“Đồng đội ơi, biển hậu phương vẫn lặng…”

Thứ Năm, 19/06/2014, 18:45

Những ngày này, khi Trung Quốc vẫn tỏ ra hung hăng và ngoan cố không chịu rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thì ở Vùng Cảnh sát biển (CSB) 3 đóng tại TP Vũng Tàu, các chiến sĩ CSB vẫn tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ ở hậu phương.

Đó là công tác phòng chống vi phạm, tội phạm, cứu hộ cứu nạn, chống cướp biển… giữ bình yên trên từng con sóng để đồng đội yên tâm với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng nơi Hoàng Sa.

1. Một phần lực lượng CSB của Vùng CSB 3 đã được điều đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa từ những ngày đầu tháng 5/2014. Ghé thăm, chúng tôi hơi bất ngờ: tiếng một chú chích chòe  giữa sớm mai trong lành, thoảng mặn hơi biển. Tiếng chim từ mạn tàu CSB 3001. Tháng 4 vừa rồi, con tàu này vừa cứu nạn thành công 7 nhà khoa học, 2 thuyền viên trên tàu bị cháy cách bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu 70 hải lý.

Thuyền phó tàu CSB 3001, Thượng úy Nguyễn Văn Thắng kể: Lúc đó khoảng hơn 7 giờ tối, các chiến sĩ tàu 3001 đang ăn cơm thì nhận được điện thoại của Sở chỉ huy đi cứu nạn. Điện thoại của Thuyền trưởng Thượng úy Trương Duy Quý , anh em trong đơn vị vẫn gọi đùa anh là "Tổng đài", bị réo liên tục bởi cuộc gọi từ các nhà khoa học bị nạn, Sở chỉ huy, các lực lượng tìm kiếm, biên phòng… Hoang mang tột độ là giọng của một người đàn ông: "Tàu chúng tôi đang cháy, nước vào và chìm rất nhanh. Các anh đến cứu ngay với".

Xen lẫn giọng gấp gáp của người đàn ông là tiếng la hét thất thanh cùng tiếng sóng nước ào ạt, tiếng xèo xèo, lốp bốp của vật gì đang cháy… Thuyền trưởng Quý và các chiến sĩ không khỏi lo lắng. Nhưng các anh vẫn điềm tĩnh, trấn an người phía bên kia. Tàu CSB 3001 đang tăng hết tốc độ ra khơi. 

Đến tọa độ cần tìm thì lòng ai cũng nóng như lửa đốt vì không hề có một dấu hiệu nào của tàu bị nạn. Nối lại liên lạc với các nhà khoa học thì hóa ra tọa độ họ lấy từ hệ thống định vị của điện thoại và tàu để cung cấp cho CSB không chính xác.  Tìm hàng giờ đồng hồ không thấy, pháo hiệu được bắn lên để bên kia nhận diện. Tàu bị nạn dùng đèn pin còn tàu CSB dùng đèn pha để xác định vị trí của nhau.

Những chiến sĩ CSB ở lại vẫn tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở biển hậu phương để đồng đội yên tâm làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. (Trong ảnh: Các chiến sĩ CSB tuyên truyền cho bà con ngư dân về chủ quyền biển đảo).

Đến 11 giờ đêm, tàu CSB phát hiện vùng lửa cháy trên biển, khói đen dày đặc. Con tàu đã chìm gần một nửa. Các nhà khoa học trên tàu đã mặc áo phao nhưng đều thất thần, cố bám vào thành tàu chưa chìm. Họ hồ hởi, có người sắp òa khóc khi thấy màu áo trắng quen thuộc của các chiến sĩ CSB. Khu vực tàu chìm rất cạn, rất nguy hiểm nếu tàu đi vào nên các chiến sĩ đã phải hết sức cẩn thận, dò dẫm từng hồi trong tình huống cấp bách.

Anh em vừa dập lửa, vừa tát nước và đưa người xuống xuồng cứu sinh. Khi xuồng tiếp cận tàu, dù xuồng còn cách khá xa nhưng có người vội vàng nhảy từ thuyền xuống xuồng. Chính trị viên Nguyễn Văn Nam lúc ấy phải động viên mọi người bình tĩnh, lần lượt đưa từng người xuống xuồng đưa về tàu tổ chức sơ cứu. Rất may chỉ một số ít người bị sây sát bên ngoài. Riêng chủ tàu bị bỏng nhẹ ở mắt và ngạt khí. Chính trị viên Nguyễn Văn Nam đã kịp thời bông băng và chăm sóc cho họ.

Sau khi lên tàu an toàn, các nhà khoa học của Viện Khoa học Hàn lâm mới hoàn hồn kể lại sự việc. Con tàu đang đi công tác thì bị chập ắc quy khiến phát cháy. Do có mấy phuy dầu nên lửa lan rất nhanh, thiêu rụi các thiết bị khiến nước ngập vào khoang.

Đêm đó, các chiến sĩ của tàu thức đến sáng. Các anh chăm sóc, giúp đỡ các nhà khoa học, khắc phục những hư hỏng trên tàu, chuẩn bị lai dắt vào bờ bàn giao cho các cơ quan chức năng. Ôm chầm lấy các anh, các nhà khoa học sụt sùi: "Các anh có biết các anh vừa sinh ra tụi tôi lần hai không?".

2.  Chỉ vào tàu 4034 đang neo đậu trên cầu cảng, Thượng tá Đinh Quốc Ruân, Chủ nhiệm chính trị Vùng CSB 3 cho biết, đó là một trong những con tàu từng tham gia vụ bắt cướp biển táo tợn và liều lĩnh cách đây 2 năm.

Thuyền trưởng Lê Tiến Kim nhớ lại: Khoảng 18 giờ ngày 19/11/ 2012, Trung tâm Chia sẻ thông tin (Cục CSB) nay là Bộ Tư lệnh CSB nhận được thông báo từ Trung tâm thông báo cướp biển của Cục Hàng hải quốc tế tại Kuala Lumpur Malaysia (IBM KL) về việc tàu  ZAFIRAH của Malaysia chở khoảng 350 tấn dầu nhẹ  bị cướp trên vùng biển nước ngoài khi đang hành trình đi về phía bắc.

Các chiến sĩ Vùng CSB 3 khống chế 11 tên cướp biển người Indonesia trong vụ cướp tàu ZAFIRAH vào tháng 11/2012.

Hai hôm sau, có thông tin ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu cứu được 9 thuyền viên người nước ngoài gồm 5 người Myanmar và 4 người Indonesia trôi dạt trên phao cứu sinh. Các thuyền viên này kể rằng họ là thành viên tàu chở dầu ZAFIRAH bị cướp biển tấn công.

Trên đường đi, bọn cướp biển Indonesia bám theo và nhanh chóng leo lên tàu khống chế bằng rìu, búa, súng, dao… 9 thuyền viên bị bọn cướp nhốt vào khoang tàu, không cho ăn uống cả ngày liền. Chúng phá hủy thiết bị định vị trên tàu và quăng  các thuyền viên xuống phao cứu sinh. Tàu cướp biển tiếp tục hải trình về phía vùng biển Việt Nam.

Ngay lập tức, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh CSB ra lệnh cho Vùng CSB  3 triển khai hai biên đội tàu gồm 5 chiếc mang số hiệu: 4031, 4034, 9001, 2011, 6007 đến hiện trường tìm kiếm. Tuy nhiên việc tìm kiếm tàu cướp biển giữa hàng loạt tàu bè lớn nhỏ giữa ban ngày đã là khó thì tìm vào ban đêm chẳng khác gì mò kim đáy bể. Đến khoảng 4 giờ ngày 22/11, Biên đội tàu CSB 4031 phát hiện tàu khả nghi đang di chuyển vào một khu vực có nhiều ghe cá hoạt động.

Thượng tá Đinh Quốc Ruân Chủ nhiệm Chính trị Vùng CSB 3 (ngoài cùng, bên trái) tiễn các chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ tuần tra trên biển.

Do đêm tối khiến tầm nhìn hạn chế, lại chạy với tốc độ cao 30 hải lý/ giờ nên rất nguy hiểm vì dễ đâm va các tàu thuyền và chướng ngại. Các chiến sĩ làm việc không mệt mỏi vì đây là nhiệm vụ quốc tế rất quan trọng. Nhưng thắc mắc lớn nhất vẫn là IMO (số hiệu của tàu). Bởi so với kích thước, trọng tải… đã được cung cấp thì không sai nhưng thân tàu có màu đen chứ không phải màu xanh, tên tàu là SEA HORSE, IMO lại không trùng với tàu bị cướp.

Ngay lập tức, thuyền trưởng của tàu bị cướp được đưa ra nhận dạng tàu khả nghi. Sau cái gật đầu xác nhận của thuyền trưởng này, tàu 4031 và tàu 4034 tạo thành thế gọng kìm chạy với tốc độ 23 - 25 hải lý ép chặt bọn hải tặc, 3 tàu còn lại chạy áp sát. Hóa ra, bọn hải tặc rất chuyên nghiệp và gian xảo, chỉ trong vòng một ngày chúng đã sơn lại hoàn toàn thân tàu và đổi IMO để ngụy trang.

Thuyền trưởng Lê Hải Trường kêu gọi bọn cướp thả neo và đầu hàng bằng tiếng Anh. Bọn chúng giả vờ không hiểu. Sau nhiều giờ, chúng đáp lại trên kênh 16 rằng mình chỉ là tàu hàng bình thường chứ không phải là hải tặc. Nhận thấy bọn chúng vô cùng ngoan cố, và có thể manh động gây nguy hại đến lực lượng của ta, Đại tá Lê Xuân Thanh, Chỉ huy trưởng Vùng CSB 3 trực tiếp chỉ huy trên thực địa kịp thời báo cáo và xin chỉ thị của trên ra lệnh triển khai biên đội tàu thành đội hình chiến đấu đồng thời tiếp tục kêu gọi bọn cướp đầu hàng để nhận được khoan hồng của pháp luật.

Đồng thời ta vừa tiếp tục  tuyên truyền vừa áp sát uy hiếp. Bọn cướp bắt đầu hoảng loạn về tâm lý, hoang mang về tinh thần. Đại tá Lê Xuân Thanh ra lệnh bắn chỉ thiên cảnh cáo. Lập tức chiếc tàu đen trũi có ý định cắt neo tháo chạy.

Không để chúng thoát, Đại tá Lê Xuân Thanh truyền lệnh  bắn vào cabin tàu. Tiếng mảnh kính loảng xoảng từ thân tàu bên kia tung tóe. Biết không thể chạy trốn, bọn cướp đã chui ra từ khoang và đưa hai tay lên đầu xin đầu hàng vô điều kiện. 11 tên cướp hung hãn đã bị bắt sống.

Một buổi tăng gia sản xuất của các chiến sĩ Vùng CSB 3.

Trong vụ truy bắt cướp biển khốc liệt dài 2 ngày 2 đêm này, có 3 người trong một gia đình cùng tham gia. Đó là chàng thuyền trưởng trẻ tuổi Lê Tiến Kim khi ấy là Thuyền phó tàu 4034, người anh ruột là Thượng úy Lê Hải Trường, Thuyền trưởng tàu 4031 và người chú là Đại tá Lê Xuân Thanh, Chỉ huy trưởng Vùng CSB 3.

Ba chú cháu nhà họ Lê cùng đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được đại diện nước bạn khen thưởng. Hai tàu 4034, 4031 đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Khoang tàu 4034 hôm nay vẫn lấp lóa chiến công ấy, nhưng với những người hùng trước mặt chúng tôi thì câu chuyện hôm qua dường như vẫn là một câu chuyện bình thường trên đầu sóng của đời người CSB.

3.  Đêm, sau một ngày tăng gia sản xuất, huấn luyện đội ngũ, ra khơi làm nhiệm vụ… tiếng ghita lại bập bùng lời đồng đội kể nhau nghe về mẹ Việt Nam, về biển trời. Nghe câu hát "Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình" giữa trùng trùng sóng vỗ, chợt thấy tim nhen lên một ngọn lửa, rồi bùng cháy giữa xa khơi. Những cuộc gọi từ quê nhà đến với các anh những ngày này dường như nhiều thêm. Quê các anh vốn nghèo, đời mẹ cha lam lũ, nhưng lý tưởng vẫn mang màu biển biếc.

Những hôm ngồi xem thời sự, các chiến sĩ chẳng ai bàn luận nhiều, chỉ nhìn lên màn hình tivi mà im lặng nuốt từng lời của phát thanh viên, in đậm hình ảnh tàu chấp pháp Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm va vào tâm trí. Để rồi khi tắt tivi, cái nhìn ấy rắn rỏi lên, nung nấu một quyết tâm, khắc lên tim hai chữ "sẵn sàng".

Ở nơi này, cùng với hoạt động chống cướp biển, phòng chống vi phạm, tội phạm, hoạt động cứu hộ, cứu nạn, các anh vẫn tiếp tục nhiệm vụ tuần tra trên biển, giúp đỡ, tuyên truyền cho bà con ngư dân về chủ quyền biển đảo, kiên quyết bám ngư trường. Tình cảm của họ dành cho các anh đôi khi chỉ là những thùng mì tôm, gói chè…. Tất cả giản dị, đơn sơ mà ấm lòng cho những ngày Hoàng Sa "sóng nổi".

Những màu áo trắng chim câu ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình còn hết lòng động viên, thăm hỏi vợ con của những đồng đội đang làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, hỗ trợ người ở chốn "phong ba" vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Và với những chiến công thầm lặng, họ như nhắn gửi đồng đội ở Hoàng Sa rằng: "Đồng đội ơi, yên tâm nhé, biển ở hậu phương vẫn lặng sóng, bình yên…"

Quỳnh Nga - Ngọc Thiện
.
.