Đón xuân nơi cửa ngõ chống dịch

Chủ Nhật, 31/01/2021, 17:32
Với bà con đang sinh sống nơi vùng biên cương của Tổ quốc, năm nay hẳn sẽ là một mùa xuân khác biệt. Cái khác lớn nhất có lẽ là sự cảnh giác, đề phòng cao độ dịch bệnh COVID-19 từ bên kia biên giới xâm nhập qua đường mòn, lối mở. Mỗi người dân đã sẵn sàng kề vai, sát cánh cùng các lực lượng quân đội, công an, y tế làm nên “tấm lá chắn thép” vùng phên giậu, đảm bảo cho một cái tết ấm áp, an vui.


Kiểm soát, siết chặt biên giới

Những ngày này, không khí lao động sản xuất trên các xóm làng biên giới Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường của tỉnh Long An luôn nhộn nhịp, hối hả trên đà hướng về đích, để đón chào mùa xuân mới đang tràn về qua từng con đường nhỏ. Dọc các tuyến biên giới, hòa trong không khí lao động hối hả cho kịp cái tết no đủ của người dân là những cuộc tuần tra, kiểm soát không ngơi nghỉ của lực lượng bộ đội, công an, y tế. Dịch bệnh COVID-19 luôn tiềm ẩn, có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu nên tinh thần chung là không chủ quan, không lơ là, không mất cảnh giác.   

Tỉnh Long An có đường biên giới dài gần 133km, tiếp giáp 2 tỉnh Svay Rieng và Prey Veng của Vương quốc Campuchia. Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, công tác phòng, chống dịch bệnh khu vực biên giới càng được tăng cường, siết chặt. Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh thành lập 42 chốt chặn trên tuyến biên giới để thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa kiểm soát người qua lại biên giới, phòng, chống tội phạm, buôn lậu, vừa phòng ngừa dịch bệnh.

Bộ đội biên phòng tuyên truyền người dân vùng biên giới đề cao cảnh giác phòng, chống dịch bệnh.

Từ khi dịch bệnh bùng phát đến giữa tháng 12-2020, các chốt đã tuần tra gần 30.000 lượt. BĐBP tỉnh Long An phát hiện, xử lý kịp thời 339 vụ, 296 đối tượng, trong đó xuất, nhập cảnh trái phép là 25 vụ, 201 đối tượng...

Đáng chú ý, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây đã bắt giữ 1 đối tượng dẫn dắt, làm trung gian đưa 1 người quốc tịch Hàn Quốc xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Campuchia. Đồng thời, đơn vị phối hợp lực lượng chức năng, địa phương phát hiện, kịp thời ngăn chặn một số đối tượng người Trung Quốc có ý định nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Trung úy Mai Thái Phong - Đội trưởng Kiểm soát hành chính, chốt trưởng chốt phòng, chống dịch COVID-19 (Đồn Biên phòng Bến Phố), thông tin: “Đồn hiện có 4 chốt, việc tuần tra, kiểm soát của các chốt được duy trì 24/24 giờ rất nghiêm túc. Vừa rồi, chốt được tăng cường 1 cán bộ từ BĐBP Trà Vinh, bảo đảm lực lượng tuần tra, canh gác hiệu quả. Người dân thường lợi dụng đường sông để qua lại biên giới nên việc tuần tra, kiểm soát còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, chúng tôi động viên nhau cùng nỗ lực để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao”.

“Lá chắn thép” dọc tuyến biên giới đã và đang phát huy rất hiệu quả, đẩy lùi các đường dây đưa, rước người xuất cảnh trái phép, góp phần ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn của dịch bệnh. Đại úy Lưu Minh Trung - Phó Ðồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Trăng cho biết: “Đồn quản lý đoạn biên giới dài 15,2km, tiếp giáp tỉnh Đồng Tháp, về nội biên gồm 3 xã: Hưng Hà, Hưng Điền B và Hưng Điền (huyện Tân Hưng); ngoại biên giáp 2 tỉnh Prey Veng và Svay Rieng (Campuchia).

Thường xuyên tuần tra trên các con đường biên giới.

Thời điểm cận tết, tình hình xuất nhập cảnh trái phép dự đoán diễn biến phức tạp. Với 5 chốt cố định trên biên giới, đồn tăng cường lực lượng trực 24/24 giờ để ngăn chặn, phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm soát khép kín địa bàn, nhất là trong thời gian cao điểm, quyết tâm không để dịch bệnh xảy ra hoặc lọt vào từ bên kia biên giới.

Đợt cuối năm 2020, tại khu vực biên giới thuộc ấp Bưng Ràm (xã Hưng Điền B), tổ công tác của Đồn Biên phòng Sông Trăng phối hợp các lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát thì phát hiện 2 đối tượng đang vượt biên trái phép từ Campuchia về Việt Nam. Ngay lập tức, tổ công tác yêu cầu dừng lại kiểm tra và đưa 2 đối tượng về đơn vị để điều tra, làm rõ. 2 đối tượng là Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Thị Ngọc Ánh.

Trước đó, cả 2 sang Campuchia đi làm thuê, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phía nước bạn diễn biến phức tạp và công việc không ổn định nên họ vượt biên trái phép để về Việt Nam làm ăn, sinh sống. Khi đến địa điểm đối diện ấp Bưng Ràm, Dũng và Ánh thấy có chiếc xuồng đậu bên bờ sông Cái Cỏ phía Campuchia, cả 2 xuống bơi về phía Việt Nam. Vụ việc được phát hiện kịp thời, 2 đối tượng được đưa đi cách ly theo đúng quy định.

Theo Đại tá Đoàn Văn An - Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, lực lượng biên phòng cùng các đơn vị liên quan vừa ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, vừa đấu tranh với tội phạm buôn lậu cao điểm cuối năm. Trong điều kiện hiện nay, càng về cuối năm, lượng người đi làm ở nước ngoài rất muốn về quê đón tết. Tuy nhiên, vẫn có những người có ý định nhập cảnh trái phép. Vì vậy, biên phòng tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm.

Cùng chung nhiệm vụ làm “lá chắn” nơi biên giới, Thiếu tá Nguyễn Vân Sơn - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thuận Bình (đóng quân tại xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) cho biết: “Đồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 8,9km. Đơn vị phối hợp ban, ngành, đoàn thể địa phương nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn, kể cả phía ngoại biên Campuchia đối diện để có biện pháp ứng phó kịp thời; thống kê, giám sát chặt chẽ tình hình các đối tượng đi hợp tác lao động, có chồng người nước ngoài,... Ngoài ra, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên CBCS an tâm công tác, quản lý chặt chẽ kỷ luật phát ngôn, kỷ luật thông tin nhằm tránh tin đồn không đúng sự thật gây hoang mang dư luận”.

Các chốt kiểm soát luôn trực chiến 24/24.

Để nâng cao ý thức phòng dịch, BĐBP và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, nhờ đó, người dân không chỉ tự ý thức phòng, chống dịch mà còn kịp thời phát hiện những trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép. Đường biên dài, địa bàn rộng, dù lực lượng BĐBP đã rất nỗ lực nhưng chính sự cảnh giác, ý thức trách nhiệm của nhân dân đã tạo nên sức mạnh to lớn, góp phần phòng dịch hiệu quả.

Mỗi người dân là một phên giậu

Từ nhiều tháng nay, gia đình ông Nguyễn Văn Ánh (xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng) đã chấp nhận gác thuyền chèo, sau khi nhận được sự động viên, tuyên truyền của cán bộ địa phương. Ông Ánh vốn là dân buôn gạo từ Campuchia về Việt Nam. Năm 2020, là một năm u ám bủa vây cuộc sống của ông Ánh, khi con đường thương buôn bị dịch COVID-19 làm cho tắc nghẽn. Những chuyến hàng ngày một ít đi, rồi tắc hẳn. Hơn 3 tháng nay, ông không có gạo để bán, các đại lý tận Tp. Hồ Chí Minh kêu trời than đất, ông Ánh vẫn quyết tâm “gác mái chèo”.

Ông cho biết: “Nếu chẳng may dính bệnh, mình là đối tượng đi nhiều, tiếp xúc nhiều sẽ gây ra hệ lụy khủng khiếp cho xã hội, tiêu tốn biết bao tiền bạc công sức của Nhà nước. Nghĩ đến điều đó, tôi đành chấp nhận. Tết này có sao ăn vậy, mừng vì mình còn mạnh khỏe, xóm làng bình yên, không có người phải cách ly”.

Dù mùa xuân đã đến thật gần nhưng xóm Việt kiều những ngày này, không khí dường như chẳng đổi thay. Những túp lều, trẻ nhỏ, phụ nữ là hình ảnh gây bao thương xót cũng như cám cảnh với bất cứ một vị khách nào ghé qua con kênh nội đồng mang tên KT7.

Từ ngày thành lập xóm, mỗi năm vẫn không ngừng gia tăng về dân số cũng như Việt kiều tràn về từ bên Campuchia. Năm vừa qua là một năm khó khăn và đầy biến động với xóm Việt kiều, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Các phương tiện lưu thông qua tuyến đường giáp biên được kiểm tra nghiêm ngặt.

Trong căn lều tuềnh toàng sát mé kênh, bà Lê Thị Năm ôm đứa cháu ngoại 3 tuổi cứ ngóng về khoảng trời mênh mông trước mặt, hướng đó nhìn về đất Campuchia nơi chồng và con trai của bà đang kiếm cơm từ con cá con tôm ít ỏi của Biển Hồ. Từ ngày dịch bệnh bùng phát, hai bố con ông Ba không dám lên bờ, hạn chế tối đa tiếp xúc với xã hội và chợ búa. Dự định của ông Ba là tết này sẽ trở về Việt Nam để gia đình toàn tụ đón năm mới nhưng có lẽ, nó chỉ là ước mơ, cứ ngày một xa vời.

Đã gần một năm, bà Năm sống trực chờ vào đồng tiền ít ỏi của cô con dâu đi buôn trái cây miệt vườn. Dịch bệnh ngăn cắt những cuộc đoàn tụ, bà Năm thoáng buồn nhưng trong lòng lại tự an ủi chính mình: “Cả thế giới cùng chịu chung cảnh này, nhà mình vẫn diễm phúc vì chưa có ai nhiễm bệnh. Ông trời còn thương ban cho sức khỏe”.

Rồi bà gọi điện sang động viên chồng: “Thôi ông ráng bám trụ bên ấy, về bây giờ mình làm khổ các anh bộ đội, công an và liên lụy nhiều người nữa. Mẹ con bà cháu tôi ở đây có bà con đồng hương, có chính quyền hỗ trợ nên cũng có cái bánh chưng, bịch quà mà vui xuân đón tết”.

Có thâm niên hơn chục năm làm nghề chạy xe ôm đưa rước khách qua cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Đức Huệ), ông Nguyễn Văn Hưng là một người năng nổ trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19. Người đàn ông này dứt khoát nói rằng, không vì một chút tư lợi cá nhân mà để ảnh hưởng đến bà con lối xóm và gia đình mình. Ông khước từ những chuyến chở hàng rồi chở người qua bên kia biên giới với khoản thù lao kếch xù.

Ông Hưng chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rất rõ tác hại khôn lường của dịch bệnh nên luôn ý thức cảnh giác, đề phòng rất nghiêm túc. Trong xóm, hễ nhà nào phát hiện có người lạ xuất hiện là tức tốc tìm hiểu, phối hợp với chính quyền truy tìm nguồn gốc. Chúng tôi kiên quyết không dung nạp, bao che cho các đối tượng vượt biên trái phép và chúng tôi cũng không để cho con em mình đi “chui” về “lủi” qua biên giới vào thời điểm cận tết như thế này”. 

Còn chị Trần Thị Ánh Nguyệt (ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B), người phụ nữ thôn quê thật thà chất phác, làm nghề buôn bán nhỏ lẻ đã rất ý thức được trách nhiệm công dân trong phòng, chống dịch bệnh, chị Nguyệt bộc bạch: “Gia đình tôi bán tạp hóa, tiếp xúc được nhiều người nên cũng tham gia tuyên truyền cho các hộ dân lân cận, đồng thời ý thức được mình phải có trách nhiệm trong việc phát hiện những người xuất, nhập cảnh trái phép để báo với cơ quan chức năng kịp thời có biện pháp xử lý nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh vào địa bàn”.

Trước tinh thần “đồng sức, đồng lòng” phòng chống dịch bệnh COVID-19 của người dân và chính quyền nơi cửa ngõ, phên giậu, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, tết này sẽ trọn vẹn niềm vui.
Ngọc Thiện - Cát Tường
.
.