Hai vợ chồng nông dân có tấm lòng Bồ Tát

Thứ Bảy, 16/06/2007, 17:28

Ông chủ, tên đầy đủ là Bùi Văn Thu, có vóc người nhỏ thó, và là một nông dân đúng nghĩa. Ở cái tuổi 53, ông và vợ lập một nơi cưu mang, chữa trị cho những người mắc bệnh tâm thần. Ngạc nhiên là nhiều người vào “trại điên” nhà ông Thu lại hồi phục.

Họ là hai vợ chồng nông dân đúng nghĩa, tuổi đã gần 60, sống với cái ruộng, cái rẫy trong một vùng quê heo hút ở xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Vậy nhưng hơn 1 năm nay, họ vừa "nhặt" vừa nhận hơn 100 người mắc bệnh tâm thần về nhà mình nuôi và chữa bệnh cho những con người bất hạnh ấy. Một điều kỳ diệu là, rất nhiều người bị bệnh tưởng như "vô phương cứu chữa", qua một thời gian ngắn sống trong gia đình ông bà, đã dần hồi phục...

Kỳ 1: “Trại tâm thần” kỳ lạ

Gọi là “trại điên" nhưng thực ra, đó là một cơ sở mang tính gia đình, nhưng có giấy phép hoạt động đàng hoàng, và cũng có một cái tên trên tấm biển đơn giản: “Cơ sở tình thương Trọng Đức. Nơi đón nhận những người cơ nhỡ thiếu may mắn, lang thang, tâm thần”.

Thực tế, thời gian gần đây ông chủ mới chưng biển “đón nhận” kiểu như “theo yêu cầu”. Mà chưng thì cứ chưng thôi, chứ những người lang thang thì biết đâu gốc gác xuất xứ, có ai đưa đến gửi gắm đâu mà đón nhận? Nhất là những người tâm thần vẫn cầu bơ cầu bất nơi xó đường góc chợ kia.

Ông bà chủ cho hay, hiện nay họ đang “có trong nhà”  72 người tâm thần cả nam lẫn nữ, đủ các lứa tuổi, đủ các thành phần. Đấy là chưa kể đến có hơn 20 người đã khỏi bệnh và gia đình bệnh nhân đã nhận về sau những năm tháng tưởng như tắt hy vọng...

Người viết bài này hỏi chuyện ông bà chủ rất nhiều, nhưng cái tò mò nhất vẫn là “trí khôn” của những người điên sau một thời gian ngắn ở trong gia đình Trọng Đức đã “lên” được đến đâu?

“Gia đình Trọng Đức” được chia làm 2 khu: khu nam và khu nữ tách biệt với một đoạn đường chừng 200m. Khác với cảm giác khi vào những bệnh viện tâm thần, trong đó bệnh nhân phải tiêm thuốc ngủ li bì, hoặc là những tiếng hú hét, thì ở gia đình này, không nhận thấy điều đó. Đặc biệt, một số bệnh nhân, khó có thể tin được một thời gian trước đó, họ tóc tai rũ rượi, nhặt nhạnh vỏ chuối ngoài đường, góc chợ để ăn...

“Chào anh! Anh là phóng viên? Ở báo nào ạ?”... “Dạ, mời anh ngồi. Hiền, đi lấy nước cho các anh”... Người phụ nữ này tên là Kim Oanh. Chị ta bảo rằng vào đây thì đâu quan trọng đến mức phải xem giấy tờ khi tôi có nhã ý xuất trình. Nói chuyện một lúc tôi mới ngớ người ra, mình đang nói chuyện với một bệnh nhân!

Theo lời ông bà chủ, thì 1 tháng trước khi mới vào đây, mắt chị long sòng sọc, quậy phá, hú hét. Những ngày đầu,  chị ta bảo từng gặp Tổng thống Nga... Rồi bảo chị làm việc ở Đài Truyền hình Khánh Hòa, chị đang có ý định xây dựng thành một tập đoàn báo chí mạnh!  Và những ngày đầu như thế, chị không tự ăn được, ông bà chủ phải bón cơm. Lúc ép chị ăn, chị  ta còn bảo, con chị làm công an, nếu “ép buộc” thì... gọi con đến gô cổ ông bà chủ lại! Khổ thế đấy!

Và bây giờ, ngồi đối diện với tôi, chị nói: “Khi mới vào đây, nghe mọi người kể lại, chị biết bệnh chị rất nặng. Chị không nhớ nổi đã nói gì và làm gì. Chị bị bệnh hơn 10 năm nay rồi”.

Tôi làm một việc hơi lạ là “phỏng vấn”... bệnh nhân tâm thần. Người được phỏng vấn trả lời khá lưu loát. Rằng khi bị bệnh,  Kim Oanh là một phiên dịch viên tiếng Nga của Đài Truyền hình tỉnh Khánh Hòa. Chị tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Huế năm 1986, đi học thêm ở Nga 10 tháng, và khi trở về công tác được một thời gian thì phát bệnh.

Kim Oanh nhớ lại, ba chị là bộ đội, mẹ làm ở ngành tài chính của tỉnh Khánh Hòa, và chị gái là Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Khánh Hòa...

Những thông tin đó, khi trao đổi lại với ông chủ thì ông chủ khẳng định đúng. Vì chị gái của Kim Oanh thường xuyên đến đây thăm. Chị ta ngạc nhiên vì căn bệnh của em gái mình, gia đình đã cố gắng hết sức nhưng cũng không mấy tiến triển.

Kim Oanh hỏi lại tôi rằng: “Em thấy chị thế nào?”. Tôi trả lời: “Bình thường ạ!”. Mắt chị buồn buồn: “Lúc này thì bình thường nhưng lúc khác không bình thường đâu em ơi. Nhất là khi trời nóng quá, trông chị đáng sợ lắm”.

Rồi chị nói chuyện về một số bệnh nhân ở đây, có người chuyển biến tốt, nhưng cũng có người... mất trí rõ lâu. Họ mở vòi nước mãi mà không chịu đóng, nếu chị không đóng có khi nó chảy cả buổi. Hay có những lúc chị cùng họ đi tắm, chưa kịp tắm thì họ đã hắt nước ầm ầm vào mặt chị.

Và những lúc một mình, Kim Oanh nghĩ đến một mái ấm. Nhưng tất cả đã muộn mằn với một người phụ nữ ngoài 40 và mang bệnh tật. “Thôi thì cố mà dưỡng bệnh cho khỏi hẳn, đó là cái cần thiết, em nhỉ?”.

Ông Thu (bên phải) và vợ cùng các bệnh nhân.

Trong gia đình Trọng Đức, những trường hợp “tỉnh táo” như Kim Oanh không hiếm, trong cái con số gần 100 người kia. Có những người khỏi bệnh, quay trở lại phục vụ chính những người cùng cảnh với mình. Cũng có những người trở về lập gia đình, hoặc trở về sống bình thường với tổ ấm vẫn ngày đêm mong ngóng họ.

Ông chủ, tên đầy đủ là Bùi Văn Thu, có vóc người nhỏ thó, và là một nông dân đúng nghĩa. Vợ chồng ông chỉ có hai cô con gái đã thành gia thất, ruộng rẫy ông cho con hết. Và ở cái tuổi 53, lập một nơi cưu mang, chữa trị cho những người mắc bệnh tâm thần, cũng chẳng có mưu cầu gì ngoài tình thương của một người muốn sống những năm tháng ở cuối dốc cuộc đời thật ý nghĩa.

Ông nói: “Tôi biết, có người dù trả cho họ thật nhiều tiền đến đâu để sống với một người điên, họ chưa chắc đã nhận. Còn tôi thì, tôi yêu con người, mà người điên cũng là con người. Của cải vật chất chết đâu có mang theo được”.

Năm 2004, ông lên TP HCM, vào các bệnh viện như Từ Dũ, Chợ Rẫy... làm từ thiện. Công việc của ông là đưa bệnh nhân đi khám, lấy cơm cho bệnh nhân, hướng dẫn chỗ ăn ở cho người nhà bệnh nhân. Dĩ nhiên là miễn phí. Một số bác sĩ ở các bệnh viện này quen và quý cái tấm lòng của ông, nên khi đi khám bệnh từ thiện, họ thường cho ông đi cùng.

Trong những lần đi ấy, ông Thu đặc biệt chú ý đến những bệnh nhân tâm thần “tại gia”. Những bệnh nhân này đã từng được đưa đến chữa tại các bệnh viện, một năm hai năm thậm chí cả chục năm. Chữa thì cứ chữa nhưng để họ thành người bình thường không dễ. Có những gia đình không đủ kiên nhẫn, không đủ tiền bạc nên đành đưa người thân về... nhốt.

Cám cảnh trước những con người phải sống “biệt lập” như thế, trong đầu ông Thu nảy ra suy nghĩ nên làm một điều gì đó cho họ. Nhưng làm gì và làm như thế nào, thì phải mãi đến giữa năm 2005, và một sự tình cờ...--PageBreak--

Đó là khoảng tháng 8/2005, ông Thu đi cùng đoàn của bác sĩ Nguyễn Quang Hưng - công tác tại Bệnh viện Thống Nhất đi khám bệnh từ thiện tới huyện Đâm Rông - một huyện mới của tỉnh Lâm Đồng. Đợt đi này, đoàn bác sĩ có thăm một số gia đình có bệnh nhân tâm thần.

Ông Thu dừng lại ở gia đình của ông bà K'Thiên, người dân tộc K'Ho ở xã Đồng Roòng. Đó là một gia đình rất nghèo, nhưng đã dốc tiền của cứu chữa cho con trai là Ku Ru, bị tâm thần đã hơn 10 năm. Sau khi đi chữa, Ku Ru đỡ hơn nhưng khi về nhà bệnh lại tái phát, gia đình không còn cách nào khác đành xích anh ta lại trong một chỗ biệt lập. Lúc ông Thu đến, Ku Ru không mặc quần áo, bởi, nếu gia đình mặc cho Ku Ru thì anh ta xé hết.

Thời gian sau, một mình ông Thu quay trở lại thăm Ku Ru. Câu chuyện về tình hình bệnh lý của Ku Ru vẫn là những tiếng thở dài bất lực từ phía người cha và người mẹ. Im lặng một lúc, ông Thu nói với người cha: “Tôi sẽ nhận cậu ấy làm con nuôi, và tôi sẽ tự điều trị bệnh cho cậu ấy. Gia đình có chấp nhận?”.

Ngày 18/9/2006, gia đình ông Thu đón thành viên tâm thần đầu tiên về nhà như thế!

Ngày đầu về nhà ông Thu, Ku Ru không đi nổi vì bị xích quá lâu. Hai vợ chồng ông Thu mang Ku Ru đi tắm và bón cơm cho ăn hàng ngày, phục vụ những nhu cầu cá nhân giúp Ku Ru mà anh ta không tự làm được.

Đêm đầu tiên là một đêm khốn khổ. Vợ chồng ông, tính là người ngủ, người thức để thay phiên nhau canh cho Ku Ru, nhưng rồi cả hai đều không ngủ được, và thậm chí hàng xóm xung quanh cũng không ngủ được bởi tiếng gào thét điên cuồng của anh ta. Anh ta bò khắp phòng, cắn cánh cửa và cào cấu mặt mũi của chính mình. Ngày thứ hai, thứ ba, anh ta vẫn như vậy.

Lại thêm nhiều ngày mất ngủ với ông bà Thu. Những lúc Ku Ru ngủ, ông hoặc bà tranh thủ chợp mắt. Đến giờ họ lại đưa Ku Ru ra ăn cơm và tắm. Hai ông bà lúc nào cũng túc trực bên cạnh, ông thì xoa đầu, bà thì nắn chân cho “thành viên mới” của gia đình.

Bà nghĩ ra cách để Ku Ru nằm xuống và co giãn chân tay cho anh ta, ông thì nắn đầu anh ta hướng về một điểm nhìn. Một phương pháp chưa bao giờ có trong y học, cũng chẳng cần đến sự trợ giúp của thuốc an thần, thế mà sau hơn 1 tháng, Ku Ru bắt đầu đứng lên và đi lại được...

Khi Ku Ru đi được những bước đầu tiên, bà nhìn ông bật khóc. Những tiếng kêu gào cứ mất dần. Những hành động cào cấu cũng ít thấy xuất hiện. Ku Ru tiến triển như một đứa trẻ, cũng tự xúc được cơm để ăn, cũng tự biết đường đi vệ sinh. Và sau 6 tháng, Ku Ru đã “bập bẹ” nói được, gọi được tiếng “ba”, tiếng “mẹ” và có thể tự đi tắm.

Ông Thu cho tôi tiếp cận với chàng thanh niên này. Ku Ru có khuôn mặt hiền, đôi lông mày rất rậm, và đôi mắt hơi... hoang dại, ít nhìn thẳng. Có thể, do anh ta chưa hồi phục hẳn sau một cuộc sống “như không sống” hơn 10 năm trời, trong một cõi chưa ai hiểu được, cái “cõi điên” ấy, vẫn còn tàn dư trong đôi mắt của chàng trai này.

Ku Ru nhanh nhẹn bê đống củi vào bếp, rồi lên phòng ngồi với tôi. Thấy chiếc chăn chưa gọn gàng, anh từ từ gấp vuông vắn rồi để lên đầu giường, và từ tốn ngồi xuống nói chuyện. Anh nói rằng anh có hai “ba mẹ” và thương cả hai.

Ba mẹ đẻ thỉnh thoảng lên thăm và mang cho anh những quả ổi trong vườn. Ba mẹ nuôi luôn kề cận,  thương anh ta như con và hứa sau này, khi Ku Ru khỏe hoàn toàn, làm việc được như bao người khác, thì sẽ đi hỏi vợ cho Ku Ru...

Thực lòng, tôi suýt khóc vì câu nói hồn nhiên như là trẻ thơ ấy ở Ku Ru. Tôi đọc ở đôi mắt hoang hoải của anh, có một kiếp đang hồi sinh, hình như là thế... Người ta sẽ ít tin một phép nhiệm mầu, nhưng tôi thì lại tin những cái hơn cả nhiệm mầu giữa đời thường, đó là tình thương và sự quan tâm. Nó sẽ thắp lên ở đâu đó, ở những cái tưởng chừng như chết, một hy vọng giản dị và rất con người...

Trong thời gian “chăm bẵm” Ku Ru, hai ông bà ra đường, “nhặt” được thêm 6 bệnh nhân. Trong số đó có 4 người đã tìm được “tung tích”, còn 2 người nữa, đến giờ, ông bà vẫn chưa thể biết được.

Ông bà Thu đã nhận hai bệnh nhân này làm con nuôi, đặt cho hai cái tên là Trần Chí Quý và Trần Thị Lành. “Nhìn mặt mà bắt hình dong” nên ông bà cũng ấn định cho họ hai cái tuổi, Quý thì tuổi 34 còn Lành thì tuổi 37. Họ có thể hơn hoặc kém con số đó, nhưng không còn cách nào khác, ông bà cũng phải làm giấy tờ “tạm trú” cho hai con người không rõ tung tích, không một tấm giấy tùy thân này.

Quý vừa nói tiếng Việt lại vừa nói tiếng Hoa, có thể anh ta là người Hoa kiều ở TP HCM. Những lúc tĩnh tâm, anh ta nhớ lại, nhà anh còn có mẹ và em gái, buôn bán ở một con đường nào đó của khu vực quận 5, TP HCM.

Quận 5 với bao nhiêu con đường có người Hoa sinh sống. Và bao nhiêu gia đình, biết hỏi như thế nào đây? Thế nhưng, ông bà Thu vẫn lặn lội tìm đến địa chỉ mù mờ kia bằng những thông tin mù mờ đó để mong người thân biết con mình còn sống. Nhưng rồi tìm đến lại về không...

Còn Lành, khuôn mặt khá phúc hậu, nói tiếng Bắc. Chị ta nhớ mang máng nhà mình ở gần Đền Hùng, nhưng cũng không biết Đền Hùng là ở tỉnh nào. Ông bà nghĩ rằng, Phú Thọ thì xa xôi, mà những cứ liệu trong trí nhớ của Lành ít ỏi thế, có đi tìm rồi cũng về không như tìm thân nhân của Quý. Có thể, những gia đình có hai bệnh nhân này cho là con mình đã chết, như bao người tâm thần xưa nay lang thang cho hết một kiếp người nên cũng chẳng tìm kiếm nữa.

Hy vọng rằng, qua bài báo này, và với tấm hình của anh Quý và chị Lành trên mặt báo ANTG, cũng mong ai là thân nhân của họ, có thể liên hệ với chúng tôi.

(Còn nữa)

Hoàng Nguyên Vũ
.
.