Dòng tên anh khắc vào đá núi…

Thứ Hai, 27/07/2020, 13:59
Để bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân, có biết bao chiến sĩ Công an nhân dân đã hy sinh một phần cơ thể, thậm chí cả tính mạng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tối phạm. Mỗi vết thương, mỗi cuộc ra đi là một câu chuyện cảm động, nhắc nhớ các thế hệ hôm nay và mai sau hãy sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao quý của các anh hùng, liệt sĩ Công an nhân dân...

Người thương binh công an hết lòng vì nhiệm vụ

Khi tôi đến trụ sở Công an phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Thiếu tá Lê Thanh Hùng - Phó trưởng Công an phường cùng anh em đang tất bật kiểm tra, phúc tra, cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư. Anh bảo với tôi rằng đã 2 tháng nay anh em công an phường Phương Canh tranh thủ làm việc ngoài giờ và cả ngày nghỉ để đảm bảo kịp tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nhắc đến vết thương ở tay do bị nhóm đối tượng đâm khi truy bắt tội phạm, anh Hùng chỉ cười: “Công việc mà! Nếu không là mình thì đồng chí khác cũng sẽ gặp nguy hiểm”.

Đoàn công tác của Bộ Công an do Đại tướng Tô Lâm làm trưởng đoàn thăm hỏi, động viên gia đình liệt sĩ Lê Văn Sinh dịp 27-7-2019.

Nhớ lại thời điểm tháng 11-2012, Thượng úy Lê Thanh Hùng đang là cảnh sát khu vực Công an phường Bưởi, quận Tây Hồ. Sáng thứ Bảy, ngày 24-11-2012, vì được nghỉ trực cuối tuần nên anh Hùng có kế hoạch đưa vợ con về quê ngoại ở Hòa Bình. Trên đường ra bến xe, đến cầu vượt Mai Dịch thì anh nhận được tin báo của người dân phát hiện nhóm đối tượng đang trộm cắp xe máy. Chỉ kịp đèo vợ con ra bến xe, anh Hùng vội vã quay trở lại.

Anh cùng một đồng chí nữa đến ngay hẻm 378/91 đường Thụy Khuê - nơi mà theo người dân cung cấp thông tin có các đối tượng trộm cắp đang tập trung tại đó. Tại một bãi đất trống, nhóm đối tượng 5 người (1 nam, 4 nữ) đang tháo biển thật và lắp biển giả vào chiếc xe máy vừa trộm được. Anh Hùng yêu cầu nhóm đối tượng dừng lại và tiến hành kiểm tra giấy tờ xe, giấy tờ tùy thân. Một đối tượng mở cốp xe máy rồi bất ngờ lấy ra con dao phóng lợn và lao đến đâm anh Hùng. Không để ý mình đã bị thương ở tay, anh Hùng phối hợp cùng đồng đội bắt giữ đối tượng đó, 4 đối tượng kia thấy thế bỏ chạy.

Khi đồng đội giải đối tượng đi, anh Hùng nhìn xuống tay mới biết mình đã bị đâm khá nặng. Lập tức anh được chở đến Bệnh viện 354 sơ cứu, sau đó chuyển sang Bệnh viện Saint Paul. Vợ anh vừa về đến quê, nghe tin chồng bị thương, vội gửi con lại rồi tất tả bắt xe ngược lên viện. Các bác sĩ đã tiến hành mổ để nối lại các mạch máu nhỏ, sau đó khâu nối các vết thương hở và bó bột cánh tay phải của anh Hùng. Gần 1 tháng ở viện điều trị là những ngày không thể nào quên. Bà con phường Bưởi kéo đến viện thăm anh rất đông, ai cũng mong anh mau bình phục để quay lại làm việc. 

Với tỉ lệ thương tật 25%, cả năm trời sau đó vết thương vẫn tiếp tục hành hạ anh, cánh tay phải gượng gạo, đau nhức, có cảm giác như tay đi mượn. Mặc dù nghỉ ở nhà dưỡng thương nhưng những cuộc gọi của người dân báo tin về các vụ việc an ninh trật tự vẫn dồn dập đổ về máy khiến Thượng úy Hùng đứng ngồi không yên. Vậy là thay vì ở nhà nghỉ ngơi, anh nhờ đồng đội đến chở đi làm. Vết thương 8 năm trước giờ đây đã thành sẹo in hằn nơi cổ tay anh Hùng nhưng giây phút đối đầu với tội phạm thì anh không thể nào quên được. Cũng chính cánh tay ấy đã tiếp tục giúp anh Hùng tham gia nhiều vụ bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật trên địa bàn.

“Anh luôn trong trái tim tôi”

Căn nhà nhỏ của chị Đoàn Thị Thanh Trà, vợ liệt sĩ Lê Văn Sinh - cán bộ Đại đội 2, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an TP Hà Nội nằm sâu trong con hẻm ở phố Thụy Khuê. Chiều muộn, tôi đến thăm nhà khi chị vừa đi làm về. Suốt buổi trò chuyện, cả hai chúng tôi cùng khóc. Chị khóc khi nhớ đến người chồng thân yêu đã ra đi mãi mãi, còn tôi khóc vì xúc động trước nghị lực của người phụ nữ nhỏ bé đã vượt qua nỗi đau để nuôi dạy con cái nên người.

Trong căn phòng khách ấm cúng, tờ lịch treo tường Công an nhân dân vẫn được lật giở đều từng nhịp thời gian khiến tôi có cảm giác ba mẹ con chị vẫn sinh hoạt như khi có anh bên cạnh. Chị Trà bảo, kí ức đau buồn chỉ tạm ẩn đi chứ không bao giờ tan biến. 1 giờ 45 phút đêm 4-3-2011, trời mưa và rét căm căm, tổ công tác 4 đồng chí do Thượng úy Lê Văn Sinh làm tổ trưởng đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát. Khi chiếc xe máy do hạ sĩ Phương Văn Sơn cầm lái chở Thượng úy Sinh đến đoạn đường Thụy Khuê thì phát hiện 2 nam thanh niên điều khiển xe mô tô không biển kiểm soát chạy với tốc độ cao, lạng lách đánh võng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông nên các anh đã bám theo.

Trên màn hình điện thoại của chị Trà, hình ảnh người chồng liệt sĩ Lê Văn Sinh luôn hiển hiện.

Bất ngờ, xe máy của các anh bị xe ôtô nhãn hiệu Toyota Yaris màu xanh, BKS 29A-095.10 do Nguyễn Huy Tùng điều khiển đang chạy với tốc độ cao đâm mạnh từ phía sau. Vụ va chạm khiến hạ sĩ Sơn là người cầm lái hy sinh ngay tại chỗ, còn Thượng úy Sinh bị thương nặng, được đưa vào Bệnh viện Việt Đức.

Nhận được tin anh Sinh bị tai nạn, chị Trà vội vàng gửi con trai Lê Nhật Anh 8 tuổi sang nhà hàng xóm và theo anh em vào viện. Lúc đến viện, tim chị thắt lại khi thấy chân trái của anh bị chấn thương nặng, anh đang mê man. 8h30 sáng hôm sau, anh ra đi ngay trên bàn mổ vì vết thương quá nặng. Khi bác sĩ thông báo anh qua đời, tai chị ù đi, mắt hoa lên và bất  tỉnh.

Sau khi anh mất, chị định đón con gái Lê Nhật Linh 2 tuổi đang gửi bà nội ở quê lên Hà Nội. Chị nghĩ rằng nỗi vất vả, bận bịu khi chăm sóc 2 con sẽ giúp chị không còn thời gian mà buồn đau nữa. Nhưng khi thấy mẹ chồng chị trầm cảm, hẫng hụt thì chị đành để con gái ở lại đến khi bé 5 tuổi để ông bà đỡ trống vắng. Trong ký ức non nớt của bé gái Lê Nhật Linh không có hình bóng cha. Chị Trà kể với tôi, một lần phải viết bài văn tả về bố, con nói chẳng biết bố thế nào mà tả.

Nghe con nói mà chị trào nước mắt xót xa. Bởi vậy mà tất cả những kỉ niệm về anh Sinh, chị đều kể cho các con nghe như để bù đắp lại những mất mát, thiếu thốn mà chúng phải chịu. Chị muốn các con hiểu, tự hào về bố và cố gắng học tập tốt để bố vui lòng. Mỗi bữa cơm, các con vẫn nói câu quen thuộc từ tấm bé “con mời bố mẹ ăn cơm”. Điện thoại của chị, hình nền vẫn để ảnh anh mặc sắc phục công an nghiêm ngắn, gương mặt hiền từ.

Hai vợ chồng chị Trà là bạn học với nhau từ nhỏ, cùng quê ở phường Sao Đỏ, huyện Chí Linh, Hải Dương. Khi tình yêu nảy nở, mọi thứ đã gần lại càng thêm gần gụi. Sau khi học xong đại học, Anh Sinh nhận công tác tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an thành phố Hà Nội, còn chị Trà mở một cửa hàng nhỏ buôn bán. Sau đám cưới, kinh tế còn eo hẹp, chưa có nhà riêng nên vợ chồng chị phải thuê nhà trọ. Anh Sinh hiền, chu đáo với vợ con. Trong nhà công to việc lớn anh đều lo toan hết để chị có thời gian chăm sóc con cái. Vậy nên sau khi mất anh, chị cảm thấy chênh vênh như người đi một chân.

Gia đình Thượng Úy Lê Văn Sinh năm 2009.

Ngày trước, anh giành phần đưa đón con đi học. Khi vắng bóng anh, chị như người mất hồn, có hôm quên luôn cả việc đón con ở trường. Trước đây, bao nhiêu cuộc chuyển nhà đều một tay anh chuyển, sắp xếp, dọn dẹp. Sau ngày anh mất, cuộc chuyển nhà lần đầu tiên không có anh, nhìn đồ đạc chất chồng, ngổn ngang, chị oà khóc vì tủi thân và bối rối.

Nhưng rồi, khi xác định là điểm tựa duy nhất cho các con, chị không cho phép mình bối rối, òa khóc thêm nữa. Chị phải tập quyết định mọi thứ, xoay xở với cửa hàng quần áo để nuôi hai con ăn học. 9 năm qua, nhìn hai con lớn lên từng ngày, lòng chị bớt ngổn ngang...

Từ ngày Thượng úy Lê Văn Sinh hy sinh, đơn vị anh vẫn quan tâm đến ba mẹ con chị Đoàn Thị Thanh Trà. Mỗi dịp lễ tết, Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, chị Trà vẫn được mời đến dự cuộc gặp mặt thân nhân liệt sĩ. Đồng đội của anh Sinh vẫn đến tận nhà thắp hương tưởng nhớ người đã khuất. Những dịp đó, ngôi nhà nhỏ bé của ba mẹ con trở nên ấm áp, rộn rã hơn.

Dịp 27-7 năm ngoái, đoàn công tác của Bộ Công an do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên gia đình chị. Cháu Lê Nhật Anh vinh dự được là một trong số 9 con em liệt sĩ được Bộ Công an cho đi tham quan thực tế ở Liên bang Nga. Chế độ trợ cấp đối với vợ, con liệt sĩ của Bộ Công an những năm qua đã giúp chị Trà có động lực và kinh phí để vững vàng hơn trong cuộc sống.

Công ơn của các anh còn mãi

Từ ngày 1-4-2014, đồng chí Lê Thanh Hùng từ phường Bưởi về nhận nhiệm vụ tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, đến nay cũng đã 6 năm. Nhà xa nơi làm việc, 2 con còn nhỏ, bố mẹ đẻ đau ốm thường xuyên nhưng người thương binh duy nhất của công an phường Phương Canh ấy đã luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có thời điểm, cả gia đình anh Hùng rất khó khăn về nhà ở khi cả bố mẹ, vợ chồng anh ở trong ngôi nhà cũ xây dựng từ năm 1996 đã xuống cấp. Bởi vậy, sau khi khảo sát hiện trạng, ngày 15-3-2017, Công an quận Nam Từ Liêm phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khởi công xây dựng nhà tình nghĩa tặng cho thương binh Hùng.

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội trao quà cho thương binh Lê Thanh Hùng trong lễ cắt băng khánh thành nhà tình nghĩa ngày 14-7-2017.

Giờ đây, gia đình anh được ở trong ngôi nhà mới xây dựng trên phần diện tích nơi ở cũ tại số 1, hẻm 23/12A/26 đường Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ. Anh Hùng nhớ mãi chiều ngày 14-7-2017, đồng chí Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội cùng chỉ huy các phòng chức năng thuộc Công an thành phố, quận ủy Tây Hồ, quận ủy Nam Từ Liêm đã đến cắt băng khánh thành nhà tình nghĩa cho gia đình anh. Với anh, đó là nguồn động viên để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, nỗ lực, cống hiến hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo số liệu thống kê của Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an, cả nước có 14.803 liệt sĩ, 5.400 thương binh công an qua các thời kì. Trong đó có 3.662 liệt sĩ thời chống Pháp, 9.761 liệt sĩ thời chống Mỹ, 825 liệt sĩ giai đoạn chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1986), 325 liệt sĩ giai đoạn từ 1986 đến nay. Riêng Công an Hà Nội có 399 liệt sĩ và hàng nghìn thương binh qua các thời kì.

Tính riêng giai đoạn từ năm 2010 đến nay, cả nước có 109 liệt sĩ, 660 thương biinh công an.

Những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chủ trương chính sách đối với thân nhân liệt sĩ, thương binh của công an cả nước luôn được đánh giá cao, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm tri ân đối với gia đình thương binh, liệt sĩ và những người có công.

Huyền Châm
.
.