“Dân chơi” săn đồ hiệu

Thứ Bảy, 29/10/2016, 14:15
"Dân chơi" là danh tính ám chỉ những người đàn ông "sành điệu" biết hưởng thụ những vật dụng đang sở hữu. Với họ, vật dụng không chỉ để xài mà còn để "trang điểm" cho phong cách, tạo đẳng cấp cho người chơi.

"Dân chơi" khi đã sở hữu một món "chơi" thì không chỉ làm chủ một vật dụng mà "làm chủ" cả "lịch sử" của nó.

Đại gia chưa hẳn là dân chơi

Có một nhóm "câu lạc bộ dân chơi" thường tập họp ở khuôn viên cà phê dinh Thống Nhất vào Chủ nhật, chỉ để khoe những bộ sưu tập "đàn ông". Nhóm có hơn 50 người nhưng mỗi buổi cà phê, thường chỉ có hơn 10 người. Hầu hết thành viên của nhóm đều là doanh nghiệp cá thể.

Trong nhóm có vài "ông trùm" kinh doanh cá, nuôi tôm ở Tây Nam bộ, vài "ông trùm" kinh doanh điều, cà phê ở Nam Trung bộ. Một số khác "kinh doanh lặt vặt" ở TP HCM như: Nhập khẩu nhựa, phân bón... Hầu hết đều cư trú tại TP HCM và tuổi đời chưa quá 40.

T. "cá" khẳng định: "Không có ai là trưởng nhóm hay chủ nhiệm gì cả. Các buổi cà phê cũng không được bàn chuyện làm ăn mà chỉ bàn chuyện sưu tầm đồ chơi thôi. Tụi tôi cũng không chơi đồ cổ mà chơi đồ hiệu".

T. "cá" chỉ là một "tiểu gia" trong giới xuất khẩu cá ở Sóc Trăng nhưng khá nổi tiếng trong giới ăn chơi sành điệu khu vực Tân Bình, TP HCM. Năm 2013, anh ta tổ chức sinh nhật cho bạn gái tại một bar ở Cần Thơ. Không hiểu lý do gì, không người bạn nào của bạn gái đến dự. Thế là anh ta lên bục mượn micro của MC để tuyên bố "cắt vé". Có nghĩa là tất cả mọi người trong bar đều được thanh toán tiền thức uống ngay tại thời điểm đó.

Chiếc bút "mã đáo thành công" của T. "cá".

Ngoài ra, T. "cá" còn nổi tiếng về khoản "chơi" phụ kiện độc. Anh ra luôn khoe với mọi người rằng, chỉ tính riêng những món phụ kiện "manly" trên người anh ta đã có trị giá hàng tỷ đồng. Trong những món phụ kiện luôn mang theo người, T. "cá" rất tự hào về chiếc bút máy có giá hơn 100 triệu đồng. Chiếc bút máy mang nhãn hiệu Dupont có style "mã đáo thành công" được anh ta cất kỹ trong người, chỉ để dành ký tên.

Điểm đặc biệt của chiếc bút "mã đáo thành công" là, không ai có thể nhái chữ ký của chủ sở hữu. Bởi, chiếc bút đó thuộc dòng limited premium (hàng cao cấp, số lượng sản xuất có giới hạn) được hãng Dupont sản xuất đúng 888 chiếc. Quy trình sản xuất thủ công nên 888 ngòi bút bằng vàng đều tạo ra nét chữ khác biệt. Vì vậy, chữ ký từ cây bút thuộc chủng loại này trở thành chữ ký độc quyền, không thể giả mạo.

T. "cá" cho biết: "Ở Việt Nam chưa chắc có chiếc bút thứ hai trong dòng này của Dupont. Nhưng cái sướng của cây viết nằm ở chỗ, mỗi khi thương thảo một hợp đồng, chỉ cần trưng nó ra là đối tác mê. Dân kinh doanh nào không mê mã đáo thành công trong hợp đồng làm ăn? Điều đặc biệt nữa là rất nhiều nguyên thủ quốc gia dùng bút Dupont để ký tên. Nicolas Sarkozy, Obama, Calderon (Mexico), Mohamet VI (Vua Morocco), Juan Carlos I (Tây Ban Nha)...".

T. "cá" hào hứng kể, chiếc bút "mã đáo thành công" của anh ta nằm trong series Neo Classic của hãng Dupont bao gồm 4 linh vật: Dê, ngựa, rồng, rắn. Mỗi loại, hãng chỉ cho ra lò đúng 888 chiếc. Mỗi chiếc đều có số hiệu riêng. Thông tin người mua sẽ được hãng "đánh dấu" vào "giấy khai sinh". Nếu bút bị thất lạc, người sở hữu bất hợp pháp sẽ bị phát giác qua mã số chiếc bút.

Vì hàng sản xuất có giới hạn nên anh ta phải nhanh tay, lẹ chân "chạy đua" đặt hàng với 879 người khác khắp thế giới mới sở hữu được.

Chiếc đồng hồ dòng Audi Sport - Limited của B. "tiệm vàng".

Cùng nhóm chơi với T. "cá" là B. "tiệm vàng"

B "tiệm vàng" là dân gốc Long Xuyên (tỉnh An Giang). Tuy mới hơn 30 tuổi nhưng anh ta làm chủ rất nhiều đầm tôm ở Bạc Liêu, nhiều vườn cao su ở Bình Phước, Tây Ninh và một số vườn cà phê ở Lâm Đồng.

Dù thu nhập hằng năm không dưới 50 tỷ nhưng anh ta không cất biệt thự, không xài ô tô đắt tiền, không khoa trương ầm ĩ sự giàu có. Dù vậy, giới "dân chơi" ở TP HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn xem anh ta là "hội trưởng hội dân chơi thứ thiệt".

B. nói: "Gọi là câu lạc bộ cho vui chứ thật ra, tụi tôi chỉ là một nhóm bạn, hẹn nhau cà phê cà pháo, ăn nhậu để tán gẫu xả xì trét, giải tỏa những ức chế tồn dư xuất hiện trong quá trình kinh doanh thôi. Ai muốn gia nhập nhóm cũng được. Không tiêu chí, không lễ kết nạp gì ráo. Ai thích thì vô bàn ngồi chung. Ăn uống xong, tiền ai nấy trả. Ai vô ngồi chung, thấy không hạp, tự khắc biến khỏi nhóm".

Tuy B. nói "không có tiêu chí" nhưng hầu như mọi cuộc tụ họp chỉ xoay quanh nội dung sưu tầm 3 món chơi “đỉnh của đỉnh" gồm đồng hồ, hộp quẹt và bút.

B. "tiệm vàng" giải thích: "Là đại gia chưa hẳn là dân chơi và danh hiệu dân chơi không chỉ dành cho đại gia. Tụi tôi là dân chơi thứ thiệt. Dân chơi thứ thiệt là người đàn ông biết cách làm bản thân mình sang trọng, lịch lãm trước mắt mọi người. Hay nói cách khác, đó là người đàn ông biết cách thể hiện mình là người thành đạt, người biết chơi. Có nhiều đại gia chỉ xài vật dụng chứ hoàn toàn không có khái niệm về chuyện chơi. Thậm chí có người rất giàu nhưng lại đeo chiếc đồng hồ xoàng xĩnh vài triệu đồng".

B. "tiệm vàng" cũng lỉnh kỉnh trên người các món "đồ chơi" đủ kiểu. Món nào cũng có xuất xứ "danh giá". Chiếc nhẫn bạc của Shihanouk (cố Quốc vương Campuchia), dây chuyền vàng của Bảy Đởm, nón nỉ của một viên tỉnh trưởng Châu Đốc thời Pháp thuộc... Tuy nhiên, anh ta tự hào nhất chiếc đồng hồ hiệu Oris - Audi vừa mới sưu tầm được từ sự kiện hãng xe hơi Audi kỷ niệm 40 năm dòng xe ô tô 5 động cơ.

Anh ta cho biết: "Chơi hàng cổ chán rồi. Đeo sợi dây chuyền liên quan đến ông Bảy Đởm nhưng ít người biết ông Bảy Đởm là ai. Để người ta hiểu giá trị của sợi dây chuyền đang đeo, mình phải giới thiệu, vậy là mang tiếng khoe khoang. Mua cái nón nỉ của ông tỉnh trưởng thời Pháp hơn 30 triệu đồng nhưng ít ai chịu tin lời giới thiệu của mình, kể cả dân chơi hàng độc. Nhưng đeo chiếc đồng hồ Oris - Audi, dân đẳng cấp nhìn là biết ngay giá trị".

B "tiệm vàng" từng đeo bám nài nỉ 1 đại gia nhượng lại chiếc đồng hồ Patek Philippe trị giá cả tỷ đồng. Khi đại gia nọ sắp xiêu lòng thì B "tiệm vàng" hay tin hãng đồng hồ Oris tung ra thị trường 2.000 chiếc đồng hồ dòng Audi Sport - Limited nhân dịp hãng Audi kỷ niệm 40 năm ngày đầu tiên tung ra thị trường dòng xe hiếm 5 động cơ.

Các nhà kinh doanh đồng hồ Việt Nam chỉ "xí phần" được 3 chiếc trong số 2.000 chiếc đồng hồ độc đáo này. B. "tiệm vàng" đi săn ngay 1 chiếc, còn 2 chiếc chưa biết thuộc về ai.

Bộ sưu tập hộp quẹt St Dupont của Ch. "Dupont". Chiếc bên phải được hãng St Dupont khắc họ tên tắt của Ch., tức chỉ có chiếc duy nhất.

Công phu chơi đồ

Để săn lùng một món đồ, dân chơi không chỉ cần có đủ tiền mua mà phải liên tục tìm hiểu thông tin, lịch sử, giá trị của món đồ. Đó cũng là nguyên nhân tạo thành nhóm "câu lạc bộ dân chơi". Họ gặp gỡ để trao đổi, thỉnh thị ý kiến lẫn nhau trước khi mua một món chơi.

Việt Nam không phải là thị phần nhỏ không thu hút sự chú ý của các nhà phân phối độc quyền hàng limited của những thương hiệu danh giá. Vì vậy, dân chơi Việt thường tự tìm cách nắm bắt thông tin để order (đặt hàng) đón đầu. Việc đặt hàng cũng là một kỳ công. Để hãng sản xuất chấp nhận đơn đặt hàng, người chơi phải xuất cảnh đến tận văn phòng đại diện của hãng để khai báo thông tin cá nhân, gửi tiền cọc. Dù mất công như vậy, khi đến nơi, số lượng đặt hàng đã đầy, đành trở về tay không.

Chiếc bút ký tên của Tổng thống Obama.

T. "th mã" - một đại gia thủy sản nổi tiếng miền Tây Nam bộ đã "ngã ngựa", đang chờ hầu tòa vì sai phạm kinh tế nghiêm trọng đã từng săn tìm chiếc đồng hồ Oris thuộc dòng Big Crown/ Propilot (có chức năng dành cho phi công). Khi chưa "ngã ngựa", tay đại gia này nổi tiếng về độ "chơi ngông" kiểu công tử Bạc Liêu. Một lần mời đối tác đi karaoke "ôm". Khi tan cuộc chơi, thấy vị đối tác cứ kèn cựa khoản tiền boa, T. "th mã" cầm xấp tiền mệnh giá 100 USD ngắt đại một tép "lì xì" cho nữ tiếp viên.

Khi còn thịnh vượng, T. "th mã" cũng xài toàn đồ độc, lạ, hiếm. Mặc dù đã sở hữu chiếc đồng hồ hàng trăm triệu nhưng khi nghe tin hãng Oris tung ra dòng Big Crown/ Propilot chỉ 2.000 chiếc, anh ta lập tức đặt hàng. Điểm đặc biệt của chiếc đồng hồ này là có chức năng đo độ cao, có chế độ gõ chuông báo. Ngay thời điểm đó, vụ cá da trơn Việt Nam nhập vào thị trường Mỹ đang gặp rắc rối.

Bận tâm với chuyện kinh doanh, anh ta cử một đại diện bay sang Thụy Sỹ làm thủ tục đặt hàng. Người đại diện đến Thụy Sỹ đã gọi điện thoại báo rằng, đơn đặt hàng của T. "th mã" nằm ở vị trí thứ tự hơn 3.000. Có nghĩa là sau 1 tuần hãng Oris phát thông báo, T. "th mã" đã chậm chân hơn 3.000 người khác. Trong khi đó, hãng chỉ sản xuất đúng 2.000 cái. Theo thông tin của hãng Oris, hiện nay, Việt Nam có duy nhất chiếc đồng hồ đó. Người sở hữu đang cư trú tại TP HCM.

Chiếc đồng hồ Big Crown/ Propilot - ở Việt Nam chỉ có chiếc duy nhất.

Một hot girl tên Minh, cư ngụ ở Bình Thạnh, TP HCM có đam mê nghiên cứu các thể loại đồng hồ nên rất tường tận từng dòng đồng hồ đeo tay nam, nữ. Minh không phải nữ đại gia, cũng không phải là "dân chơi" nhưng có thể kể về tiểu sử, xuất xứ, điểm đặc biệt của từng loại đồng hồ cao cấp khắp thế giới.

Minh phân tích: "Những thương hiệu đồng hồ đắt giá có truyền thống lâu đời đều biết cách nắm bắt thị hiếu khách hàng. Tất nhiên, họ cũng nhắm đến các khách hàng thương gia thành đạt. Đã là thương gia, ai cũng phải thể hiện đẳng cấp. Phó thác hợp đồng kinh tế cho một thương gia có đẳng cấp vẫn thấy yên tâm hơn làm ăn với một thương gia đeo chiếc đồng hồ không thương hiệu".

Ch "Dupont" - một "cao thủ" chơi bật lửa St Dupont, đang sở hữu chiếc bật lửa St Dupont được sản xuất duy chỉ 1 chiếc, có in tên anh ta - giải thích: "Khi giàu, có nguồn thu nhập dồi dào, người ta luôn chú trọng vẻ ngoài của chính mình. Nói dân chơi thừa tiền mới chơi đồ độc là không đúng. Không ai thừa tiền cả. Quan trọng là chơi kiểu gì thôi. Bởi vì tiền nào của đó. Của nào người đó. Khi anh sử dụng một món đồ có giá trị, người đối diện đoán biết anh thuộc đẳng cấp nào".

Nông Huyền Sơn
.
.