Đi sim thời hiện đại và những hệ lụy

Chủ Nhật, 13/04/2014, 22:15

Người xưa kể rằng, đi sim là một tập tục truyền thống của người Pa Cô – Vân Kiều nói chung và đặc biệt là những thanh niên người Vân Kiều đang sinh sống ở các thôn bản vùng cao thuộc các xã miền núi của tỉnh Quảng Trị. Nhưng hiện nay nét đẹp văn hóa ấy đang dần bị mai một.

Theo tục lệ, cứ đến những mùa trăng, thanh niên trai gái của núi rừng đến tuổi dựng vợ gã chồng sẽ đi sim. Những chàng trai, cô gái sẽ cùng nhau đến ở một ngôi nhà sàn của một người đàn bà góa, hoặc là nhà của một đôi vợ chồng già không có con, họ gọi đó là nhà Xu. Ở đó, người con gái sẽ được quyền lựa chọn người con trai cho mình.

Rồi cũng ở đó, họ được thỏa sức tìm hiểu, thỏa sức trao gửi cho nhau những lời tâm sự, những hứa hẹn tương lai về một mái nhà hạnh phúc. Ở những ngôi nhà Xu ấy, họ có thể nằm cùng nhau để nói chuyện, hoặc là từng đôi một sẽ dắt nhau ra bờ suối, bờ sông hay một căn chòi trên nương, trên rẫy để tâm sự cho đến 3 – 4 giờ sáng thì họ lặng lẽ mỗi người trở về ngôi nhà của mình.

Rồi đêm trăng sáng tiếp theo sau đó, họ lại cùng nhau hò hẹn. Không những chỉ trong làng mình, có người còn đến các làng khác để đi sim, họ đi sim cho đến lúc nào thực sự tìm thấy người tâm đầu ý hợp thì họ mới “bỏ của”.

Luật tục của người Vân Kiều cũng hết sức nghiêm khắc, không bao giờ cho phép những đôi trai gái đi sim được quan hệ xác thịt trước hôn nhân. Nếu đôi nào phạm luật, họ sẽ bị phạt rất nặng, thường là phạt một con trâu bạc để họ tẩy những uế tạp mang tính tâm linh trong ngôi nhà Xu. Sau những ngày sim, nếu đôi trai gái nào “ưng cái bụng” thì chàng trai sẽ trao tặng cho cô gái một chiếc vòng bạc và xem đó như một món quà sính lễ đầu tiên, là khởi sự của một câu chuyện tình yêu bền vững về sau này… Người con trai và người con gái sẽ trở về nhà để thông báo về người tâm đầu ý hợp của mình cho cha mẹ và những người thân được biết.

Sau khi được cha mẹ và họ hàng của cả đôi bên đồng ý thì lễ cưới sẽ được tiến hành theo đúng tập tục hôn nhân của người Vân Kiều. Sau lễ cưới mang tính chất truyền thống của dân tộc mình, tùy theo vào điều kiện kinh tế, các đôi vợ chồng người Vân Kiều phải tổ chức thêm một lễ cưới nữa gọi là lễ Khơi. Sau lễ Khơi này người vợ xem như chính thức trở thành một thành viên quan trọng trong gia đình chồng.

Nhà thơ Hồ Chư – người dân tộc Vân Kiều – ông cũng là người đã bỏ ra không ít công sức, thời gian để nghiên cứu, lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình, nhằm lưu truyền cho hậu thế.

Trao đổi với chúng tôi về tập tục đi sim của đồng bào mình, ông Chư cho biết: Tục lệ đi sim của người Pa Cô – Vân Kiều đã có từ xa xưa, những người con của đồng bào Pa Cô – Vân Kiều sinh sống giữa đại ngàn Trường Sơn ai cũng biết về tập tục này, nhưng đi sim ngày xưa và đi sim ngày nay có nhiều điều khác biệt. Ví như ngày xưa đi sim thì phải đi bộ, người đi sim phải nhuộm răng, nhưng ngày nay thì họ không nhuộm răng và đương nhiên do xã hội ngày càng phát triển nên họ cũng đã thay đổi từ việc đi bộ sang đi bằng xe máy…

Ngày xưa đi sim là nam thanh, nữ tú hẹn nhau để cô gái ngồi nghe chàng trai gảy đàn thay cho lời muốn nói, hoặc giao lưu với nhau thông qua hình thức hát đối đáp nhằm trao gửi những thông điệp yêu thương. Tất nhiên, ngày nay đi sim thì họ có nhiều chuyện hơn để nói, tuy nhiên trong những đêm sim trăng sáng ấy, giữa núi rừng linh thiêng và lãng mạn, chúng ta vẫn bắt gặp những đôi trai gái say sưa hát đối đáp với nhau. Đó là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử đầy chất trữ tình và nó còn tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Cô – Vân Kiều. Thường thì trong những mùa đi sim, các chàng trai, cô gái sẽ hát giao duyên với 3 làn điệu chính, đó là: Cha Chấp; Oát và Xà Nớt.

Các già bản kể chuyện đi sim.

Cha Chấp là loại hình đối đáp dành cho thanh niên nam nữ trong những buổi đầu hẹn hò. Với nhạc điệu ấm áp và ca từ trữ tình, họ hát không phải để thử tài mà chỉ để bày tỏ nỗi lòng, thông tin cho nhau thân phận, hoàn cảnh và cảm nhận của mình về đối tượng… đi đôi với làn điệu Cha Chấp này là một chiếc kèn có tên là A Man. Chiếc kèn này do cô gái giữ nhưng khi thổi phải có hai người, giữa đêm núi rừng vắng lặng, tiếng kèn A Man nghe rất trầm lắng cùng với những lời ca của chàng trai…

Tuy nhiên, càng về sau này, xã hội phát triển cùng với những sản phẩm văn hóa hiện đại đã từng ngày bào mòn, xâm chiếm vào đời sống của đồng bào Pa Cô – Vân Kiều tại các bản làng giữa đại ngàn Trường Sơn. Những giá trị văn hóa truyền thống đã dường như bị các thế hệ trẻ sau này tiếp nhận một cách hời hợt, thậm chí có nguy cơ bị mai một.

Ngày nay vào những đêm trăng sáng, người ta có thể thấy những chàng trai, cô gái Vân Kiều trong trang phục bảnh bao, xe máy sáng loáng chở nhau vào những quán cà phê, thậm chí là những quán nhậu để trao gửi tâm tình… khi cuộc vui tập thể đã tàn, lúc ấy họ mới từng đôi tách ra nơi bìa rừng, khe suối để tiếp tục tâm sự…

Đời sống hiện đại hôm nay cũng đã làm cho những cô gái vốn dĩ e ấp xưa kia bây giờ thêm bạo dạn. Họ biết rất rõ rằng nếu họ phạm luật thì làng sẽ phạt rất nặng, nhưng cũng đã có nhiều cô gái tuổi đương thì vì yêu quá đắm say mà sẵn lòng trao gửi cái quý giá nhất của đời con gái cho người mình yêu. Sau những cuộc mây mưa với bạn tình là biết bao nhiêu những hệ lụy... Kết quả của những đêm sim ấy là những mầm sống lớn dần trong cơ thể người con gái. Những cô gái nhẹ dạ ấy lại phải sống trong sự ghẻ lạnh của cộng đồng và người thân, ngày đêm mòn mỏi đợi chờ người bạn tình đã từng cùng mình thề non hẹn biển. Thế nhưng, những chàng trai sau khi “đã tỏ đường đi lối về” lại tiếp tục đi tìm những cô gái khác trong những đêm sim khác…

Ông Hồ Văn Nam, cán bộ chuyên trách văn hóa xã Tà Rụt huyện Đắkrông cho biết: “Trên địa bàn xã có đến hai mươi mấy trường hợp các cháu có hoàn cảnh khó khăn thì có đến hơn một chục cháu là không được bố thừa nhận, hoặc là bị bỏ rơi…”. Các cháu này chủ yếu tập trung ở các bản như: Vực leng, A Đăng, A Liêng, A Pun, Ka Hẹp và Tà Rụt 2. 

Tiện đường, ông Nam đã đưa chúng tôi đến thăm gia cảnh của một vài người mẹ đơn thân ở nơi vùng cao khốn khó này. Trong ngôi nhà tuềnh toàng, chị H.T.B. đã tiếp chúng tôi ngay chính trên nền gạch. Vừa trông chừng đứa con 3 tuổi, chị vừa kể lại câu chuyện cuộc đời mình cho chúng tôi nghe. Vài năm trước, chị B. là một trong số ít thiếu nữ có nhan sắc mặn mà của bản.

Đến tuổi trưởng thành, chị cũng theo bạn bè góp mặt vào những đêm sim. Một chàng trai ở làng bên cạnh đã đến với chị không phải bằng những làn điệu dân ca, những điệu kèn mà bằng những lần chở chị trên chiếc xe Win để mua sắm áo quần nơi phố thị. Những buổi cà phê với tiếng nhạc xập xình, những trận nhậu sau những chuyến gùi gỗ trắc với khoản thù lao hậu hĩnh. Hình ảnh một người con trai biết làm ăn và ga lăng đúng cách đã đánh gục con tim chị. Trong một lần sim, chị đã không ngại ngần trao thân cho người con trai đó. Đến lúc nghe chị thông báo cái thai đang lớn dần trong bụng thì hỡi ơi, người đàn ông mà chị đem lòng yêu thương đã chối bỏ trách nhiệm.

Từ đó, bóng dáng của anh ta cũng mất hút. Chị B. phải thui thủi một mình trong sự ghẻ lạnh của người thân và những người trong làng bản. Sinh con một mình trong nước mắt, rồi tảo tần làm lụng để nuôi con… Ngồi với chúng tôi, chị luôn miệng bảo rằng, giá như ngày đó chị đừng dại dột, chị đừng mù quáng trong tình yêu…

Chị H.T.C. cũng là một cánh hoa rừng rực rỡ của bản Ka Hẹp vài năm trước. Chị C. cũng đã “trúng mũi tên tình ái” trong lần đi sim đầu tiên. Với những lời thề non hẹn biển, với những viễn cảnh về tài sản hồi môn. C. đã bị một chàng trai lớn tuổi hơn mình lừa tình một cách ngoạn mục. Khi chị thông báo với người ấy chuyện chị có thai, không những không được động viên, an ủi mà ngược lại chị còn bị anh ta chửi rủa, thậm chí còn có ý hành hung để kiếm cớ đánh bài…chuồn.

Thương phận mình hẩm hiu, chị đã một mình tìm một rẻo đất dựng mái lều xiêu vẹo để làm chỗ sinh con, tránh những ánh mắt ghẻ lạnh của cộng đồng làng bản. Nay đứa con của chị đã được gần 2 tuổi, đã biết thương mẹ ngoan ngoãn nằm trên lưng cho mẹ  địu đi tỉa bắp, hái rau…Chị quyết sẽ nuôi con và không bao giờ mong muốn sẽ gặp lại cái người đàn ông bạc tình ấy nữa…

Cũng trong chuyến đi này, đồng chí cán bộ văn hóa xã còn kể với chúng tôi rằng, bây giờ, đi sim chỉ có thanh niên đồng bào dân tộc, mà còn có rất nhiều thanh niên ở dưới xuôi lên đây theo những công trình xây dựng, giao thông, thủy điện… họ vin vào cái cớ đi sim để khám phá cuộc đời của nhiều sơn nữ. Nhiều cô gái ở vùng cao này vì nhẹ dạ, cả tin mà đã phải gánh nỗi khổ đau khi trao thân cho những chàng trai ở miền xuôi mà họ không hề biết bất cứ một thông tin gì về bản thân cũng như quê quán của họ…

Cũng trong chuyến đi thực tế ở các xã vùng cao ở miền Tây Quảng Trị, chúng tôi đã có dịp để tiếp xúc với những chàng trai đang đến tuổi trưởng thành sống dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh. Khi chúng tôi hỏi về chuyện đi sim và những hiểu biết về tập tục đi sim truyền thống của dân tộc mình. Nhiều chàng trai Vân Kiều tỏ ra rất lúng túng, họ biết rất mơ hồ về những chiếc kèn A Man, Tà Riền cùng với những làn điệu dân ca như Cha Chấp, Oát, Xa Nớt… mà người xưa xem như một “vũ khí” không thể thiếu trong những đêm sim.

Hồ Văn Pơn, một thanh niên ở Tà Rụt nói rằng: “Thời bây giờ, bọn em không thể đợi đến mùa sim mà chủ yếu bọn em tìm hiểu nhau trong quán cà phê, quán nhậu. Có bạn tình rồi thì chở nhau đến chỗ vắng để “tâm sự”. Xã hội giờ văn minh lắm, nhà nghỉ, khách sạn cứ đầy ra, những đứa kiếm được tí tiền như bọn em cũng ít khi đưa bạn tình lên chòi canh rẫy, xuống bờ sông, bờ suối lắm…”.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng này, một cán bộ phụ nữ của huyện Đắkrông cho biết: “Những năm gần đây, do bị ảnh hưởng của những luồng văn hóa xấu từ bên ngoài du nhập vào nên tập tục đi sim của thanh niên người dân tộc Pa Cô – Vân Kiều cũng bị nhiều biến tướng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân căn bản làm phát sinh nạn tảo hôn, sinh con trước tuổi, ly hôn và nghèo đói.

Vì vậy, sắp tới ngoài những biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, chúng tôi sẽ vận dụng linh hoạt, kết hợp  nhiều biện pháp cứng rắn hơn để dần xóa bỏ thực trạng đau lòng này…”

Phan Bùi Thục Anh
.
.