Đằng sau những vụ án động trời

Thứ Năm, 05/06/2008, 08:30
Hai học sinh lớp 8 bắt cóc rồi giết con tin đòi tiền chuộc. Nữ học sinh THCS dùng dao đâm trúng tim khiến bạn tử vong... Đó chỉ là 2 trong số nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây. Trước những vụ án trên, không ít người giật mình đặt câu hỏi: "trẻ em đã trở nên nguy hiểm từ bao giờ?".

Áo trắng gây tội ác

Chỉ trong chưa đầy 6 tháng đầu năm 2008, đã có hàng chục vụ án đau lòng xảy ra mà thủ phạm đều là những học sinh THCS, THPT. Đi kèm với những cái chết thương tâm của nạn nhân, không ít người (kể cả những người làm trong ngành bảo vệ pháp luật) phải rùng mình, sởn gáy trước những hành động của chúng.

Những ngày giữa tháng 5 vừa qua, Cơ quan Công an tỉnh Hà Tây đã làm rõ vụ 2 học sinh lớp 8 Trường THCS Thường Tín, tỉnh Hà Tây là Phạm Đình Cử và Nguyễn Văn Trọng đã ra tay sát hại bé Tuấn Anh (5 tuổi), là em họ của Cử với thủ đoạn dã man.

Hai tên tội phạm nhí đã bị tóm gọn ngay ngày hôm sau, khi mà chúng chưa kịp nhận số tiền chuộc. Những ai nghe đến vụ án này đều cảm thấy bàng hoàng vì mức độ dã man, manh động và lạnh lùng của những đứa trẻ.

Cũng trong tháng 5/2008, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã làm rõ vụ án giết người do ghen tuông. Nạn nhân là anh Trần Văn Tâm, 19 tuổi, trú tại thôn Quảng Đạt, Ngũ Phúc, Kim Thành, Hải Dương. Thủ phạm là Bùi Văn Huy và Vũ Văn Hoàn (cả 2 đều 18 tuổi, trú ở thôn Nguyễn Bạo, xã Đại Đức, Kim Thành).

Do tranh giành bạn gái, ngày 29/4/2008, Huy và Hoàn đã lợi dụng lúc anh Tâm sơ hở dùng dây phanh quàng qua cổ Tâm xiết một vòng cho đến khi anh tử vong. Hôm sau, chúng dùng xe máy mang xác anh Tâm về xã Đại Đức. Đến khu Cống Thượng thuộc thôn Văn Thọ, xã Đại Đức, chúng cởi áo ngoài của Tâm đâm, rạch thêm nhiều nhát vào bụng. Chúng vứt dao, áo, giày của Tâm ở mép nước ven sông rồi kéo xác ra chỗ vũng nước sâu, cách chân đê khoảng 100m ấn cho chìm mới thôi. Cả hai đã bị Công an tỉnh Hải Dương bắt giữ.

Ngày 21/3/2008, em Lê Trung Khải (học sinh  lớp 8/1 Trường THCS Trần Phú, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đã bị Hồ Tiến (học sinh lớp 8/3 cùng trường) đâm nhiều nhát dao vào người. Khải được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, nhưng do vết thương trúng tim nên nạn nhân đã chết chỉ sau nửa giờ đồng hồ. Nguyên nhân là giữa 2 học sinh này có mâu thuẫn với nhau vì những “chuyện trẻ con” song đã không được giải quyết triệt để.

Cần có những sân chơi lành mạnh cho tuổi teen.

Thêm một vụ án làm rung động giới học trò. Sáng ngày 16/5/2008, tại sân vận động Trường THCS Phùng Chí Kiên (Mỹ Hào, Hưng Yên) Nguyễn Thị Thu Trang (học sinh lớp 9 Trường THCS Phùng Chí Kiên) do có mâu thuẫn từ lâu với Nguyễn Thị Thảo (học sinh lớp 9 Trường THCS Dị Sử (Mỹ Hào) trong lúc cãi lộn đã dùng dao đâm trúng tim bạn mình, khiến Thảo chết trên đường đi cấp cứu...

Còn rất nhiều vụ án đau lòng khác do các đối tượng thuộc nhóm tuổi teen gây ra mà nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các em đôi khi chỉ vì mâu thuẫn rất trẻ con nhưng hậu quả thật khó lường.

Theo số liệu của Bộ Công an, hiện cả nước có khoảng 20.000 trẻ em trong độ tuổi tới trường đang lang thang bụi đời, tụ tập băng nhóm ngoài xã hội. Đó chính là, mầm mống của tội phạm đã và đang nảy sinh trong lứa tuổi vị thành niên. Còn theo thống kê của Cục Thống kê tội phạm, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trẻ em dễ mắc phải những tội như: cướp của, giết người, vận chuyển ma túy

Năm 2007 và 3 tháng đầu năm 2008, riêng trẻ em dưới 16 tuổi có 7.000 vụ vi phạm, chiếm đến 70% tội phạm vị thành niên (VTN) dưới 18 tuổi. Công an các địa phương đã khởi tố điều tra 8.531 vụ với 11.732 đối tượng các tội danh này, xử lý hành chính lên tới 35.463 vụ với 48.187 đối tượng; trong đó giao cho gia đình giáo dục 21.484 đối tượng, xã phường quản lý, giáo dục 8.892 đối tượng, lập hồ sơ đưa đi trường giáo dục 5.616 đối tượng, áp dụng các biện pháp khác 11.677 đối tượng..--PageBreak--

Cần có biện pháp quản lý giáo dục trẻ vị thành niên

Nguyên nhân rất dễ nhận thấy của việc trẻ vị thành niên (VTN) phạm tội là do phía gia đình, nhà trường thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục trẻ.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, “chế tài” xử lý trẻ VTN phạm tội là chưa thật có tính răn đe. Những trẻ chưa đầy 16 tuổi khi phạm tội, mặc dù là cực kỳ nghiêm trọng song cũng chỉ bị đưa vào trường giáo dưỡng. Bởi vậy chúng “tha hồ” gây án mà không chùn tay (!?).

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tâm lý học thì trẻ VTN đều có ý thức kém về pháp luật. Hầu như chúng không thể lường hết được hậu quả của những việc mà chúng gây ra. Chính vì thế, có lẽ chưa cần một chế tài nặng hơn với những đối tượng này.

Cũng có ý kiến nên hạn chế dùng biện pháp mạnh. “Sai lầm” hiện nay là cứ “vứt” trẻ VTN vào trong trại giam vì những trường giáo dưỡng hầu như đã chật chội và quá tải. Như vậy, trẻ VTN sẽ “học” những “bài học” từ bọn tội phạm có tiền án, tiền sự (!?)

Còn theo Thượng tá Hoàng Thị Bích Ngọc, Tiến sĩ - Phó trưởng khoa Đào tạo sau đại học, Học viện Cảnh sát nhân dân thì nguyên nhân của những vụ án động trời kia có nguyên nhân sâu xa từ sự phát triển về tâm lý, ý thức và nhân cách của trẻ. Ba yếu tố trên lại có nguồn gốc và chịu sự tác động của các yếu tố môi trường, thể chất và hoạt động của cá nhân trẻ. Cụ thể, các yếu tố về môi trường như gia đình, nhà trường, nhóm bạn bè và xã hội có những tác động trực tiếp vào các quá trình hình thành tâm lý, ý thức và nhân cách của trẻ.

Yếu tố gia đình chịu trách nhiệm đối với quá trình xã hội hóa ban đầu của cá nhân, ảnh hưởng đến việc hình thành phẩm chất, nhân cách gốc của đứa trẻ. Nếu ngay từ đầu các phẩm chất đó bị sai lệch, trẻ sẽ dễ sinh hư. Có thể dễ dàng nhận thấy trong nhiều vụ trẻ VTN gây án đều có những hoàn cảnh khá đặc biệt, hoặc cha mẹ bỏ nhau, hoặc gia đình lo làm ăn mà phó mặc con cái cho nhà trường.

Bởi vậy, bậc phụ huynh nào có phương pháp giáo dục và đặc biệt là cách quản lý con cái đúng cách sẽ hạn chế được rất nhiều trẻ hư. Mỗi đứa trẻ lại có một đặc điểm khác nhau về sinh học, tâm lý, hoàn cảnh gia đình, quan hệ xã hội. Bởi thế, điểm mấu chốt để trẻ VTN không phạm tội là phải hướng chúng vào các hoạt động tích cực, hình thành ý thức làm điều tốt, biết yêu thương đồng loại.

Tiến sĩ Ngọc nhấn mạnh: Gia đình phải thường xuyên tác động, giáo dục định hướng, lôi kéo con em vào những hoạt động lành mạnh. Từ đó hình thành cho trẻ thói quen chăm chỉ lao động và làm việc thiện. Nếu thấy con mình hay đóng cửa phòng một cách “bí mật”, hay gọi điện thoại, hay viết thư cho ai đó, một số hành động lạ nhiều hơn bình thường thì càng cần quan tâm, theo dõi. Nhất là với lứa tuổi teen (13 đến 19)... các bậc phụ huynh cần phải biết con mình chơi với ai, chơi như thế nào, thậm chí cần phải biết con mình đang thích gì, có nhu cầu gì để có những định hướng đúng đắn.

Nhà trường chính là nơi tạo điều kiện cho những hoạt động chủ đạo của trẻ như học tập, lao động để hình thành, hoàn thiện nhân cách. Bởi vậy, giáo viên phải ý thức được vai trò của mình, đi sâu trong từng mối quan hệ của trẻ và có những tác động đúng hướng.

Bên cạnh đó, cần động viên kịp thời những biểu hiện sai lệch của trẻ thì sẽ hạn chế được phần nào tác động xấu từ bên ngoài. Nhà trường cũng phải giáo dục cho các em biết yêu thương đồng loại, gần gũi với thiên nhiên và không làm điều xấu, điều ác.

Xã hội cũng có vai trò rất quan trọng.  Khi mà trẻ bị tiêm nhiễm và quen dần những hình ảnh bạo lực, giết chóc trong phim ảnh cũng như trong các game trò chơi cũng sẽ khiến chúng dễ gây tội ác.

Bởi thế, cộng đồng dân cư cũng cần hướng trẻ vào các hoạt động tích cực, phải tổ chức được những hoạt động văn hóa, thể thao cho trẻ. Để được như vậy thì cũng cần các điều kiện thiết yếu như phải có sân chơi, có kinh phí...

Còn theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Hồi Loan (hiện đang công tác tại Trường đại học Quốc gia Hà Nội), những việc làm của trẻ em nhiều khi chỉ đơn giản là tấm gương phản chiếu lại những hành động của người lớn. Bởi thế, người lớn phạm tội gì thì trẻ em cũng có thể phạm tội đó.

Do vậy, bản thân của những “người lớn” sẽ phải làm gương, phải quan tâm chăm sóc giáo dục con cái chặt chẽ và đúng phương pháp. Coi trẻ như bạn, cần phải chơi cùng trẻ, nắm bắt kịp thời những diễn biến tâm lý trong trẻ để kịp thời chỉ bảo, uốn nắn. Có như vậy mới hy vọng tuổi teen sẽ ít gây nguy hiểm cho xã hội

Minh Tiến
.
.