Du học sinh Việt Nam tại Australia: Nhọc nhằn vừa làm vừa học

Thứ Tư, 21/12/2011, 20:50

Niềm tin mãnh liệt về khả năng vừa học vừa làm để tự trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở Australia đã khiến cho nhiều du học sinh lâm vào tình trạng dở dang đủ đường. Nhiều câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra, trần trụi và nghiệt ngã, không giống như hình ảnh những lưu học sinh tươi cười viên mãn bước xuống từ cầu thang máy bay…

Đi “ăn ké” cơm… miễn phí

7 giờ tối, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng đúng lời dặn để theo M. đi ăn cơm miễn phí: một bộ quần áo cũ, càng xộc xệch càng tốt, không đeo kính trắng vì người ta biết ngay là sinh viên đi ăn cơm ké. Chúng tôi lững thững đi bộ xuyên Sydney CBD đến bên hông nhà thờ Thánh Mary, bước xuống khu Fragance Garden giáp The Domain. Suốt quãng đường 3 cây số, M. tranh thủ giải thích cho tôi nên làm gì và không nên làm gì tại địa điểm phát cơm miễn phí này: lấy bát đĩa như thế nào, chờ người ta gắp thức ăn ra sao, tránh gặp những người nào để không bị hỏi han kỹ lưỡng, nên gặp người nào dễ tính gắp thức ăn thoải mái…

Khi chúng tôi đến nơi, đã có chừng 40 người tụ tập quanh chiếc xe lưu động chở thức ăn. Những tình nguyện viên, đa phần là sinh viên các trường đại học tại Sydney, đang tất bật bê các thùng đồ ăn xuống. Trong một kiốt cố định, các nhân viên đang hâm nóng đồ ăn bằng lò vi sóng, sắp xếp các đĩa thức ăn tự chọn. Một vài nhân viên tình nguyện làm việc lâu năm tranh thủ đi hỏi thăm sức khỏe và nói chuyện phiếm với những "thực khách" quen thuộc: những người vô gia cư, những thổ dân Australia, những người ăn trợ cấp chính phủ, cả đám Bogan người nồng nặc hơi men và mùi quần áo bẩn lâu ngày không tắm…

Đây là một trong nhiều địa điểm công cộng tổ chức phát bữa ăn miễn phí tại thành phố Sydney. Các quỹ kêu gọi đóng góp quần áo và thực phẩm cho người vô gia cư được tổ chức khá nhiều ở Australia, nhận được sự hỗ trợ tích cực và thường xuyên, là nơi đứng ra tài trợ cho những bữa ăn nhân đạo như thế này.

M. đã "đóng đô" cố định ở chỗ này được 3 tháng, trở thành người quen của khá nhiều nhóm với đủ thành phần. Quê ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ, M. quyết định sang Úc học tập khi trong tay chỉ có đủ tiền trang trải học phí và vài trăm đôla để tiêu vặt. Niềm tin mãnh liệt, cộng thêm vào đó là lời tư vấn của công ty du học là sang đó vừa đi làm vừa đi học cũng đủ để tồn tại thoải mái, khiến M. không ngần ngại đóng toàn bộ tiền học phí, đặt vé máy bay, xin visa và đặt chân đến Sydney.

2 tháng đầu tiên, với sự giúp đỡ của bạn bè, M. vẫn có thể ở ghép được cùng với người khác trong căn phòng với giá 100 đôla/tuần. Đến tháng thứ 3, M. đã phải kiếm một chỗ khác với giá rẻ hơn, nhưng vẫn phải loanh quanh trong khu trung tâm để tiết kiệm tiền xe bus (giá xe bus tại Sydney đắt đỏ đứng hàng thứ 2 trên thế giới). Căn nhà M. ở ghép cũng được mệnh danh là "thế giới thu nhỏ", với những người thuê trọ đến từ khắp nơi trên thế giới với đủ ngành nghề, từ xây dựng, bán hàng cho tới biểu diễn trên đường phố. Nếu ai đã từng sống lâu ở Sydney hẳn không thể không nhớ đến một vũ công chuyên biểu diễn nhảy cùng hình nộm ở George Street, đó chính là bạn cùng nhà của M.

Để tồn tại, M. đã phải trải qua đủ thứ nghề: theo chân người ta đi thu gom đồ gia dụng thải ra tại các khu nhà giàu bên North Sydney đem về bán, phục vụ tại các quán ăn Việt, phụ bếp, đi dán tấm cách nhiệt, đi làm hộ người khác những khi họ ốm đau… Nhưng cái vòng luẩn quẩn cũng bắt đầu từ đó. M. sang đây để học tiếng Anh đầu vào của một trường cao đẳng, nhưng áp lực kiếm sống đủ để trả tiền ăn, tiền thuê nhà… khiến sau mỗi ngày làm việc, M. không còn đủ sức để ngó vào trang sách nữa.

Ngược lại, tiếng Anh cứ đì đẹt một chỗ cũng khiến M. không thể kiếm được công việc nào bền vững hơn và khả dĩ hơn mức 8 đôla/giờ, trong khi đó, tiền phát sinh cho mỗi khóa học tiếng cho 3 tháng rẻ nhất cũng đã hơn 2.000 đôla. Thi không qua, M buộc phải học lại, và phải tốn cho chừng ấy tiền học phí, trong khi thu nhập của M trong cả tháng chưa đủ bù đắp. Lỗ hà ra lỗ hổng, cái vòng quay rối rắm nặng nề ấy đã hút kiệt cả sức khỏe và niềm hy vọng của M.

Vẫn thông qua M., tôi còn kết bạn được với một nhóm sinh viên khác cũng lén vào đây "ăn ké" cơm từ thiện. C., một sinh viên người Trung Quốc, cậu ấm của một giáo sư đại học khá lớn tại Trung Quốc, lại là một cảnh ngộ khác. Sau khi nhận được tài trợ của gia đình trong suốt 4 năm  học, C. nhận được mệnh lệnh từ nhà là buộc phải kiếm được việc ở Australia để nhập quốc tịch, nhưng phải tự lo hầu hết chi phí để tồn tại.

Cũng giống như M, lịch của C là hàng tối đến đây ăn cơm miễn phí, đồng thời thu vén làm sao để dư ra một hộp đủ cho bữa ăn trưa của ngày mai. Quãng thời gian ăn cơm phúc lợi của nhóm này ở Sydney lâu đến mức họ còn có thể hình dung trước được thực đơn của ngày ăn hôm nay ra sao, hôm nào cần đến trước đồn cảnh sát nào để ăn ngon hơn, quần áo sẽ được phát miễn phí hôm nào, chăn và giày dép sẽ được phát vào tầm tháng nào…

...Bẵng đi khoảng 3 tháng, tôi không thể liên lạc được với M. Gọi điện cho C, cậu bạn này cũng chỉ nói là M. đã trở về Việt Nam. Khi M. chủ động liên lạc lại thì mới biết M. không gánh nổi chi phí đắt đỏ tại Australia, đã trở về nhà học cho đỡ tốn kém.

Một buổi sinh hoạt của sinh viên Việt Nam tại Úc.

Phía trần trụi của giấc mơ

Không rơi vào tình trạng "khủng hoảng giấc mơ" như M., đối với L., việc sang Australia học 4 năm đại học không có gì là khó khăn khi gia đình đã chu cấp hẳn một khoản tiền lớn đủ để trang trải mọi chi phí. Nhưng vấn đề lại đến với L. ở chỗ cô sinh viên này tự đưa mình vào thế khó khi… quá ham đi làm.

Khoản tiền lương trung bình 10 đôla cho mỗi giờ làm việc khiến L. lao vào làm đủ nghề, từ bán rau, bán thịt cho đến bán café… Không chỉ làm một việc, L. còn tranh thủ kiêm nhiệm luôn 2 việc trong một ngày, trong khi đó 2 chỗ làm cách xa nhau hơn 1 giờ ngồi tàu. L. cho biết, thu nhập từ khoản làm thêm này đủ để cô giải quyết những chi phí phát sinh như quà sinh nhật, những buổi dã ngoại, những tối tụ tập liên hoan và cả những bộ quần áo mới.

Quay cuồng trong công việc chân tay với mức thu nhập gọi là thấp ở Australia nhưng là cao so với mặt bằng ở Việt Nam, L. dần buông lỏng việc học. Những bài luận điểm thấp dần song hành với những buổi vắng mặt trên lớp… là hệ quả của những ngày làm việc quần quật từ 5 giờ sáng đến tận khuya. Rốt cuộc, điều gì đến cũng phải đến, L. liên tục không qua được môn học, buộc phải học lại. Bi kịch là khoản tiền cô để dành được cũng đành phải chia tay để đóng lại học phí. Chuỗi vòng luẩn quẩn có màu u ám đã phủ lên chuỗi ngày học hành - làm việc của L.

Chuỗi vòng luẩn quẩn này không chỉ xảy ra đối với những sinh viên thuộc diện tự túc, những sinh viên được nhận học bổng nếu không biết điều chỉnh cuộc sống để tập trung vào mục tiêu học tập cũng rất dễ rơi vào tình trạng này.

Trừ những diện học bổng toàn phần có mức hỗ trợ sinh hoạt cao như Ausaid, Endeavour hay học bổng toàn phần từ trường (mức hỗ trợ trung bình dao động từ 1.900 đôla tới 2.700 đôla/tháng), những học bổng khác như diện Đề án 322 hay những hỗ trợ tài chính mượn danh học bổng (hỗ trợ 100% học phí, hỗ trợ 50% học phí)… đều vấp phải áp lực cơm áo gạo tiền. Đơn cử như sinh viên đi học theo diện Đề án 322, với mức hỗ trợ sinh hoạt phí xoay quanh mức hơn 1.000 đôla/tháng, nếu chọn trường tốt tại tiểu bang có mức sinh hoạt đắt đỏ như New South Wales thì khoản tiền ấy chỉ đủ vừa thuê nhà, ăn uống và đi lại. Nếu lưu học sinh đó không đi làm thêm thì phải chấp nhận tình trạng học xong ở trường là đi thẳng về nhà ôm máy tính, triệt tiêu toàn bộ nhu cầu tối thiểu như xem phim, đi dã ngoại, du lịch, giao lưu với bạn bè…

Nhiều lưu học sinh vì vướng phải tình trạng này đã phải chấp nhận "hạ bằng", từ tiến sĩ xuống còn thạc sĩ, từ thạc sĩ xuống còn chứng chỉ sau đại học (có tham gia khóa sau đại học nhưng không đủ điều kiện để cấp bằng thạc sĩ).

Sinh viên khó xin việc làm ở những nơi kinh doanh lớn như thế này.

Có một sự thực là để kiếm công việc, kể cả lao động chân tay, ở Australia hiện nay không hề đơn giản. Làn sóng lưu học sinh Ấn Độ tràn sang Australia đã khiến giá nhân công tại thị trường lao động ở đây sụt giảm thê thảm. Với lợi thế tiếng Anh tốt hơn, sức khỏe tốt hơn và chấp nhận làm tất cả mọi việc với đồng lương giá rẻ, chu trình "phá giá" trên thị trường lao động chân tay của lưu học sinh Ấn Độ đã khiến sinh viên các nước khác lao đao.

M., hiện đã định cư ở Melbourne, trong khi ôn lại những kỷ niệm đeo đẳng với chợ trung tâm ở Mel, vẫn không thể quên được những đồng lương mình nhận được teo tóp dần tỉ lệ thuận với lượng lao động người Ấn Độ tràn vào chợ: từ 15 đôla/giờ xuống dần 12, 10, 9, 7. M. đã phải từ bỏ công việc làm thêm quen thuộc ở đây khi chủ quầy hàng thông báo người ta chấp nhận làm với giá 7 đôla/giờ, mức lương mà theo M. thì tiền lương không đủ tiền đi lại và ăn uống.

Nếu may mắn hơn, để kiếm được công việc nhàn nhàn kiểu như bán hàng tại shop, thu ngân tại các chuỗi siêu thị như Coles, Woolworths hay chuỗi bán lẻ như IDG, gần như bắt buộc bạn phải có người quen đã từng làm ở đó giới thiệu. Còn trong những cửa hàng hay công ty của người Việt, việc có người thân người quen giới thiệu là điều bắt buộc. Nhưng có điều, những công việc ổn định, môi trường làm việc chuyên nghiệp và có mức thu nhập cao từ 15 đôla/giờ trở lên cộng thêm bảo hiểm và có đóng thuế như vậy không nhiều và bị cạnh tranh khá quyết liệt…

Vào kỳ nghỉ hè kéo dài tới 3 tháng (từ tháng 12 tới tháng 2), lượng sinh viên rảnh rỗi đi làm thêm tăng vọt khiến chuyện kiếm việc làm thêm càng khó khăn hơn. Nhiều sinh viên nữ, để kiếm được việc đã phải chấp nhận làm cả những công việc nặng nhọc của phái nam: làm việc ở nông trại. Tr., đang làm thạc sĩ tại Sydney, tranh thủ mấy tháng hè được nghỉ đã lăn lộn xuống tận Robinvale, vùng trồng nho nổi tiếng của tiểu bang Victoria giáp với tiểu bang New South Wales để làm việc. Dưới cái nắng chang chang của mùa hè mà vào những hôm đỉnh điểm nhiệt độ ngoài trời lên tới 45oC, Tr. phải bôi kem chống nắng, quấn áo che nắng kín mít, làm quần quật trên những cánh đồng…

Nhưng đấy chỉ là một phần khó nhọc mà những lưu học sinh nữ như Tr. có thể hình dung và chịu đựng được. Điều khiến cô sinh viên này phải sớm từ bỏ công việc là cô bị săn đón, thậm chí quấy rầy bởi chủ đường dây cai thầu nông trại người Việt, người coi các nữ sinh viên phải đi làm thêm là những "ghệ" tiềm năng cần phải tranh thủ tán bằng được trong những dịp hè…

Còn có nhiều điều đáng buồn hơn nữa mà những lưu học sinh tại Australia, dưới áp lực vì lý do kinh tế phải nai lưng ra đi làm thêm, hàng ngày vẫn phải đối diện: bị dụ vào đường dây trồng cần sa, bị các chủ lao động xỉ vả miệt thị về nguồn gốc vùng miền, bị bóc lột sức lao động tàn tệ quá mức… mà tôi đã chứng kiến, thậm chí đã trải nghiệm. Nhưng có một điều, đa phần trong số họ, vượt qua tất thảy, vẫn vững vàng một mục tiêu lớn: hoàn thành khóa học để tự mình mở ra một cánh cửa tốt đẹp hơn tới tương lai. Song, nếu có thể, giống như một vị giáo sư người Australia xin giấu tên khi bình luận về vấn đề này, đã nói: hãy đến với sự học hành của nước Australia với một cái thẻ tín dụng đầy ắp tiền!

Việt Đông
.
.