Ghét chuột, chớ ăn thịt mèo!

Thứ Năm, 03/02/2011, 10:25
Cũng thật lạ kỳ, ngay tại quê lúa Thái Bình mà người ta lại có phong trào biến mèo thành món nhậu. Thịt mèo được "vu" cho vô vàn công năng thượng thặng, được dân nhậu gọi với chữ mỹ miều "tiểu hổ". Rồi bên bàn nhậu "tiểu hổ", người ta lại kể câu chuyện lạ kỳ không ai hiểu nổi, câu chuyện mà ai cũng đã từng được học từ thuở bé thơ.

Công nghệ hóa kiếp "tiểu hổ"

Thái Bình được xem là "thủ phủ các quán nhậu tiểu hổ" với các quán thịt mèo rải khắp từ thành phố đến các huyện Kiến Xương, Vũ Thư, Đông Hưng, Thái Thụy… Chỉ riêng ở thành phố Thái Bình, quán thịt mèo cũng giăng đầy các ngả: Lê Đại Hành, Lý Bôn, khu Kỳ Bá…

Nhan nhản các biển hiệu kiểu như: mèo đủ món, tiểu hổ đồng quê, nhậu tiểu hổ… Nhưng bây giờ thì khác, quán thịt mèo hầu như núp bóng các quán nhậu. Hài hước hơn, có quán còn "ẩn dụ" bằng cách vẽ hẳn tấm biển một đàn mèo… thay cho lời muốn nói.

Phải nhờ một đồng nghiệp làm báo ở Thái Bình và là khách quen của nhiều quán nhậu, tôi mới được mục sở thị nơi việc chế biến “tiểu hổ” tại bếp các quán thịt mèo ở khu Kỳ Bá, khu dọc bờ sông, gần sân vận động tỉnh Thái Bình. Trong các quán, có lẽ quán Tuấn Béo nằm kín đáo trong ngõ trên đường Lý Thường Kiệt là nơi tập trung nhiều dân làm ăn, quan chức nhất: "Giới làm ăn, kinh doanh, giang hồ máu mặt hay quan chức đều vào đây cả. Những ngày đầu tháng anh em báo chí mà vào lò mèo này thì tha hồ mà giao lưu, phỏng vấn".

7h sáng, cả lồng mèo mấy chục con được kéo ra vỉa hè, ước tính hơn trăm con phục vụ cho cả ngày. Chẳng phải đợi lâu, khi tôi đang lân la trò chuyện với mấy người phục vụ thì một cậu thanh niên từ trong nhà đi ra, cầm theo một sợi dây thép (ruột dây phanh xe đạp) buộc kiểu thòng lọng thả vào cổ một chú mèo. Con mèo tội nghiệp bị lôi ngược lên, thít chặt, chỉ kịp kêu "ngoéo" một tiếng, ngay lập tức bị ném vào thùng nước bên cạnh. Chưa đầy 2 phút sau thì chết ngạt.

Trước đây khi công nghệ chế biến "tiểu hổ" còn chưa phát triển, người làm phải rất vất vả để vặt lông một con mèo vì mèo là giống lắm lông. Vài năm trở lại đây đã có hẳn máy vặt lông mèo bằng inox, có sẵn nước sôi trong đó. Chỉ cần thả con mèo vừa dìm nước vào, máy sẽ vừa dội nước sôi, vừa đánh sạch lông,  chỉ trong vài phút nó đã cho ra thành phẩm là một "tiểu hổ" trắng ởn. "Tiểu hổ" này sau đó được thui vàng và chế biến thành đủ các món theo yêu cầu của khách.

Một số món mà dân nhậu tiểu hổ ưa thích thường là: thịt mèo hấp, lòng mèo nấu sả, rựa mận, hấp ngũ vị… Mật mèo thì được thả vào rượu (theo như các "đệ tử rượu" thì mật mèo mà ngâm với rượu Kim Sơn, Ninh Bình thì… quên sầu).

Nhậu thịt mèo kiểu ...“VIP”

Cũng phải trải qua mấy chầu nhậu thịt mèo thì tôi mới tổng kết được vài ba kinh nghiệm trong việc thế nào là ăn thịt mèo kiểu "vip", thế nào là ăn thịt mèo kiểu "thường dân".

Trong các loại mèo thì đắt và hiếm nhất là mèo mun, bộ lông càng bóng, càng đen thì càng có giá. Giá của loại này ở mức… vô biên, thường thì chủ quán bán vài trăm nghìn đồng một con, nhưng khi khách mà "bồ kết" thì có khi "vặt" được cả mấy triệu đồng. Sở dĩ mèo đen được săn lùng là vì: Xương mèo đen nấu cao thuộc hàng đại bổ, ăn vào dãn cốt, cường gân; mật mèo đen ngâm rượu được quảng cáo là "tối ông uống sáng mai bà vừa quét sân vừa hát dân ca". Rượu mật mèo đen được xem như viagra tự nhiên.

Quay lại câu chuyện mèo đen. Quý và được săn tìm là thế nhưng theo như kinh nghiệm của nhiều người làm nghề buôn bán mèo thì còn… khướt mới tìm được mèo mun thứ thiệt. Biết nhiều thượng khách thích mèo đen nên nhiều nhà kỳ công nhuộm mèo mướp thành mèo mun, lấy dầu bóng đánh lông rồi nhốt vào chuồng tối. Khi khách đến chọn, nhìn vào chuồng thấy đen ngòm, mắt lại xanh lè trong bóng tối (mắt mèo trong bóng tối con nào chả long lanh) thế là đích thị mèo đen, là rút tiền chi không tiếc.

Còn một món đại bổ nữa của nhậu "tiểu hổ" là mèo chửa. Nếu chuyến hàng nào mà gặp được mèo chửa thì coi như chuyến đó lãi gần gấp đôi bình thường. Con mèo chửa sẽ được cắt nguyên phần bào thai, nhau thai thả vào bình rượu và được dân nhậu ca tụng như thần dược, không chỉ bổ dương mà là bổ "đủ các thể loại".

Để phục vụ cho thú xơi mèo đen, còn có một công đoạn cực khó là cắt tiết mèo. Đa số mèo được thịt thì không cần cắt tiết vì để nguyên như thế sẽ ngọt thịt. Tuy nhiên, cũng có thực khách thích ăn tiết mèo, đặc biệt là mèo "thửa".

Cắt tiết mèo đòi hỏi tay nghề cực cao bởi nếu không nhanh gọn thì hỏng bét. Con mèo quá sợ hãi (sợ mất mật) làm cho mật của nó bị tẩu tán ra mạch máu vào từng thớ thịt và thịt không được thơm ngon nữa, không có mật để mà hòa rượu uống khi ăn thịt mèo. Cắt tiết không khéo thì con mèo sẽ không chết và cách duy nhất để giết được nó là dìm nước cho chết ngạt. Vì thế, không phải ai cũng cắt được tiết mèo.

Trên thực tế là do việc mua thu gom, bắt mèo để phục vụ cho các quán đặc sản diễn ra trong nhiều năm liên tục nên loài mèo trở nên cạn kiệt. Giống mèo vốn đẻ nhiều, nhưng tốc độ sinh sản của mèo vẫn không theo kịp… tốc độ nhậu. Thế là mèo ở các địa phương lân cận được thu mua về, thậm chí được chuyển từ miền Nam ra.

Ghét chuột lại đi… xơi mèo

Trước khi lên thành phố Thái Bình - "thủ phủ nhậu tiểu hổ", tôi ghé thăm nhà một người bạn ở huyện Vũ Thư, đang nói chuyện viết bài về thịt mèo thì bà mẹ chạy ra than thở: "Mới tuần trước chứ đâu, tôi ngồi nhặt rau ở sân, con mèo nhà đang chạy loăng quăng trên tường rào thì bỗng có tiếng xe máy vè vè đến rồi một đứa thò tay túm ngoéo lấy con mèo lôi đi. Ông nhà tôi chạy ra thì 2 thằng mất dạy tót lên xe máy, lại còn đưa tay "bai bai" trêu ngươi. Thế mới tức".

Cay cú bọn bắt trộm mèo là thế nhưng đến gần trưa, bà cũng giục giã: "Thôi chẳng mấy khi các cháu về Thái Bình chơi, anh em ra ngoài thị trấn mà ăn bữa đặc sản thịt mèo cho biết". Đúng là, về Thái Bình giờ ít ai mời đặc sản bánh Cáy nữa mà chuyển sang mời đi "nhậu tiểu hổ" như một món sang đãi khách.

Từ trái sang: Tấm biển "mua mèo" để phục vụ quán nhậu, Thực đơn "tiểu hổ" đủ các món, "Tiểu hổ" đã bị hóa kiếp.

Ăn thịt mèo ngay trên đất Thái Bình, một tỉnh thuần nông nghiệp, vựa lúa của đồng bằng Bắc Bộ - nơi bà con nông dân luôn xem mèo là bạn, xem chuột như kẻ thù, tôi trộm nghĩ hài hước rằng: Người ta "thêm bạn bớt thù" chứ ai lại bỏ mặc thù mà "xơi" bạn như thế!

Ông Nguyễn Văn Đức - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thái Bình cũng có chung nỗi băn khoăn như chúng tôi: "Trước đây, khi dịch chuột hoành hành đe dọa nền nông nghiệp các tỉnh phía Bắc, Chính phủ đã ra Chỉ thị số 09/1998/CT-TTg quy định rõ: "Thu hồi giấy phép kinh doanh, dẹp ngay các quán thịt mèo, xử lý nghiêm những đối tượng chuyên đi bắt mèo, buôn bán mèo...".

Tỉnh Thái Bình có thời điểm đã thực hiện hỗ trợ cho mỗi hộ dân 50 nghìn đồng để nuôi mèo diệt chuột. Bởi không có biện pháp nào diệt loài gặm nhấm có hại này hiệu quả và an toàn bằng việc nuôi mèo. Theo tính toán của các nhà chuyên môn về nông nghiệp, một năm, một đôi chuột có thể trực tiếp, gián tiếp cho "ra lò" tới 2.000 con chuột và nếu cánh đồng có 1.000 con chuột thì mỗi ngày sẽ đẻ ra thêm 6.000 con. Theo tính toán thì một con mèo có thể săn được khoảng 400 con chuột mỗi năm.

Đáng buồn thay, sau những đợt kêu gọi rầm rộ thì số mèo được nuôi với mục đích diệt chuột có lẽ cũng đã bị các quán nhậu "tiểu hổ" cho đi gần sạch.

Hẳn không một cô bé cậu bé nào lại không biết đến câu chuyện "Cái tết của mèo con" của nhà văn Nguyễn Đình Thi ở sách giáo khoa cấp 1. Với niềm tin trong veo của tuổi thơ, chúng ta đều đã từng nghĩ rằng, mèo là đại diện cho cái tốt, cái thiện, còn chuột là đại diện cho cái ác, cái xấu. Mèo con tuy nhỏ nhưng đã đánh thắng chuột cống, cái thiện ắt chiến thắng cái ác.

Nếu cứ soi qua "niềm tin cổ tích" ấy thì hẳn chúng ta sẽ lại phải giật mình: Ai cũng biết càng ít mèo thì chuột càng hoành hành, vậy sao con mèo cứ bị xơi thịt, để tạo điều kiện cho con chuột phá hoại mùa màng?

Thôi thì, ghét chuột, chớ có ăn thịt mèo!

Hoàng Thắng
.
.