Hà Nội: “Phù thủy” sửa xe gia tăng tác quái

Thứ Tư, 02/11/2011, 10:10
Chiếc xe máy vốn là phương tiện đi lại chính của người dân, thậm chí còn là "cần câu cơm" của một bộ phận dân cư ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, tại TP Hà Nội đã xuất hiện nhiều thợ sửa xe vô lương tâm, vừa sửa vừa… phá xe để trục lợi. Chính bản thân người viết bài này cũng từng là nạn nhân.

"Chém đẹp"

Hàng ngày, nếu như có việc đi qua khu vực đầu phố Huế, khu chợ Trời, phố Nguyễn Công Trứ… người ta dễ dàng nhận được những lời chào mời rất nhiệt tình từ các cửa hàng sửa chữa, dán decal xe máy ở đây. Và rủi thay nếu như ai đó tin tưởng giao xe cho một số "phù thủy" sửa xe. Đa phần những khổ chủ sau khi dắt xe ra với bộ mặt méo xệch thảm hại.

Chị Thanh Thúy, nhà ở phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) mỗi lần đi qua phố Huế đều rùng mình nhớ lại cái lần mình bị nhóm thợ "chém đẹp" như thế nào. Số là một buổi chiều chị có việc đi qua đây, trước đó xe chị có va chạm với một xe khác, nên bị vỡ một mảnh yếm nhỏ.

Thấy đám thợ mời chào rất nhiệt tình, lại sợ chồng mắng chị Thúy liền đưa xe vào bảo thợ hàn lại cho. Dựng chân chống lên, hai thợ tuổi đời còn khá trẻ lui cui làm, một thợ khác già dặn hơn gọi cho chị một chén trà nóng "để chị uống cho ấm bụng" - khiến chị không khỏi cảm động. Mảnh yếm gần hàn xong, một thợ trẻ chạy ra chỗ chị ngồi hỏi: "Chị ơi, chị đi xe thấy hơi lắc lắc ở phía đầu xe phải không?". "Ừ, thỉnh thoảng chị cũng thấy bị như thế thật". "Thế tiện thể em xem rồi sửa cho chị luôn nhé". Vẫn rất vô tư, chị Thúy gật đầu.

Ít phút sau, thợ lại chạy vào: "Trục cổ xe của chị bị "giơ", em nắn lại nhé. Mà hình như dầu xe của chị cạn rồi, bọn em thay luôn nhé". Chị Thúy đang mải nhắn tin cho chồng, chỉ quay ra "Ừ, ừ". Khoảng 30 phút sau, thợ tiếp tục: "Hình như phanh của chị bị mòn hay sao ấy, mỗi lần bóp cứ kêu kèn kẹt, cả lốp trước nữa, cũng mòn mỏng dính rồi đây này. Phải thay thôi, chứ không đi dễ ngã lắm đấy". Lúc đó, chị Thúy đã thấy hơi nghi nghi, vì chưa từng gặp thợ sửa nào nhiệt tình đến thế. Nhưng chị nghĩ, chắc cũng chỉ hết vài trăm, mà xe được sửa lại chắc chắn, an toàn thì cũng đáng.

Cuối cùng thì thợ cũng lấy khăn lau xe sạch sẽ, rồi báo với chị là "ngon rồi". Và tới khi hỏi giá, chị Thúy nghe mà không tin vào tai mình. "Tất cả hết hai triệu một trăm năm mươi ngàn chị ạ. Bọn em bớt cho chị năm chục". "Cái gì, hai triệu mốt á? Các chú tính lại cho chị xem. Chị đi đại tu cũng chỉ hết triệu rưỡi là cùng". "Đây nhé, hàn yếm hết 350 ngàn này, chỉnh lại cổ xe hết 450 ngàn, thay dầu hết 300 ngàn, bộ phanh hết 450 ngàn, lốp hết 550 ngàn".

"Sao đắt thế, bình thường chị thay chỉ hết một phần ba chỗ ấy thôi. Các chú xem lại hộ chị cái" - chị Thúy giọng đã hơi gay gắt. "Bọn em toàn thay đồ xịn mà, em bớt cho chị năm chục là hữu nghị lắm rồi đấy" - một thợ trả lời giọng cương quyết, trong tay hắn xoay xoay cái tuốc nơ vít.

Biết mình gặp phải "cướp ngày", chị Thúy đành ngoan ngoãn móc ví ra nộp đủ cho chúng. Chị uất lắm, nhưng vì không chịu hỏi giá trước nên đành cắn răng chịu.

Anh Phương - nhà ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng từng bị "chém đẹp" ở một cửa hàng sửa xe trên phố Huế. Thay một cái dây phanh và một cái nút còi. Không ngờ thay xong thợ hét tới 800 ngàn đồng (thực tế chỉ khoảng 150 ngàn). Vậy là anh đành phải ngoan ngoãn móc ví, khi trong cửa hàng bước ra mấy thanh niên xăm trổ vằn vện, tay lăm lăm cán búa.

Người viết cũng từng là "con gà béo" để cho đám thợ trên phố Huế "vặt lông". Cách đây mấy tháng, vì hâm mộ một câu lạc bộ bóng đá nên tôi mang xe ra phố Huế, bảo mấy thợ dán cho một số decal của đội bóng này. Cẩn thận, tôi đã hỏi giá cụ thể. Sau khi dán xong, một thợ bảo: "Em thấy người ta thường làm hoa văn ở trên mặt xe với đuôi xe nữa, anh có làm không, em lấy giá hữu nghị thôi". Nghe bùi tai, tôi gật đầu. Một thợ khác ra bảo, "em thấy cái bọc yên xe của anh sắp rách đến nơi rồi, tiện thể em thay cho nhé".

Và cũng như chị Thúy, đám thợ hét "tổng thiệt hại" của chiếc xe là 1 triệu 550 ngàn. "Các chú tính lại hộ anh với, mấy cái lặt vặt mà sao hết nhiều thế? Có mà 550 ngàn cũng là đắt rồi" - tôi phản đối. "Anh nói thế mà nghe được à? Dán decal hết 100 ngàn, làm hoa văn hết 850 ngàn, vỏ yên hết 600 ngàn. Như thế tổng cộng chả là 1 triệu 550 ngàn?". Nghe thợ nói thế, tôi đành cứng họng vì hai khoản sau mình không chịu hỏi trước.

Một trong số những cửa hàng sửa xe máy bị cư dân mạng bảo nhau tránh xa.

Vừa sửa vừa… phá

Tôi public (đăng thông tin công cộng) chuyện bị chém đẹp ở phố Huế lên một diễn đàn, chỉ một ngày sau đã có tới cả trăm phản hồi. Rất nhiều người bức xúc cũng đã từng là nạn nhân của một số thợ làm ăn theo kiểu "chộp giật" ở đó. Đặc biệt một số phản hồi còn lên án cách làm vô lương tâm của một số chủ cửa hàng sửa xe ở phố Nguyễn Công Trứ.

Anh Nguyễn Hùng, nhà ở phố Bạch Mai chia sẻ. Vì đã một lần là "con gà" cho cánh thợ sửa xe trên phố Nguyễn Công Trứ, nên anh quyết tâm dành thời gian… điều tra về những mánh khóe của đám này, để đưa lên diễn đàn cho mọi người cảnh giác. Anh Hùng đã dành trọn một ngày, ngồi ở một quán nước chè gần một cửa hàng sửa xe ở đầu phố Nguyễn Công Trứ và được chứng kiến những màn ảo thuật của cánh thợ nơi đây.

Suốt từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa, mấy thợ ngồi ngáp vặt. Đến tầm 11 giờ 30 phút thì một bác trung niên dắt chiếc xe bị xịt lốp đi tới. Hai thợ vội bật dậy, ùa ra đường: "Xe bác sao thế ạ? Để bọn cháu sửa giúp cho". Rồi một thợ mau mắn dắt chiếc Dream Thái lên vỉa hè, dựng chân chống lên. "Bác ngồi uống nước, bọn cháu vá tí xong ngay thôi" - người chủ cửa hàng tay đưa chén nước chè, miệng mau mắn. "Tiện thể cháu xem giúp bác cái đèn xi nhan, tự dưng nó tịt ngóm" - bác trung niên nói. "Vâng, cháu sẽ xem ngay đây".

Thấy người khách giở báo ra đọc, chủ cửa hàng cầm chiếc cờ lê mon men lại gần chiếc xe. Rồi bằng một động tác nhanh như chảo chớp, cái chân phải của ông ta đạp mạnh vào chiếc giảm xóc kêu đánh "toách". Liếc mắt thấy bác trung niên vẫn say sưa đọc báo, người chủ cửa hàng nhấn thêm hai nhấn nữa, rồi ngồi xuống xoa xoa nắn nắn cái lốp, đoạn phủi tay đi vào.

Nửa giờ sau, thợ hô lớn: "Săm với xi nhan ngon lành rồi bác ơi. Bác ra kiểm tra xem…". Trong khi bác trung niên đang bật bật xi nhan thì một thợ vòng ra sau, giọng hốt hoảng: "Ôi cái giảm xóc xe bác bị cong này. Thế mà bác vẫn đi được à? Nguy hiểm lắm, ngã như chơi đấy". Bác trung niên quay lại ngó nghiêng một lát: "Thế à? Thế anh thử xem hộ tôi xem sao".

Chạy vào lấy đồ nghề, thợ thoăn thoắt tháo cặp giảm xóc ra rồi ra sức nắn nắn, gõ gõ. Rồi thợ quay sang: "Chịu rồi bác ạ. Món này phải có đồ chuyên dụng. Bác đợi con một lát, tầm 15 phút là xong thôi ạ". Đúng 15 phút sau, thợ mang chiếc giảm xóc đã được nắn thẳng, tươi cười: "Đúng là có máy có khác, ngon ngay bác ạ".

Lắp xong, thợ đang lau tay, người khách móc ví: "Tất cả hết bao nhiêu thế anh?". Lúc ấy, người chủ cửa hàng mới bước ra: "Dạ vá săm hết 20 ngàn, thay đèn xi nhan hết 50 ngàn, cân chỉnh giảm xóc hết 500 ngàn bác ạ". Người khách giật mình: "Làm gì hết nhiều thế". "Cặp giảm xóc đấy bác mà không nắn thì chỉ vài bữa nữa là vứt đi. Thay mới hết 5 triệu đấy. Bọn cháu lấy thế là hữu nghị lắm rồi". Người khách chỉ lắc đầu, rồi đếm đủ tiền trả.

Chị Lê (hiện công tác tại một tổ chức phi chính phủ) cũng bức xúc không kém. Chỉ vì tin người, mà chị đã phải trả "ngu phí" đến gần 2 triệu đồng. Số là thấy xe bị xây xước nhiều quá, chị mang ra phố Nguyễn Công Trứ (đoạn giao nhau với phố Huế) nhờ thợ đánh bóng lại. Hai bên thỏa thuận giá 200  ngàn đồng cho việc đánh xi.

"Đến khi tháo giảm xóc đằng sau một thanh niên làm như vô tình bẻ cong chiếc ti sắt bên trong và bảo giảm xóc này phải sửa lại. Tưởng chẳng hết là bao, tôi đồng ý ngay mà không cần hỏi giá. Đang lúc mải nói chuyện, chúng tháo tuốt cả bốn giảm xóc nói là phải mang đi nắn và bơm dầu cho trơn. Lúc sau chúng mang về lắp ráp. Khi tính tiền, ai ngờ chúng hét với giá 1.460.000 đồng. Tôi tưởng nghe nhầm, nhưng không, mấy thanh niên trông bặm trợn nhắc lại và giải thích thêm là phải đưa đi làm bằng máy. Còn chúng chỉ lấy 60 ngàn tiền công tháo lắp, cộng với 200  ngày tiền công đánh xi lại cho bóng thôi".

"Tôi định gọi điện cho người thân ra giải quyết, vì chúng ép người quá đáng thì xuất hiện mấy thanh niên mặt mũi trông rất bặm trợn, đứa nào cũng tay dao tay búa. Thế là đành phải rút ví".

Còn khá nhiều phản hồi khác, dài tới hàng chục trang đều lên án kiểu làm ăn bất nhân của thợ ở đây. Thủ đoạn thường thấy nhất là bẻ "ti" của giảm xóc, hoặc lén đổ dầu vào rồi bảo "giảm xóc" bị cong, vênh cần phải nắn lại. Có thợ khi được yêu cầu vá săm liền thừa cơ người chủ xe không để ý, dùng dao rạch luôn cả săm lẫn lốp, rồi bảo phải thay. Và chỉ một cái gật đầu mà quên không thỏa thuận giá trước là… lãnh đủ.

Một vụ tai nạn giao thông trên cầu Vĩnh Tuy.

Rải đinh

Có một dạo cây cầu Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được ví là cây cầu "tử thần", vì hàng loạt vụ tai nạn giao thông xảy ra tại đây. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là mặt cầu bị… rải đinh. Khi bị "dính đinh", lại đi với tốc độ cao người lái xe máy thường không làm chủ được tay lái, dẫn đến nhiều tai nạn nghiêm trọng. Cho đến thời điểm này, hiện tượng rải đinh có phần giảm song vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Hàng ngày 2 lượt đi làm qua cầu Vĩnh Tuy, anh Long (phường Phúc Lợi, quận Long Biên) bày cho tôi cách làm thế nào để tránh "đinh tặc". Đó là nên đi ra… giữa đường, sát với vạch sơn phân làn ôtô và xe máy. "Chứ đi vào phần đường giáp với lan can cầu bên phải, thì rất dễ bị dính chưởng" - anh kết luận.

Anh Đạt hiện hành nghề xe ôm tại Khu công nghiệp Hanel cũng kể với chúng tôi. Vì thường xuyên chở khách từ Gia Lâm, Long Biên vào nội thành và ngược lại, nên anh Đạt đã phát hiện ra có một số thợ sửa xe bất lương, đã lợi dụng lúc sáng sớm rải đinh lên hai bên làn đường dành cho xe gắn máy. Họ cũng không quên ghi luôn số điện thoại di động của mình vào lan can cầu để nếu ai "dính" thì liên hệ để vá săm. Cứ tầm 3 - 4 giờ sáng hằng ngày đinh tặc dùng các loại đinh 5cm, 7cm thậm chí 10-20cm... tiến hành rải. Một số người đi tập thể dục đã nhặt những chiếc đinh này, vứt xuống sông. Nhưng cũng không xuể.

Theo chị Lan - công nhân Công ty Môi trường đô thị số 3, có những thời điểm khi gom rác trên cầu Vĩnh Tuy chị nhặt được một lượng đinh lên tới vài chục chiếc. Đinh có nhiều loại, nhiều kích cỡ khác nhau, có cả những cây đinh dài tới 10-20cm. Trước tình hình này, người dân chỉ biết bảo nhau nên đi thật chậm trên cầu.

Nếu người dân phát hiện ra có sự ép buộc về giá cả, hãy gọi ngay cho Công an phường Phố Huế

Trước thực trạng một số thợ sửa xe trên phố Huế, phố Nguyễn Công Trứ ăn chặn, lừa đảo khách hàng chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại úy Nguyễn Đức Khánh, Phó trưởng Công an phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đại úy Khánh cho biết đúng là hiện trên địa bàn phường đã và đang xảy ra tình trạng thợ sửa xe "bày trò" để làm tiền của khách.

Trò thông dụng nhất là đạp vào ti giảm xóc, hoặc đổ dầu vào giảm xóc rồi bảo khách hàng sửa, lấy giá cắt cổ. Tuy nhiên, hầu như chưa có một bị hại nào trình báo lên Cơ quan Công an, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Công an phường đã tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; làm cam kết với các chủ cửa hàng sửa xe chấp hành pháp luật, không được ép giá.

Lực lượng cảnh sát hình sự cũng thường xuyên nắm tình hình và quản lý chặt chẽ việc sửa chữa mua bán phụ tùng xe máy trên địa bàn phường, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Công an phường Ngô Thì Nhậm để ngăn chặn những sự việc xấu, nếu xảy ra. Nếu khách hàng phát hiện ra có sự ép buộc về giá cả thì hãy gọi điện thông báo cho công an phường theo số máy 04.39762352.

Minh Tiến
.
.