Đám cưới đồng tính và sự khắc nghiệt của truyền thông

Thứ Ba, 14/08/2012, 10:40

Lại thêm lần nữa, đám cưới giữa hai người đồng tính trở thành đề tài ầm ĩ của giới truyền thông.
L.P. ngoại hình là phụ nữ trong vai chú rể. K.P ngoại hình cũng như L.P trong vai cô dâu… Cả hai đều làm công nhân, sống xa nhà.
Tiệc cưới của họ diễn ra tại một nhà hàng, ở thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương). Một tiệc cưới khác biệt, được báo giới quan tâm đến mức miêu tả chi tiết…

"Người đại diện của chú rể không đến dự, chỉ có anh trai của cô dâu từ quê lên góp mặt vào tiệc cưới của em mình… Họ đặt tiệc 15 bàn, nhưng khách đến tham dự chỉ ngồi kín 11 bàn" và những thông tin khác.

Có cần thiết phải nhìn nhận mọi chuyện khắc nghiệt đến thế không nhỉ (?!).

1. Chú rể L.P. mặc vest đen, tóc nhuộm vàng, cắt ngắn. Cô dâu K.P thân hình đầy đặn, mặc áo dài cưới trắng, nụ cười viên mãn. Giả như không có sự loan tin của giới truyền thông, mọi chuyện đã diễn ra êm đềm hơn. Tiếc rằng, mọi thứ đã diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Truyền thông đã biến tiệc cưới ấy thành một thứ thị phi liên quan đến giới tính.

Họ vội vã chất vấn ông chủ nhà hàng, nơi L.P. và K.P. đặt tiệc cưới. Ông chủ nhà hàng hoảng quá, từ chối lia lịa, đại khái "Tui giao việc cho quản lý, quản lý lo liệu hết, chứ tui có biết gì đâu". Họ đăng ký lịch làm việc với lãnh đạo địa phương xem lãnh đạo địa phương có hay biết gì về việc kinh thiên động địa vừa xảy ra trên địa bàn do mình quản lý hay không. Lãnh đạo địa phương trả lời chưa nghe phản ánh thông tin, họ cho rằng lãnh đạo địa phương thờ ơ với nhiệm vụ của chính mình. Chuyện phút chốc trở nên rối rắm đến mức thập phần nghiêm trọng.

Cách đây không lâu, ở Thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) diễn ra tiệc cưới của cặp đôi đồng tính nam.

Đám cưới thu hút hàng nghìn người hiếu kỳ đứng chen chúc kín cả con đường nơi diễn ra lễ cưới để chứng kiến cái giây phút "kỳ lạ" ấy. Chính quyền địa phương phải cắt cử người giải tán đám đông, nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Sau đó, đại diện chính quyền ra quyết định phạt cặp đôi tổ chức tiệc cưới 200 nghìn đồng. Lý do, họ vi phạm nghị định về hôn nhân.

Các luật sư đã tranh cãi rất gay gắt về việc xử phạt hành chính của lãnh đạo địa phương.

Theo luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc phát biểu về mức phạt 200 nghìn này như sau "Phạt là không đúng, không đảm bảo căn cứ pháp lý "Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình, định nghĩa "Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định. Đôi bạn trẻ đã tổ chức tiệc tùng theo kiểu đám cưới nhưng trên thực tế họ chưa đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy không thể gọi tổ chức đám cưới là kết hôn được".

Phóng viên hỏi bà Chủ tịch phường, gia đình người ta chỉ tổ chức đám cưới, chứ không đăng ký kết hôn. Liệu lãnh đạo địa phương có nhầm lẫn giữa tiệc cưới và hành vi kết hôn hay không?

Bà Chủ tịch phường trả lời rằng: "Vấn đề này cũng đã được nhiều nhà báo hỏi đến. Tuy nhiên, do phường đã quyết định xử phạt thì phải bảo vệ quan điểm đó. Chẳng lẽ mình đồng ý cho người ta kết hôn rồi mới xử phạt hay sao? Tui cũng không hiểu ý của Nghị định 87/2001/NĐ-CP nói sao nữa. Theo anh thì hành vi đó phải xử lý bằng hình thức nào? Điều 8 Nghị định 87/2001/NĐ-CP quy định rất rõ về vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Vậy là cặp đôi này vi phạm theo điểm này rồi, chứ đâu còn hình thức nào khác để mình phạt đâu. Chẳng lẽ mình chấp nhận cho người ta kết hôn sao?".

Ơ, đã không kết hôn tức là không vi phạm thì sao lại xử phạt. Hóa ra, chính quyền địa phương bị báo chí tấn công quá… đâm hoảng. Thôi thì nhường nhịn một chút, xử phạt cho êm thấm, báo chí hài lòng, địa phương tránh tiếng. Còn ai tủi thân vì bị phân biệt đối xử thì… ráng chịu.

Tội cho cặp đôi ấy, không chấp nhận nổi cái cảnh, bước ra đường người này chỉ tay, bước vào nhà đám đông túm tụm… Vừa xong tiệc cưới, chú rể lấy xe gắn máy, chở cô dâu rày đây mai đó để quên đời. Đi chán, hết tiền mà người ta vẫn chưa quên, thì dắt díu nhau lên Bình Dương để làm công nhân. Điều tiếng ở quê nhà, họ không quan tâm nữa.

Đám cưới của một cặp đồng tính ở miền Tây.

2. Đồng tính, nhiều năm rồi vẫn trở thành điều gì đó rất cấm kỵ ở nước ta. Ngoại trừ, một vài nhân vật quái chiêu trong làng giải trí Việt thường tung hứng về giới tính để thu hút sự quan tâm, hay các cô cậu nhóc tuổi teen hồn nhiên mớm bắp rang bơ cho nhau tại các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, những anh chàng trong vai cô nàng ưỡn ẹo tại các đám tang… Còn lại, những người đồng tính khác, đều cố gắng thu mình trong thế giới của riêng họ.

Tôi đã ngồi với nhiều người đồng tính, từ già cho đến trẻ, từ nổi tiếng cho đến vô danh, từ chuyển giới cho đến chưa chuyển giới… Tâm trạng của họ bao giờ cũng ít vui. Có cảm giác rằng, bao giờ họ cũng cô đơn, sự cô đơn ít được chia sẻ.

Người đồng tính, mang nhiều bi kịch. Cái khao khát lớn nhất là được trở về với hình mẫu mà họ ao ước, tức là hoặc nam hoặc nữ. Họ mỏi mệt và phải trả giá rất nhiều trong chặng đường tìm lại chính mình ấy.

Có những người đồng tính nổi tiếng, muốn sống với cơ thể mình ao ước. Họ sang Thái Lan… Thái Lan, vốn dĩ là thiên đường trong ý niệm của người đồng tính.

Họ sang Thái Lan, họ chịu đựng sự đớn đau của những ca phẫu thuật, họ chịu đựng sự hành hạ của hàng đống thể loại thuốc chống đào thải…. chỉ để được làm phụ nữ.

Vậy đã hết đâu. Thứ đánh mất lớn  nhất của họ trong hành trình tìm lại mình ấy, chính là… họ không còn cảm giác hoan lạc.

Họ đi từ sự tuyệt vọng này, sang sự tuyệt vọng khác. Mà vì sao họ lại chấp nhận. Đơn giản, họ sợ hãi ánh nhìn của đám đông dành cho họ. Đám đông thường dễ liên tưởng sự khác biệt về giới tính với gì đó xấu xa, bệnh hoạn… Sự liên tưởng lắm lúc là cực kỳ tàn nhẫn.

Đã có nhiều tiệc cưới của người đồng tính diễn ra. Cái thì âm thầm, cái thì rình rang. Như khi, hai cô gái trẻ măng ở Hà Nội hay hai anh chàng rất trẻ ở TP.HCM. Lần diễn ra nào cũng để lại nhiều dư luận. Người thì thông cảm, người bảo quái đản.

Có sự thật buộc phải chấp nhận, cho dù cảm thông hay dè bỉu vẫn phải thừa nhận, đó chính là nhu cầu được yêu thương của những người đồng tính.

Hôn nhân luôn là đích đến cuối cùng của những cặp đôi yêu nhau. Và người đồng tính không nằm ngoài quy luật ấy. Vậy thì, có gì phải phản ứng thái quá với mưu cầu yêu đương rất đỗi bình thường.

Truyền thông mắc một hội chứng rất kinh điển. Đó là hội chứng… yêu cầu xử phạt. Đụng cái gì cũng đòi xử phạt, chạm cái gì cũng kiến nghị xem xét.

Điều đáng buồn cười nhất của truyền thông chính là, ngày hôm trước còn "Không được kỳ thị người đồng tính", thì ngày hôm sau đã là "cảnh báo về vấn nạn đồng tính". Y như miệng liền tai, dứt câu là quên.

Mỗi vụ án có yếu tố người đồng tính xảy ra, truyền thông lại lập tức băm nát đến chân tơ kẽ tóc, chi tiết đồng tính được chú trọng đến độ nó được xem như là yếu tố tiên quyết để dẫn đến hành vi gây án.

Còn đám đông thì sao(?!).

Đám đông hả hê vì vụ việc ấy. Đám đông hả hê là bởi, bấy lâu nay họ vốn xem đồng tính là căn nguyên của những hệ quả đau lòng. Truyền thông góp phần rất lớn tạo nên cái nhìn này. Cái nhìn ám ảnh dư luận, dư luận mang sự ám ảnh đó áp đặt vào những người đồng tính.

Họ đã quên mất, những vụ án liên quan đến luyến ái của những cặp đôi bình thường, không đồng tính còn dã man hơn gấp nhiều lần.

Họ cũng quên mất, những vụ việc chấn động, chồng sát hại vợ phi tang thi thể dưới hố ga, vợ đốt chồng, chồng chém chết vợ, vợ đầu độc chồng…

Họ tảng lờ đi, những gã thanh niên quay clip sex xong ép bạn gái trở thành công cụ tình dục. Họ cũng lờ đi những gã thanh niên thủ tiêu bạn gái bằng cách đốt xác, phân khúc…

Họ chỉ nhớ đến, nam thanh niên đồng tính bị sát hại tại cây xăng. Người đàn ông đồng tính bị sát hại dã man… Hay thai phụ bị đâm hàng chục nhát dao từ mối tình đồng tính….

Vậy đó, có những thứ đã thuộc về tâm lý đám đông. Không gì có thể suy suyển được. Và truyền thông, cung phụng cho tâm lý ấy một cách rất mẫn cán. Mà không chỉ có truyền thông, phim ảnh khai thác để tài đồng tính, đa phần cũng góp công cho cái nhìn kỳ thị. Những nhân vật trong phim đồng tính luôn trở nên tâm tính thất thường, hành vi bệnh hoạn.

Ca sĩ chuyển giới Cindy Thái Tài nói với tôi: "Ngày Cindy còn đi học, thích ăn mặc như con gái. Ba Cindy đánh Cindy suốt. Dẫn Cindy đi khám bác sĩ, bác sĩ khuyên ba Cindy nên cho Cindy tham gia những môn thể thao mạnh mẽ như đá bóng, võ thuật… để át đi cái nữ tính trong người. Buồn cười không thể tả".

Ca sĩ chuyển giới khác là Ái Xuân, bảo với tôi: "Ái Xuân tìm đến cái chết 3 lần, tiếc là ông trời không cho mình chết. Cuộc sống nghiệt ngã với Ái Xuân quá. Ái Xuân chỉ muốn sống theo đúng giới tính của mình, nhưng người này xầm xì, người kia bỡn cợt".

BB Phụng kể với tôi: "BB Phụng có người bạn đồng tính. Gia đình bạn từ chối nhìn mặt bạn. Bạn theo đoàn hát, chắt chiu được bao nhiêu tiền đều gửi về cho ba, má. Nhưng, bạn không dám về nhà. Nhớ người thân quá, thì lén khi tối trời, về đứng trước cửa tần ngần nhìn vào trong xong lại vội vã quay đi".

Họ đều là những người nổi tiếng. Và có thể nhờ vào tên tuổi của chính mình, khả năng của chính mình, họ mới có thể sống như giới tính cá nhân quy chuẩn.

Còn những người đồng tính khác, họ thể hiện sự bất lực trước dư luận.

3. Người đồng tính hay người không đồng tính, thì cũng có người này người khác, người tốt người xấu, người đàng hoàng, người không tử tế… Giới tính không thể quy chuẩn hành vi.

Đương nhiên, tôi không đưa ra luận điểm của mình để khuyến khích các hành vi "giả đồng tính" đang rất được một bộ phận giới trẻ ưa thích.

Người đồng tính, kiếm được một tình yêu, họ phải vượt qua nhiều thử thách. Giữ được người yêu, lại càng khó khăn hơn. Họ cứ như một tay chơi xì phé nhưng không biết con bài sấp của mình là con gì. Họ chỉ biết gật đầu và lắc đầu theo đối thủ một cách cực kỳ bị động.

Tôi nhớ nước mắt khi bị người yêu bỏ rơi của nhân vật ở loạt bài "Trong thế giới đồng tính" của tôi từ lâu trước… Tiếng khóc nấc nghẹn… ẩn chứa rất nhiều đau đớn. Ai chứng kiến người đồng tính khóc vì mất người yêu một lần, hẳn là sẽ thấy họ đang phải chịu đựng bi kịch đến mức nào.

Họ thừa sức hiểu có những người tình đến với họ là vì vật chất họ đang sở hữu chứ. Nhưng, họ mặc điều đó… Bởi họ cô đơn, nỗi cô đơn vô cùng lạc lõng.

Và khi, họ có một người để yêu thương. Một người chấp nhận san sẻ buồn vui với họ. Một người đồng ý gạt bỏ những thị phi để đến với họ… thì có lý do gì để đám đông bỡn cợt vào hạnh phúc của họ đâu.

Mà cho đến giờ, tôi vẫn không thể nào hiểu được, họ tổ chức tiệc cưới với mong muốn được trọn vẹn cùng nhau, thì có ảnh hưởng gì đến đám đông mà phải này kia với họ.

Không thông cảm được với họ, tốt nhất là nên im lặng. Đừng vì sự không thông cảm ấy mà gieo rắc những đàm tiếu về họ vào dư luận…

Họ là người mà, có phải là thực thể khác đâu…

Nguyệt Ngô
.
.