Trên tay anh vẫn còn vết thương của lần anh đỡ đòn cứu đối thủ trước sự “lạnh” ấy. Một lần, có cô vũ nữ bị chồng cũ từ TP HCM lên dọa nếu không đưa tiền sẽ “thanh toán êm đẹp”. Và gã chồng đó đã thuê nhóm giang hồ ở quận 4 lên tận Đà Lạt để “hỏi han” người vợ cũ. Khi tới nơi, cánh giang hồ Đà Lạt đã chuẩn bị tinh thần “nghênh chiến”. Kết quả là “đội khách” thất bại thảm hại. Kẻ cầm đầu bị một đồng bọn của Hữu chém tới tấp. “Tôi đã hứng cho đối phương nhát chém cuối cùng. Bởi tôi biết, nếu tôi không làm vậy thì người kia đã mất mạng”.

Những đêm trăng ở cánh rừng Tà In của kẻ bị mẹ “từ”

Đời Hữu cứ thế, những cuộc chơi và những cơn say. Ngoài thời gian quậy ở vũ trường, Hữu thường tổ chức đua xe. Hữu có chiếc 67 từng được mệnh danh là “hung thần đường đua” ở Đà Lạt và thường thuê người kiếm tiền bằng những cuộc đua tốc độ tử thần. Chiếc xe ấy chưa một lần thất bại và đã mang về cho Hữu những khoản “thu nhập” lớn.

Ở ngoài, Hữu là một “đại ca”, nhưng khi về nhà, anh chưa từng dám  cãi mẹ. Có những hôm về muộn, Hữu chỉ đi khe khẽ không để mẹ thức giấc. Bố mất vì tai nạn, một mình mẹ nuôi mấy anh em Hữu ăn học. Đôi khi Hữu vẫn lờ mờ nghĩ tại sao các em mình chăm chỉ học hành thế, còn mình anh cả lại chẳng ra gì, nhưng rồi những cám dỗ vẫn che khuất câu trả lời. Mẹ đã từng khuyên ngăn Hữu nhiều nhưng những cuộc chơi không thể dừng lại. Chỉ còn một cách mà mẹ có thể làm với Hữu: từ con!

Hữu ra khỏi nhà cũng là lúc tách khỏi băng “Ánh sáng” để lập một băng mới, kéo nhau lên bãi vàng Tà In để hoạt động. Giữa chốn rừng sâu núi thẳm ấy, băng của Hữu đã thể hiện “đẳng cấp” ngay từ đầu để kiếm những chỗ đất “màu mỡ” có thể mang lại nhiều thỏi vàng như ý. Cũng từ đấy, Hữu không về nhà nữa.

Câu chuyện của Chơn Hữu trong 4 năm ở Tà In (1990-1993) không có nhiều đánh đấm và vết máu. Anh tới khu rừng này ngoài máu liều sẵn có của một kẻ giang hồ, bên tay còn chiếc máy ảnh. Những lúc rảnh rỗi, Hữu thường vác máy đi chụp dạo. Có khi nổi hứng, Hữu xách máy ảnh về Đà Lạt chụp thuê cho khách du lịch dù số tiền kiếm được không nhiều như đi đãi vàng. Những ngày tháng ấy, Hữu chán dần cảnh sống giang hồ nhưng không biết làm sao để thoát khỏi nó.

Và những đêm trăng rất sáng, gần 20 kẻ giang hồ dắt nhau lên sườn đồi nằm ngắm trăng. Hữu nói với mọi người: “  đi học một cái nghề như sửa xe máy, sửa vô tuyến... Chúng ta vẫn còn  sức khỏe...” thì gặp nhiều sự phản ứng khác nhau.

Có người khao khát về lại, nhưng có kẻ lại lý sự rằng, cuộc đời có được bao lâu. Biết bao đêm trăng như vậy với những câu chuyện không đầu không cuối, và những thành viên trong nhóm làm vàng “quy hàng số phận” dần để trở về với cuộc sống giản dị nhưng lương thiện...

Sau 3 năm ở rừng, Hữu bị sốt rét nặng. Suốt 3 ngày nằm mê man, anh được những “đồng sự” trong nhóm đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Trong cơn mê sảng, anh mơ thấy mẹ đi chùa cầu phúc cho anh, tay mẹ lần từng viên tràng hạt. Anh choàng tỉnh. Ngay bên cạnh, mẹ ngồi đấy, lặng lẽ quạt cho Hữu. Phía trên tủ thuốc là một tô cháo để sẵn. Khi Hữu mở mắt, mẹ chỉ nói: "Con ăn cháo cho chóng khỏe”. Thực ra, nói là “từ con” nhưng mẹ vẫn theo dõi từng đường đi nước bước của Hữu.

Không có thứ bụi nào khó rũ...

“Tại sao tôi đi tu? Đã có lúc tôi hỏi mình đâu là lý do chính. Có người hỏi tôi rằng rũ những thứ bụi dày đặc trong tôi để vào chốn tu hành có quá khó không, tôi chỉ nói rằng không có thứ bụi nào khó rũ. Vấn đề là mình nhận  thức về con đường để đi như thế nào”.

Chơn Hữu nói và bắt đầu câu chuyện từ số phận hai người bạn thân của anh, là hai “đại ca” với hai kết cục quá bi thảm.

Người thứ nhất là Tuấn, tay giang hồ đẹp trai hiếm thấy ở thành phố sương mù. Tuấn quen anh và chơi với anh từ một cuộc  thanh trừng lẫn nhau. Một lần đụng độ, Hữu suýt bị Tuấn cho về... bên kia thế giới. Trong lần ấy, “số” của Hữu đã bị lùi so với Tuấn (ở Đà Lạt, “đại ca” này hạ được “đại ca” kia là đã được nâng lên một “đẳng cấp”, hay còn gọi là “số”). Nhưng với máu hiếu thắng của một kẻ vốn hiếu thắng từ nhỏ, Hữu quyết định phục thù và anh đã trả thù được, vào một tối sau khi rời vũ trường. Với tham vọng ban đầu là giành lại những gì đã mất, không ngờ, sau cuộc thanh trừng thứ hai, Tuấn đã rất phục và coi Hữu như anh em.

Khi bắt tay với nhau rồi, Hữu thấy Tuấn là một người bạn rất trung thành, hết lòng vì bạn. Có nhiều phi vụ cần “giải quyết”, họ cùng hợp sức. Có đồ vật gì Tuấn quý, nếu Hữu thích, Tuấn tặng cho bằng được. Nhưng có một điểm hai người không gặp được nhau, là Tuấn thì lạnh lùng đến mức tàn nhẫn, còn Hữu vẫn còn chút lương tâm trong những lần triệt hạ đối phương. Vết sẹo Hữu còn mang đến hôm nay khi đỡ cho tay giang hồ quận 4 vừa nhắc ở trên, tác giả chính là Tuấn.

Nhà Tuấn có 3 anh em trai đều là những người có gương mặt đẹp như vẽ, và cũng đều là những bậc giang hồ. Bố mất sớm, một mình mẹ Tuấn lao đao lo chuyện áo cơm cho các con. Vì không chịu nghèo, Tuấn đã sa chân vào chốn giang hồ và tìm cách “vươn lên” bằng những lần đâm chém. Điều đó, Tuấn đã làm được, và cũng từ đó Tuấn càng lạnh lùng và ngang ngược.

Một lần, Tuấn cãi cọ với em mình rồi đánh em một cách vô lý. Người em, vì sĩ diện của một kẻ giang hồ, đã tự giải quyết mối hận với anh bằng cách uống thuốc độc tự tử. Bị dày vò lương tâm về cái chết của em, Tuấn đã tìm đến với chai thuốc. Người em trai thứ ba thấy hai anh thê thảm vậy, không đủ bản lĩnh để sống nữa. Chôn cất xong 3 người con, mẹ Tuấn  tìm đến cái kết cục như ba người con xấu số...--PageBreak--

Từ thảm cảnh ấy, Hữu nghĩ đến mẹ mình rồi anh khóc như một đứa trẻ. Rồi anh tạm xa dần cuộc sống giang hồ để đi làm nghề chụp ảnh và hướng dẫn khách du lịch. Nhưng ở đó, vẫn lại là một thứ giang hồ khác, buộc phải tồn tại khi mỗi người muốn kiếm tiền cũng đành phải xưng hùng xưng bá ở địa bàn hành nghề của mình.

Người bạn thứ hai là Duy, một công tử con nhà giàu, nổi tiếng vì liều lĩnh nhưng cũng nổi tiếng vì chơi đẹp trong giới giang hồ Đà Lạt. Duy nổi tiếng như cồn về vụ một mình một cây mã tấu đã hạ gọn một băng nhóm với “số” khá cao chỉ vì dám đụng đến mấy “đệ” của anh ta. Từ đó, Duy quy tụ khá đông những đám thanh niên choai choai có máu liều lĩnh để tập trung quyền lực của mình. Duy và Hữu gặp nhau ở sự “chơi đẹp” cộng với chất liều lĩnh.

Nhưng Duy càng ngày càng chứng tỏ máu chơi của mình ở mọi phương diện. “Đại ca” đình đám này, đã phải mang trong mình mầm bệnh vô phương cứu chữa - AIDS.

Qua cái bi đát trong số phận của hai người bạn, Hữu chán chường và quyết vác máy ảnh đi lang thang, rồi về Huế, quê hương của anh để giải tỏa những căng thẳng, bế tắc. Năm đó, năm 1999, khi anh về cũng là lúc cả thành phố cổ tang thương trong “cơn đại hồng thủy”, anh càng thấm thía nhiều hơn về sự sống, cái chết và những nỗi khổ giữa cuộc đời. Anh tính quay trở lại Đà Lạt để chụp ảnh và làm hướng dẫn viên một cách lương thiện, nhưng anh đã đi quá xa những gì mình nghĩ.

Đọc sách báo, anh biết có một ngôi chùa khá thi vị, đó là Huyền Không Sơn I thượng do sư Minh Đức trụ trì. Đây là một ngôi chùa khá yên tĩnh, vắng vẻ nằm trên một ngọn núi thuộc huyện Hương Trà. Một ngôi chùa từng được biết đến như một Trung tâm triển lãm thư pháp Hán và Quốc ngữ; triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật và là nơi để giới văn nghệ Huế đàm đạo văn thơ. Ngôi chùa này, cũng có rất nhiều người đến đây làm lại cuộc đời như có gã họa sĩ từ Hà Nội vào đi tu để cai nghiện.

Hữu như nhận ra con đường của mình. Chỉ có một cách duy nhất, là phải rũ bằng hết những thứ bụi bặm của bao tháng năm chốn giang hồ vấy bẩn, đó là vào chùa. Phải, chỉ có vào chùa!

Vị sư yêu cái đẹp

Lúc đầu gặp sư Minh Đức, Hữu chỉ nghĩ rằng mình chỉ nên là một tiểu thừa làm công quả, nếu có duyên tu thì theo đường tu, không thì chọn một con đường khác. Sư Minh Đức nói rằng, nếu lòng đã quyết thì con có thể xuất gia, nếu chưa thì tùy con chọn lựa... Hữu đã xuất gia từ thời điểm ấy.

Vào chùa, anh thấy mình như được trở về với thời thơ ấu trong trẻo. Tất cả mọi sự tĩnh lặng, những tiếng gõ mõ hằng đêm gợi trong anh hình ảnh mẹ, vì mẹ anh cũng là một phật tử. Khi anh đi tu, mẹ không hề biết, đến khi nhận được thư anh mẹ mới hay. Trong lễ thọ giới, mẹ có ra chùa. Mẹ ngồi để anh lạy ba lạy báo hiếu. Khi ngước mắt nhìn lên, nước mắt mẹ đã lăn dài trên khuôn mặt lặng im như một pho tượng. Vậy là mọi thứ đã an bài.

Những hình xăm chi chít trên cơ thể, anh đã phá bằng tia lade, đến bây giờ vẫn còn những vết sẹo lớn. Trong các hình xăm ấy, anh chỉ giữ lại hình một cành hoa hồng ở phía vai bên trái, để nói rằng, cái đẹp vẫn luôn hiện hữu trong anh dù số phận có thăng trầm ra sao. Kinh sợ là thế, và thú vị là thế - những dấu vết một thời...

Gần hai năm sau, Hữu về thăm nhà với tấm áo vàng nhà Phật, tên gọi cũng không còn là Huỳnh Thiện Hữu nữa mà là sư Chơn Hữu. Thực ra, anh về còn vì một lý do nữa, là Duy, người bạn giang hồ năm trước muốn gặp anh một lần cuối cùng. Hồi anh ở chùa, Duy có ra thăm trong một trạng thái mệt mỏi chán chường và nỗi căm giận muốn trả thù đời. Anh đã dùng giáo lý nhà phật khuyên răn, Duy đã nghe và sống rất thanh thản với phần đời còn lại. Hôm anh đến, Duy đã không còn hình ảnh của một tay chơi năm nào mà chỉ như một bộ xương nằm dính chiếu.

Chơn Hữu tặng Duy một pho tượng nhỏ, anh ta cung kính nhận và đặt lên đầu. Sau đó, Duy đồng ý để Chơn Hữu truyền tam quy và ngũ giới để thành một phật tử rồi giảng cho Duy một thời pháp ngắn về ý nghĩa Tam Bảo. Chia tay, Duy cười rất bình an. Một thời gian sau, Duy đã thanh thản ra đi, trên tay vẫn cầm pho tượng Phật.

Khi tu hành, Chơn Hữu bắt đầu dành thời gian để làm thơ, viết văn như để đi tiếp con đường của cậu học trò mê văn Trường Quang Trung thuở nào. Anh còn trồng phong lan, và hiện ngôi chùa Định Quang như một “bảo tàng” lan rừng với hơn nghìn khóm. Anh cũng dốc lòng cho những bức ảnh nghệ thuật.

Những khi rỗi, người ta thường thấy có một vị sư áo vàng cầm máy ảnh đi sáng tác. Anh đã đứng trên những đỉnh thác để chụp lại những khoảnh khắc hung dữ của con nước, đã ngả mình sát mặt nước để chụp ảnh những bông sen mùa hạ một cách mạo hiểm. Anh nói, ra từ chốn giang hồ, anh giữ lại cái bản lĩnh để sáng tạo nghệ thuật...

Hiện ở Huế, Chơn Hữu là một trong những gương mặt hiếm hoi chụp ảnh nghệ thuật rất đẹp. Anh đã có một số cuộc triển lãm ảnh cá nhân được đánh giá rất cao. Bức ảnh mà anh tâm đắc nhất trong một thời gian dài cầm máy của mình là hình ảnh một vị sư đang rửa chân bên hồ, cạnh những bông hoa súng ngoi lên từ bùn đất như rũ bỏ hết những bụi bặm của cuộc đời mà không phải ai cũng dễ dàng rũ bỏ được...

Hoàng Nguyên Vũ
.
.