Đắng lòng sau những tấm huy chương: Ước mơ của Huệ

Chủ Nhật, 23/03/2014, 21:45

Từng là đô vật số 1 của tỉnh Thanh Hóa với 2 lần liên tiếp đoạt chức vô địch giải quốc gia, từng là hy vọng vàng của vật Việt Nam ở Sea Games 22, nhưng bị nạn ngay trên sàn tập lúc 24 tuổi, Lê Thị Huệ giờ đến đi lại cũng còn khó khăn. Hơn 10 năm sau khi gặp nạn, cô sống trong quên lãng và nghèo túng ở một vùng quê khó khăn…

Cho tới bây giờ, tôi vẫn nhớ cái buổi chiều 12/5/2003, đang hỏi chuyện ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia 1 về chuyện lo ăn, ở, tập luyện cho các vận động viên các đội tuyển chuẩn bị SEA Games 22 thì ông có điện thoại. Sau cuộc điện thoại, ông Tuấn thông báo vận động viên Lê Thị Huệ của đội tuyển vật nữ bị chấn thương dập đốt sống cổ trong khi tập vừa được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Việt - Đức.

Tôi cũng chẳng thể nào quên được lần vào thăm ở bệnh viện, nhìn cô nằm bất động trên giường bệnh, cổ bị đóng "gông" cố định bằng khung nhựa, bên cạnh, bà mẹ và chị gái cứ khóc như mưa khi lo lắng cho tương lai của Huệ… 

10 năm sống trong quên lãng và nghèo túng.

Thấm thoắt đã gần 11 năm kể từ cái buổi chiều oan nghiệt ấy, giờ đây, tôi mới gặp lại Huệ trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Châu Chính, xã Quảng Châu (Quảng Xương- Thanh Hóa) trong buổi chiều đầu năm rét buốt.

Dù vừa được điều trị tích cực hơn 3 tháng ở Bệnh viện Thể thao nhưng Huệ đi lại khá khó khăn. Mỗi lần chống nạng, cô chỉ đi được chừng 10 bước là phải dừng lại nghỉ. Vì thế dù có nạng nhưng Huệ chỉ đi được trong nhà, mỗi khi ra ngoài cô vẫn phải ngồi xe lăn. Mà ngay cả việc ngồi lên xe lăn, Huệ cũng phải loay hoay khá vất vả.

Gần một năm nay, gia đình mở cho Huệ cửa hàng bán tạp hóa đặt ở ngay nhà chị gái nằm ngoài mặt đường liên thôn, nhưng mẹ cũng phải ra phụ giúp vì Huệ đi lại bằng xe lăn, tay cũng chậm nên nhiều lúc có người mua hàng mà mãi mới lấy được đưa cho người ta.  

Nghe tôi nhắc lại chuyện "ngày xưa", Huệ cười buồn:  "Trí nhớ của em bây giờ kém lắm, ngay số điện thoại di động của mình có lúc nghĩ mãi mới nhớ được".

Nói rồi cô lại xoa đôi bàn tay với những ngón tay gầy guộc, co quắp như lúc nào cũng đang nắm hờ nói rằng:  "Những hôm thời tiết ấm thì còn đỡ, mấy hôm nay rét quá, em bị đau khắp cả người, chân tay cứ đơ ra. Đôi nạng bằng inox em mua hôm ở bệnh viện, về nhà lại bị gãy mất một chiếc, ở đây chẳng có ai bán nên đi lại bằng một chiếc nạng khó lắm, từ sáng tới giờ chỉ đi loanh quanh trong nhà mà bị ngã 3 lần rồi rồi anh ạ".  

Ngồi cạnh con gái, bà Lường Thị Hường kể, ông bà có tới 7 người con, Huệ là thứ 5. Ngày ấy, khó khăn lắm nên mới học đến lớp 5 thì nghỉ. Năm 1996, khi thấy trên tỉnh có mở lớp tuyển sinh võ thuật, Huệ nhờ người quen đăng ký học môn Judo rồi trở thành vận động viên phong trào. Năm 2001, Huệ chuyển sang học môn vật. 

Lê Thị Huệ từng là đô vật số 1 của tỉnh Thanh Hóa khi hai lần liên tiếp vô địch quốc gia hạng 55 kg và là hy vọng vàng của vật Việt Nam ở SEA Games 22…

Lê Thị Huệ của "Một thời đã xa".

Đã quên nhiều chuyện, nhưng Huệ vẫn nhớ cái buổi chiều 12/5/2003 định mệnh ở Trung tâm Huấn luyện Nhổn. Hôm ấy, đang tập đối kháng với vận động viên Mai Phương, Huệ bị ngã cắm đầu xuống thảm tập. Ngất đi vài phút, khi tỉnh dậy thấy cơ thể mất hết cảm giác, Huệ được đưa vào Bệnh viện Việt - Đức cấp cứu. Và tại đây, các bác sĩ xác định Huệ bị gãy đốt sống cổ, giập tủy sống, liệt tức thời tứ chi. Ngày ấy, để cứu Huệ, các bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức đã phải mổ hai ca liên tiếp kéo dài tới 19 tiếng.

Sau một tháng điều trị ở Bệnh viện Việt - Đức, Huệ được đưa sang Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Suốt một năm điều trị phục hồi chức năng ở Bệnh viện Bạch Mai, ngày nào Huệ cũng tập luyện 4 tiếng, sáng tập trị liệu cho đôi bàn tay, chiều tập đi, nhưng sau một năm, tay Huệ vẫn không cầm nắm được. Tháng 5/2004, Huệ xuất viện. Dự định ban đầu là người ta sẽ đưa Huệ về Trung tâm Phục hồi chức năng ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) điều trị tiếp.

Ngày Huệ bị nạn, ông bố cũng đang phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Thanh Hóa vì bệnh phổi; chị gái Huệ là Lê Thị Lan đang làm công nhân may ở TP HCM đã phải bỏ việc ra Hà Nội chăm sóc em gái. Một năm Huệ điều trị ở Bệnh viện Việt - Đức và Bạch Mai, chị Lan là người luôn ở cạnh em gái. Khi biết hoàn cảnh của Huệ, ông Nguyễn Hữu Khai, ngày đó là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Nam Dược Bảo Long, đã nhận đỡ đầu để điều trị tiếp cho Huệ  tại Bệnh viện Bảo Long. Để có người chăm sóc cho Huệ và có thêm thu nhập, ông Khai đã nhận cả chị Lan vào làm việc ở công ty.

Mấy năm ở Bệnh viện Bảo Long, Huệ được hỗ trợ khá tốt, có điều kiện để tập luyện, nhưng do điều kiện đi lại khó khăn và xa nhà nên đến năm 2010, Huệ xin về ở cùng bố mẹ.

Nhưng Huệ không thể tin được rằng mình lại bị người ta lãng quên nhanh như vậy. Huệ bị thương đúng thời điểm ngành thể thao đang dốc sức đầu tư cho SEA Games 22, và có lẽ để trấn an dư luận nên khi ấy nhiều lãnh đạo của ngành thể thao đã tới thăm nom chu đáo, và hứa có tốn kém thế nào cũng phải chữa trị cho Huệ, kể cả đưa ra nước ngoài điều trị. Tuy nhiên, tất cả những lời hứa ấy chỉ là những lời "đầu môi chót lưỡi". Bị chấn thương khi đang là vận động viên của Đội tuyển Quốc gia nên Huệ được ưu tiên hưởng chế độ tuyển thủ quốc gia đến hết năm 2004 thì cắt.

Ngày còn điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, thỉnh thoảng còn có đoàn vào thăm. Khi được chuyển lên Bệnh viện Bảo Long khoảng 1 năm thì ít nhận được thăm hỏi hơn, rồi sau chẳng thấy ai nữa.

Suốt 4 năm sau đó, do là "người của Thanh Hóa" nên Huệ vẫn được Sở TD-TT, sau là Sở VH-TT&DL Thanh Hóa trả lương vận động viên ở mức 1 triệu đồng/ tháng, "nhưng đến năm 2008 thì em cũng bị cắt hợp đồng; khi cắt hợp đồng, em được nhận thêm mấy triệu".

Ngày Huệ về quê, chị gái cũng nghỉ việc ở Bệnh viện Bảo Long, về quê lấy chồng. Các em cũng lần lượt lấy vợ ở riêng. Trong ngôi nhà nhỏ chỉ còn lại Huệ và bố mẹ già đều đã ở tuổi 70. Năm 2009, Huệ được bảo hiểm xã hội chi trả chế độ phụ cấp cho người bị tai nạn lao động mất 81% sức khỏe, mỗi tháng Huệ được 580.000 đồng, còn bà mẹ là người chăm sóc được hưởng 450.000 đồng.

Từ ngày về quê ở với bố mẹ, cuộc sống của Huệ chỉ còn biết trông cậy vào khoản tiền trợ cấp ấy và suất lương hưu và phụ cấp thương binh của ông bố mỗi tháng được gần 5 triệu đồng, bởi tiếng là đông anh em, nhưng ai có phận người ấy, vả lại cũng chẳng có ai khá giả gì để có thể hỗ trợ thêm. Cả năm, chỉ đến tết, mới có người trên Sở VH-TT&DL về thăm Huệ và tặng quà. 

Năm 2011, khi bố mất, hai mẹ con Huệ chỉ còn khoản trợ cấp cho người tai nạn lao động, sau mấy lần điều chỉnh bây giờ được 2,6 triệu đồng/ tháng. Huệ kể rằng khi bố còn sống, những lúc cô đau yếu quá, hai mẹ con lại xuống Trung tâm Phục hồi chức năng ở Sầm Sơn xin điều trị 1 tháng. Con đi, mẹ cũng phải đi để còn phục vụ vì mọi việc từ ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cá nhân Huệ không tự làm được. Nhưng từ ngày bố mất, cô không dám đi nữa, phần vì mẹ ngày càng già yếu, phần vì không có tiền.

Lê Thị Huệ và "góc ký ức" của riêng mình.

Đổi đời nhờ… báo chí

Có lẽ, Huệ sẽ còn tiếp tục bị lãng quên trong nghèo túng, bệnh tật nếu không có một bài báo viết về hoàn cảnh cùng cực của cô đăng vào tháng 5/2013. 

Rồi một loạt tờ báo cũng có bài viết về hoàn cảnh bi đát của Huệ. Có lẽ nhờ tác động này mà sau đó ông Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TD-TT Lâm Quang Thành đã dẫn một đoàn về thăm, tặng quà Huệ. Ông Thành sau đó có cuộc làm việc chính thức với Sở VH-TT&DL Thanh Hóa để tìm phương án kêu gọi hỗ trợ Huệ.

Chỉ chiếc xe lăn chạy bằng điện ắc quy, Huệ khoe: "Nhờ có các nhà báo mà em không bị bỏ quên nữa. Cái xe lăn này là của một người ở trong miền Nam gửi tặng em qua báo Thể thao - Văn hóa đấy anh ạ. Ngay cả đoạn đường vào nhà cũng mới làm từ tiền mọi người cho, chứ ngày xưa nó lầy lội gồ ghề lắm, mỗi lần đi xe lăn rất vất vả mới vào được nhà".  

Sau khi các báo đăng về hoàn cảnh của Huệ, nhiều bạn đọc đã gửi tiền ủng hộ cô. Tháng 7/2013, sau khi cùng đội bóng đá nữ TP HCM ra tận nhà thăm Huệ, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm TD-TT quận 1, đã quyết định về tổ chức một trận thi đấu giao hữu giữa đội tuyển bóng đá nữ TP HCM với CLB Doanh nhân Sài Gòn với mục đích gây quỹ ủng hộ Huệ. Ý định này đã được nhiều doanh nghiệp ủng hộ. Vì thế chỉ sau trận đấu, số tiền quyên góp được đã là 150 triệu đồng và được gửi cho Huệ. Một số vận động viên, diễn viên, ca sĩ khi biết hoàn cảnh của Huệ cũng quyên góp tiền ủng hộ. 

Năm 2003, chuẩn bị SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam, đã có nhiều VĐV gặp chấn thương, thậm chí có người đã bỏ mạng.

Ngoài Lê Thị Huệ bị thương tật, VĐV xe đạp địa hình Đỗ Xuân Tâm, võ sĩ judo Trần Thanh Ngời là những người đã hy sinh cho thể thao ngay trên đường đua, sàn tập.

Tháng 7/2013, Tổng cục TD-TT cho Huệ ra Bệnh viện Thể thao điều trị. Bà Hường bảo: "May mà được mọi người ủng hộ, hai mẹ con tôi mới có tiền sinh hoạt suốt hơn 3 tháng Huệ điều trị ở Hà Nội, vì bệnh viện chỉ đài thọ cho tiền thuốc, tập luyện và chỗ ở, còn tiền ăn của hai mẹ con thì phải tự lo. Sở VH-TT-DL cho xe xuống đưa ra bệnh viện và cho 1,5 triệu đồng tiền ăn. Thôi thế cũng là tốt lắm rồi".

Huệ kể rằng hơn 3 tháng điều trị ở Bệnh viện Thể thao giúp cô phục hồi khá tốt vì ở đó ngoài thuốc điều trị, cô còn được tập luyện với bác sĩ và có đầy đủ thiết bị tập luyện nên sức khỏe khá hơn rất nhiều. Vì thế bây giờ về nhà, hàng ngày cô không phải dùng thuốc, chỉ lúc nào mệt mỏi mới dùng thêm thuốc bổ thôi. Ra Hà Nội điều trị rất tốt nhưng xa quá, mà lại tốn kém nữa nên sau này thỉnh thoảng cô xin xuống Sầm Sơn điều trị ít ngày rồi lại về thôi.

Nghe tôi hỏi chuyện tương lai, Huệ bảo mong ước lớn nhất của cô bây giờ là làm sao sức khỏe tốt lên, tự đi lại được, tự phục vụ được mình để mẹ đỡ phải vất vả.

Nghe Huệ tâm sự, bất giác tôi nhìn quanh căn nhà nhỏ mà không khỏi chạnh lòng. Căn nhà lợp ngói 3 gian này được xây từ năm 2010 từ những đồng tiền tích cóp khoản lương hưu với phụ cấp thương binh của bố Huệ và hỗ trợ của chị gái. Làm xong chưa được bao lâu thì ông mất nên đã hơn 3 năm rồi vẫn chưa được quét vôi nên bốn bức tường vẫn một màu xi măng xám lạnh. Vì thế, mới 6 giờ tối, dù đã bật điện nhưng một cái bóng tiết kiệm điện khiến căn nhà vẫn tối om, muỗi bay như ong.

Sáng nhất trong căn nhà ấy là góc tường ngay đầu giường của Huệ, bởi ở đó treo rất nhiều ảnh màu, cờ, huy chương của Huệ giành được từ hơn 10 năm trước. Có lẽ, Huệ đã vượt qua được những tháng ngày cùng cực nhất cũng một phần nhờ vào những ký ức một thời đã xa rồi ấy?

Sinh năm 1979, năm nay Huệ đã 35 tuổi. Tuổi ấy, người ta chồng, con đề huề cả rồi, còn Huệ chỉ mong có sức khỏe để tự phục vụ được mình thôi

Nguyễn Thiêm
.
.