Giữ bình yên cho phố núi

Thứ Bảy, 23/01/2021, 08:13
Pleiku buổi sớm ngày đầu năm mới, trời se sắt. Những luồng gió mùa đông bắc mang theo không khí lạnh từ phương Bắc vượt qua đại ngàn tràn về như muốn kéo cuộc sống vốn thong thả của đồng bào thêm chậm lại.


Bên tách cà phê nóng, Thượng tá Trần Trọng Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai chậm rãi kể cho tôi nghe chuyện đánh án nơi phố núi mà ở đó mỗi câu chuyện là một sự khẳng định sự quyết tâm của tập thể cán bộ chiến sĩ nơi đây nhằm góp phần mang lại bình yên cuộc sống cho đồng bào. Với những chiến công đã đạt được, năm 2020, đơn vị được nhận danh hiệu thi đua quyết thắng và cờ Thi đua của Bộ Công an.

“Mưa dầm thấm lâu” để người dân tố cáo tội phạm

Gia Lai những ngày cuối năm 2019, hoạt động cho vay nặng lãi bỗng trở nên phức tạp. Các đối tượng cầm đầu thường không trực tiếp ra mặt mà lùa đám đàn em len lỏi vào từng hang cùng ngõ hẻm cùng những thôn làng ở vùng sâu, vùng xa buông lời đường mật để lừa những người có hoàn cảnh khó khăn rơi vào bẫy “tín dụng đen” của mình. Chúng ỡm ờ rằng lãi suất chỉ 0,5 đến 0,7% để người dân thiếu hiểu biết về pháp luật ký vào giấy vay tiền và đến kỳ trả nợ, bà con mới tá hỏa rằng đó chỉ là lãi suất trong ngày và nếu tính cả năm có thể lên đến 180-230% nên nhiều gia đình đã phải thế chấp đất đai, ruộng vườn để trả nợ rồi vợ chồng con cái rồng rắn kéo nhau vào rừng làm thuê cuốc mướn kiến sống, thậm chí có những gia đình không còn tài sản đành phải bỏ xứ trốn đi nơi khác mưu sinh...

Không thể để cho các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” có thêm thời gian hoành hành, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai âm thầm tung trinh sát vào cuộc, phối hợp với công an các huyện thị thu thập chứng cứ và chỉ trong thời gian ngắn đã triệt phá được hàng chục băng nhóm, trong đó vụ triệt phá băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” núp bóng cửa hàng cầm đồ Phát Lộc vào ngày 5-1-2020 là một điển hình.

Tống đạt quyết định bắt và khám xét nơi ở trong trường hợp khẩn cấp đối với Trần Thị Yến Chi để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước thời gian triệt phá, qua công tác trinh sát nắm tình hình địa bàn, trinh sát phát hiện dấu hiệu về một đường dây “tín dụng đen” đang hoạt động trên địa bàn TP. Pleiku. Sau hơn một tuần tích cực truy vết, danh tính các đối tượng trong băng nhóm đã được xác định gồm Nguyễn Bảo Ngọc (sinh năm 1981 tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội), Đoàn Việt Đức (sinh năm 1977), Lê Văn Ngọc (sinh năm 1997, cùng ngụ TP Pleiku) và Nguyễn Đắc Duy Hòa (sinh năm 2001, ngụ huyện Chư Prông). Tất cả đều là những người điều hành cửa hàng cầm đồ Phát Lộc ở số 19 Lý Nam Đế, phường Trà Bá, TP Pleiku. 

Danh tính các đối tượng cầm đầu vừa được xác định thì các trinh sát lại vấp phải hàng loạt khó khăn bởi một số bị hại bán hết đất đai nhà cửa vẫn không đủ trả nợ nên đã phải trốn đi nơi khác mưu sinh không để lại bất cứ thông tin liên lạc nào. Những bị hại mà trinh sát gặp mặt được thì nhất quyết không nói nửa lời hoặc có nói thì cũng là: “Không biết, không vay tiền của ai...”.

Qua tìm hiểu, biết các đối tượng cầm đầu đều sử dụng giang hồ trong việc đi thu hồi nợ khiến cho các bị hại sợ bị trả thù nên không dám nói gì, Ban chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai quyết định giao cho các trinh sát có nhiều kinh nghiệm dành nhiều thời gian đến từng nhà bị hại tuyên truyền pháp luật nhằm đả thông tư tưởng, đồng thời cam kết bảo vệ an toàn cho tất cả các thành viên trong gia đình trong thời gian dài. 

Chiến dịch “mưa dầm thấm lâu” này đã phát huy tác dụng khi vào đầu tháng 1-2020, mọi người đều hiểu rằng nếu cứ để các đối tượng cầm đầu nhởn nhơ sống phè phỡn ngoài vòng pháp luật chắc chắn sẽ có thêm nhiều nạn nhân khác sa vào bẫy nên đã đồng loạt ký vào đơn tố cáo.

Sau khi củng cố vững chắc chứng cứ, chiều 5-1-2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai đã thực hiện lệnh bắt trong tình trạng khẩn cấp đối với Nguyễn Bảo Ngọc, Đoàn Việt Đức, Lê Văn Ngọc và Nguyễn Đắc Duy Hòa để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. 

Khám xét tại tiệm cầm đồ Phát Lộc và chỗ ở của các đối tượng, Cơ quan công an phát hiện, thu giữ nhiều tài liệu, như: giấy tờ, hợp đồng, tài sản, tờ rơi quảng cáo... liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng. Đồng thời, thu giữ nhiều loại hung khí, như: đao, kiếm, súng cao su, súng bắn đạn bi sắt...

Triệt phá tụ điểm cờ bạc có quy mô lớn tại huyện Chư Prông.

Tại Cơ quan công an, Đoàn Việt Đức khai nhận là người chỉ huy toàn bộ đường dây. Với hình thức “núp bóng” kinh doanh tiệm cầm đồ Phát Lộc, Đức đã cùng Ngọc, Duy và một số con nghiện ma túy mà chúng thuê theo ngày thường xuyên đi quảng cáo về việc “hỗ trợ tài chính”, “cho vay thủ tục đơn giản, không cần thế chấp” ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Hình thức hoạt động chủ yếu là cho vay tiền trả góp theo ngày với lãi suất 5.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương đương 15%/tháng (180%/năm). Chỉ chưa đầy một năm hoạt động cho đến thời điểm bị bắt, nhóm đối tượng này đã cho hàng trăm người trên địa bàn vay số tiền gần 3 tỷ đồng và thu về cả gốc lẫn lãi khoảng 5 tỷ đồng.

Bắt kẻ lừa đảo chuyên nhằm vào giáo viên

Chuyển qua vụ việc khác, Thượng tá Sơn nắm chặt hai bàn tay, giọng anh trầm lại: “Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra những vụ lừa đảo qua mạng, lừa chạy việc làm, vay đáo hạn ngân hàng, giả danh cán bộ cơ quan công quyền... Các đối tượng mà bọn lừa đảo nhắm đến hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa có con em chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Khi lừa được tiền thì cao chạy xa bay để lại cho nhiều nạn nhân gánh những món nợ mà họ phải gồng mình hàng chục năm chưa chắc trả xong... 

Đau lòng nhất có lẽ là vụ hàng chục thầy cô giáo ở một số trường tiểu học bị đối tượng Đinh Văn Thái giả danh cán bộ thanh tra sở giáo dục lừa vét sạch tiền trong tài khoản khiến họ phải đi vay vát tiền để trang trải cuộc sống”.

Giữa tháng 7-2019, trực ban hình sự của đơn vị liên tục nhận được đơn thư của nhiều thầy cô giáo tại một số trường trong tỉnh tố cáo việc bị một đối tượng giả danh thanh tra Sở Giáo dục yêu cầu cung cấp số tài khoản, mật khẩu và mã OTP để kiểm tra công tác tài chính theo chỉ đạo của Sở Giáo dục. Tuy nhiên, ngay sau khi được các thầy cô cung cấp thông tin, đối tượng lập tức đến các ngân hàng rút sạch tiền.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau 2 ngày vào cuộc, các trinh sát Đội Phòng ngừa, hướng dẫn điều tra tội phạm công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài đã xác định Đinh Văn Thái (sinh  năm 1992 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) là thủ phạm. Hành trình truy bắt Thái cũng khá gian nan bởi khi tìm về địa phương thì trinh sát nhận thông tin Thái từ lâu không về nhà và cũng rất ít khi liên lạc với gia đình. Căn cứ theo thông tin nắm được, các trinh sát liên tục di chuyển đến các tỉnh Thái Nguyên, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Cà Mau, Cần Thơ... nhưng cứ đến nơi thì lại nhận tin Thái vừa rời khỏi địa phương, di chuyển đến nơi khác không rõ.

Không thể để cho đối tượng liên tục chơi trò “trốn tìm”, các trinh sát Đội 7 một mặt đề nghị Ban chỉ huy Phòng huy động thêm quân số từ các đội khác trong đơn vị tỏa đi khắp nơi, mặt khác liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tất cả các tỉnh thành trên cả nước hỗ trợ. Gần 11 tháng liên tục truy lùng, đến ngày 11-6-2020, thì tóm được Thái khi đang lẩn trốn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Tại Cơ quan Công an, Thái khai nhận đã dụng điện thoại gắn sim rác thực hiện cuộc gọi hội nghị (gọi nhiều người cùng đàm thoại cùng lúc) gọi điện cho ban giám hiệu hoặc kế toán của một số trường rồi kết nối với các thầy cô giáo giới thiệu là Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đang thanh tra hồ sơ tuyển dụng của các giáo viên công tác tài chính và cấp phát lương qua thẻ ATM của trường. Sau đó, Thái yêu cầu ban giám hiệu và các thầy cô giáo cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP truy cập vào dịch vụ chuyển tiền trực tuyến mà các giáo viên đã đăng ký với ngân hàng để phục vụ công tác thanh tra. 

Sau khi có đuợc thông tin, Thái sử dụng smart phone truy cập vào tài khoản ngân hàng và chuyển số tiền trong tài khoản của các thầy, cô giáo đến tài khoản khác để chiếm đoạt. Bằng thủ đoạn này, trong khoảng thời gian từ ngày 5 đến ngày 12-7-2019, Thái đã chiếm đoạt 95.900.000 đồng của 5 giáo viên đang công tác tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Giăng màn đón đối tượng

Trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo kê, “tín dụng đen” chưa bao giờ làm khó được anh em trinh sát nhưng vụ việc hai băng nhóm ẩu đả dẫn đến cái chết của một thanh niên xảy ra vào ngày 8-8-2020 tại thị trấn Phú Thiện thực sự khiến các anh phải đau đầu. Diễn biến vụ việc bắt đầu vào khoảng 22 giờ 50' ngày 7-8-2020, sau khi uống rượu bia, nhóm của Văn Đức Siu Hùng, Rmah Khoan, Ksor Hoang, Ksor Thức, Rơ Mah Quang đến tiệm bánh mì của chị Nguyễn Thị Phương Thúy ở thị trấn Phú Thiện thì gặp nhóm của Phạm Cao Kiên, Siu Dũng, Trần Hữu Ba. 

Do có mâu thuẫn từ trước nên khi vừa đụng mặt, Ksor Hoang đã dùng dao chém vào mặt của Kiên gây thương tích. Không chịu lép vế, Kiên cũng rút dao chém Ksor Hoang bị thương ở hai tay và Rmah Khoan bị thương ở vùng đầu. Thấy Kiên bị thương nặng, hai nhóm đình chiến, cùng nhau đưa vào Trung tâm y tế huyện Phú Thiện cấp cứu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Quân y 211 tại TP. Pleiku.

Nghe tin đàn em bị tấn công, đến khoảng 23 giờ, Nguyễn Văn Tiến rủ thêm Nguyễn Thanh Hà, Dương Quang Trung, Dương Quang Đạo, Siu Dũng, Trần Hữu Ba, Phạm Sĩ Vũ, Nguyễn Đức Lương, Nguyễn Tấn Nam mang theo hung khí lên xe ôtô tải BKS 81M-1470 đi tìm nhóm của Văn Đức Siu Hùng, Ksor Hoang dể đánh trả thù cho Kiên. 

Khoảng 2h00 ngày 8-8-2020, khi đang đi trên Quốc lộ 25 thuộc thị trấn Phú Thiện, nhóm của Tiến phát hiện Siu Hùng, Rmah Khoan, Ksor Thức, Ksor Hoang đang điều khiển xe mô tô đi theo chiều ngược lại nên đã quay đầu xe đuổi theo tông vào phía sau khiến Hùng, Khoan, Hoang, Thức ngã văng ra đường. Chưa dừng lại, Tiến còn hô hào cả nhóm đang ngồi sau thùng xe dùng hung khí nhảy xuống chém tới tấp khiến Ksor Hoang bị thương tích, riêng Siu Hùng do mất nhiều máu nên đã tử vong trên đường đưa đến bệnh việc cấp cứu.

Thượng tá Sơn quay sang bảo, danh tính các đối tượng được xác định ngay sau đó nhưng khi xuống địa bàn truy bắt, các trinh sát vấp phải rất nhiều khó khăn bởi có nhiều đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số. Những bậc cha mẹ và bà con thân thuộc trong dòng tộc do thiếu hiểu biết về pháp luật, vả lại vì tình máu mủ ruột thịt nên đã đứng ra che giấu không chịu hợp tác. 

Ngoài ra, những thanh niên gây ra vụ việc và nạn nhân đều là các đối tượng chủ động tấn công lẫn nhau nên hầu hết đều chủ động né tránh vì sợ bị xử lý trước pháp luật, số còn lại thì không hé răng nửa lời khi được triệu tập lên Cơ quan công an để cho lời khai.

Để nhanh chóng đưa vụ việc ra xử lý trước pháp luật, Thượng tá Sơn một mặt báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh tăng cường thêm trinh sát từ các đơn vị nghiệp vụ khác kiểm soát chặt tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường rừng không cho các đối tượng có điều kiện lẩn trốn, mặt khác yêu cầu tất cả cán bộ chiến sĩ trong đơn vị xuống từng hộ gia đình có con em tham gia vụ việc tuyên truyền, vận động, giải thích pháp luật. 

Ngoài ra còn phải tranh thủ sự ủng hộ của những nhân vật có tầm ảnh hưởng đối với đồng bào như trưởng tộc, trưởng họ và những người am hiểu phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa của nhiều đống bào dân tộc thiểu số. Sau gần 10 ngày đến từng thôn, làng, cuối cùng đồng bào đã hiểu tường tận vụ việc và tự nguyện đưa con em mình ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Đức Cương
.
.