Gái quê chắt bóp “mua”… chồng ngoại

Thứ Tư, 02/04/2008, 14:15
Các cô gái Việt cứ bằng mọi giá "xuất giá tòng... Tây", nhất quyết kiếm bằng được cho mình một anh chồng ngoại quốc, cốt chỉ để "cải thiện" kinh tế và hy vọng vào một "thiên đường" vật chất ở xứ người. Thân gái dặm trường thời nào cũng thế, đã sẩy chân thì hối cũng là muộn, đã trót "đa mang" thì phải "đeo bòng", để rồi suốt một đời âm thầm đắng cay và tủi hổ mà thôi...

Đành rằng, việc lấy chồng người nước ngoài bây giờ cũng chả còn ai coi là chuyện xấu, là chuyện của mấy mợ  "me Tây" các cụ xưa từng dè bỉu. Đến các đội bóng đá nước nhà bây giờ còn tranh nhau mua các cầu thủ "ngoại binh", thì chuyện trong một số gia đình có thêm chàng rể ngoại âu cũng là một lẽ thường tình .

Nhưng, sẽ rất không thường tình, khi đâu đó có các cô gái Việt cứ bằng mọi giá "xuất giá tòng... Tây", nhất quyết kiếm bằng được cho mình một anh chồng ngoại quốc, cốt chỉ để "cải thiện" kinh tế và hy vọng vào một "thiên đường" vật chất ở xứ người. Thân gái dặm trường thời nào cũng thế, đã sẩy chân thì hối cũng là muộn, đã trót "đa mang" thì phải "đeo bòng", để rồi suốt một đời âm thầm đắng cay và tủi hổ mà thôi...

Những câu chuyện buồn kể ra dưới đây, dù chỉ là ít ỏi, dù chỉ gói gọn loanh quanh trong một vùng quê, nhưng, cũng là chuyện về “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” như cụ Nguyễn Du kể về nàng Kiều xưa. Kể ra những chuyện này, cũng là xót xa, cũng là bức xúc, cũng là không thể nào kìm lòng thêm được nữa. Vả lại, cũng le lói chút hy vọng, biết đâu sau khi đọc những chuyện buồn này, sẽ có những “cô kếu tân thời" giật mình soi lại những tính toán mù quáng của đời mình, để mà kịp tỉnh ngộ trước ảo vọng, để mà kịp phanh lại trước khi đời con gái của mình lao xuống đáy vực thẳm. 

Chuyện chẳng ở đâu xa. Nó diễn ra ngay ở một số xã ở vùng nông thôn Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Đồ Sơn, Hải Phòng. Nếu như trước đây, chuyện chú rể Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Trung Quốc tìm kiếm và kết hôn với cô dâu Việt  ở các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”, thì một vài năm gần đây, lại có nhiều chú rể ngoại quay trở ra phía Bắc để tìm vợ. Và thế là, những chuyện bi hài lấy chồng ngoại, những cuộc môi giới đầy toan tính, những “tuần trăng mật” đầy bất hạnh lại xuất hiện ngoài Bắc.

Theo thống kê của Sở Tư pháp và Thành hội Phụ nữ Hải Phòng, riêng  trên địa bàn thành phố có khoảng 7.000 phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Nhiều nhất trong số đó là huyện Kiến Thụy với 800 cuộc hôn nhân ngoại. Đặc biệt nhất là ở xã Đại Hợp của huyện này, chỉ tính đến tháng 4/2006, đã có trên 500 cô dâu Việt lấy chồng ngoại...

Lấy chồng ngoại không còn là chuyện lạ ở quê mình, chỉ lạ là thay vì các chú  rể ngoại phải bỏ tiền cưới hỏi và lễ tạ cho  bố mẹ vợ thì các cô dâu Việt quê ta lại phải bỏ ra trung bình 30 triệu đồng, tức là tương đương với 10 tấn thóc "một nắng hai sương" để lấy được một ông chồng ngoại, Đài Loan, Hàn Quốc hay Hồng Công gì gì đó...

Ngày nào cũng thế , trước cửa UBND xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng cũng phất phơ tấm bảng niêm yết công khai danh sách những cô gái chuẩn bị lấy chồng nước ngoài, mà hầu hết là người từ Đài Loan, Hàn Quốc. Danh sách này chưa kịp gỡ xuống thì lại tiếp tục đến danh sách kia.

Gần đây, có trường hợp của cô Bùi Thị L. (23 tuổi) người ở thôn Đông Tác kết hôn với người chồng tương lai là Lee Cheng Tung (45 tuổi) người Đài Loan (đã từng 2 đời vợ), bây giờ với người vợ Việt này là lần thứ 3.

Ông Hoàng Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Đại Hợp cho biết: Hiện nay, toàn xã có 2.500 khẩu nhưng đã có 500 phụ nữ xuất cảnh diện lấy chồng nước ngoài. Thật sự đến giờ chính bản thân tôi vẫn luôn bất ngờ trước sự lấy chồng ngoại của nhiều phụ nữ trẻ...

Theo ông Tiến, sở dĩ, ông chưa thể quen với những cuộc hôn nhân ngoại kiểu này ở địa phương vì nó có quá nhiều điều kỳ quặc. Trước hết, đó là sự chênh lệch tuổi tác quá lớn giữa hai bên vợ nội - chồng ngoại. Thông thường, những cô gái Việt Nam mới chỉ ở độ tuổi qua "trăng tròn" mười tám, đôi mươi nhưng những chú rể Đài Loan, Hàn Quốc đã "xế bóng" ngũ thập, lục thập cả rồi.

Chú rể ngoại trang điểm cho cô dâu Việt.

Điều "lạ đời" nữa là, trong những cuộc hôn nhân này, những người đàn ông ngoại vốn thường được coi là có sức hấp dẫn lớn với nhiều cô gái trẻ lại là những người bị khiếm khuyết về cơ thể, bị dị tật bên ngoài, từng trục trặc trong hôn nhân và đều là những người có thu nhập thấp hoặc công việc không ổn định như lái xe, làm nghề đơn giản, buôn bán nhỏ, nội trợ hay cũng làm ruộng...

Cuối cùng, khoảng thời gian để họ tìm hiểu nhau diễn ra rất chóng vánh, thường chỉ gói gọn trong vài ba ngày hay một tuần. Ông Tiến thừa nhận, vì đây là hôn nhân hợp pháp, có sự tự nguyện của cả hai bên, mặt khác chính quyền xã cũng chẳng có thẩm quyền gì để "ngăn cấm", nên những cuộc hôn nhân kỳ quặc như vậy vẫn cứ tiếp diễn...

Đầu năm 2007, cô Hoàng Thị H. (21 tuổi), người ở thôn Việt Tiến đến UBND xã để xin được xác nhận tình trạng còn độc thân của mình nhằm hoàn chỉnh vào bộ hồ sơ để kết hôn với một người Đài Loan. Cô gái cho biết : "Anh ấy làm nghề lái xe, hơn em 22 tuổi. Chúng em đã gặp nhau 2 lần, mỗi lần 30 phút nhưng cũng không nói chuyện nhiều vì chưa biết tiếng của nhau. Nhưng cảm nhận của em là anh ấy hiền và em quyết định kết hôn với anh ấy!".

Trước đó, vào cuối tháng 12/2005, chứng kiến cảnh đám cưới của cô Lê Thị Y. (20 tuổi) người ở thôn Quần Mục, ai cũng ứa nước mắt. Cô dâu xinh xắn, thay vì được chú rể dìu đón thì  một tay cầm bó hoa cưới còn tay bên cùng với họ hàng phải xốc nách chú rể vì chú rể bị dị tật hai chân. Mẹ cô dâu kể mếu máo: "Khi chú rể đến nhà tôi bằng xe lăn để dạm hỏi vợ thì cả họ hàng ai cũng không đồng ý. Vậy mà nó (chỉ cô Y.) vẫn khăng khăng đòi cưới. Khi mọi người can ngăn, khuyên nhủ, nó còn khóc, nên vợ chồng tôi không biết làm thế nào...".

Cũng ở thôn Quần Mục, trường hợp của cô Nguyễn Thị T. (22 tuổi) đang quyết tâm lấy một người đàn ông Đài Loan hơn bố mình đến 5 tuổi và đã bỏ 3 người vợ thì ai cũng biết. Trong hồ sơ,  người đàn ông này đã lấy một người vợ Đài Loan còn sau đó lấy 2 người vợ Việt. Lý do mà các bà vợ ly hôn là vì ông ta nghiện hút và cả phạm pháp. Vậy mà lần cưới vợ thứ 4 này, cô gái trẻ như T vẫn quyết theo ông.

Mấy hôm nay, một gia đình ở thôn Đông Tác cũng đang rậm rịch chuẩn bị cho con gái thứ 2 đi lấy chồng Đài Loan. Người chị của cô gái này trước đây cũng lấy chồng Hàn Quốc và đã về nước vì ly hôn. Mặc dù hoàn cảnh của cô chị rất đáng thương, đã lấy phải một người chồng tính khí không bình thường lại lười nhác. Sang bên đó, cô chị đã phải đi làm để nuôi chồng nhưng người chồng vẫn thường lấy tiền của cô để đi uống rượu và chơi cờ bạc. Những lần không "trộm" được tiền của vợ, anh ta đã đánh vợ đến khi phải đi cấp cứu. Được gia đình nhà chồng can thiệp, cô chị mới dám ly hôn và trở về nước. Vậy mà, khi em chuẩn bị lấy chồng Đài Loan, bà chị vẫn còn xui: "Người xấu chỉ là số ít. Biết đâu em sẽ hạnh phúc".

"Ngày vui ngắn chẳng tày gang".

Chính vì quan niệm "đổi đời" nên còn một nghịch lý nữa trong các cuộc hôn nhân ngoại ở xã Đại Hợp nói riêng và một số xã ngoại thành của Hải Phòng nói chung là gia đình các cô dâu nội  phải chịu mất một khoản chi phí không phải là nhỏ.

Chị Phạm Thị Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Hợp cho biết, để lấy được chồng ngoại, gia đình các cô gái phải chi từ 20 đến 30 triệu đồng nếu lấy chồng Đài Loan, 40 triệu đồng nếu lấy chồng Hàn Quốc và khoảng gần 100 triệu nếu lấy chồng Hồng Công. Do vậy, những cuộc hôn nhân này chẳng khác việc "mua" chồng.

Theo chị Thúy, kinh tế của người dân Đại Hợp chủ yếu dựa vào nông nghiệp và đánh bắt hải sản. Với thu nhập bình quân khoảng 250 USD/người/năm thì việc bỗng chốc phải bỏ ra một khoản vài nghìn USD để lo cho con gái lấy chồng ngoại cũng không phải dễ. Chính vì vậy, để có được số tiền này, đa số các chị em (chủ yếu là những người mẹ trong gia đình) đã phải đi vay lẫn nhau, vay họ hàng và gần đây, họ mạnh dạn tới Ngân hàng NN&PTNT huyện Kiến Thụy để vay vốn với nội dung tăng gia sản xuất, triển khai VAC ( ?!) nhưng thực chất thì số tiền vay này lại được dùng để... cưới chồng ngoại cho con gái.

Cũng theo lời chị Thúy, tìm hiểu lý do để các cô gái và gia đình họ chọn rể ngoại chủ yếu là vì "mục đích" kinh tế với mong muốn thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, tìm kiếm một cuộc sống giàu sang và sớm gửi tiền về để giúp bố mẹ trang trải nợ nần và sửa nhà, sửa cửa. Mặt khác, nhiều cô gái trẻ mới lớn cũng "ôm mộng" sẽ có một cuộc sống ở xứ lạ như trong phim ảnh.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ông Hoàng Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Đại Hợp cho biết, chưa đến 10% trong số các gia đình  có con xuất ngoại theo chồng đã đạt được "mục đích" kinh tế. Còn đa phần, nhiều ông bố bà mẹ ở Đại Hợp vẫn đang như ngồi trên đống lửa vì không có tin tức của con mà số nợ ngân hàng, đi vay ở bên ngoài đến kỳ mà vẫn chưa trả được.

Cô Nguyễn Thị H. (thôn Đông Tác)  kể lại: Trước khi lấy chồng, tôi được giới thiệu chồng tương lai là một kỹ sư xây dựng. Nhưng khi sang đó, chồng tôi là một gã thất nghiệp, không có công ăn việc làm mà còn phải nuôi một người bố bị liệt. Và trên thực tế, người chồng tôi không cần một người vợ. Anh ta thông qua môi giới, "cưới" tôi về để hầu ông bố mình bị  liệt. Cực quá, tôi đã trốn ra ngoài, nhờ công an bên nước bạn can thiệp để rồi trở về nước.

Còn cô Hoàng Xuân Th, người ở thôn Quần Mục về nước hồi đầu năm 2006 cho biết: "Tôi bị ép phải làm vợ cho tất cả đàn ông trong  gia đình ấy. Nhục quá, tôi dọa tự vẫn nên họ đã trả tôi về nước. Tôi mới ở nhà chồng được một tuần nhưng đã thấy thật là khủng khiếp".

Trường hợp của cô Lê Thị D. ở thôn Việt Tiến cũng thật thương tâm. Cô kể: "Trong quá trình chung sống, người chồng Hàn Quốc này quá nhẫn tâm, thường xuyên đánh đập tôi. Có lúc uất ức, tôi đã tìm đến cái chết. Nhưng được những người phụ nữ Việt Nam sống và làm việc tại đây giúp đỡ, tôi đã trốn khỏi người chồng ấy và lần hồi kiếm sống để có đủ một số tiền quay trở về đất nước".

Sau một tuần gặp mặt và tìm hiểu, cô Phạm Thị Ng. (22 tuổi) người ở thôn Đông Tác đã quyết định tổ chức đám cưới với chủ rể A Hùng (người Đài Bắc) hơn mình 20 tuổi. Mặc dù mẹ của cô dâu làm công tác văn hóa tại xã nhưng đám cưới ngoại của cô con gái lại không theo thủ tục truyền thống.

9h,  khách mời và bà con họ hàng nhà gái đã dùng tiệc mặn. Mâm cỗ cưới cũng đủ “4 đĩa, 1 bát” và cả bia, rượu nhưng chỉ khác với các đám cưới nội là người đi ăn cỗ không phải mừng tiền cho cô dâu để tạo vốn ra ở riêng. Người dân địa phương cho rằng, vì lấy chồng ngoại được “đổi đời” nên chẳng cần sự giúp đỡ của mọi người.

Duy chỉ có gia đình nhà gái là khổ. Ngoài việc vay tiền để lo một tấm chồng ngoại cho con gái, họ cũng phải cắn răng vay mượn thậm chí bán cả trâu, bò, heo đang nuôi trong chuồng để lo tổ chức đám cưới ngót nghét chục triệu đồng. 14 giờ, tức là sau nửa tiếng chú rể đặt chân tới Việt Nam cũng đồng thời được ấn định làm giờ đón dâu. Một chiếc xe hoa đi kèm chiếc xe 12 chỗ dùng để đưa nhà gái đi “tiễn con” khi đến nhà cô dâu chỉ có mỗi chú rể Đài và bà mối.

Xuống xe, bà mối đưa chú rể vào ngay “gian trong” đón cô dâu rồi trao hoa cưới và đeo cho cô dâu nào vòng cổ, lắc tay, hoa tai, nhẫn vàng. Sau đó, được sự hướng dẫn của mối, chú rể đưa phong bao lì xì ông bà cô dâu, bố mẹ vợ rồi lễ tạ bàn thờ tổ tiên. Xong xuôi các thủ tục trong nhà, cô dâu chú rể ra ngoài sân cắt bánh cưới, nâng ly chúc nhau hạnh phúc rồi đến từng bàn chúc tụng, cám ơn mọi người.

Tất cả chỉ diễn ra chừng 30’chú rể cúi chào bố mẹ vợ, họ hàng bên ngoại rồi “rước” cô dâu lên xe đưa ra khu nghỉ mát Đồ Sơn để hưởng “ngày trăng mật”. Ngay sau đó, chú rể  bay về nước và cô dâu lại trở về quê chờ đợi hoàn tất  thủ tục để sang nước chồng.

Anh Trần Biên Thùy, Bí thư xã Đoàn cho biết: “Nếu các nữ thanh niên tại địa phương đã chọn cách đi lấy chồng ngoại để đổi đời là họ chỉ nghĩ cách làm lợi trước mắt cho chính bản thân họ, chứ về lâu dài, họ không nghĩ gì cho cộng đồng!”.

Theo anh Thùy, từ ngày nữ thanh niên xã Đại Hợp đi lấy chồng ngoại tỉ lệ mất cân bằng giữa nam và nữ trong độ tuổi kết hôn đã chênh lệch rõ rệt. Hiện tại, có 500 cô gái xuất cảnh theo chồng thì ở quê cũng có tới 500 chàng trai đang trong nguy cơ “ế” vợ.

Anh Thùy chẳng giấu chuyện của riêng mình: “Năm ngoái, tôi cùng một người bạn trai đến tìm hiểu một cô gái ở thôn Quần Mục. Sang nhà cô gái được vài bận thì bà  mẹ cô gái thẳng thừng tuyên bố: “Các anh thông cảm, em nó đã có chỗ ở nước ngoài rồi”. Chạm vào lòng tự ái, anh Thùy và người bạn không đến nhà cô gái nữa. Cũng từ đó, họ vấp phải tâm lý “nản” khi đến tìm hiểu các cô gái địa phương.

Ngoài ra, còn một hậu quả nhỡn tiền nữa, đó là chuyện những đứa trẻ lai trở về Việt Nam cùng mẹ mà không có bố. Theo thống kê chưa đầy đủ của huyện Thủy Nguyên, tính đến nay, cả huyện có 1.340 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc. Trong số này đã có 53 trường hợp trở về việt Nam và họ mang theo 44 đứa con lai”.

Ông Tiến, Phó chủ tịch xã thì lo xa hơn, rằng "chỉ vài năm nữa thôi, chắc chắn Đại Hợp cũng phải đón một thế hệ con lai của những gia đình mà hôn nhân ngoại không đạt được mục đích. Kéo theo nó là chuyện hòa nhập trở lại của mẹ con họ và lâu dài hơn nữa là những đứa trẻ thiếu cha sẽ lớn lên như thế nào?”

Còn tiếp

Mai Tâm
.
.