Đi học thôi miên

Thứ Bảy, 02/02/2013, 22:35

Khi thông báo ý định sẽ đi học một khóa học về thôi miên tại Trung tâm nghiên cứu sức khỏe Thể - Tâm - Trí của Thạc sĩ thôi miên Nguyễn Mạnh Quân, có người biết chuyện tỏ thái độ hoài nghi, có người lại cười cười mà rằng có lẽ phải tránh xa tôi ra kẻo lại bị thôi miên mà lấy hết tiền bạc hay bị sai khiến (?). Xem ra, một ngành khoa học thôi miên có lịch sử hơn 200 năm trên thế giới, lại được biết đến ở ta với những khái niệm mơ hồ đến vậy.

8 giờ 30 phút sáng, các học viên đã có mặt đủ tại phòng đăng ký của Trung tâm chờ được phát thẻ vào lớp. Được biết đây là khóa học đặc biệt, kỷ niệm một năm thành lập và hoạt động của Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên tại Việt Nam, thuộc Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam (Chuyên đề ANTG đã có phóng sự cách đây ít lâu). Đây cũng là một đơn vị nằm trong chuỗi 3 trung tâm đều do Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân - Quân "thôi miên" làm giám đốc. Chẳng hạn như với Thể - Tâm - Trí thì mở các lớp đào tạo về kỹ năng đàm phán, kỹ năng giao tiếp… còn Trung tâm UNESCO này chuyên về các lớp ứng dụng thôi miên trong cuộc sống.

Cụ thể là với khóa học này có tên "Khơi nguồn sức sống mới" với chủ đề sức khỏe cộng đồng, một ít thôi miên trị liệu như tự thôi miên để lấy lại thăng bằng trong cuộc sống và cắt giảm cơn đau mãn tính. Có lẽ theo ý đồ của Quân "thôi miên", hiện tại mỗi trung tâm sẽ hoạt động theo các nội dung như thế, nôm na tựa các mảng đăng ký ngành nghề trong kinh doanh vậy.

Khoảng nửa tiếng đồng hồ làm các thủ tục tạo điều kiện cho chúng tôi có thời gian tìm hiểu thêm. Lớp lần này khá đông, đến gần 50 người. Quả thực ban đầu hơi "choáng" với số lượng này, bởi lẽ theo những gì được biết về học phí cho mỗi học viên suýt soát 20 triệu đồng cho một khóa học chỉ trong 3 ngày, thì đây sẽ là con số mơ ước trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay!

Tuy nhiên, như đã nói, đây là khóa học có tính chất đặc biệt nên có sự tham gia của nhiều học viên khóa đầu tiên mà theo tôi biết, hầu hết đã trở thành cộng tác viên của Trung tâm. Trong số những học viên khóa đầu này có vài người có trình độ thạc sĩ, đại học và hiện đang là chuyên viên của các bộ ngành và giảng viên đại học. Ngoài ra, vì là khóa đặc biệt nên lượng khách mời cũng tương đối đông. Số này cộng với số cộng tác viên vừa nhắc đến ở trên, theo ước đoán của tôi, chiếm khoảng hơn một nửa. Ngoài ra còn một vài trường hợp như trường hợp hai chị em từ Yên Bái về học, đăng ký cho cô em thì cô chị cũng được vào ngồi cùng giám hộ, hay hai cha con từ Thái Nguyên xuống, con học bố đi kèm…

Quân “thôi miên” đang giảng về khoa học thôi miên nghiên cứu bộ não con người.

Có người từ Tuyên Quang đến, có người ở tận TP HCM cũng cất công ra tận Hà Nội trong thời tiết giá mướt để tham gia, mặc dù trên trang web của Trung tâm đã công bố rõ kế hoạch mở lớp tương tự trong đấy. Trong số khách mời, có người là phó tổng giám đốc một tổng công ty lớn có trụ sở ở một huyện ngoại thành Hà Nội và cả đại diện, ủy ban kiểm tra của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam…

Sau nửa tiếng làm thủ tục, lớp học bắt đầu. Quân “thôi miên” kể một câu chuyện giả tưởng về một doanh nhân thường xuyên thắp hương cầu xin thần linh phù hộ cho làm ăn phát đạt. Cứ thế, anh ta suốt ngày gọi tên thần linh, riết quá đến nỗi chính "thần linh" cũng không chịu nổi, đành phải "hiện về" trước mặt anh ta đề nghị đổi vai và xin người này những con số may mắn mà ngay cả thần linh cũng còn chẳng biết… Thôi miên, cũng như việc cầu thần khấn Phật, cần phải được hiểu là một liệu pháp tâm lý, không phải là cách để người ta đạt được mục đích.

Thôi miên có hai dạng: bị thôi miên và tự thôi miên. Sở hữu được phương pháp tự thôi miên chính là nội dung của khóa học này. Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân, thôi miên không chỉ chữa bệnh, mà là một liệu pháp giúp người ta thoải mái, hạnh phúc hơn lên. Mục đích của khóa học này, như tên gọi của nó - "Khơi nguồn sức sống mới" - nhằm trang bị cho các học viên kỹ năng tự giải quyết một số vấn đề liên quan đến tâm lý, và cả một phần bệnh lý thường gặp trong cuộc sống, trong các mối quan hệ để con người ta sống khỏe hơn lên, sống tốt hơn lên. Thiền, yoga và tự thôi miên cùng xuất phát từ một phương pháp, đó là đưa con người vào trạng thái hạ thấp tần số não.

Não người có 4 dải tần số chính: Tần số Beta từ 13 - 30 Hz là trạng thái thông thường; Tần số Alpha từ 8 - 12 Hz (đây là dải tần số tiếp thu, ghi nhớ, phát huy… tốt nhất của bộ não, hiểu cách khác, đó chính là lúc con người tập trung cao độ); Tần số Theta từ 4 - 7 Hz và tần số Delta từ 1 - 3 Hz. Trong khi yoga và tự thôi miên chỉ đưa con người ta vào trạng thái Alpha và Theta thì thiền lại đưa bộ não con người đến cả 3 tần số Alpha, Theta và Delta.

Một ca thực hành tự thôi miên trong lớp học.

Tài liệu của Trung tâm còn đưa ra một bảng so sánh hiệu quả giữa yoga, thiền và tự thôi miên, và có đưa ra đánh giá tự thôi miên là phương pháp có các khả năng ưu việt hơn cả. Chẳng hạn như thiền, yoga và tự thôi miên đều đạt khả năng thư giãn tinh thần tối đa nhưng trong thiền không có khả năng sử dụng sức mạnh cảm nhận cũng như khả năng sử dụng sức mạnh hình ảnh. Chỉ một phần những sức mạnh ấy được phát huy trong yoga nhưng sẽ là tối đa nếu là tự thôi miên…

Có thể nắm được "bí kíp" tự thôi miên trong đó gồm cả phương pháp châm cứu tâm lý EFT (trị liệu căn bản) hay khả năng lập trình tư duy tích cực giúp cân bằng và nâng cao chất lượng sống là một kết quả không tồi. Tuy nhiên, phần khiến hầu hết những khách mời như chúng tôi quan tâm hơn, lại là sẽ bị thôi miên như thế nào. Bởi lẽ nếu tự thôi miên, tự cân bằng cho mình, tự chữa bệnh cho chính mình thì cũng chỉ… một mình mình cảm nhận được. Còn nếu bị người khác thôi miên, anh sẽ có cơ hội được trải nghiệm thực sự!

Về lý thuyết, theo nhà thôi miên của mọi thời đại Wolf Messing - Nghệ sĩ công huân Liên bang Xôviết, nhân vật chính trong bộ phim truyền hình nhiều tập được chiếu trên truyền hình Nga "Wolf Messing: Người nhìn thấu thời gian" - thì ai cũng có khả năng thôi miên. Khác nhau chỉ ở chỗ, mỗi cá nhân lại kiểm soát sức mạnh tinh thần của bản thân ở các mức độ không giống nhau mà thôi.

Còn theo một kết quả nghiên cứu khác của Tiến sĩ David Spiegel - nhà tâm lý học của Đại học Stanford, Mỹ (cha ông, Herbert Spiegel cũng là một chuyên gia về thôi miên nổi tiếng) - thì có khoảng 10 đến 15% người lớn rất dễ bị thôi miên. Tỉ lệ này sẽ là 80 - 85% với những trẻ dưới 12 tuổi. Trong khi đó, khoảng 20% người lớn rất khó bị thôi miên. Người có ý chí mạnh mẽ rất khó vào trạng thái là điều đã được kiểm chứng.

Tỉ lệ này có vẻ rất hợp lý nếu gắn nó vào với tuyên bố mà ở tại thời điểm đó bị coi là khá "lộng ngôn" của chính Quân “thôi miên” cách đây ít lâu, khi nói rằng trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể phù hợp, có thể khiến cho 80% số người có mặt ở sân vận động Mỹ Đình vào trạng thái, sẽ "như nhập đồng" nếu muốn! Tuyên bố này đã từng khá gây ầm ĩ, được coi như một lời "thách đấu" các nhà ngoại cảm hiện nay… Tuy nhiên, việc này đến nay vẫn chưa xảy ra!

Lại nói xưa nay vẫn có quan niệm sai lầm rằng khi bị thôi miên, người ta biến thành con rối, tuân theo răm rắp những mệnh lệnh của người thôi miên. Thực ra thì không phải vậy. Giữa nhà thôi miên và đối tượng dù trong tình huống nào cũng độc lập với nhau về ý thức. Người bị thôi miên vẫn tỉnh táo, nghe và nhận biết được xung quanh. Người ta sẽ chỉ vào trạng thái thôi miên khi người thôi miên họ đưa ra những ám thị phù hợp mà họ mong muốn. Dựa trên cơ sở này, một tài liệu khác cho rằng phương thức đầu tiên giúp người ta chống lại thôi miên khi nó còn chưa bắt đầu, đó là: bạn sẽ không bao giờ bị thôi miên nếu như bản thân bạn không hề muốn. Nếu chủ động, ý thức của người ta sẽ đủ chống chọi lại tác động của những biện pháp thôi miên như ru ngủ, cái nhìn cố định…

Một trong những ví dụ cụ thể cho việc này chính là trường hợp lật tẩy vụ án "cướp tiệm vàng bằng thôi miên" ở Quảng Ngãi cách đây ít lâu. Chỉ vài giờ sau khi vụ án xảy ra, Quân “thôi miên” đã lên tiếng phản bác luận điệu của vài nhân chứng - đồng phạm khi cho rằng mình bị thôi miên mà tự động đưa hết tiền, vàng cho tên cướp. Và quả thật, dựa vào các chứng cứ tại hiện trường, cơ quan chức năng đã nhanh chóng tìm ra thủ phạm chính là bà chủ tiệm vàng.

Ngoài ra, thực tế đã chỉ ra rằng, những người có chỉ số thông minh cao và khả năng tự vệ thần kinh tốt sẽ khó bị thôi miên hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trí thông minh ở đây thiên về kiến thức xã hội, kinh nghiệm và sự va vấp trong cuộc sống hơn là kiến thức sách vở. Như thế có thể hiểu là người có học vị cao chưa hẳn đã là người không thể thôi miên được.

Còn theo giải thích của Quân “thôi miên”, thì những người hoạt động tư duy nhiều, có đầu óc phân tích thường xuyên được kích hoạt, tức là bán cầu đại não trái hoạt động nhiều sẽ thuộc diện khó vào trạng thái. Hoặc kể cả những người đang sẵn tò mò, mặc dù rất cố gắng đưa mình vào trạng thái thôi miên nhưng lại lắng nghe và cố hiểu từng lời nói của người thôi miên thì cũng không thể vào trạng thái được?

Một giờ thực hành luyện tập kích thích hai bán cầu đại não.

Bước vào thực hành tự thôi miên, chuyên gia thôi miên đề nghị mọi người làm theo các hiệu lệnh. Sau khi đưa ra khẩu lệnh, mọi người nhắm mắt thư giãn, những lời thì thầm của chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân yêu cầu mọi người lần lượt tập trung vào từng điểm trên cơ thể, từ trên đỉnh đầu xuống đến bàn chân, ngón chân, và rồi yêu cầu người đang bị thôi miên… thoát ra khỏi cơ thể của chính mình để nhập vào một cơ thể khác mà mình đang hình dung, mong muốn tới, khỏe mạnh và thành đạt hơn: "Và bây giờ, bạn hãy để cho cơ thể bạn hoàn toàn thoải mái… Bạn có thấy mình đang cầm trên tay thứ gì không? Nó to hay nhỏ, dài hay ngắn?… Hãy cảm nhận bạn đang đi trên nền đất, mỗi bước chân của bạn, hãy cảm nhận xem nền đất ấy khô hay ướt, cứng hay mềm, nóng hay lạnh?... Hãy luôn nghĩ rằng tất cả các lĩnh vực và các khía cạnh trong cuộc sống của bạn cứ mỗi ngày lại tốt đẹp hơn, tốt đẹp hơn…".

Giọng nói ra lời ám thị cứ đều đều, chầm chậm, trầm bổng cộng với nền nhạc êm êm, u tịch khiến đôi lúc người ta quên cả việc mình đang ở trong lớp học mà như đang ở một nơi nào đấy cực kỳ thư giãn, thoải mái…

Thôi miên không phải là phép thuật. Nếu có sự kỳ diệu nào thì đó chính là tiềm năng trong chính từng con người được đánh thức và bộc lộ ra mà thôi - Chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân.

Chỉ có điều, mặc cho điệu nhạc êm ái cùng tiếng thì thầm to nhỏ của Quân “thôi miên”, tôi là một trong số những người không thể vào được trạng thái. Ngoảnh lên nhìn lớp, thấy nhiều khuôn mặt toát ra vẻ thỏa mãn, có người thi thoảng lúc lắc cái đầu, mắt nhắm nghiền trong khi chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân thì vẫn tiếp tục nói và không ngừng các điệu bộ, cử chỉ ngôn ngữ cơ thể y như đang diễn thuyết trước hàng trăm con mắt đang chăm chú theo dõi vậy…

Ngoảnh sang bên cạnh, thấy ông phó tổng giám đốc đang… ngáy! Một vài người khác cũng ngủ, gục đầu xuống rồi lại lúc lắc gượng ngóc lên, ngáy khá to… ông khách mời phó tổng giám đốc cũng là một trong số những người không thể vào được trạng thái, giống như tôi và một vài người khác trong lớp.

* Kỳ sau: Câu chuyện của các học viên

Việt Ba
.
.