Những cuộc hôn nhân bất hạnh với người nước ngoài:

Gái quê chắt bóp "mua"… chồng ngoại ( Kỳ 2 )

Thứ Sáu, 04/04/2008, 13:30
Có không biết bao nhiêu ông bố, bà mẹ ở Đại Hợp (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đêm đêm vắt óc nằm lo trả nợ, lo cho số phận con gái ở quê người. Còn ở phía bên kia, các cô gái chắc hẳn không nguôi nhớ đến các khoản nợ mà bố mẹ mình đã bỏ ra để “mua chồng” cho con và cũng không khỏi lo cho thân phận của mình nơi đất khách?

 KỲ 2: Việc lấy chồng ngoại và những hệ lụy

Chuyện phụ nữ nông thôn cố kiết lấy chồng nước ngoài không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của từng hộ dân vì trung bình mỗi gia đình phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ (tương đương với 10 tấn thóc) để "mua chồng" cho con mà những cuộc hôn nhân ngoại kiểu này còn để lại nhiều hệ lụy cho xã hội như tỉ lệ sinh con thứ 3 có nguy cơ gia tăng, mất cân bằng giới trong độ tuổi kết hôn, những đứa trẻ lai trở về Việt Nam không có bố và lẩn khuất đằng sau những đường dây mai mối trái luật là tệ buôn bán phụ nữ.

Đám cưới “tàu nhanh"

Ngày 17/5/2007, thời tiết đang độ nắng gắt nhưng tại thôn Đông Tác (xã Đại Hợp, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) có tới 3 đám cưới. Đây đều là những đám cưới ngoại giữa cô dâu Việt với các chàng rể Đài Loan, Hàn Quốc.

Sở dĩ, những đám hỷ này diễn ra trái mùa vì nó phải phụ thuộc vào thời gian lưu trú của các chú rể. Diễn ra chớp nhoáng, thủ tục ngắn gọn và không có mặt nhà trai là những đặc điểm chung của các đám cưới ngoại mà người dân địa phương vẫn gọi là "tàu nhanh" tại đây.

Đám cưới của cô Phạm Thị Ng (22 tuổi) người ở thôn Đông Tác với chú rể A Hùng (người Đài Bắc) hơn mình 20 tuổi (ANTG số 741 đã đề cập) là một ví dụ điển hình của đám cưới "tàu nhanh".

Ông Hoàng Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Đại Hợp cho rằng, tham dự những đám cưới ngoại kiểu này chẳng khác gì chứng kiến cảnh mấy ông rể Đài, rể Hàn đi “cướp” vợ Việt. Nó đang làm mai một đi những nét đẹp của một đám cưới truyền thống. Ở đó, không còn chuyện chú rể đưa cô dâu đi quanh đường làng hay hai bên nhà trai, nhà gái trò chuyện gửi gắm con em mình...

Kể từ khi địa phương rộ lên phong trào nữ thanh niên lấy chồng ngoại đã kéo theo hệ quả tỉ lệ sinh con thứ 3 của chính những người mẹ đã gả con sang nước ngoài gia tăng. Chỉ riêng tại thôn Đông Tác, trong năm 2005 đến nay đã có 6 chị đẻ “thêm". Số này rơi vào các gia đình có hai con gái đều gả chồng nước ngoài hoặc còn một con trai và đang "thiếu" con gái!

Chị Hoàng Thị Y (40 tuổi) tâm sự: "Tôi đã gả hai con gái lấy chồng Đài Loan nhưng nay đều chưa nhận được tin tức của các cháu. Không biết các cháu sinh sống thế nào, liệu có giúp gì được bố mẹ không nên vợ chồng tôi bàn nhau đẻ thêm cháu thứ 3 hy vọng nương nhờ lúc tuổi già!".

Vào tháng 8/2005, chị Y đã sinh thêm một cô con gái thứ 3 nhưng không ai chắc rằng, cô gái thứ 3 này lớn lên sẽ ở nhà với bố mẹ.

Những "cò" hôn nhân hay một đường dây môi giới sự bất hạnh?

Trở lại lễ cưới của cô dâu Ng và chú rể A Hùng ở thôn Đông Tác. Có một người phụ nữ ngoài 40 tuổi mà mọi người gọi là Thảo "phiên dịch" đã đi cùng chú rể tới đón dâu và kè kè bên cô dâu, chú rể suốt buổi lễ chính là "mối" hay còn gọi là "cò" hôn nhân. Theo những người dân địa phương, mối này đã có mặt ở ngót 10 đám cưới tại thôn Đông Tác.

Mối Thảo vốn quê ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng - một địa phương có số phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc chỉ sau mỗi Đại Hợp. Tuy không là dân địa phương, nhưng mối Thảo lại nắm rất rõ tình hình "dân cư" của Đại Hợp vì "cửa" làm ăn của Thảo là phải thuộc mặt, biết tên tất cả các gia đình có con gái mới lớn, cặp kê tuổi lấy chồng để còn mối lái.

Bà Nguyễn Thị Hải, người thôn Đông Tác cũng có hai cô con gái nhưng đều theo học ĐH, CĐ cho biết, khi con tôi mới học đến lớp 9, mối Thảo đã đến tỉ tê, gạ mối lái để cháu lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Công.

Thảo nói ngon ngọt: "Cứ cho các cháu bám lấy quê thì suốt đời chân lấm tay bùn. Nếu có học được ĐH thì bố mẹ nông dân rất khó xin việc cho con. Khi đã học xong thì con gái nhà quê lại khó lấy chồng. Cách tốt nhất là cho con lấy chồng nước ngoài".

Nghe bùi tai, bà Hải cũng đã ướm người cho con gái mình. Nhưng thấy các cháu quyết tâm học tập nên bà lại thôi. 

Vui thế bao nhiêu...

Nhưng gia đình bà Hải ở Đông Tác chỉ là số ít, theo ông Tiến, Phó chủ tịch UBND xã: "Hầu hết những gia đình có con gái ở đây đều bị “ngã lòng" trước mối. Với các ông bố bà mẹ, mối vẽ ra viễn cảnh cuộc sống giàu sang ở xứ lạ. Còn với các cô gái trẻ, mối "dựng" lên những chú rể có bằng cấp, có địa vị, con nhà giàu... nhưng vì "mải làm ăn" nên hồi trẻ chưa chịu lấy vợ, đến khi già mới chọn lấy gái Việt Nam!!!..

Mới đầu, mối cũng hứa hẹn “tiền nong chỉ là chuyện nhỏ" và "giúp các cháu có được cuộc sống hạnh phúc là chính" nhưng khi đã sa vào vòng của mối thì số tiền "trọn gói" mà mối giao hẹn ban đầu với các gia đình là 15 đến 20 triệu đồng/cuộc hôn nhân đều tăng lên 30 đến 35 triệu đồng vì đủ các khoản chi phí phát sinh.

Vì giá bị "đội" lên như vậy, các gia đình cô dâu xoay xở không kịp nên lại phải vay tiền của mối. Tháng 3 vừa qua, đã có những gia đình ở thôn Quần Mục và cả Đông Tác ngay trong đám cưới của con gái mình với chú rể Đài Loan, Hàn Quốc, khi chú rể vừa rút phong bao lỳ xì bố mẹ vợ, một lúc sau mối đòi lấy lại ngay số tiền đó để “siết nợ”.

Không chỉ tự đặt ra các khoản giá môi giới hôn nhân để kiếm lời, mối cũng có quyền hành không nhỏ trong việc quyết định việc chọn chồng cho các cô gái nông thôn. Như trường hợp ở thôn Việt Tiến, có gia đình bà Lê Thị N. sau khi đã đưa tiền cho mối nhưng lại không ưng chú rể bị dị tật ở tay liền bị mối cho “rớt” lại để “chèn" cô dâu khác vào.

Đợi gần nửa năm sau, chưa thấy mối tìm được người ưng ý cho con mình, bà N. ngỏ ý xin lại tiền thì bị mối khất lần vì các khoản đó “đã được chi phí”. Chẳng còn cách nào khác, 3 tháng sau, bà N. đành "nhắm mắt" cho con gái mình lấy một người chồng Đài Loan cũng làm ruộng ở bên đó.--PageBreak--

Tại anh, tại ả, tại cả chính quyền địa phương?

Theo điều tra, chỉ riêng xã Đại Hợp đã có 3-4 "cò" hôn nhân như mối Thảo với "nhiệm vụ" thu gom các cô gái có nhu cầu lấy chồng nước ngoài. Sau đó còn phải qua một "cầu" nữa là một mối lớn hơn ở Hải Phòng hay Hà Nội có trách nhiệm lo hồ sơ thủ tục và liên lạc với các công ty dịch vụ hôn nhân ở Đài Loan, Hàn Quốc.

Một cô gái ở Đại Hợp có tên là Mai Thị H. (24 tuổi) đến UBND xã xin xác nhận tình trạng độc thân của mình để lấy chồng Đài Loan (sống ở tỉnh Nam Đầu), cho biết: “Tôi đã được mối địa phương đưa đến gặp anh Hoàng ở TP Hải Phòng. Đầu tháng 5, anh Hoàng đưa hơn 10 cô gái như tôi tới khách sạn Phương Đông trên đường Lạch Tray để tuyển chọn. Tại đây, tôi và người chồng Đài Loan đã ưng ý nhau!".

Cũng theo cô gái, Hoàng chính là người đã đưa cho cô đầy đủ hồ sơ, thậm chí còn khai cho cô cả Tờ khai đăng ký kết hôn. Với tờ khai này, ông Tiến, Phó chủ tịch xã Đại Hợp cho rằng đều có cùng một mẫu chữ của một người đứng ra khai cho hầu hết các cô gái của địa phương.

Cuối cùng, để “xóa sạch” dấu vết về một đường dây môi giới hôn nhân trái luật, ông Tiến cũng cho biết, sau khi hoàn tất các thủ tục hôn nhân ở xã, chính các cô dâu và bố mẹ họ đã làm một lá đơn với tiêu đề Xin xác nhận của địa phương về cuộc hôn nhân của con em mình.

Trong đó, chính các ông bố bà mẹ cam kết rằng, hôn nhân của con em họ là tự nguyện, bố mẹ không gả ép và không quên khẳng định, những cuộc hôn nhân này là cô dâu, chú rể tự tìm hiểu, không hề có chuyện mất tiền để môi giới!!!

Ông Tiến bùi ngùi: "Với những lá đơn như thế này, theo thẩm quyền của UBND xã, tôi đành xác nhận chữ ký của người trong đơn chính là của ông A, bà B... đang cư trú tại xã mà thôi!".

...đau đớn bấy nhiêu.

Chuyện phụ nữ lấy chồng nước ngoài với những hậu quả đã và sẽ xảy ra với chính người trong cuộc và cả cộng đồng đang là hiện tượng ngày một gia tăng. Sở dĩ như vậy là do có sự bất cập từ nhiều phía.

Trước tiên, đó là lỗi của người trong cuộc. Thực tế, các cô gái đi “mua chồng” đều có những hạn chế về trình độ nhận thức. Họ chủ yếu học hết cấp 2 rồi ở nhà do vậy đã coi việc lấy chồng ngoại để nhằm theo đuổi “mục đích” kinh tế là chính. Bởi vậy, nếu chưa thấy những rủi ro của việc làm này thì họ không tin.

Do họ đã “bất chấp” để lấy “bằng được” ông chồng nước ngoài. Trong khi đó, bố mẹ họ chỉ nhìn vào số ít những gia đình mà con gái lấy chồng ngoại gửi của cải về để “phấn đấu”.

Thứ hai, theo chị Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã: "Những trường hợp này đều kết hôn và xuất cảnh hợp pháp, vì vậy nếu chỉ đưa việc tuyên truyền theo Đề án phòng chống buôn bán phụ nữ với các chị em là không đúng đối tượng. Nhưng nếu không can thiệp kịp thời thì hiện tượng này sẽ trở thành vấn đề xã hội".

Chị Thúy cho biết thêm, Hội Phụ nữ xã đã thành lập 3 câu lạc bộ với nội dung sinh hoạt tập trung vào chủ đề: Pháp luật, tình yêu đôi lứa và bảo vệ phụ nữ trẻ em. Tuy nhiên, khi ra mắt CLB này, nếu cán bộ tuyên truyền chỉ nói lý thuyết suông hay ngăn cản chị em lấy chồng nước ngoài là họ phản đối liền. Chính vì vậy, cán bộ Hội đã phải cất công sưu tầm những người thật, việc thật về để tham gia nói chuyện, chia sẻ hoàn cảnh thì chị em mới tin!".

Thứ ba, liên quan đến trách nhiệm của chính quyền xã, ông Tiến, Phó chủ tịch UBND xã thừa nhận: "Xã chỉ có trách nhiệm xác nhận về mặt thủ tục chứ không thể ngăn cấm các cuộc hôn nhân ngoại. Còn về phía công an xã thì họ cũng rất khó "bắt bớ" các "cò" khi những chân rết này hoạt động tại địa phương.

Nguyên nhân là các "cò" không bao giờ lưu trú quá lâu ở địa phương và rất khó để bắt quả tang họ đang nhận tiền của các gia đình. Và khi chính gia đình đã có cam kết hôn nhân của con em họ là tự nguyện, là không mất tiền thì chính quyền xã chẳng thể can thiệp gì hơn".

Khi chúng tôi kể những chuyện nghe và nhìn thấy đầy bức xúc ở trên với Sở Tư pháp Hải Phòng thì chính cán bộ của cơ quan này cũng rất bức xúc trước thực trạng hôn nhân có yếu tố nước ngoài trên địa bàn mình quản lý.

Bà Ninh Thị Hoãn, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng cho biết: "Hiện nay, Sở Tư pháp chỉ còn mỗi việc công nhận Hồ sơ đăng ký kết hôn “đã rồi" của các đối tượng. Bởi vì, do sợ cơ quan có thẩm quyền của VN khi phỏng vấn sẽ loại những đối tượng có mục đích hôn nhân không lành mạnh nên hiện nay, các đối tượng hay thông qua các công ty môi giới phía bên kia đã mang hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan hay Hàn Quốc để đăng ký rồi sau đó mới quay trở lại Việt Nam để làm thủ tục công nhận cuối cùng".

Bà Hoãn cho rằng: "Nếu có sự hợp tác chặt chẽ hơn của cơ quan tư pháp hai nước để cho ra đời những quy định thống nhất cho các đối tượng kết hôn giữa hai nước thì chắc chắn những cuộc hôn nhân vì mục đích "kinh tế" sẽ loại trừ ngay và từ đó tỷ lệ kết hôn với người nước ngoài không tự nguyện và tiêu cực sẽ giảm!".

Trong khi chờ đợi sự thay đổi ngày một chặt chẽ và cụ thể hơn của các quy định về kết hôn với người nước ngoài và triển vọng hợp tác giữa cơ quan tư pháp giữa Việt Nam với nước có tỉ lệ kết hôn cao thì danh sách những cô gái của Đại Hợp lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc vẫn cứ ngày một dài ra và tiếp tục được niêm yết trước trụ sở UBND xã. Cứ 7 ngày lại có một danh sách mới được thay thế.

Và cũng có không biết bao nhiêu ông bố, bà mẹ ở Đại Hợp đêm đêm vắt óc nằm lo trả nợ, lo cho số phận con gái ở quê người. Còn ở phía bên kia, các cô gái chắc hẳn không nguôi nhớ đến các khoản nợ mà bố mẹ mình đã bỏ ra để “mua chồng” cho con và cũng không khỏi lo cho thân phận của mình nơi đất khách?

Hỡi ôi, giấc mộng "chồng ngoại"!!!

Mai Tâm
.
.