Dấu ấn đặc biệt ở một đơn vị anh hùng

Thứ Ba, 08/12/2020, 11:02
Năm 2020, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Cục An ninh điều tra, Bộ Công an vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong năm, nhiều tập thể và cá nhân của đơn vị được đón nhận các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an trao tặng: 4 tập thể và 7 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công; 1 tập thể và 10 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 4 tập thể và 33 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen.

Và mới đây nhất, trong dịp tổng kết phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc năm 2020, căn cứ vào những thành tích đã đạt được, tập thể Cục An ninh điều tra vừa được Hội đồng Thi đua, khen thưởng các cấp xét, trình Thủ tướng Chính phủ tặng “Cờ Thi đua của Chính phủ”. Đó là ghi nhận đối với những đóng góp và sự hy sinh thầm lặng của CBCS đơn vị sau một năm nỗ lực không ngừng.

Trung tướng Lý Anh Dũng, Cục trưởng Cục An ninh điều tra chủ trì một buổi họp án.

1. Năm 2020, nhiều vụ án lớn được Cục An ninh điều tra, thụ lý điều tra đã để lại dấu ấn đặc biệt. Cuối năm 2020, Cơ quan An ninh điều tra hoàn tất vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” xảy ra tại Hà Nội. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng; trực tiếp xâm phạm đến hoạt động điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an trong vụ án “Công ty Nhật Cường”; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác điều tra vụ án và được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Trong vụ án này, các đối tượng phạm tội đều là những người có trình độ, am hiểu pháp luật; sử dụng công nghệ cao trong thực hiện hành vi phạm tội; có bị can giữ cương vị cao trong cơ quan nhà nước... Quá trình điều tra vụ án, các điều tra viên gặp không ít khó khăn trong việc thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, kịp thời của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ; sự phối hợp hiệp đồng chiến đấu của các lực lượng chức năng trong và ngoài lực lượng Công an; cùng với ý thức quyết liệt điều tra tội phạm, cán bộ đơn vị đã linh hoạt, sáng tạo trong quá trình điều tra.

Và sau 4 tháng “nằm gai, nếm mật” của CBCS, vụ án đã được đưa ra ánh sáng. Cơ quan công an đã điều tra làm rõ hành vi phạm tội của 4 bị can; kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố, xét xử trước pháp luật, tạo được hiệu ứng xã hội cao...

Một vụ án khác cũng được dư luận đặc biệt quan tâm là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản và dấu hiệu sai phạm trong việc duyệt chi đối với dự án chưa đủ điều kiện được hỗ trợ ưu đãi 50%, chi phí đầu tư xây dựng theo Nghị định 04/2009/NĐ-CP ngày 14-1-2009 của Chính phủ; liên quan đến UBND, các sở, ban, ngành tỉnh Cà Mau và một số bộ, ngành Trung ương, có dấu hiệu lợi ích nhóm được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Cán bộ, chiến sĩ Cục An ninh điều tra bàn bạc, trao đổi về một vụ án.

Sau khi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an chỉ đạo, Cục An ninh điều tra đã tiếp nhận vụ án từ Cục An ninh kinh tế Bộ Công an; đồng thời khẩn trương phân công các điều tra viên, cán bộ điều tra có kinh nghiệm tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ điều tra, thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ làm căn cứ khởi tố vụ án.

Thời điểm đó, cán bộ đơn vị gặp không ít khó khăn, bởi vụ án xảy ra đã lâu (2009-2012), trong khi tài liệu cần thu thập để chứng minh tội phạm với khối lượng rất lớn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, đơn vị đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng để triển khai các hoạt động điều tra. Kết quả đấu tranh, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; khởi tố 3 bị can; làm rõ hành vi của một số lãnh đạo, nhân viên Công ty Công Lý trong việc tạo dựng hồ sơ khống một số hạng mục xây dựng nhà máy để đưa vào hồ sơ quyết toán, hưởng ưu đãi, chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước.

Quá trình đấu tranh, Cục An ninh điều tra đã mở rộng điều tra và xác định dự án này không đủ điều kiện được hưởng ưu đãi hỗ trợ 50% chi phí đầu tư xây dựng theo Nghị định 04/2009/NĐ-CP của Chính phủ do không đảm bảo tính pháp lý, không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu và chuyển giao công nghệ và sử dụng công nghệ lắp đặt cho dự án không đảm bảo tỷ lệ chất thải chôn lấp sau xử lý. Thành công lớn nhất của vụ án là truy thu được toàn bộ số tiền 164 tỷ đồng Nhà nước đã chi cho Công ty Công Lý để phục vụ xét xử; đồng thời làm rõ các cá nhân có liên quan phục vụ kịp thời công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 ở cơ quan, đơn vị có liên quan...

Ngoài việc trực tiếp thụ lý, điều tra các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, trong năm 2020, đơn vị còn thụ lý nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp khác như vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại PVN, PVC; các vụ lừa đảo, vi phạm quy định cho vay liên quan đến lĩnh vực ngân hàng... Đây là các vụ án có tính chất hết sức phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế; đặc biệt nhạy cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Quá trình điều tra không chỉ truy thu được hàng trăm tỷ đông thiệt hại của Nhà nước mà còn kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan khắc phục sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế.

Cùng với việc trực tiếp phá án, trong năm 2020, đơn vị đã thực hiện hàng trăm lượt hướng dẫn công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều tra, xử lý hàng trăm vụ án, trong đó có những vụ việc trọng điểm, phức tạp như các vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” liên quan đến các tổ chức phản động; các vụ án lợi dụng quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân... 

2. Trung tướng Lý Anh Dũng, Cục trưởng Cục An ninh điều tra chia sẻ: Công việc của đơn vị rất đặc thù. Các vụ án do đơn vị thụ lý điều tra đều là những vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng nên quá trình điều tra, đội ngũ điều tra viên tham gia thụ lý chịu áp lực lớn từ dư luận xã hội; một số trường hợp có sự can thiệp của một số người có chức, có quyền, bên cạnh đó còn phải đảm bảo yêu cầu chính trị, đối ngoại.

Trong hầu hết các vụ án, quá trình thụ lý điều tra, CBCS của Cục đều trở thành tâm điểm bị đe dọa tinh thần, mua chuộc bằng vật chất, đặc biệt là trong thụ lý điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng. Nhiều trường hợp đã bị đe dọa, khủng bố về tinh thần; đe dọa sinh mệnh chính trị hoặc mua chuộc bằng vật chất với giá trị lớn...

Quá trình đấu tranh, các điều tra viên còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Tâm lý chung của các loại tội phạm là luôn tìm cách che giấu hoạt động phạm tội. Chúng triệt để lợi dụng hoàn cảnh, các mối quan hệ, lợi dụng công nghệ thông tin để che giấu hành vi. Trong nhiều vụ án, các trinh sát phải dày công thu thập thông tin. Đó còn là những tình huống nghiệp vụ đòi hỏi sự phản ứng, linh hoạt, mau lẹ của các điều tra viên...

“Xác định nhiệm vụ không dễ dàng, Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Cục luôn đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể; làm tốt công tác giáo dục CBCS nâng cao bản lĩnh chính trị..., trong thực hiện nhiệm vụ được giao”, Trung tướng Lý Anh Dũng tiếp lời. Từ đó, 100 CBCS đã vượt qua những cám dỗ; giữ vững thương hiệu của lực lượng an ninh điều tra. Đứng trước những khó khăn, thách thức, CBCS đã thể hiện tinh thần dũng cảm, không chùn bước trước những khó khăn; mưu trí, sáng tạo trong toàn bộ quá trình đấu tranh, phòng, chống tội phạm và trong xử lý các tình huống đột xuất, khó khăn, phức tạp. Từ đó, đã củng cố chứng cứ, đề xuất xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội nhưng không gây ồn ào, không ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình chính trị và quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta...

“Chìa khóa” mang lại thành công cho Cục An ninh điều tra còn là việc đổi mới phương pháp, tư duy công tác và phương pháp lãnh đạo, chỉ huy..., từ đó mang lại hiệu quả thiết thực trên mọi lĩnh vực. Theo Trung tướng Lý Anh Dũng, đây cũng là những kết quả, thành tích nổi bật của đơn vị trong năm 2020. Sự mưu trí, sáng tạo ấy thể hiện trong công tác thụ lý điều tra các vụ án cũng như trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng; là kết quả của phong trào thi đua, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Cơ quan An ninh điều tra và An ninh Chính trị Nội bộ, Bộ Công an thực hiện lệnh bắt đối tượng phạm tội liên quan đến vụ án “giả mạo trong công tác” tại Trường Đại học Đông Đô.

Với phương pháp lãnh đạo, chỉ huy đổi mới, CBCS Cục An ninh điều tra không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thụ lý điều tra mà qua công tác đã phát hiện, kiến nghị với lãnh đạo các cấp hoặc với cơ quan chức năng khắc phục sơ hở, thiếu sót và phối hợp với lực lượng trinh sát đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và lý luận phục vụ công tác điều tra.

Những kết quả trên còn là việc áp dụng các phong trào thi đua phù hợp với thực tiễn công tác. Thường vụ Đảng ủy Cục An ninh điều tra xác định phong trào thi đua là gieo trồng; là động lực để tập thể, CBCS toàn đơn vị hăng hái, ra sức phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó. Với khẩu hiệu “Cán bộ, chiến sĩ Cục An ninh điều tra mỗi ngày làm một việc tốt vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân”, CBCS đơn vị đã hăng say phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. 

Năm 2020, Cục An ninh điều tra đã thụ lý 33 vụ, 156 bị can, trong đó, có 14 vụ, 48 bị can từ năm 2018 chuyển sang; đã kết thúc điều tra, xử lý 15 vụ, 82 bị can (trong đó đề nghị truy tố 14 vụ, 81 bị can); chuyển nơi khác điều tra 4 vụ, 10 bị can... Tỷ lệ án đề nghị truy tố đạt trên 90% án kết thúc điều tra; các vụ án điều tra, xử lý đều đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Xuân Mai
.
.