EB3 – Bẽ bàng “giấc mộng cờ hoa”

Thứ Ba, 16/06/2020, 17:16

T. ngậm ngùi bảo tôi rằng, vốn liếng tích cóp bấy lâu của gia đình anh đã nộp cả cho công ty dịch vụ môi giới xuất khẩu lao động, với hy vọng "đổi đời" qua chương trình EB3 - lao động và định cư tại Mỹ. Cho đến khi Lãnh sự quán Hoa Kỳ gọi anh đến thông báo việc từ chối cấp thị thực (visa) và hồ sơ bị hủy thì đất như lở dưới chân.

Nhưng không chỉ riêng anh, hàng trăm người khác cũng cùng chung cảnh ngộ. Điều khiến mọi người uất ức là dù thừa biết thật khó khăn để một lao động phổ thông được cấp visa vào Mỹ, nhưng hoạt động quảng cáo, mồi chài tham gia EB3 vẫn rùm beng nhằm lôi kéo những người nhẹ dạ. Ước tính nhiều chục tỷ đồng của người lao động đã "bốc hơi", mà không có cách nào đòi lại.

Vỡ mộng đổi đời

Giữa đêm, anh Nguyễn Xuân T. gọi điện cho tôi xin tư vấn cách giải quyết vụ lừa đảo xuất khẩu lao động mà anh là nạn nhân. Giọng buồn rầu, T. kể cuộc sống, công việc của anh mấy năm nay gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống nơi đô thị.

Năm 2017, nhân đọc trên mạng thấy công ty TNHH tư vấn quản lý đầu tư IM… (ở phường Tân Hưng, Quận 7, TP Hồ Chí Minh) quảng cáo về việc môi giới xuất khẩu lao động và nhập cư vào Mỹ theo diện EB3 đối với lao động phổ thông, anh bàn với gia đình rồi vào Nam tìm hiểu công việc đó. Trong những lần đến trụ sở công ty, anh T. thấy có hàng trăm người khác cũng có mặt để nghe tư vấn về chương trình EB3.

EB3 – Bẽ bàng “giấc mộng cờ hoa” -0
Anh Nguyễn Xuân T. - nạn nhân trong vụ việc và hợp đồng dịch vụ nhập cư của anh T..

Theo quảng cáo của công ty này, việc sang Mỹ lao động và nhập cư "dễ như ăn cơm". Tra cứu các thông tin liên quan trên mạng, thấy chương trình EB3 của Chính phủ Hoa Kỳ (tuyển dụng lao động nước ngoài vào Mỹ làm việc và định cư ) là có thật, lại được dự buổi hội thảo tổ chức hoành tráng do công ty tổ chức, có cả "ông Tây" đến thuyết trình, nên anh T. cũng như những người có mặt đều đặt niềm tin vào công ty IM…

"Công ty cam kết chắc như "đinh đóng cột" rằng sẽ có một công ty ở bên Mỹ bảo trợ cho những người lao động như chúng tôi cùng toàn bộ gia đình sang Mỹ làm việc và định cư. Vì tin tưởng nên vào ngày 24/8/2017 tôi đã ký với công ty này một hợp đồng dịch vụ nhập cư. Trong đó quy định tổng số tiền "phí dịch vụ" không hoàn lại mà tôi phải nộp cho công ty là 414 triệu đồng, được nộp vào hai đợt.

Trong các ngày 24/8/2017 và 15/3/2019 tôi đã nộp đủ cho công ty số tiền đó. Những ngày sau, chúng tôi chờ đợi Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh gọi lên để làm thủ tục xin visa vào Mỹ. Chờ mãi, cuối cùng tôi cùng nhiều người lao động khác được cơ quan này gọi đến. Sau khi phỏng vấn, Lãnh sự quán Hoa Kỳ thông báo từ chối cấp thị thực vào Mỹ cho tôi cùng với nhiều người khác. Hồ sơ lao động của chúng tôi sẽ bị trả về Sở Di trú và nhập tịch Hoa Kỳ để hủy.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết lý do khiến người lao động Việt Nam không xin được visa vào Mỹ là vì đã nộp mức phí dịch vụ quá cao cho công ty môi giới và điều này là vi phạm pháp luật Hoa Kỳ. Điều đáng nói là mặc dù không ai được cấp thị thực EB3, nhưng cho đến nay công ty Im... vẫn liên tục quảng cáo rầm rộ để lôi kéo người lao động tham gia chương trình này. Tôi thấy việc làm của họ có dấu hiệu lừa đảo những người thiếu hiểu biết như tôi để chiếm đoạt tiền phí. Ước tính có đến hàng nghìn người lao động đã bị công ty này chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng" - anh T. uất ức kể lại.

Thực hư EB3

Lần theo những thông tin T. cung cấp, chúng tôi như "bơi" trong một "biển" tin tức về chương trình EB3 trên mạng. Hiện nay tại Việt Nam có những công ty môi giới xuất khẩu lao động theo diện này với những lời quảng cáo, mời chào hấp dẫn. Theo đó, EB3 là viết tắt của cụm từ "Employment - Based Third".

Nhiều lao động Việt Nam mong muốn được đi xuất khẩu lao động.

Đó là chương trình lao động nhập cư và định cư tại Mỹ, được chính phủ Hoa Kỳ thông qua vào năm 1990 trong Bộ Luật Di trú. Đây được xem là con đường ngắn nhất để chạm đến ước mơ định cư tại xứ sở "cờ hoa", dành cho công dân các nước.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, những ai có khả năng cống hiến tốt cho nền kinh tế nước Mỹ càng được hoan nghênh, chào đón. Đối tượng có thể xin visa theo diện EB3 bao gồm chuyên gia hoặc cử nhân đại học; người lao động lành nghề; người lao động phổ thông được bảo lãnh bởi doanh nghiệp Mỹ.

Đáng lưu ý là người lao động phổ thông hay lao động không tay nghề là người lao động chân tay và không có định hướng nghề nghiệp cụ thể. Diện này sẽ được đơn vị tuyển dụng Mỹ nộp yêu cầu xin giấy phép lao động và thẻ thường trú. Đơn xin định cư phải kèm chứng nhận lao động và được phê duyệt bởi Bộ Lao động Mỹ theo mẫu ETA-9089. Anh T. là lao động thuộc diện này.

Điều kiện để được xét duyệt đơn xin định cư tại Mỹ theo diện EB3 được quảng cáo là rất đơn giản, như người lao động không cần bằng cấp, ngoại ngữ, kinh nghiệm và không cần chứng minh tài chính. Họ chỉ cần đạt độ tuổi từ 18 đến 50; có sức khỏe, đủ khả năng lao động và không mắc các bệnh truyền nhiễm; có lý lịch "sạch", nghĩa là không có tiền án tiền sự, cũng như chưa từng bị trục xuất hoặc lưu trú bất hợp pháp tại bất kỳ quốc gia nào; đương đơn phải làm công việc theo vị trí toàn thời gian dài hạn cho nhà tuyển dụng… 

Về lợi ích, người lao động và gia đình gồm chồng/vợ cùng với các con độc thân dưới 21 tuổi sẽ được cấp "thẻ Xanh" vô điều kiện để định cư tại Mỹ ngay khi đặt chân đến nước này, con cái họ được học miễn phí tại Mỹ đến năm lớp 12; cơ hội vào đại học danh tiếng cao hơn du học sinh và chi phí chỉ bằng 40% chi phí du học; có được hợp đồng lao động dài hạn với mức thu nhập đủ để đảm bảo cho bản thân và gia đình sinh sống lâu dài tại Mỹ; được hưởng đầy đủ các quyền lợi như một công dân Mỹ thực thụ (trừ quyền bầu cử); được hưởng đầy đủ các quyền lợi về giáo dục, tài chính, y tế, xã hội; các thành viên trong gia đình có quyền cư trú, học tập và làm việc tại bất cứ nơi nào trên nước Mỹ; được nhận bảo hiểm y tế, bảo hiểm lao động tại nơi làm việc theo quy định tại Mỹ; có điều kiện học hỏi thêm để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm sau thời gian làm việc; được ra vào Mỹ không cần Visa; được xin nhập quốc tịch Mỹ, được mang 2 quốc tịch; được bảo lãnh người thân…

Xác minh những thông tin nêu trên tại buổi làm việc với Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bà Trần Thị Vân Hà - (Trưởng phòng Thông tin truyền thông) đã nhiệt tình kết nối với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam để thẩm định nguồn tin giúp chúng tôi. Kết quả xác định chương trình EB3 là có thật và đã triển khai từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên tại Việt Nam cho đến nay, có rất ít công dân được cấp visa vào Hoa Kỳ lao động và định cư theo chương trình này. Bà Hà cho biết chương trình EB3 không thuộc các chương trình hợp tác về lao động giữa Chính phủ Việt Nam và các nước, nên bộ chủ quản không nắm được thông tin liên quan. Để biết có bao nhiêu người đã được cấp visa theo diện EB3 vào Mỹ, cần phải có văn bản trao đổi giữa cơ quan chức năng Việt Nam với cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Những điều không minh bạch

Là người nghiên cứu sâu về chương trình EB3, Luật sư Đỗ Quốc Quyền - (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết quy trình xét duyệt hồ sơ lao động nước ngoài vào Mỹ theo diện này bao gồm 3 bước. Đầu tiên là các doanh nghiệp Hoa Kỳ có nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài có văn bản báo cáo Bộ Lao động nước này những thông tin của mình cùng nhu cầu nhân công để xin giấy chứng nhận lao động cho những ứng viên ở nước ngoài (đã liên hệ trước với doanh nghiệp qua các kênh khác nhau).

Sau khi xem xét, thấy doanh nghiệp có đủ năng lực thuê mướn và trả lương cho công nhân, Bộ này sẽ cấp giấy chứng nhận lao động cho ứng viên. Tiếp theo doanh nghiệp làm đơn bảo lãnh nhân công theo mẫu đơn I-140. Việc này cũng dễ được Sở Di trú chấp thuận, nếu các số liệu doanh nghiệp cung cấp đều phù hợp, cho thấy họ có đủ năng lực để thuê nhân công nước ngoài trong những công việc không tuyển được lao động người Mỹ.

Bước cuối cùng là người lao động nước ngoài nộp hồ sơ (có bảo lãnh của doanh nghiệp Mỹ) tại Lãnh sự quán Mỹ ở nước đó để xin visa vào Mỹ lao động và định cư theo diện EB3. Cơ quan này sẽ phỏng vấn người lao động, nếu không có gì khúc mắc thì visa sẽ được cấp cho họ.

Tuy nhiên tại Việt Nam, việc cấp visa vào Mỹ là rất khó khăn. Lãnh sự quán phỏng vấn rất kỹ người lao động, đặc biệt là về chi phí mà họ đã phải trả cho các công ty môi giới lao động. Thậm chí họ còn buộc người lao động phải tuyên thệ và ký vào văn bản lưu lại. Vấn đề nảy sinh tiếp theo đó là những công ty môi giới này có được ủy quyền chính thức để tuyển người hay không?

Trường hợp công ty đó có quyền tuyển người đi chăng nữa, thì việc thu phí của người lao động cũng là sai. Vì theo pháp luật Mỹ, tất cả các chi phí liên quan đến visa EB3 do bên công ty Mỹ tuyển dụng nhân công nước ngoài chi trả hết. Tức là người lao động không phải trả khoản tiền nào. Do đó khi người lao động trả mức phí quá cao cho công ty môi giới, việc xin visa vào Mỹ sẽ bị coi là hành động "làm tiền", gây lũng đoạn Luật Di trú Mỹ. Đây chính là lý do của việc rất ít người Việt có thể vào Mỹ lao động và định cư theo diện EB3.

Tại buổi làm việc với chúng tôi, bà Trần Thị Vân Hà cho biết kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ngoài đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, phải có "giấy phép con", tức là giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, theo quy định tại Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 và Nghị định 126/2007/NĐ-CP. Nếu các công ty môi giới xuất khẩu lao động đi Mỹ theo diện EB3 mà không có giấy phép này là hoạt động trái pháp luật.

Thậm chí hành vi có dấu hiệu của tội phạm hình sự.  Tại chỗ chúng tôi đã nhờ bà Hà tra cứu thông tin về công ty TNHH tư vấn quản lý đầu tư IM… là doanh nghiệp đã thu số tiền 414 triệu đồng phí dịch vụ của anh T. Kết quả xác định đơn vị này không có tên trong danh sách các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Như vậy, bước đầu có thể thấy việc công ty quảng cáo, lôi kéo người lao động tham gia chương trình EB3 để thu số tiền "phí dịch vụ" của nhiều người là không đúng với quy định của pháp luật. Mặt khác, mặc dù biết rõ người lao động sẽ không xin được visa vào Mỹ theo diện EB3, nhưng công ty này vẫn tiếp tục quảng cáo, lôi kéo người lao động bằng những thông tin gian dối khi tư vấn, nên hành vi có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những tài liệu và kết quả xác minh bước đầu về vụ việc nêu trên, chúng tôi đã chuyển giao tới cơ quan chức năng để tiến hành giải quyết theo quy định của pháp luật.

Vụ việc xảy ra với anh T. cũng là lời cảnh báo đối với nhiều người cần thận trọng bảo quản túi tiền của mình. Trước những lời có cánh vẽ ra viễn cảnh huy hoàng nơi xứ người, cần thận trọng kiểm tra thông tin nhiều chiều để tránh mắc lừa những nhóm tội phạm hoạt động tinh vi dưới vỏ bọc hợp pháp.

Nhật Nam
.
.