Đâu phải tại… Trời!

Thứ Hai, 10/11/2008, 14:30
Sự bị động của các ngành chức năng Hà Nội không chỉ trước khi mưa lớn xảy ra, mà còn tiếp diễn cả khi "thủy tặc" đã hoành hành. Sự vào cuộc chậm chạp và vá víu đã bộc lộ tính thiếu chuyên nghiệp trong quản lý và điều hành của các cơ quan chức năng.
18 mạng người và hơn 3.000 tỉ đồng...

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho hay những ngày mưa ngập vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thống kê đến thời điểm này đã có 45.000 ha cây trồng bị ngập úng khả năng không còn cho thu hoạch. Ước tính thiệt hại khoảng 450 tỉ đồng.

Mưa lớn đã xóa nhòa công sức của hàng ngàn hộ dân nuôi cá tại các huyện ngoại thành Hà Nội. Với 9.000 ha nuôi cá, thiệt hại lên đến trên 800 tỉ đồng. Nhiều hộ nuôi cá đã mất trắng tiền tỉ sau cơn mưa. Mưa với cường độ lớn còn gây thiệt hại lớn cho các tuyến đê bảo vệ xung quanh Hà Nội.

Trên các tuyến đê cấp 3, cấp 4, đê bối thuộc các tuyến sông Tích, sông Bùi, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Mỹ Hà nhiều đoạn bị tràn bờ, gây sạt. Nhiều hồ đập cũng bị đe dọa an toàn. Ách tắc giao thông xảy ra ở khắp nơi. Khoảng 10.000 hộ dân bị ngập, một số trường học, trạm y tế cũng bị chìm trong nước. Tổng thiệt hại do mưa lớn gây ra thống kê được, ước tính lên tới 3.000 tỉ đồng. Đau đớn hơn cả, 18 người đã thiệt mạng trong mưa lũ.

Con số thiệt hại chắc không chỉ dừng ở đấy. Chiều 3/11, người ta lại phát hiện một xác chết trôi trên sông Tô Lịch, mặc dù chưa xác định được đó có phải thêm một nạn nhân trong trận ngập lụt vừa qua hay không. Vẫn biết thiên tai địch họa thật khó lường, nhưng một khi đã có hậu quả xảy ra, cần phải tỉnh táo nhìn nhận lại vai trò của các ban, ngành chính quyền thành phố trước nỗi đau này.

Trước hết, đó là sự ứng phó quá chậm của các cơ quan chức năng. Sự chậm trễ này thể hiện trên nhiều mặt: chậm trễ trong việc thông tin, hướng dẫn cho nhân dân; sự thiếu linh động trong các biện pháp đối phó với thiên tai và cả sự chậm chạp trong việc triển khai các dự án chống úng ngập đã từng được hoạch định bằng số tiền hàng nghìn tỉ đồng ngân sách.

Giá như những "công bộc của dân" nghĩ sớm đến việc giúp dân di chuyển qua chỗ lụt như thế này...

Giữa thủ đô nhưng người dân cứ tự lọ mọ "một mình với lũ" để đến nỗi có câu chuyện thảm thương: Chị Nguyễn Thị Hòa ở Hạ Đình, Thanh Xuân đi đón con khi qua đường Thái Hà, thấy nước ngập nhưng vẫn đi vào vì sợ con chờ sốt ruột. Không có biển cảnh báo nước ngập nguy hiểm,  không ai hướng dẫn nên chị không biết đường ngập sâu bao nhiêu. Chị sa vào vũng nước ngập lên tận cổ cũng không thấy có bóng người làm nhiệm vụ cứu hộ hay hướng dẫn nào. May mà có vài người đi đường và một số phóng viên đang tác nghiệp gần đó hò nhau kéo chị lên. Nhưng, không phải ai cũng may mắn như chị Hòa.

Hai em học sinh Phạm Văn Hai và Nguyễn Kim Mạnh, đều mới 8 tuổi, học sinh Trường THCS Mê Linh, huyện Mê Linh trên đường đi học về đã bị nước cuốn trôi và chết đuối. Anh Hoàng Lê Nguyên, bác sĩ Trung tâm Đào tạo vận động viên cao cấp tại Bệnh viện Thể thao ở Mỹ Đình, Từ Liêm, đã bị dòng nước xiết cuốn xuống mương gần sân vận động Mỹ Đình mãi hôm sau mới tìm thấy xác...

Người ta vẫn nghe về các dự án của thành phố. Nhà chức trách cũng thường xuyên thông báo công khai đã đầu tư nhiều tiền để lắp đặt các hệ thống camera, hệ thống phát thanh phường, xã... đạt hiệu quả cao. Nhưng chính trong những lúc cần thế này thì lại chẳng thấy những đồng tiền ấy phát huy tác dụng?

Hệ thống loa phường được trang bị đến tận thôn, xóm, từng có lúc làm "nhọc" các vị bô lão, tưởng như đến lúc này sẽ trở nên một công cụ thông tin hữu hiệu và bổ ích truyền đạt các chủ trương, chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể của chính quyền tới người dân, thì lại câm tịt. Người ta không nghĩ đến việc sử dụng, hay không có gì để phải sử dụng đến nó?

Bị động!

Mưa to, phố ngập thành sông nhưng chỉ có người dân gồng mình lên trước "cơn hồng thủy". Đâu đó người ta vẫn thấy bóng công chức của các sở, ban ngành hữu quan đang thừa hành nhiệm vụ, nhưng lại không thấy có cơ quan chức năng nào ra hướng dẫn hay đưa ra được lời khuyến cáo cho nhân dân cách đối phó cụ thể trước thực trạng bối rối này.

Đáng ra chính quyền phải là người đứng ra nhanh chóng khảo sát và thông báo cho nhân dân qua các phương tiện truyền thông: khu vực nào ngập sâu không thể đi được, khu vực nào thoát ngập, khu vực nào có hố sâu... để người dân biết đường mà ứng phó. Hầu hết giải pháp của các ngành chức năng của thành phố chỉ mang tính tình thế.

Trước cơn mưa, người dân không nhận được chút cảnh báo nào về cường độ của mưa, cũng như những thông báo kịp thời khi nước bắt đầu lên. Chỉ đến khi các con phố biến thành sông, hậu quả đã xảy ra rồi mới bắt đầu thấy có "ý kiến chỉ đạo!". Thậm chí, có những người tự ý thức được cần phải nhanh chóng thoát khỏi tình trạng đang trên mặt đường, nhưng cũng không thể tự giúp gì cho bản thân bởi công tác phân luồng giao thông dường như đã tê liệt ngay khi nước lũ kéo về. Hỗn loạn giao thông xảy ra ở mọi nơi...

Không có dự báo, cảnh báo, người dân chẳng biết đâu mà lần. Công chức khổ đằng công chức, người làm nông nghiệp khổ đằng nông nghiệp. Ao, hồ, sông ngòi cứ bị lấp dần làm đô thị, để rồi mỗi khi nước ngập, cá ở các hồ nuôi cứ thế tự tràn ra đường mà "ngao du phố phường". Nhiều người rỗi việc, tranh thủ mang nơm mang vó ra giữa đường cái đua nhau đánh bắt cá cải thiện bữa cơm. "Siêu hình ảnh" đơm nơm, đặt vó ngay bên cạnh những chiếc xe hơi đời mới nước ngập ngang cửa kính sẽ là một "ấn tượng không thể nào phai"!

Sự bị động của các ngành chức năng không chỉ trước khi mưa lớn xảy ra, mà còn tiếp diễn cả khi "thủy tặc" đã hoành hành. Sự vào cuộc chậm chạp và vá víu đã bộc lộ tính thiếu chuyên nghiệp trong quản lý và điều hành của các cơ quan chức năng. Kiểu đối phó tình thế thường thấy bằng cách khi nước ngập mới cho người ra mở nắp cống, khai thông dòng chảy đã trở thành quá nhàm hay nói đúng hơn, đã thực sự vô tác dụng trước những đợt mưa như vừa rồi.

Và, cũng gần như ngay lập tức, người ta nhận thấy sự hạn chế của cái gọi là hệ thống bơm tiêu thoát úng của thành phố. Công năng của các trạm bơm nước, hồ điều hòa của thành phố, vốn đã quá yếu bấy lâu nay, qua trận mưa vừa rồi đã "qụy" hẳn. Cả thành phố chỉ trông chờ duy nhất vào Trạm bơm Yên Sở, mà chính bản thân nó suýt nữa cũng bị nhấn chìm trong nước.

Như một hệ quả tất yếu, người dân Hà Nội đành chấp nhận trả giá đắt, để có bằng được thức ăn dự trữ bởi họ chẳng thể biết những ngày tiếp theo sẽ ra sao. Giá cả chợ búa, đặc biệt là rau xanh, tăng lên chóng mặt, phần vì khan hiếm, phần vì thực tế người dân quá thiếu thông tin tình hình đang diễn ra. Nhiều khu vực người dân phải sống trong tình cảnh mất điện, mất nước nhiều ngày liền.

Giá thực phẩm tăng chóng mặt, lẽ ra phải mừng cho người nông dân sản xuất quanh năm đầu tắt mặt tối mới phải. Tiếc thay, hàng hóa thì không mang được đến người cần, người muốn mua thì không tiếp cận được với hàng bán vì ách tắc. Cũng chẳng ai đứng ra tổ chức thu mua, phân phối để giúp đỡ cả đôi bên.

Sự thiếu quyết đoán, kém nhanh nhạy trong phân tích, dự báo tình hình còn thể hiện rõ nét nhất qua việc quyết định có cho học sinh đến hay không đến trường trong những ngày mưa lũ. Hàng vạn học sinh đến trường cũng kéo theo chừng đó phụ huynh phải ra đường lao vào các vùng nước ngập khiến cho ách tắc lại càng thêm nặng nề. Nhiều học sinh tiểu học thậm chí phải chống gậy lò dò lần tìm đường đi trong dòng nước lũ để đến trường. Và đã có những chuyện đau lòng mặc dù chẳng ai muốn, cũng đã xảy ra.

Em Nguyễn Văn Xuân trên đường đi học về qua đập tràn khu Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai đã sẩy chân và bị nước lũ cuốn trôi. Mãi đến 6 giờ ngày hôm sau mới tìm thấy xác. Sự việc đã có thể dừng ở ngày 31/10, nhưng vì sự thiếu quyết đoán, hoặc giả thiếu thông tin kịp thời mà ngay ngày hôm sau lại xảy ra trường hợp đau lòng của em Nguyễn Thị Vân Anh, học sinh lớp 7A2 Trường THCS Bế Văn Đàn đã chết vì ngã xuống cái mương nước oan nghiệt.

Lúc 7h sáng, cháu Vân Anh cùng bạn học dắt xe đạp qua đoạn phân cách giữa hồ và mương (rộng chừng hơn 1 mét). Bất ngờ, cô bé trượt chân ngã xuống mương. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, đội tìm kiếm cứu nạn đã giăng lưới ở cầu Trung Tự đề phòng xác trôi đi.

Gia đình nạn nhân và Công an phường cũng đã có mặt tại hiện trường nhưng phải đến sáng ngày hôm sau, thi thể Vân Anh mới được người dân phát hiện gần cầu Đông Tác, cách địa điểm xảy ra tai nạn hơn 2 km. Cho đến khi xác được phát hiện dưới chân cầu, cháu Vân Anh vẫn còn nguyên trên người bộ đồng phục của Trường THCS Bế Văn Đàn...

Thêm đau lòng, xe cứu thương chở nạn nhân cũng bị chết máy không đi được, phải gọi mãi mới có xe cứu hộ kéo đi. Không chỉ gia đình, bạn bè, nhiều người qua đường cũng rơi nước mắt xót thương cô bé học sinh xấu số.

... và trách nhiệm

Không ai phủ nhận công sức của nhiều cán bộ, nhân viên trong bộ máy công quyền của thành phố đã làm việc không quản ngại gian khổ trong dòng nước lũ để góp phần giảm nhẹ phần nào những thiệt hại cho người dân.

Hình ảnh một công nhân công ty thoát nước mặc bộ quần áo vàng, đứng giữa con đường - sông trên phố bên cạnh chiếc hố ga đã bật nắp để đảm bảo không có ai bước hụt đã in đậm trong tâm trí nhiều người qua đường. Ngay cả những lúc mưa to nhất, người ta vẫn thấy những chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ giúp dân trong lũ, bám trụ tại các nút giao thông. Nhưng cũng qua hình ảnh ấy, nhiều người lại cho rằng giá như mọi việc được chuẩn bị trước, hệ thống thoát nước được cải thiện tốt hơn, thì người công nhân ấy đã không phải đứng đó, ngâm mình trong nước... Cái thiếu vẫn là một tầm nhìn chiến lược.

Sự năng nổ của ban lãnh đạo thành phố cũng đáng được ghi nhận. Trong những ngày Hà Nội xảy ra mưa lớn, các báo, đài liên tục cập nhật thông tin về tình hình mưa lũ, ngập úng, gây thiệt hại lớn. Có nhiều hình ảnh hay những mô tả chân thật về hoạt động của các vị lãnh đạo thành phố đã trực tiếp có mặt tại nhiều "điểm nóng", để, như người ta thấy, trước hết là chỉ đạo, và rồi sau đó là giúp người dân ứng phó tại chỗ với mưa ngập.

Sát cánh với người dân trong cơn hoạn nạn là trách nhiệm của chính quyền, việc này đã được quán triệt. Nhưng điều mà người dân cũng rất cần trong lúc ấy như những thông tin cụ thể là họ làm thế nào để có được rau xanh, có thực phẩm sạch để vượt qua tình cảnh hiện tại, thì lại không có. Và nếu có những thông tin chi tiết hơn như việc từ nhà đến công sở, người dân phải tránh bao nhiêu hố ga có nắp cống hở, bao nhiêu bờ vỉa hè bị sạt lở hay có những dịch vụ công nào được tổ chức để đưa đón người dân qua những vùng ngập sâu... thì có thể đã đỡ được thiệt hại về người và tài sản của nhân dân hơn.

Trong cuộc họp rút kinh nghiệm chiều ngày 3/11, đánh giá về hậu quả của trận mưa lụt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã thẳng thắn thừa nhận thiệt hại của trận mưa lũ vừa qua là "vô cùng nghiêm trọng".

Bên cạnh việc khẳng định "những gì đã làm tới giờ phút này là cố gắng tối đa", lãnh đạo đứng đầu thành phố còn cho rằng những cái khó của ngày hôm nay là một cuộc "tổng diễn tập" lớn cho tương lai. Điều này có thể đúng, hoặc có thể chưa đúng, nhưng gọi những gì diễn ra những ngày qua là một cuộc "tổng diễn tập" có vẻ như chưa được hợp lý lắm. Phải gọi là mất mát hay tổn thất lớn để rút ra bài học xương máu thì có lẽ sẽ đúng hơn...

...Thế mới thấy, để tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội còn quá nhiều việc phải làm chứ không chỉ đơn thuần là sự thay đổi của những con số một cách cơ học đang ngày đêm nhấp nháy nhắc nhở trên chiếc bảng điện tử bên đền Bà Kiệu

Nhóm PVTS Chuyên đề ANTG
.
.