Đời sống công nhân nữ ở một số KCN: Phá thai – Hệ lụy đau lòng

Thứ Ba, 07/10/2014, 14:35

"Nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng nhiều nữ công nhân phải gánh chịu sự cố đau lòng này là do cuộc sống xa nhà, thiếu sự quản lý của gia đình. Thêm vào đó, đồng lương thấp, môi trường sống đơn điệu, nghèo nàn nên họ dễ buông thả" - Bác sĩ Phượng, hiện đang công tác tại Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP HCM cho biết.
>> Đời sống công nhân nữ ở một số KCN: Viễn cảnh… ế chồng

1. Như chúng tôi đã nói trong bài trước, do môi trường sống, do điều kiện làm việc và hoàn cảnh kinh tế, khá nhiều công nhân nữ đến tuổi 30 mà vẫn chưa có "mảnh tình vắt vai" nên vô hình trung, họ trở thành con mồi của những kẻ "chơi qua đường".Cũng không ít người vì thiếu kỹ năng sống, chậm thích nghi, ít khả năng đối phó và vượt qua nỗi cô đơn tình cảm trai gái nên dễ dàng nhắm mắt đưa chân theo những mối tình mà trong đó, có những mối tình chỉ là… tình dục rồi thời gian ngắn sau, họ một mình gánh chịu hậu quả.

Anh Thức, quản đốc một phân xưởng sản xuất ống nước thuộc Công ty nhựa Đ ở quận Bình Tân cho tôi biết: "Ngán nhất là công nhân nữ chưa chồng mà có bầu. Sa thải họ thì vi phạm Luật Lao động, còn giữ họ lại thì phải cho họ nghỉ 4 tháng thai sản mà vẫn hưởng lương, chưa kể trong 4 tháng phải tìm người thay thế vào khâu sản xuất ấy".

Mai, cô công nhân mà tôi nhắc đến trong bài trước kể là lần đó, nghe tin một người bạn làm chung dây chuyền lắp ráp khóa kéo áo gió bị ốm, phải nằm bệnh viện nên cô rủ mấy bạn nữa đi thăm. Tới hồi vào BV quận Bình Tân, hỏi han ở khoa khám bệnh, mới hay bạn cô đang nằm trong… khoa sản mà nguyên nhân là cô được người yêu cho uống thuốc phá thai, gây biến chứng băng huyết trầm trọng: "Lần đó, cháu hết hồn nhưng bây giờ quen rồi". Tôi hỏi quen là sao? Mai cười: "Thì quen là vì chuyện phá thai trong giới công nhân là chuyện…thường ngày ở xí nghiệp!".

Góp gạo nấu cơm chung. (Nguồn Internet)

Vẫn theo lời Mai, địa chỉ mà các cô công nhân "lỡ dại" hay tìm đến là phòng khám tư của một bác sĩ đã về hưu vì giá cả rất… bình dân. Mỗi lần nạo phá thai bằng thuốc hoặc bằng dụng cụ, bà bác sĩ chỉ lấy từ 500 đến 800 nghìn đồng tùy theo thai lớn nhỏ! Mai nói: "Nếu thai lớn hơn 4 tháng thì bà bác sĩ chỉ qua bệnh viện chứ không làm tại phòng mạch. Thai nhỏ, làm xong, bả kêu mang về chôn nhưng đâu có ai chôn vì sợ bạn bè biết. Hầu hết họ gói lại, mang bỏ ở lề đường". 

Sau nạo phá thai, công nhân nữ ít nhiều đều bị ảnh hưởng về tâm lý, biểu hiện bằng việc sợ đàn ông, sợ tình yêu, không còn tin vào những lời hứa hẹn, thề thốt. Một người có nickname ngocdiep, tự giới thiệu là công nhân ở khu công nghiệp Tân Bình viết trên trang facebook của mình: "Khi mình báo cho nó biết là mình có thai, nó nói mình gạt nó, mình muốn "cột" nó. Tới hồi mình mua que về thử trước mặt nó thì nó chối, nó nói chưa chắc đã là thai của nó. Đồ khốn nạn… Mình buộc phải viết ra những dòng này để cảnh báo các bạn trong công ty hãy coi chừng nó". Chẳng biết nickname ngocdiep sẽ giải quyết hậu quả ra sao nhưng dù bằng cách nào chăng nữa, nó vẫn để lại những di chứng buồn.

Không ít công nhân nữ một mình nuôi con.

Bác sĩ Hồng, nguyên Trưởng khoa Sản BV Đa khoa quận 3 nói: "Do mắc cỡ vì sợ bạn bè, gia đình biết, một số nữ công nhân âm thầm lên mạng tìm hiểu cách phá thai bằng thuốc rồi ra tiệm thuốc Tây, mua về uống. Do không được kiểm tra thai kỳ cũng như hướng dẫn của bác sĩ, không ít cô gặp phải tai biến sau phá thai, thường là băng huyết ồ ạt…".

Bác sĩ Phượng công tác tại Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP HCM cho biết thêm: "Nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng nhiều nữ công  nhân phải gánh chịu sự cố đau lòng này là do cuộc sống xa nhà, thiếu sự quản lý của gia đình. Thêm vào đó, đồng lương thấp, môi trường sống đơn điệu, nghèo nàn nên họ dễ buông thả".

2. Tại Bình Dương, nơi số lượng các khu công nghiệp chiếm nhiều nhất so với cả nước, tình trạng nạo phá thai trong giới công nhân nữ ngày càng tăng. Một cán bộ thuộc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe và Kế hoạch hóa gia đình cho biết: "Hàng ngày có khoảng 40 ca đến xin nạo phá thai, 80% là công nhân, trong đó chỉ 40% có người thân đi theo. Số còn lại tranh thủ giờ nghỉ trưa ở công ty, tự đến xin phá rồi về nghỉ, mai đi làm tiếp".

Vẫn theo vị cán bộ này thì: "Phần lớn người đến xin hủy thai đều chưa kết hôn. Qua tìm hiểu, hầu như họ không bao giờ chủ động đề nghị bạn tình sử dụng các biện pháp tránh thai, cũng như họ không tự mình áp dụng những biện pháp ấy. 70% nữ công nhân khi được hỏi đều trả lời rằng họ rất ngại khi đi mua dụng cụ tránh thai, hoặc bạn tình của họ không thích. Thậm chí có người chỉ trong 1 năm, đã xin phá thai 3 lần với lý do nếu không phá thì người yêu chia tay, còn 1 năm hủy 2 lần thì nhiều lắm". Có công nhân hiểu rõ phá thai nhiều lần sẽ để lại nhiều di chứng như nhiễm khuẩn đường sinh dục, băng huyết, vô sinh… nhưng họ vẫn ký đơn xin phá.

Chợ vỉa hè là sự lựa chọn của giới công nhân nữ.

Tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ở huyện Thuận An,  Bình Dương, chuyện người dân ở khu vực xung quanh "nhặt" được những đứa bé bị bỏ bên lề đường, bãi cỏ là chuyện bình thường. Mỗi khi có thông tin về một đứa bé nào đó bị bỏ rơi, giới công nhân nữ lại râm ran đồn đoán, rằng con của người này, người kia nhưng rồi cuộc sống cơm áo gạo tiền, nó nhanh chóng chìm vào quên lãng. Chưa kể hàng năm, nhân sự lao động của nhiều công ty, xí nghiệp lại có sự thay đổi nên thân ai nấy biết, chuyện ai nấy làm. Và mặc dù nhiều công ty, xí nghiệp, nhà máy hàng năm đều tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản cho công nhân nữ nhưng số người tham dự lại không nhiều, hoặc có tham dự, có thắc mắc chăng nữa, họ cũng không dám đặt câu hỏi vì… ngại! 

Cũng tại Bình Dương, trong một khu nhà trọ ở Thuận An, tôi được bà Lệ, chủ nhà trọ kể về trường hợp của một cô công nhân tên Hợp: "Nhà trọ của tui gồm 2 dãy, mỗi dãy 5 phòng. Dãy bên phải tui cho nữ mướn còn bên trái là nam". Sáng đi làm cùng giờ, chiều về cũng cùng giờ, ăn uống sinh hoạt chung đụng nên nhiều cặp đã nảy sinh tình cảm.

Bà Lệ phân trần: "Trai gái thích nhau, đến với nhau là quyền tự do của tụi nó, tui làm sao cấm". Tới hồi cô Hợp có bầu, và người yêu bắt đi phá thì cô không chịu, cô đề nghị anh ta làm đám cưới, uống nước trà ăn bánh cũng được. Nhiều đêm, cả dãy nhà trọ mất ngủ vì tiếng khóc lóc ỉ ôi của Hợp cùng tiếng nạt nộ, thuyết phục của anh chàng kia.

Thế rồi chẳng rõ có phải Hợp gọi về nhà, hay một cô bạn nào đó thương cảm hoàn cảnh của Hợp nên đã báo tin cho cha mẹ Hợp mà một buổi chiều, lúc cả nhóm công nhân vừa về tới cổng nhà trọ thì đã thấy hai ông bà già cùng một thanh niên - anh trai Hợp - ngồi đợi sẵn. Túm chặt tay con gái, mẹ Hợp bắt cô phải chỉ ra "thằng nào đã phá đời mày rồi bây giờ tính chuyện… chạy làng!".

Cậu người yêu của Hợp cũng chẳng phải tay vừa. Đứng giữa sân, cậu ta nói lớn: "Con gái bà yêu tôi, tự nguyện đến với tôi chứ tôi có hiếp dâm cô ấy đâu mà bà làm dữ. Ngon thì bà cứ đi thưa công an, ai đúng ai sai cho biết". Anh trai Hợp điên máu, thấy có cây xà beng dựng cạnh đó bèn chụp lấy, nhào vào. Cũng may là các công nhân nam đã kịp thời ôm chặt anh ta, còn người yêu của Hợp mặt xanh như đít nhái, lao ra cổng chạy thục mạng. Bà Lệ kể tiếp: "Sau chuyện ấy, không thấy cậu kia quay lại nữa, tiền nhà thiếu tui gần 1 tháng coi như mất luôn".

Cũng ngay chiều hôm ấy, cha mẹ Hợp bắt cô phải thu dọn quần áo về quê. Bà mẹ rít lên: "Tao sẽ đưa mày đi phá thai chứ giữ làm chi cái giống mất dạy đó" còn anh trai Hợp trước khi ra cổng, đã nhờ số công nhân nam nhắn lại với "người yêu" của em gái mình rằng: "Kêu thằng đó khôn hồn thì bỏ xứ đi. Tao chưa về đâu, tao ở lại để xin nó tí huyết".

3. Không chỉ là nạn nhân của sự thiếu hiểu biết tình dục an toàn, hoặc vì cô đơn, buồn chán, mong tìm được một "bờ vai" nên nhiều công nhân nữ phải ngậm đắng nuốt cay, mà có những công nhân nữ coi việc cặp bồ là để "cải thiện cuộc sống".

Tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, anh Thanh, nhân viên bảo vệ của một công ty sản xuất linh kiện điện tử chỉ cho tôi cô gái mà tôi tạm gọi là Trang. Mặc dù lương tháng chỉ hơn 3 triệu đồng nhưng khi đi làm, cô ta ăn mặc rất điệu đà. Theo anh Thanh thì: "Toàn là bọn con trai sắm cho nó". Sở hữu một thân hình thanh mảnh, da trắng, tóc dài, khuôn mặt xinh xắn, Trang là đích ngắm của khá nhiều công nhân: "Người yêu đầu tiên của nó là thằng Trọng lái xe tải chở hàng cho công ty" - anh Thanh kể.

Quen nhau chừng một tuần, Trọng đưa Trang ra khỏi nhà trọ nơi cô ở chung với 3 người khác rồi mướn cho Trang 1 phòng riêng, sắm sửa tivi, quạt máy, bếp gaz… Đâu được chừng 4 tháng, Trọng bị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới, không lái xe được nữa. Sau khi điều trị, ban giám đốc bố trí Trọng sang coi kho, thu nhập kém đi thì cũng là lúc Trang  nói lời "gút bai" Trọng.

Anh Thanh kể tiếp: "Nó cặp với một kỹ sư thuộc bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm, hơn nó 15 tuổi và được tay này mua cho chiếc xe Attila". Không dừng lại ở đó, Trang còn õng ẹo với nhiều người khác khiến không ít anh chàng trong công ty cứ ngỡ cô ta có cảm tình với mình. Và thế là, nay người này tặng cô chai dầu gội đầu, chai sữa tắm, mai người kia biếu cô chiếc quần jean, cái túi xách.

Anh Thanh bảo: "Nghe nói gần đây nó cặp bồ với một phó giám đốc người Đài Loan của một công ty chế tạo máy bơm nước, và nó đang tính nghỉ để chuyển về chỗ này".

4. Có thể thấy, do tính chất nghề nghiệp, việc tiếp cận với những thay đổi của xã hội trong giới công nhân nữ bị hạn chế. Đời sống văn hóa quá nghèo nàn, sách báo không có, tivi thì 5, 7 phòng trọ mới thấy một phòng có. Một số công ty, xí nghiệp có nhà văn hóa nhưng "có để cho có" vì công nhân thời giờ đâu mà vào đọc sách, xem tivi.

Cũng có những công ty tổ chức cho công nhân nữ giao lưu với các đơn vị bạn - nơi có nhiều công nhân nam nhưng như chúng tôi đã nói, một năm gặp nhau 1 - 2 lần, mỗi lần vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi thì hạt giống tình cảm làm sao kịp nảy mầm. Sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm nên tình trạng nam nữ chưa kết hôn nhưng vẫn ăn chung, ngủ chung đang là vấn đề đáng báo động vì thực tế, các nhà máy, xí nghiệp chỉ quản lý giờ giấc làm việc. Ra khỏi khu công nghiệp, công nhân tự chịu trách nhiệm về bản thân mình.

Lụa, quê Quảng Ngãi, là công nhân trong một nhà máy sản xuất giày thể thao ở khu công nghiệp Biên Hòa, chỉ một tuần sau khi quen một công nhân nam làm cùng dây chuyền, cô đã dọn đồ về ở chung với anh chàng này. Tuy "yêu" nhau, nhưng Lụa và người yêu rất sòng phẳng.

Cứ mỗi cuối tháng, cả hai tính toán tiền gạo, tiền thức ăn, tiền điện, tiền nước, tiền thuê nhà rồi… chia đôi, mỗi người góp một nửa, người yêu cô chịu trách nhiệm quản lý số tiền ấy. Và mặc dù chế độ lương bổng đã được cải thiện khá nhiều, nhưng tiền lương chỉ giúp cho cặp đôi này giải quyết được gần 80% mức sống tối thiểu nên một bữa, mới chỉ là ngày 24 nhưng người yêu Lụa đã than rỗng túi mà nguyên nhân là một lần ham vui, anh ta góp tiền đi nhậu với bạn! Thế là họ cãi nhau um xùm rồi sau đó, Lụa đùng đùng thu xếp quần áo, quay về chỗ trọ cũ.

Làm việc trong các khu công nghiệp đến năm 35, 40 tuổi, những nữ công nhân này sẽ ra sao? Có thể về kinh tế, họ dành dụm được một số vốn kha khá nhưng về tình duyên, cánh cửa nào sẽ mở ra cho họ nhìn thấy hạnh phúc? Và mặc dù chúng ta đang báo động về tình trạng "trai thừa gái thiếu", rằng 20 năm nữa đàn ông Việt Nam sẽ khó lấy được vợ nhưng trong những ngày đi thực tế, tôi nhận thấy khá nhiều nữ công nhân ở độ tuổi 18 đến 30 vẫn chưa có "mảnh tình vắt vai".

Dẫu rằng trong số hơn 220 nghìn công nhân nữ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP HCM, nhiều người đã nên vợ thành chồng nhưng nếu ai đó lạc quan cho là chẳng có gì đáng lo vì "nồi nào úp vung nấy" thì e rằng cơ hội để hàng chục nghìn "nồi" tìm được cái "vung" vừa ý chắc sẽ chẳng đơn giản chút nào!

Vũ Cao
.
.