Dìu nhau qua gian khó

Chủ Nhật, 13/06/2021, 22:20
Có nhiều người chọn neo phận đời lại thành phố, gồng mình đi qua cơn dịch. Nhưng cũng có những người bình thản với sự đời, không lo lắng, chẳng hoài nghi. Trong muôn vàn lối sống ấy, tình người vẫn len lỏi ở mọi ngóc ngách của mảnh đất bao dung nghĩa tình này...


Nhường cơm sẻ áo

Khác với những đêm nhộn nhịp bình thường, con đường Hai Bà Trưng (P. Tân Định, Q.1. TP Hồ Chí Minh) những ngày này đã vắng tiếng rao cùng những âm thanh hối hả của cuộc sống về đêm. Không biết từ bao giờ, tuyến đường này đã trở thành nơi sống "lý tưởng" của những người vô gia cư. Ở đây, sung sướng nhất vào hai ngày cuối tuần, người vô gia cư sẽ được nhận rất nhiều đồ ăn, thức uống từ các cá nhân, hội, nhóm thiện nguyện mang cho.

Tôi đã từng ngang qua đây nhiều lần, nhưng chưa bao giờ lại có cảm giác mênh mang như những ngày này, thời điểm cả thành phố giãn cách xã hội vì dịch bệnh. Người vô gia cư vẫn ngồi đó, thu mình bên những mái hiên hàng quán đã đóng cửa. Họ xem cái khoảng rộng chưa tới 1m2 đó là nhà của mình, ngủ một giấc thật dài để rồi sáng mai lại thoắt ẩn trong các ngõ ngách, hẻm hóc hun hút nào đó.

Người vô gia cư nương náu tại cầu chữ Y.

Như bao đêm khuya khác, ông Ba Chánh vẫn còn thức, để ngóng về một phần ăn. Chiếc xe máy của vợ chồng anh Lê Thành Đạt (Q.7) dừng lại với một bọc bánh mì nóng hổi. Không biết các ông bà ẩn nấp ở đâu mà đồng loạt lao về phía xe, như một thói quen cố hữu. Cả người cho và người nhận đều vội vã, họ không kịp ngước lên nhìn mặt nhau, cứ thế lướt qua, không cần lời cảm tạ. Chỉ 15 phút, hơn 100 ổ bánh mì hết veo.  Có bữa khuya ấm dạ, ông Ba Chánh thảnh thơi dựa lưng vào bờ tường, đánh một giấc thật ngon lành.

Riêng ông Lê Văn Quý (67 tuổi) vẫn nhai ổ bánh mì, miệng cười thật tươi. Ông Quý đã nhịn đói từ trưa, chờ đến 10 giờ đêm mới được ăn ổ bánh mì nên vẫn thòm thèm. Ông Quý dự đoán, khoảng 11 giờ sẽ có thêm phần xôi và sữa của nhóm bà Chung dân phòng.

Nhưng suy luận của ông Quý đã không đúng, nhóm người vô gia cư chờ mãi không thấy bóng dáng của "cô tiên" nào đến. Ông Quý có chút hụt hẫng. Còn bà Lê Thị Lành (70 tuổi) đã hiểu được chuyện qua vợ chồng anh Đạt phát bánh mì nên rất vui vẻ. Anh Đạt truyền tin từ các nhóm khác: "Tối nay chỉ có bánh mì thôi nhé, các phần còn lại để dành cho bà con nghèo ở vùng phong tỏa".

Sau một tuần giãn cách xã hội và phong tỏa một số nơi của thành phố, người vô gia cư không thể đi làm các công việc thường ngày như bán vé số, lượm ve chai, nhặt rác... nên không có thu nhập. Thay vào đó, thành phố xuất hiện nhiều điểm hỗ trợ thực phẩm. Người vô gia cư sẽ không phải nhịn đói một ngày nào. Bà Lành cho biết, hơn một tuần qua, bà ăn cơm chay miễn phí ở chùa Giác Ngộ (Q.10). Tối thì được phát sữa và bánh mì.

Ông Quý khoe, được nhận các phần cơm "xịn" từ nhà hàng ở đường Võ Văn Tần (Q.3). Vì được ăn đủ chất nên một ngày ông chỉ xin hai bữa, phần còn lại sẽ nhường cho người khác.

Khoảng lặng mùa dịch

Trên cầu Chữ Y (Q.5 nối Q.8), gió đêm thốc từ con kênh Tàu Hủ lên với đủ thứ mùi hỗn tạp. Người vô gia cư gá mình ở đây không được no bụng như trong khu nội thành Q.1. Tôi hỏi, sao không đi vào trong kia có cái ăn? Người đàn ông ngẩng mặt lên, vén túm tóc rối trước mắt rồi trả lời một câu khiến tôi bất ngờ: "Ở đây ai cho gì ăn nấy, vô trong là chỗ kiếm ăn của người khác rồi".

Người phụ nữ tên Phấn có vẻ hiểu biết hơn, xen vào nói: "Giờ dịch bệnh thế này, chúng tôi không dám đi đâu cả. Quê tôi ở ngay Long An mà không về được, sợ lắm". Bà Phấn vừa lên TP Hồ Chí Minh chưa đầy 1 tháng, mới đi bán vé số được chục ngày thì dịch ập tới. Tiền hết, bà đành sống nhờ cây cầu này. Bà Phấn có người quen ở bên Q.8 nhưng vì không muốn làm phiền người ta, bà sống ở đây cũng có nhiều người cùng cảnh ngộ. "Tôi già rồi, danh phận còn chẳng quan tâm thì sợ cái gì nữa, chỉ lo không có cái ăn thôi", bà Phấn thổ lộ. Tuy nhiên, không phải người vô gia cư nào cũng hiểu về thời dịch như bà Phấn.

Ban ngày, họ nhận cơm từ thiện tại cổng chùa.

"Dịch tễ là cái gì vậy cô, sao tôi nghe nó như tiếng nước ngoài vậy"?, Ông Mai Văn Tý (58 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế) đã thảng thốt khi tôi nhắc đến hai từ "nước ngoài" của ông. Mặc dù được tặng khẩu trang, nhưng ông Tý chỉ che phần cằm, còn nguyên miệng và mũi để mặc gió thốc vào. Ông bảo, bịt kín qua mũi thì khó thở lắm, vì ông quen hít khí trời rồi. Rất khó để đưa ra lý lẽ thuyết phục người như ông Tý thực hiện đúng quy định 5K phòng chống dịch.

Chỉ khi ấy, tôi mới nhận ra, dù chẳng ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, thì người vô gia cư vẫn đang ngụp lặn, vùng vẫy giữa muôn ngàn khó khăn. Và hằng đêm, vẫn có rất nhiều người lặng lẽ đi nắm níu những thân phận còn bám víu ở đây, dìu nhau đi qua những ngày khốn khó.

Ngọc Hoa
.
.