Đường đua… hoài niệm

Chủ Nhật, 10/07/2011, 15:30

"Chắc tui cũng không sống được lâu. Nên nói với chú lần này cũng như lần cuối. Cho dù trường đua có cho đua hay không, tui cũng giữ lại con ngựa giống đẹp thiệt đẹp mà ban nãy tui chỉ chú coi đó, rồi 5 con ngựa cái. Tui giữ nuôi làm kỷ niệm, sau này tui chết rồi, con tui muốn làm gì thì làm", ông Năm Gò Công nói.

Và khi mà Sài Gòn ngày càng phát triển, những khu đất trong lòng thành phố phút chốc được gọi quen miệng là đất vàng, thì hẳn nhiên có những thứ phải biến thành hoài niệm. Trong bài viết này, tôi không hề có ý định bài xích hoặc phản biện về các dự án được thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND TP HCM. Bởi vẫn biết, quá khó để vừa lưu giữ ký ức vừa nhấn chân đạp ga của một chiếc xe hơi đời mới. Dẫu vậy, có những thay đổi khiến một bộ phận người cảm thấy hắt hiu. Chuyện ở trường đua Phú Thọ…

Vàng son hóa… vàng mã

Trường đua Phú Thọ là một địa điểm nổi tiếng tại Sài Gòn. Nơi mà vào mỗi cuối tuần, đều nhộn nhịp bởi các đợt đua ngựa, sự rộn ràng do dân cá cược mang lại. Dân chơi cá cược ở đây, ít có người trẻ, đa phần là những ông già đầu bạc, miệng ngậm thuốc lá, tay giữ khư khư bản tin trường đua để so kèo điểm mặt ngựa trước khi mua tic-kê. Tôi có nhiều người bạn tại trường đua này, từ chủ ngựa, cho đến nài ngựa và cả những người đóng móng ngựa. Tôi cũng đã viết nhiều bài viết về trường đua, từ nỗi niềm chủ ngựa cho đến mánh khóe níu ngựa. Nhưng, đây là bài viết khiến mình có cảm giác chạnh lòng nhất trong đề tài liên quan đến đường đua.

Năm Gò Công, là cái tên nổi tiếng trong giới chơi ngựa tại Sài Gòn. Người đàn ông gầy gò, môi luôn ngậm điếu thuốc nhưng chẳng bao giờ thấy hít khói vào để thở ra. Năm nay, ông Năm Gò Công vừa đúng 79 tuổi. 79 tuổi vẫn có thể sáng chăm ngựa, tối nằm ngủ cạnh chuồng để giữ ngựa xét về mặt sức khỏe tạm gọi là viên mãn. Vậy mà, ngồi với tôi giữa nghĩa địa Bình Hưng Hòa vào trưa cuối tháng 6, ông cứ thở hắt buồn. Con ngựa đua mã rất đẹp có tên Khướu Phi Mai, vừa tròn 3 tuổi, cái tuổi sung sức nhất của ngựa đua vừa được ông bán cho thương lái mua về xẻ thịt. Đau thì đau đấy, buồn thì buồn đấy, nhưng biết làm cách nào khác khi cả tháng nay, trường đua Phú Thọ không còn hoạt động, ngựa đua rớt giá thê thảm và để duy trì sự sống cho gần 30 con ngựa còn lại và cho cả nghiệp mưu sinh của gia đình mình, ông buộc phải để Khướu Phi Mai vào lò mổ.

Năm lên 10, thời mà Nhật còn mưu toan đảo chính Pháp ở miền Nam, ông Năm Gò Công đã mê ngựa. Ông bỏ nhà đu theo những chiếc xe thổ mộ chở khách đi bụi suốt ngày. Để giữ cậu con trai, bố ông đã phải mua cho ông hai con ngựa, một ô, một kim (ngựa có sắc trắng - PV) với giá lần lượt là 80 và 120 đồng, tiền thời điểm ấy.

Ông bảo với tôi rằng không hiểu sao mình lại thích ngựa đến vậy, thích tự nhiên như cây cỏ hoa lá xào xạc mỗi khi gió qua, vậy thôi. Trước năm 1975, ông bắt đầu tham gia đua ngựa ở trường đua Phú Thọ cho đến ngày đất nước thống nhất. Có thời, trường đua được dời về Đức Hòa (Long An), mãi đến năm 1989 trường đua Phú Thọ ở Sài Gòn chính thức mở cửa và hoạt động cho đến cuối tháng 5 vừa rồi.

Ông Năm khởi nghiệp bằng hai con ngựa có tên Anh Đức và Anh Nhật. Hai người con trai của ông cũng chọn cách khởi nghiệp là làm nài ngựa. Những năm 90 của thế kỷ trước, thu nhập của nài ngựa sống rất được. Những năm gần đây, với tỉ lệ cho nài của ngựa thắng giải là 10% trên tổng số tiền thưởng. Nài không thắng giải, sẽ được chủ ngựa trả công từ 70 đến 100 nghìn đồng. Sống cũng tạm ổn…

Ông Năm Gò Công và nỗi buồn ký ức.

Nhiều người cho rằng, nài ngựa ở trường đua Phú Thọ chưa đến độ tuổi lao động, nên kêu gọi này, gào thét kia yêu cầu bảo vệ nài ngựa. Nói vậy chứng tỏ họ chẳng hiểu gì về đua ngựa. Đặc tính của bộ môn thể thao này nó vậy, nài trên 33 kg thì ngựa lấy gì mà chạy cho nhanh được. Ngựa hay, thắng nhiều độ sẽ chấp ngựa khác bằng cách đeo thêm khối lượng chì nặng tối đa là 3kg, đó là những con ngựa đã đoạt đến 30 giải nhất. Nghĩa là để ngựa chạy đúng kiểu ngựa đua, tối đa trên lưng ngựa chỉ mang được khoảng 36kg… Ở nước nào cũng thế thôi, chứ chẳng phải nước mình. Ngay như Hồng Công, thánh địa của trường đua tại châu Á, nài ngựa mặt vẫn búng ra sữa như thường.

Mà mỗi giải thưởng cho những lần về nhất của ngựa cũng không nhiều. Giải cho loại A từ 11 đến 13 triệu, ngựa thắng lần 1 chủ được thưởng 11 triệu, lần 2 được 12 triệu, lần 3 được 13 triệu là chạm ngưỡng. Loại B từ 8 đến 10 triệu. Loại C từ 7 đến 9 triệu đồng… Từ loại A đến loại C, được phân định tùy theo chiều cao của ngựa.

Trong rất nhiều chủ ngựa mà tôi đã biết, họ chơi ngựa chỉ vì đam mê. Cái đam mê đến mức dựng lều ở cùng ngựa. Ngoài ngựa ra, họ chẳng biết làm gì cả. Và gần như là đặc tính kế thừa, bố mê ngựa thì con cũng mê ngựa… Cái chuỗi lẩn quẩn cứ vậy.

Chẳng có ai chơi ngựa đua mà giàu, nó như cái nghiệp nhiều hơn là nghề để mưu cầu một sự khá giả. Giá cho một con ngựa đua 2 tuổi, theo giấy khai sinh khoảng 35 đến 40 triệu đồng. Ngựa 2 tuổi là ngựa bắt đầu được cho phép đua. Đương nhiên, có những con ngựa giá trị không thể tính bằng tiền bạc. Bởi đơn giản, không ai lấy sự thích thú để quy đổi thành hiện vật.

Những con ngựa lừng danh ở đất Sài Gòn như Anh Mỹ hay Khôi Nguyên có giá rất vô chừng.

Nhưng, thời vàng son của ngựa đua đã sắp tắt lịm…

Ngựa đua vào… lò mổ

Chỉ cho tôi con ngựa trắng trong chuồng, ông Năm Gò Công nói: “Nó tên Tiểu Long Nữ, chú thấy đẹp không? Ra trường đua, người ta trả tui 40 triệu tui không bán. Nhưng, giờ giá nó chắc khoảng 11 triệu. Người ta mua về róc thịt bán, còn bộ xương thì nấu cao. Nghe nói là xương ngựa trắng nấu cao tốt hơn xương của ngựa khác… Nghĩ đến đây, ai mà không đau lòng hả chú(?!)”.

Hiện tại, ông Năm Gò Công còn được gần 30 con ngựa trong chuồng. Những con ngựa cả tháng không được đua, cuồng chân nhảy loạn xạ… Lúc con Khướu Phi Mai bị hai tay thu ngựa dẫn đi, cả bầy ngựa hí loạn xạ. Giọng hí buồn đến u uất.

Thật ra thì không phải ngựa đua không đưa vào lò mổ… Nhưng chỉ có ngựa dạt, ngựa già yếu mới bị chủ tống ra khỏi chuồng. Ngựa hay, sẽ được giữ lại làm giống. Còn giờ, trường đua đóng cửa, ngựa gì cũng phải… lên thớt.

"Chắc tui cũng không sống được lâu. Nên nói với chú lần này cũng như lần cuối. Cho dù trường đua có cho đua hay không, tui cũng giữ lại con ngựa giống đẹp thiệt đẹp mà ban nãy tui chỉ chú coi đó, rồi 5 con ngựa cái. Tui giữ nuôi làm kỷ niệm, sau này tui chết rồi, con tui muốn làm gì thì làm", ông Năm Gò Công nói.

Mà những người con ông, không nuôi ngựa cũng chẳng biết làm gì khác. Họ quen với cái mùi ngai ngái của ngựa, với cái bờm dựng đứng, tiếng hí cao vút... của ngựa đã từ lâu lắm.

Ngay cả cái khu đất rộng cả nghìn mét vuông ngay giữa nghĩa địa Bình Hưng Hòa cũng đâu phải của gia đình ông. Ông mướn với giá 15 triệu đồng/năm, quây bạt làm nhà tạm để ở giữ ngựa đấy chứ.

Ông đưa cho tôi xem một xấp thẻ chủ ngựa mà ông lưu giữ rất kỹ trong… túi quần của mình. Vợ ông cũng đứng tên một thẻ, giữ cho vui thôi, chứ giờ không đua nữa, thẻ chủ ngựa còn có ý nghĩa gì ngoài việc rảnh rỗi nhìn để đỡ buồn.

Rời nghĩa địa Bình Hưng Hòa, tôi tìm đến khu đất trống trên quận Tân Phú. Nơi gần hai năm trước, tôi có dịp ngồi với ông Tư Nhiệm, tức Lê Văn Nhiệm, một trong những chủ ngựa nức tiếng ở Sài Gòn. Cả gia đình ông có cả thảy 7 anh em lẫn con cháu là chủ ngựa, số ngựa đua nuôi trong nhà tổng cộng hơn 50 con. Đã có lúc, chính Ban tổ chức giải đua ngựa phải nhờ ông tư vấn về những điều luật.

Ông không còn ở địa điểm cũ nữa, cả một dãy chuồng ngựa cũng mất dấu tích như chưa bao giờ xuất hiện. Dọ hỏi mãi, mới biết cả gia đình ông đã trả đất, dắt ngựa về miệt Củ Chi.

Trời tháng 6, ngày không mưa nắng chan chát trên đầu. Vắng bặt một gương mặt quen, thấy buồn buồn. Về đến cơ quan, mở sổ ghi chép, chợt nhớ đến cái giọng hào hứng của ông Tư Nhiệm khi ông nói về ngựa, về kinh nghiệm coi tướng ngựa và về cả con ngựa bách chiến bách thắng có tên Morning Star của ông.

Ông bảo, muốn có con ngựa hay, ngoài chuyện gia phả ngựa, người chơi phải biết nhìn ngựa ít nhiều. Ngựa ngực to, cổ nhỏ và dài, mình thon (hay còn gọi là mình ống chỉ), mông to, 4 chân rất bé (càng bé chừng nào càng hay chừng đó. Kinh nghiệm của dân chơi ngựa cho thấy ngựa chân bé, thường có sải chân dài và nhanh nhẹn)… Điều quan trọng nhất đối với ngựa đua hay là phải đòn ngắn (tức phần thân ngựa ngắn). Ông Nhiệm nói hiểu đơn giản nhất của yếu tố đòn ngắn là cứ liên tưởng đến cây đòn gánh của những người buôn thúng bán bưng, đòn ngắn thì dẫu gánh nặng cũng không oằn vai.

Con Tiểu Bạch Long có giá thị trường hiện tại chỉ khoảng 10 triệu đồng.

Tuy nói về kinh nghiệm chọn ngựa nhiều thế, nhưng có lúc mua được ngựa hay cũng rất hên xui. Như con Morning Star trứ danh của ông Nhiệm. Ngày trước, khi chủ con Morning Star kêu bán ngựa, không ai muốn đụng tới bởi ngựa quá xấu, chỉ có ông Nhiệm mua. Đem ngựa về, ông chăm lại một thời gian và bắt đầu cho ngựa đua. Ngờ đâu, con Morning Star đua đâu thắng đấy. Tổng cộng, con ngựa này đã ăn hơn 60 độ đua, tạo nên cơn dư chấn trong làng đua ngựa. Giờ, Morning Star đã già, ít được cho đi đua. Ông Nhiệm nuôi chủ yếu là để giữ giống.

Vẫn có thể tưởng tượng ra khuôn mặt của ông trong thời điểm này. Thời điểm trường đua đóng cửa.

Gọi điện thoại cho Cu Lửa, người đóng móng ngựa ở Sài Gòn tức nhân vật trong bài viết trên số báo Xuân ANTG 2011 của tôi, anh không nghe máy. Nhớ hôm ngồi với nhau ở quán cà phê dành cho dân cá cược bình dân trong trường đua, Cu Lửa còn sảng khoái nói về cái nghề là lạ của mình. Về những khoản thu nhập nhờ cái móng ngựa mà lập được gia đình, nuôi con ăn học. Về cả cái lần được đi xuất ngoại qua… Campuchia để đóng móng ngựa cho một giải đua bên đó. Lần xuất ngoại đầu tiên mà cũng có thể là cuối cùng của anh.

Rồi cả những cậu nhóc làm nài ngựa mà tôi đã chạm mặt, trò chuyện và ghi hình. Tất cả cũng đã biến mất kèm theo lo toan về cơ hội mưu sinh không biết bao giờ mới trở lại. Những cậu nhóc chỉ quen với yên cương, với roi ngựa, với cái thúc chân vào hông ngựa, với đường đua cát, với tiếng reo hò phấn khích… Những cậu nhóc con nhà nghèo, không được học hành… Chẳng biết, rồi sẽ ra sao...

Sang trường đua, chẳng bắt gặp được không khí thân quen, chỉ thấy biểu tượng con ngựa to đùng trước cửa cúi đầu nhìn chân lạ lẫm.

Mọi thứ trở nên yên ắng đến lạ thường.

Cuối tháng 5 vừa qua, UBND TP HCM đã có văn bản không chấp thuận cho Câu lạc bộ Thể thao Phú Thọ tiếp tục tái ký hợp đồng với Công ty Thiên Mã để tổ chức đua ngựa. Cũng theo văn bản này, thì UBND TP giao cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM cùng Câu lạc bộ Phú Thọ thanh lý hợp đồng hợp tác với Công ty Thiên Mã để bàn giao mặt bằng trống nhằm chuẩn bị triển khai dự án trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao.

Đường đua dành cho ngựa đã phải nhường sân cho những cuộc thi đấu thể thao của… người.

Ước tính hiện có khoảng 1.000 con ngựa đua tham gia thi đấu ở trường đua ngựa. Lấy giá trung bình cho mỗi con là 40 triệu đồng, thì có khoảng 40 tỉ phút chốc bốc hơi. Quy đổi ngựa đua thành ngựa thịt với giá 10 triệu đồng/con, những chủ ngựa mất khoảng 30 tỉ.

30 tỉ đồng là số tiền rất lớn với một nhóm người, nhưng có khi lại là nhỏ bé so với một nhóm người khác.

Nhưng, đôi khi, có những thứ không thể quy đổi thành tiền. Hiện cũng đã có những đề xuất khởi động lại trường đua ở một địa điểm khác, nhưng tất cả còn phải chờ.

Mà nói như ông Năm Gò Công thì "Có làm gì cũng phải duy trì trường đua Phú Thọ trong thời gian xây dựng trường đua khác. Chứ không đợi xây xong trường đua mới, ngựa đua đã vào lò mổ hết mất rồi"

Ngô Nguyệt Hữu
.
.