Giấc mộng đổi đời và hệ lụy được báo trước

Thứ Tư, 13/11/2019, 08:17
Thiếu hiểu biết cộng với sự nhẹ dạ cả tin nên nhiều người dân ở các tỉnh, thành miền Trung đã bất chấp, đánh đổi tiền bạc lẫn tính mạng để đi theo các đường dây xuất ngoại “chui”. Tuy nhiên, khi chưa kịp thực hiện giấc mơ đổi đời ở những đất nước xa xôi thì đã rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

Ôm nợ vì xuất ngoại

Nằm ở vùng duyên hải miền Trung, Thừa Thiên-Huế là một trong những địa phương có số lượng người xuất cảnh sang Mỹ và các nước châu Âu tăng theo mỗi năm khi Đảng, Nhà nước có các chính sách mở cửa và nhiều cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh.

Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều vùng quê ở các xã ven biển của huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế được biết đến với các tên gọi như “làng Việt kiều”, “làng xuất ngoại”... khi nơi đây có rất đông người dân đi sang các nước Mỹ, Đức, Canada, Australia để lao động, du lịch, thăm thân. Chỉ tính riêng xã Vinh An, huyện Phú Vang với 2.309 hộ dân, hơn 11.000 nhân khẩu thì toàn xã có đến 5.000 người đang định cư, lao động ở Mỹ.

Ông Phạm Phụng, Chủ tịch UBND xã Vinh An cho biết, có nhiều hộ dân ở xã vượt biên sang Mỹ làm ăn và định cư, có quốc tịch Mỹ sau đó bảo lãnh cho người thân trong gia đình sang Mỹ sinh sống. Nhiều trường hợp khác đi Mỹ theo diện kết hôn, du học hoặc thăm thân.

Cơ quan Công an đọc lệnh khám xét nhà của đối tượng Nguyễn Văn Chương.

Trước thực trạng ngày càng có nhiều người xuất cảnh đi Mỹ để tìm kiếm cơ hội đổi đời nên thời gian qua, UBND xã Vinh An đã phối hợp với Cơ quan công an thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật về xuất, nhập cảnh và cảnh báo những thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo đưa người đi nước ngoài trái phép đến người dân. Thế nhưng, theo ông Phạm Phụng, vì giấc mộng sang trời Tây đổi đời nên không ít người đã tin lời các đối tượng trong đường dây xuất cảnh trái phép để rồi lãnh quả đắng.

Để minh chứng, ông Phụng cử cán bộ xã đưa chúng tôi đến nhà vợ chồng ông Lại Đình Thoáng (SN 1978) và bà Văn Thị Lan (SN 1979) ở thôn Trung Định Hải, là một trong số hộ dân ở Vinh An có người thân bị các đối tượng lừa xuất cảnh sang Mỹ trái phép.

Trong căn nhà cấp 4 nằm ở đầu thôn, ông Thoáng đang loay hoay sửa chiếc máy sản xuất đá cây đang bị hỏng. Khi nghe có người hỏi chuyện về con trai mình vừa đi Mỹ “bất thành”, giọng ông đượm buồm, nói từng tiếng ngắt quãng: “Chú hỏi thằng Toản à (Lại Đình Toản, SN 1998 - PV). Cũng vì thương con, muốn giúp con thực hiện được ước mơ đi Mỹ mà giờ vợ chồng tôi khổ cực như vậy đây chú!”.

Nói rồi ông Thoáng kể, trước đây vợ chồng ông là một trong những lao động có tiếng siêng năng, cần cù ở làng biển nơi đây. Ngoài kinh doanh dịch vụ, ông Thoáng còn sắm máy móc để sản xuất đá cây cung ứng trên địa bàn, còn bà Lan buôn bán cá ở chợ An Bằng để có tiền trang trải nuôi 4 người con ăn học.

Thế rồi vào năm 2014, trong một lần làm đá, ông Thoáng gặp tai nạn khi bị máy cưa cắt mất bàn tay trái và từ đó không thể khuân vác hay lao động như người bình thường. Riêng bà Lan, sức khỏe ngày càng yếu do mắc căn bệnh ung thư đại tràng, thường xuyên nhập viện để hóa trị.

“Gia cảnh ngày càng chật vật, khó khăn nhưng vì tôi có người em ruột ở Mỹ nên khi thấy thằng Toản muốn xuất cảnh đi Mỹ thì vợ chồng tôi đồng ý ngay. Vì thế, ngoài số vốn làm ăn dành dụm được, gia đình đã vay mượn thêm khoảng 600 triệu đồng để chuẩn bị chi phí làm thủ tục cho con đi Mỹ nhưng ai ngờ lại bị lừa cơ chứ...”, ông Thoáng rưng rưng, tức tưởi kể.

Ngồi bên chồng, bà Lan tiếp tục câu chuyện: Khi hay tin Toản có nhu cầu đi Mỹ, đối tượng Nguyễn Văn Chương (SN 1986, trú cùng thôn Trung Định Hải) liền tìm đến nhà vợ chồng bà Lan để dò hỏi thông tin. Tại đây, Chương giới thiệu rằng, đường dây của Chương trước đây từng đưa người sang Mỹ thành công nên có thể giúp cho Toản sang Mỹ, hình thức đi du lịch bằng vé “vip” với giá vài chục nghìn USD.

Hai đối tượng Bùi Thị Thu Hồng và Nguyễn Khắc Trọng.

Sau khi nghe những lời dụ dỗ ngon ngọt của Chương cũng như viễn cảnh tương lai tươi sáng của con trai khi sang Mỹ nên vợ chồng ông Thoáng đồng ý cọc cho Chương số tiền 5.000 USD. Tiếp đó, Chương hướng dẫn Toản làm hộ chiếu, đến ngân hàng mở tài khoản cá nhân và nộp vào tài khoản 5.000 USD, đồng thời nộp ảnh cá nhân, giấy CMND và một số giấy tờ tùy thân để làm thủ tục xuất cảnh.

Cũng vì không rõ thủ tục xuất cảnh đi Mỹ được làm như thế nào nên vợ chồng ông Thoáng, bà Lan tin tưởng giao cho Chương số tiền 21.000 USD cùng các giấy tờ để làm thủ tục cho con trai khi Chương yêu cầu.

Sau khi có đủ các thủ tục và chuẩn bị đầy đủ số tiền, Chương đưa Toản bắt xe từ Huế ra Hà Nội. Tại đây có thêm 4 người khác, trong đó có 3 người cùng quê với Toản và 1 người ở tỉnh Nghệ An cũng theo đường dây do Chương và các đối tượng tổ chức đi Mỹ trái phép. Từ sân bay quốc tế Nội Bài, nhóm của Toản được hướng dẫn xuất cảnh bay sang Malaysia, sau đó quá cảnh đến Dubai, UAE, tiếp đó bay đến Chile.

Tại đây, nhóm của Toản gặp một người phụ nữ xưng là Bùi Thị Thu Hồng (SN 1985, Giám đốc Công ty TNHH TMDV tư vấn, đào tạo Hoàng Phát có trụ sở đóng tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh). Hồng cam kết sẽ đưa nhóm của Toản sang Mỹ sau một tuần và yêu cầu các nạn nhân nộp thêm 9.000 USD để mua quốc tịch Chile và vé máy bay. Tuy nhiên sau đó, Hồng mua vé cho nhóm của Toản sang Ecuador chứ không phải qua Mỹ. Tại đây, Hồng sắp xếp mua vé máy bay cho Toản và một người khác đi Cuba, riêng những người còn lại tiếp tục ở Ecuador.

Khi Toản đến Cuba, Hồng tiếp tục hứa hẹn sẽ lo cho Toản sang Mỹ nhưng nghi ngờ bị lừa và nhận thấy visa sắp hết hạn nên Toản đến Đại sứ quán Việt Nam ở Cuba để nhờ được giúp đỡ. Tại đây, sau khi nghe Toản trình bày hoàn cảnh, phía Đại sứ quán đã giúp Toản làm thủ tục mua vé máy bay để trở về Việt Nam.

Nhìn thấy con trai trở về quê nhà với bộ dạng tiều tụy, trong khi gia đình đã mất đến 36.000 USD (khoảng 850 triệu đồng) nên vợ chồng ông Thoáng, bà Lan nhiều lần liên hệ đến Chương và Hồng để yêu cầu được hoàn lại số tiền thì các đối tượng này không hồi đáp. Nghi ngờ các đối tượng có hành vi lừa đảo nên ông Thoáng đã làm đơn trình báo sự việc đến UBND xã Vinh An và công an địa phương.

Sau khi nhận được đơn thư tố cáo, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã vào cuộc điều tra làm rõ hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép của 3 đối tượng Nguyễn Văn Chương, Bùi Thị Thu Hồng và Nguyễn Khắc Trọng (SN 1987, trú xã Ea Toh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, chồng của Hồng).

Đến cuối tháng 10-2019, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can các đối tượng trên; đồng thời tiến hành khám xét nhà riêng của các đối tượng, qua đó thu giữ nhiều tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra, mở rộng vụ án.

Và lời cảnh tỉnh

Trò chuyện với chúng tôi, Toản vẫn còn vẻ sợ hãi khi kể về hành trình dài ngày bị các đối tượng trong đường dây đưa đi nước ngoài trái phép dẫn dắt đi từ nước này sang nước khác. Theo lời Toản, vì tin lời các đối tượng nên suốt gần 2 tháng trời lang thang phiêu bạt ở xứ người, đi từ nước này sang nước khác nhưng Toản vẫn chưa đến được đất nước cần đến dù đã đóng phí hàng chục nghìn USD cho các đối tượng.

Không thể đi Mỹ, gia đình lại nợ hàng trăm triệu đồng nên sau khi trở về quê, Toản đi lái taxi để kiếm thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ trả dần số nợ. “Qua trường hợp của bản thân em, mong rằng những người có ý định xuất cảnh đi Mỹ hoặc các nước khác nên đi bằng con đường chính thống, được Nhà nước cho phép để không bị các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo”, hướng ánh mắt về những căn nhà 2 tầng được xây dựng đối diện nhà mình, Toản nghẹn ngào trải lòng.

Ngoài điều tra làm rõ, bóc gỡ đường dây tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép nói trên, thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tích cực vào cuộc điều tra nhiều vụ lừa đảo bằng hình thức đưa người đi xuất khẩu lao động chui.

Theo các cán bộ điều tra, đối tượng tội phạm đã lợi dụng nhu cầu xuất khẩu lao động và sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật của nhiều người để thực hiện chiêu bài lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ví như vụ việc đối tượng Nguyễn Chiến Thắng (SN 1982, trú phường Phú Hiệp, TP Huế), Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn dịch vụ Anzen đã lừa đảo chiếm đoạt gần 2,5 tỷ đồng của nhiều học viên, sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường.

Chị Tống Thị V. (trú đường Hàn Mặc Tử, TP Huế) vừa tốt nghiệp đại học, chưa xin được việc làm nên khi biết thông tin Công ty Anzen thường đưa người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh kỹ năng, chị V. đã đến gặp Thắng để được tư vấn. Theo yêu cầu của Thắng, chị V. muốn đi Nhật thì phải làm hồ sơ xin việc và đóng 4.000 USD. Đến ngày hẹn phỏng vấn, Thắng nói với chị V. rằng, chị thuộc diện “đặc cách”, không cần phỏng vấn nhưng vẫn sẽ có lịch bay.

Để hoàn tất các hồ sơ, bảo hiểm kèm theo vé máy bay, Thắng yêu cầu chị V. nộp thêm 185 triệu đồng. Do tin tưởng nên chị V. giao thêm số tiền này cho Thắng. Tuy nhiên, khi gần đến ngày bay, chị V. không thể liên lạc được với Thắng thì mới hay đã sập bẫy lừa. Toàn bộ số tiền Thắng chiếm đoạt dùng để trả nợ cá độ bóng đá, tiêu xài cá nhân.

Tương tự, nắm bắt tâm lý nhiều sinh viên ra trường chưa xin được việc làm, đối tượng Vũ Việt Dũng (SN 1989, trú quận Ba Đình, TP Hà Nội) tự xưng là Giám đốc Công ty Cổ phần DeTaNon trụ sở tại TP Hà Nội có nhu cầu tuyển lao động đi làm đầu bếp tại các nước Phần Lan, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ với chi phí 7.000 USD/người.

Vùng quê Vinh An, nơi có nhiều người xuất cảnh đi nước ngoài.

Để thực hiện kế hoạch lừa đảo các sinh viên mới ra trường chưa có việc làm, Dũng vào mạng internet tìm kiếm các tài liệu và thông tin liên quan như hợp đồng lao động dài hạn tại nước ngoài, văn bản của đại sứ quán các nước tại Việt Nam, sau đó in ra và gửi cho những người có nhu cầu tìm việc. Dũng còn kết nối với một số đối tượng tại Hà Nội để đưa những người này đến các nhà hàng học kỹ thuật chế biến các món ăn khiến các nạn nhân không mảy may nghi ngờ.

Với thủ đoạn này, Dũng đã chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng khi nhiều sinh viên ở các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế làm hồ sơ xuất khẩu lao động.

Đại tá Nguyễn Tuấn, Trưởng Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tích cực điều tra, qua đó làm rõ các vụ lừa đảo bằng hình thức đưa người xuất cảnh trái phép, xuất khẩu lao động chui. Từ các vụ việc nói trên, Cơ quan công an khuyến cáo, nếu người dân có nhu cầu xuất cảnh đi nước ngoài để du lịch, thăm thân hoặc người lao động có nhu cầu tìm việc làm, đi xuất khẩu lao động cần đến các trung tâm, công ty và những cơ sở uy tín đã được cơ quan chức năng cho phép tuyển chọn, đào tạo lao động nhằm được tư vấn, hỗ trợ.

Đồng thời người dân cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật trước khi có ý định sang nước ngoài du lịch, lao động để tránh bị các đối tượng trong đường dây xuất cảnh trái phép dụ dỗ, giở trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Anh Khoa
.
.