Gánh hàng tự chọn của một người khiếm thị

Thứ Năm, 16/04/2015, 14:45
Ba năm nay, người dân ở phố Bạch Đằng, Hàm Tử Quan, Vọng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội)… đã quen với gánh hàng thủy sản của chị Tuệ. Hàng của chị không nhiều, chỉ vài cân ngao, ít tôm, cá, đôi khi có thêm cân mực. Song có một điểm lạ ở đây là khách hàng thường tự nhặt đồ, tự trả tiền và cũng tự lấy lại tiền thừa. Chẳng biết khách đưa bao nhiêu, và lấy lại bao nhiêu nhưng lúc nào bà chủ cũng cân rất tươi, và miệng thì rổn rảng nói cười. Chị là Đoàn Thị Tuệ (52 tuổi, hiện đang thuê trọ tại ngõ 277 phố Phúc Tân).

Chúng tôi có mặt ở chợ Hàm Tử Quan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong một buổi sáng cuối xuân, mưa phùn rây như rây bột. Không khó để nhận ra gánh hàng của chị Tuệ. Nằm khiêm tốn ở một góc chợ, với chỉ 3-4 mẹt tôm, cá, ngao, chị Tuệ đang lặng lẽ ngồi lóc xương, bỏ ruột cho một mớ cá khách hàng đã đặt trước.

Dù không nhìn thấy gì, song chị Tuệ luôn cân tươi cho khách.

Một vị khách đỗ xịch xe lại, bảo mua mấy lạng tôm. Có lẽ là khách quen nên vị này tự động nhặt tôm bỏ vào túi nilon, rồi đưa cho chị Tuệ cân. Hai lạng tôm hết 45 ngàn, vị khách đưa 50 ngàn đồng, phải trả lại 5 ngàn. Chị Tuệ đưa cả ví tiền của mình để khách lấy lại tiền thừa. Vừa bán, chị vừa rổn rảng nói cười, hỏi thăm vị khách sao lâu lâu mới thấy ghé mua hàng.

Từ sáng cho đến 12 giờ trưa, gánh hàng đã vơi quá nửa. Chị lặng lẽ thu dọn để đi ăn cơm. Ăn xong, chẳng nghỉ trưa chị lại quày quả đi bán rong quanh các phố. Chị hẹn chúng tôi 20 giờ qua chỗ trọ của chị.

Chị Tuệ trọ tại một ngôi nhà sâu tít trong con hẻm của ngõ 277 Phúc Tân. Khi chúng tôi đến cũng là lúc chị vừa đi ăn cơm về. Chị bảo buổi sáng chị thường ăn một bát cháo hoặc cái bánh mì giá 5.000 đồng. Còn buổi trưa và tối ăn cơm tại một quán quen. Chủ quán thương chị, dù chị dùng bao nhiêu cơm hay đồ ăn thì họ cũng chỉ lấy của chị đúng 10 ngàn đồng mà thôi.

Có lẽ chả mấy khi có người nói chuyện, nên lúc nào tôi cũng thấy nụ cười dễ mến nở trên môi chị. Chúng tôi cũng ít nhiều ngạc nhiên trước sự thật thà, chân chất, lạc quan và đầy tự trọng của một người phụ nữ quê mùa như chị.

Chị Đoàn Thị Tuệ quê ở thôn Tây Tiến, xã Thọ Vinh (Kim Động, Hưng Yên). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng chị vẫn cố gắng học đến hết bậc THPT. Từ ngày học tiểu học, thị lực của chị đã kém hơn chúng bạn. Càng lớn, đôi mắt của chị càng mờ dần. Nhiều lần lên bục giảng trả bài, chị suýt ngã nhào vì bước hụt chân. Bố mẹ cũng nhiều lần đưa chị đến bệnh viện huyện nhờ thăm khám. Các bác sĩ bảo chị bị bẩm sinh, không có cách nào chữa khỏi hẳn.

Ngoài 20 tuổi chị theo cô em dâu lên Hà Nội buôn bán. Ban đầu chị buôn gà sống từ quê lên chợ Long Biên. Rồi bố chị lâm bệnh, chị phải về quê chăm sóc ông. Được vài năm thì ông mất, chị lại bôn ba lên Hà Nội tiếp tục công cuộc mưu sinh. Thời kỳ này, thị lực chỉ còn vài phần mười, nhưng chị vẫn nhìn được vật ở gần, phân biệt được sáng tối.

Buôn gà được ít lâu thì thành phố có chỉ thị không cho bán gà sống trong khu vực nội  thành, chuyển chợ gà sang khu vực huyện Đông Anh, chị em chị Tuệ chuyển sang buôn đồ thủy hải sản. Khoảng ba năm trở lại đây, người em dâu phải về Quảng Ninh sống với chồng, chị đành một mình mưu sinh tại Hà Nội. Lúc này, thị lực của chị ngày một giảm sút. Chị không còn phân biệt được sáng tối, có ai đứng trước mặt cũng chỉ thấy cái bóng mờ mờ. "Khi ấy tôi lo lắm. Mắt mũi thế này thì làm sao bán buôn? Gặp phải bọn xấu nó lừa mất hết tiền thì cụt vốn, biết mưu sinh thế nào" - chị Tuệ băn khoăn.

Nhưng rồi chị nghĩ, xã hội vẫn còn nhiều người tốt. Và chị làm cái việc mà xã hội không nhiều người dám làm.

Góc chợ Hàm Tử Quan - nơi chị Tuệ mưu sinh với gánh hải sản.

Cứ 3 giờ sáng là chị vùng dậy, xách đòn gánh và đôi quang gánh lên đường. Chị cứ vừa đi vừa dò đường khoảng 30 phút thì ra đến chợ đầu mối. Chị vào các cửa hàng, vừa đi vừa nói to "cho tôi đi nhờ tý" để xe cộ tự tránh ra cho chị đi. Đến nơi chị vào mấy quầy hàng quen bảo người ta bán cho ít cá, ít tôm: "Chọn cho tôi loại tươi nhất ấy". Tiền hàng hết bao nhiêu thì chị đưa ví cho họ tự lấy. Xong, chị lại dò đường về góc chợ Hàm Tử Quan, bày ra bốn năm cái mẹt ngồi bán.

Ngồi ở góc chợ này buổi sáng thôi, buổi chiều chị phải mang hàng đi bán rong. Hôm nào còn thừa, chị lại mang đến mấy quán cơm bụi, nhờ người ta mua nốt cho.

Buôn bán như thế được chừng ba tháng, một dạo chị cảm thấy có điều gì không bình thường. Mỗi ngày chị bỏ ra khoảng 1 triệu tiền vốn. Trừ ăn sáng, ăn trưa và ăn tối ra, ít nhất cũng phải lãi được chừng dăm chục ngàn. Vậy mà ba hôm liền, càng bán lại càng hụt vốn. Hụt tới ba bốn trăm nghìn rồi. Mãi đến hôm thứ tư chị mới hiểu ra.

Có một vị khách mà chị quen giọng nói, mấy hôm nay ngày nào cũng ra mua hàng của chị. Khi mua bà này thường đưa tiền cho chị rồi bảo đấy là tờ 200 ngàn, rồi tự lấy lại tiền thừa. Bình thường để phân biệt tiền to tiền nhỏ, chị Tuệ sẽ gấp lại tờ giá trị lớn, còn tờ nhỏ thì thôi.

Nhưng sáng hôm sau chị Tuệ mang tờ "200 ngàn" đi mua hàng thì người ta bảo đấy là đồng 10 ngàn. Cho đến lần thứ tư bà khách đến mua, khi bà ta đưa tiền và bảo là 200 ngàn, lập tức chị Tuệ nhờ cô bán rau bên cạnh: "Cô ơi cô nhìn hộ tôi đây có phải là tờ 200 ngàn không?". Cô bán rau bảo: "Là tờ 50 ngàn bác ạ". Vậy là chị Tuệ quay sang bà khách: "Sao tờ 50 ngàn bác lại nói với em là tờ 200 ngàn?". Đôi co một lúc bà khách thấy xấu hổ quá liền lủi mất.

"Nhưng mà vẫn có nhiều người tốt lắm chú ạ. Khách mua hàng của tôi khi thừa 2-3 ngàn đồng thì hay biếu luôn. Tuần trước còn có cô cậu sinh viên mua hàng thừa 10 ngàn cũng nhất quyết không lấy lại" - Chị kể, giọng phấn chấn. Chị còn cho biết, các anh công an phường đã thu xếp cho chị một góc bán hàng để khỏi ảnh hưởng đến giao thông. "Là cái chỗ hằng ngày tôi vẫn ngồi bán đấy anh ạ" - Chị Tuệ giãi bày.

Có dạo chị Tuệ bị một tay bán cua đến chiếm chỗ, lại chửi mắng, cướp tiền. Về phòng trọ, chị cứ ngồi rấm rứt khóc mãi. Ở cạnh phòng của chị Tuệ có Lan - một "bà chị" có tiếng tăm ở khu vực Phúc Tân. Biết chuyện chị Tuệ bị đè nén, sáng hôm sau Lan đã tìm tên bán cua, dọa cho một trận khiến hắn sợ xanh mắt mèo, phải cuốn xéo khỏi chợ. Ít hôm sau thì thấy vợ hắn đến, khóc lóc xin chị cho ngồi cạnh vì ngồi đâu cũng bị trật tự phường đuổi, bị tịch thu hàng. Động lòng, chị lại bảo với Lan cho vợ chồng tay bán cua ngồi cạnh.

Khách hàng lấy lại tiền thừa từ túi của chị Tuệ.

Cũng vào thời điểm khởi nghiệp từ mấy mẹt cá, tôm có hôm chị Tuệ còn đi lạc ra tận bãi ven sông Hồng. "Vì không nhìn thấy đường, nên từ nhà ra là tôi cứ đường thẳng mà đi. Nhưng để ra đến chợ thì phải rẽ trái, rẽ phải mấy lần. Buổi chiều hôm ấy, sau khi bán hết hàng thì tôi quay về nhà trọ. Không hiểu rẽ thế nào mà đi mãi, đi mãi vẫn không về được đúng con phố quen thuộc. Cho tới tận đêm khuya tôi vẫn chưa tìm được đường về nhà.

Mệt quá, tôi đành ngủ lại trên một bãi cỏ, sau này mới biết đấy là bãi ven bờ sông Hồng. Khoảng chừng 5 giờ sáng, tôi nghe thấy bước chân người, chừng như đi tập thể dục. Tôi vội gọi to: "Bác làm ơn chỉ cho em đường về phố Phúc Tân với, em không nhìn thấy đường nên đi lạc ra đây từ tối qua". Người đàn bà im lặng một lúc rồi bảo: "May phúc cho nhà chị, chỉ vài bước nữa là rơi xuống cái cống, rồi trôi theo dòng nước khéo mất xác chứ chả đùa". Rồi bà dắt tay chị Tuệ đưa đến tận đầu phố Phúc Tân mới quay về nhà.

Chị kể: Hình như ông trời vẫn còn thương chị, không nỡ làm chị bị thương, bị ốm. Một lần khác, chị men theo vỉa hè con phố Hàm Tử Quan để về nhà ở Phúc Tân. Khi ấy là vào khoảng tháng 11, Công ty Môi trường đô thị tiến hành nạo vét cống rãnh khu vực chị Tuệ đang thuê trọ.

"Con phố này tôi đi quen lắm, nên thuộc từng ổ gà, từng viên gạch. Nhưng không ngờ buổi chiều hôm ấy, đang đi thì tôi bỗng thấy hẫng một cái. Rồi cả người ngợm rơi tọt xuống hố, suýt chìm nghỉm dưới cái cống toàn bùn và rác rưởi. Sợ quá tôi chỉ kịp hét lên: "Ai cứu tôi". Rất may mấy anh công nhân môi trường kịp chạy lại, họ kéo chị lên. Rồi người múc nước rửa tay rửa mặt, người gột bùn đất cho chị. Một bác nhà gần đấy còn mua cho chị một đôi dép mới vì đôi dép chị mang đã bị trôi mất.

Ai cũng xuýt xoa: "Nhà chị này quá may mắn. Chỉ ngã chệch đi một vài xentimét là đầu sẽ va vào thành cống, không chấn thương sọ não thì cũng gãy răng. Thế mà chị chỉ bị sây sát đôi chút ở bắp chân!".

Hôm sau, chúng tôi lại ra chợ Hàm Tử Quan, lặng lẽ quan sát người đàn bà mù cùng kiểu bán hàng lạ kỳ của chị. Chốc chốc tôi lại thấy có một ông bố bà mẹ dắt tay đứa con ra mua. Họ để cho các cháu tự chọn hàng, tự trả tiền và lấy lại tiền thừa. Hình như, họ muốn cho thế hệ trẻ cảm nhận được xã hội này vẫn còn rất nhiều sự tử tế…

Minh Tiến
.
.