Đượm tình “nhiễu điều phủ lấy giá gương…”

Thứ Ba, 14/04/2020, 12:51
Giữa khó khăn bộn bề do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, những tấm lòng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “nhường cơm sẻ áo” với bà con nghèo đang được nhiều người lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng với rất nhiều hành động đẹp, câu chuyện đẹp về tình người, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sự đoàn kết, đồng lòng của cả xã hội chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Máy “ATM phát gạo” nghĩa tình

Ngày 9-4 là ngày thứ ba chiếc máy “ATM phát gạo” hoạt động tại địa chỉ 204B Vườn Lài, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Sau mấy ngày hoạt động, chiếc máy với thông điệp “Nếu khó khăn cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác” trở nên nổi tiếng, bởi nó càng ngày càng được người khó khăn biết tới và ghé đến nhận gạo.

Những phần gạo này dù không nhiều (chỉ từ 1,5 đến 2kg) nhưng giữa bộn bề khó khăn mùa dịch thì nó cũng giúp một phần nào cho bữa cơm gia đình của những người nghèo ở TP Hồ Chí Minh ấm no hơn.

Người nghèo đến nhận gạo miễn phí tại “ATM phát gạo” xếp hàng ngay ngắn theo các ô phân chia khoảng cách nhằm tuân thủ quy định phòng, chống dịch.

Theo ghi nhận của chúng tôi, chiều 9-4, những người có hoàn cảnh khó khăn vẫn đến địa chỉ này xếp hàng với khoảng cách 2m tại các vạch chỉ dẫn đã vẽ sẵn trên mặt đường để nhận gạo từ máy “ATM phát gạo”. Từ lúc xếp hàng đến lúc nhận gạo, người dân chỉ mất vài phút.

Bà Phạm Thị Loan (62 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đến lấy gạo, cho biết bình thường bà làm nghề bán vé số. Nhưng từ khi (1-4) vé số ngừng phát hành, bà khá khó khăn. “Mấy hôm nay tôi không bán vé số nên quả thật rất chật vật. Tôi nghe nói nơi này phát gạo nên tới ghé vào lấy. Giữa lúc khó khăn thế này, có thêm được chút nào là vui chút đó chú ạ”, bà Loan chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng (60 tuổi, ngụ quận 11) làm nghề chạy xe ôm. Tranh thủ vừa đi giao hàng cho khách xong, đi ngang qua thấy có cho gạo nên vào lấy. “Không nói chú cũng biết làm mấy cái nghề này từ khi dịch bùng phát hầu như rất khó kiếm được tiền để trang trải cuộc sống hằng ngày. Dù chỉ là một bịch gạo nhỏ nhưng cũng giúp cho gia đình tôi 4 người có cơm ăn ít cũng hai ngày. Hành động của người chủ này giúp đỡ người nghèo thật tốt”, ông Tùng cho hay.

Trước sự xuất hiện của cái máy “ATM phát gạo” có thể nói là lần đầu tiên thấy, nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên xen lẫn chút thú vị. “Đây là lần đầu tiên tôi thấy cái máy kiểu này. Việc nhận gạo tự động như thế này an toàn hơn so với việc trao tận tay như trước giờ. Người nhận không phải chen lấn, không tiếp xúc trực tiếp nên cũng an toàn hơn trong khi dịch chưa giảm mà chỉ mất có vài phút là có gạo”, bà Hoàng Xuân Linh (59 tuổi, ngụ quận 12) sau khi bấm nút nhận gạo tại máy tự động này vui vẻ cho biết…

Hành động đẹp và nhiều ý nghĩa đã nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng nên mấy ngày qua liên tục có nhiều “Mạnh Thường Quân” chở gạo tới đóng góp, nhằm giúp “ATM phát gạo” có thể tiếp tục hoạt động lâu dài. Câu chuyện tình người ở đây cứ mỗi ngày một dài ra theo từng đợt gạo được mang đến. Gạo được mang tới góp nhiều tới mức phải xếp hàng chờ, hết xe này tới xe khác. Nhân viên của đơn vị từ thiện được huy động để hỗ trợ khuân vác gạo vào trong.

Anh Hoàng Tuấn Anh (chủ nhân sáng tạo chiếc máy ATM phát gạo) bày tỏ niềm vui vì đã nhận được sự hỗ trợ của tất cả mọi người. “Từ khi kêu gọi, có rất nhiều “Mạnh Thường Quân” mang gạo đến góp cùng chúng tôi để giúp đỡ người nghèo. Tôi rất vui vì mọi người cùng đồng lòng. Do gạo được vận chuyển tới góp liên tục nên tôi cũng chưa thể ước lượng được khoảng bao nhiêu tấn. Chúng tôi đã thiết kế thêm hai máy nữa, hiện tại chỗ này tổng là 3 cái máy để phát cho người nghèo”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Theo anh Tuấn Anh, ý tưởng chế tạo ra chiếc máy phát gạo tự động bắt nguồn từ công ty của anh chuyên làm về hệ thống khóa điện tử và nhà thông minh, bình thường anh thấy khi phát quà từ thiện, người phát sẽ tiếp xúc trực tiếp với người nhận nên dễ xảy tình trạng tranh giành, tạo đám đông nguy hiểm trong mùa dịch. Vì thế, anh cùng các nhân viên kỹ thuật lấy một bộ phận thiết bị của tòa nhà thông minh để làm cái máy phát gạo tự động. Chiếc máy có chuông thông minh, van tự động và bồn chứa gạo được đặt trên mái nhà cùng hệ thống ống dẫn.

Khi có người đến nhận, ấn nút thì cảm biến chuyển động kích hoạt hệ thống trên điện thoại. Gạo sẽ chạy ra từ bồn chứa phía trên, mỗi lần chạy ra sẽ được 1,5-2kg. Từ lúc hình thành ý tưởng đến lúc thực hiện, anh và các nhân viên chỉ mất 8 tiếng để hoàn thành chiếc máy và đưa vào hoạt động. Chủ doanh nghiệp cho biết hiện nay mỗi ngày “ATM phát gạo” phát miễn phí hơn 3 tấn cho hàng trăm người nghèo, làm việc 24/24.

Hình ảnh tương thân tương ái giữa mùa dịch.

Theo một lãnh đạo UBND phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, trước khi tiến hành phát gạo, chủ doanh nghiệp này đã có thông báo với phường việc làm từ thiện này. Chiếc máy phát gạo tự động này đảm bảo được khoảng cách an toàn theo đúng hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tại thời điểm phát gạo có người của công ty hướng dẫn. Tuy nhiên, số lượng người dân đến nhận ngày càng đông nên phường đã chủ động bố trí lực lượng dân phòng, Công an khu vực để hỗ trợ hướng dẫn trong công tác phòng, chống dịch cũng như giữ gìn an ninh trật tự.

Lan tỏa tinh thần tương thân tương ái

Cũng thể hiện tình tương thân tương ái dành cho người nghèo khó lúc hữu sự, nhiều nghệ sĩ đã góp công sức và tiền của, đứng ra kêu gọi và giúp đỡ nhau vượt qua giai đoạn này. Nhiều nghệ sĩ như Việt Hương, MC - diễn viên Đại Nghĩa, diễn viên Minh Hằng... đã tặng hàng chục tấn gạo cho những người bán vé số, bán hàng rong, thợ hồ... có hoàn cảnh khó khăn ở TP Hồ Chí Minh...

Cứ thế, những ngày gần đây, ai cũng dễ dàng bắt gặp trên đường phố, giữa các khu dân cư ở thành phố những hình ảnh của hàng loạt điểm phát quà từ thiện hay những quán cơm miễn phí, giá rẻ... để chung tay chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn giữa mùa dịch bệnh.

Mới đây, những người hàng xóm tại tổ 49 khu phố 7, phường 10, quận Gò Vấp đã cùng đóng góp và trao những phần quà cho 10 hộ trong tổ có hoàn cảnh khó khăn để động viên họ cùng cố gắng vượt qua mùa dịch. Theo đó, mỗi hộ nhận được một bao gạo, một thùng mì, một chai nước tương, dầu ăn, đường và khẩu trang vải.

Trước thông báo tạm ngưng dịch vụ xổ số trong 15 ngày, kể từ ngày 1-4, chị Võ Thị Thùy Trang, 35 tuổi (chủ quán cơm) cùng một số bạn bè, nhà hảo tâm kết hợp tổ chức phát cơm miễn phí để giúp bà con lao động vượt qua những ngày khó khăn này. Bên cạnh việc phát cơm miễn phí, người đến nhận cơm còn được tặng thêm khẩu trang nếu không có, nhận những lời thăm hỏi động viên từ quán khiến nhiều người cảm động.

Hay tại quán cơm chay Bình An, quận 10, hơn 500 phần cơm đã được quán phát đến người lao động nghèo, người bán vé số bị mất thu nhập vì dịch vụ xổ số tạm ngưng để phục vụ phòng chống dịch bệnh.

Cũng mong muốn giúp đỡ bà con lao động vượt qua thời gian khó khăn vì dịch bệnh, tại góc ngã tư đường Hùng Vương với Trần Nhân Tôn, quận 5, gia đình một người dân cũng đã chuẩn bị hơn 200 túi thực phẩm gồm gạo, mì tôm để gửi đến những người lao động lớn tuổi. Theo chia sẻ, gia đình được một người thân đang sống ở nước ngoài hỗ trợ chi phí để thực hiện nên sẽ cố gắng gửi tặng bà con đến khi hết khả năng thì thôi...

Nhiều “Mạnh Thường Quân” đã tìm đến, chung tay góp sức với “ATM phát gạo” giúp đỡ bà con nghèo.

Trong tình hình cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn đang trong giai đoạn cách ly toàn xã hội, nhiều công ty đã cắt giảm lương, nhân sự, vì vậy người lao động gặp không ít khó khăn, thu nhập trở nên eo hẹp. Sự quan tâm của các chủ nhà trọ đã khiến họ bớt cảm thấy cô đơn nơi đất khách quê người.

Anh Lê Văn Thành, chủ một khu nhà trọ với hàng chục phòng cho thuê trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) quyết định miễn phí tiền trọ cho tất cả mọi người trong 2 tháng, nếu dịch vẫn còn sẽ tiếp tục. Anh Thành cho biết người ở trọ đa phần là lao động chân tay, xa quê vào thành phố để mong có thêm chút tiền gửi về cho gia đình. Trong tình cảnh khó khăn hiện nay, việc họ ở lại thành phố sẽ gặp rất nhiều khó khăn nên dù gia đình anh cũng chẳng giàu có gì, thu nhập gần như lệ thuộc vào tiền cho thuê nhưng anh vẫn quyết định giúp đỡ họ.

Bên cạnh việc miễn phí tiền trọ, anh Thành còn kêu gọi người thân gom góp để mua hàng chục phần quà gồm mì gói, đường, gạo... mang đến từng phòng trọ gửi tặng và khuyên mọi người bình tĩnh ở yên trong nhà để tránh lây lan dịch bệnh.

Cùng nghĩa cử, chị Hoa, chủ khu nhà trọ trên đường Lê Thị Hà, huyện Hóc Môn, vào ngày cuối tháng 3 đã treo bảng thông báo sẽ giảm nửa giá tiền cho người thuê. Tương tự, anh Đỗ Văn Thanh, chủ dãy nhà trọ hơn 10 phòng ở phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, cũng đã miễn tiền trọ cho đến khi nào dịch bệnh lắng xuống.

Việc miễn, giảm tiền thuê trọ đang ngày càng lan rộng trên địa bàn thành phố, đặc biệt ở huyện Bình Chánh đã trở thành phong trào. Tính đến ngày 2-4, lãnh đạo xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh) cho biết qua thống kê đã có 59/117 chủ nhà trọ trên địa bàn giảm tiền phòng trong tháng 4 và tháng 5, từ 10% đến 100% tiền phòng cho 749 phòng với 1.277 nhân khẩu. Lãnh đạo huyện Bình Chánh cũng thông tin hiện có hơn 2.600 chủ nhà trọ trên địa bàn đã bắt đầu miễn, giảm tiền thuê phòng cho người lao động...

Trên bình diện cả thành phố, để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, ngoài những tấm lòng thơm thảo, chính quyền TP Hồ Chí Minh sẽ chi hơn 2.700 tỷ đồng để hỗ trợ chống dịch COVID-19. Theo đó, tại buổi họp báo thông tin về tình hình hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn ngày 7-4, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có 4 đối tượng được hỗ trợ do tác động của tình hình dịch bệnh COVID-19. 

Cụ thể, về hỗ trợ người bán vé số dạo, tính đến ngày 2-4, có gần 12.000 người bán vé số trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày trong vòng 15 ngày. Tổng số tiền hỗ trợ gần 9 tỷ đồng, thời gian chi trả từ ngày 6-4 và sẽ được trao tận nhà. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh hiện có 32.000 hộ cận nghèo, hộ nghèo, trong đó có khoảng 9.000 hộ bị tác động trực tiếp như mất việc làm, mua bán ế ẩm... Các hộ này sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, trong thời gian 3 tháng (tháng 4, 5 và 6).

TP Hồ Chí Minh bước đầu khảo sát có 600.000 lao động mất việc, ngừng việc không đủ điều kiện hưởng thất nghiệp (do có nhiều lao động chưa đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng). Trong số đó có 32.000 người là giáo viên mầm non, nhóm trẻ ngoài công lập, ngoài quốc doanh. Các đối tượng này được hỗ trợ 1 triệu/tháng (trong 3 tháng 4, 5, 6/2020), tổng kinh phí hỗ trợ là 1.800 tỷ đồng

Đối với 43.000 trường hợp đang hưởng chế độ chính sách người có công với cách mạng, thành phố cũng tiến hành khảo sát những trường hợp khó khăn để kịp thời hỗ trợ. Theo đó, có 15.000 hộ gia đình khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Các hộ này nhận được 500.000 đồng/tháng (trong 3 tháng 4, 5 và 6/2020)...

Theo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, từ ngày 20-3 đến chiều 6-4, các tổ chức, cá nhân đã chung tay hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố với số tiền gần 75 tỷ đồng, gồm tiền mặt và hàng hóa (phòng áp lực âm, giường bệnh, nước rửa tay, mặt nạ y tế, cháo gói...).

Có thể nói, từ những hành động, việc làm nhân ái, có ý nghĩa thiết thực của các cá nhân, tổ chức, cho đến việc hết lòng chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn của các cấp chính quyền TP Hồ Chí Minh đã cho thấy được sự đồng lòng, chung tay khi cùng vượt qua khó khăn, dịch bệnh. Qua đó đã lan tỏa tình cảm tương thân tương ái, truyền thống tốt đẹp của người Việt.

Phú Lữ
.
.