Hạt thóc nhọc nhằn “cõng”… phí(?)

Chủ Nhật, 19/08/2007, 14:16
Theo tính toán của một nông dân Thái Bình thì người nông dân có thu nhập chưa đầy 1.500đ/ngày từ cây lúa. Vậy mà, ngoài những khoản phí, lệ phí do Nhà nước quy định, tùy từng vùng miền mà các cấp cơ sở tự đặt ra từ 20 đến 50 loại lệ phí khác nhau để thu của nông dân.

Mới đây, Bộ NN&PTNT tiến hành điều tra ở 135 xã và 117 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của 46 tỉnh, thành và phát hiện ra rằng, nông dân ngoài phải nộp các khoản phí, lệ phí theo quy định của Nhà nước còn phải nộp 30 đến 50 khoản phí khác không nằm trong danh mục, chủ yếu do chính quyền địa phương tự đặt ra. Điều này đã gây khó khăn cho nông dân vốn những người nghèo nhất của xã hội.

PV Chuyên đề ANTG đã về "quê hương 5 tấn" Thái Bình tìm hiểu thực trạng này.

Nông dân thu nhập 1.500đ/ngày (!)

Làng Vị Thủy (Thái Dương, Thái Thụy, Thái Bình) nằm bên dòng sông Diêm trong xanh rười rượi. Đẹp, thanh bình, nhưng quá nghèo vì cuộc sống của người dân chỉ biết trông vào cây lúa, củ khoai, không có bất cứ nghề phụ gì. Giữa cánh đồng chang chang nắng, anh nông dân có cái tên nghe đã thấy cảnh nghèo túng Phạm Văn Bần đang xới cỏ. Thời nay không phun thuốc diệt cỏ lại đi xới cỏ bằng cuốc cũng là chuyện lạ. Anh bảo: “Phun thuốc diệt cỏ mất cả chục ngàn/sào, lấy đâu ra tiền”.

Anh Bần là nông dân chính cống, được xã viên HTX nông nghiệp Thái Dương tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng ban Kiểm soát HTX. Với chức vụ này lương bổng chả đáng là bao, nhưng được cái rỗi việc.

Hỏi về các loại phí mà nông dân phải đóng góp riêng cho HTX, anh chống cuốc, đọc một mạch: “Thủy lợi phí HTX thu nộp cho huyện, tiền điện, tiền bơm nước, tiền công tổ thủy nông, công bảo vệ đồng, điều hành phòng chống bão lụt, nạo vét kênh mương, công điều hành của trưởng thôn, sửa chữa trạm bơm, cống đập, bảo vệ thực vật, đại hội xã viên, kiểm kê, quản lý, khoa học kỹ thuật, quỹ diệt chuột...”.

Nghe anh Bần đọc tên các loại phí mà nông dân nộp cho HTX tôi thấy chóng mặt. Tính dồn các loại phí này lại thì mỗi sào lúa, người nông dân phải nộp riêng cho HTX là 16kg thóc. Nhà nào cấy một mẫu đã mất đứt 1,6 tạ thóc rồi.

Tôi hỏi: “Vậy xã viên có quyền lợi gì?”. Anh Bần thẳng thắn: “Nộp phí để được mua thuốc trừ sâu (chứ không phải được phát miễn phí), được mua giống, được đi họp đại hội xã viên...”.

Tuy nhiên, theo anh Bần, mức đóng này chưa phải là cao, bởi theo anh biết, nông dân ở xã Chí Hòa (Hưng Hà, Thái Bình) phải đóng góp cho HTX tới 21,37kg thóc/sào phí thủy lợi. Cộng mười mấy khoản thu khác nữa thì người nông dân ở xã này phải đóng vài chục kg/sào.

Ông Bùi Kim Đĩnh, Phó Chi cục HTX và Phát triển nông thôn Thái Bình xác nhận thông tin này là chính xác vì Chi cục cũng đã điều tra ở HTX nông nghiệp Chí Hòa.

Tôi hỏi anh Bần: “Đóng góp riêng cho HTX nông nghiệp đã nhiều như vậy, còn những khoản khác nữa, vậy cấy cày còn thu được bao nhiêu?”. Anh Bần chỉ tôi gặp ông nông dân Phạm Văn Trãi, cũng ở làng Vị Thủy, khi ông đang còng lưng cuốc xới giữa cánh đồng.

Ông Trãi được dân trong làng bầu là “người chăm chỉ nhất làng”. Nhưng ông bảo: “Chăm chỉ làm việc khác thì giàu, chứ làm nông nghiệp có cày cuốc quanh năm suốt tháng cũng vẫn nghèo”.

Ông Trãi tính toán kỹ lưỡng cho một sào (Bắc Bộ) lúa như sau: phân đạm, thuốc trừ sâu, diệt cỏ hết 100.000đ, thuê máy cày bừa 50.000đ, giống 20.000đ, tuốt lúa 10.000đ. Tổng cộng chi phí để được thu hoạch một sào lúa mất 180.000 đồng.

Một sào năng suất trung bình được 1,5 tạ thóc, tính theo giá thị trường thì trị giá 375.000đ. Trừ chi phí còn lại 195.000đ. Tiếp tục nộp cho HTX 40.000đ, còn lại 155.000đ. Mỗi khẩu có 1,7 sào lúa, thì lãi được 260.000đ. Mỗi năm có 2 vụ lúa, như vậy, mỗi khẩu trồng lúa tính thu được 520.000đ.

Với con số này, chia ra cho 356 ngày, người nông dân có thu nhập chưa đầy 1.500đ/ngày từ cây lúa. Đấy là chưa kể sâu bệnh, hạn hán hoặc thiên tai dẫn đến mất mùa. Với mức thu nhập này, không đủ để nộp các loại phí.

Những năm trước, nông dân Thái Bình phải nộp thuế nông nghiệp đến 70kg thóc/sào lúa. Gần đây, khoản thuế này được miễn, người nông dân rất phấn khởi, tuy nhiên, giá phân đạm tăng, xăng dầu tăng, rồi mọi thứ đều tăng khiến chi phí cho sản xuất nông nghiệp tăng cao, thêm vào đó là đủ các loại phí, lệ phí ra đời đổ lên đầu.

Một năm trời làm việc quần quật ngoài cánh đồng cũng chả dành dụm được bao nhiêu. Có việc gì lớn, chẳng hạn như đi bệnh viện là hết veo. Năm vừa rồi, cô con gái anh Phạm Văn Bần, bị viêm bồ đào hai mắt, lên Viện Mắt Trung ương chữa mất 15 triệu không khỏi. May mắn Bệnh viện Chợ Rẫy trong TP HCM chữa khỏi với chi phí 5 triệu đồng. Niềm vui lấy lại được ánh sáng cho con, nhưng gánh nặng khoản nợ này không biết bao giờ mới trả hết được. 

Danh sác các loại phí...

Chúng tôi đem bản danh sách các loại phí nông dân đóng góp cho HTX mà anh Phạm Văn Bần cung cấp đến gặp ông ông Bùi Kim Đĩnh, Phó Chi cục HTX và Phát triển nông thôn Thái Bình.

Ông Đĩnh xem qua và bảo, 12 khoản đóng góp của nông dân xã Thái Dương cho HTX chưa thấm vào đâu so với một số nơi khác và những khoản đóng góp cho HTX cũng không là gì so với nhiều loại phí khác mà người nông dân phải gánh trên lưng. Ông Đĩnh cung cấp cho tôi một bản danh sách kê những khoản phí, lệ phí mà nông dân trong tỉnh phải đóng góp dài mấy trang giấy A4.

Còn rất nhiều các loại phí, quỹ không nằm trong danh mục do Nhà nước quy định, song chính quyền ở hầu khắp các địa phương vẫn thu của nông dân như: quỹ công ích, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ trẻ thơ, quỹ người cao tuổi, quỹ an ninh, quỹ xây dựng đường giao thông thôn xóm, quỹ xây dựng nhà văn hóa thôn xóm, quỹ xây dựng nghĩa trang, xây dựng cống rãnh thoát nước vệ sinh, quỹ công điền, quỹ người nghèo, quỹ thăm thầy cô giáo, quỹ hội phụ huynh học sinh, quỹ khuyến học, quỹ xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm... Rồi các loại phí như: phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, tổ chức lễ hội, quỹ xây dựng nhà trường...

Theo ông Đĩnh, đó mới chỉ là con số điều tra ở vài nơi. Chắc chắn rằng, ở những xã khác, thôn khác vẫn còn nhiều khoản thu nữa mà không thể thống kê hết được. Đơn cử như trong danh mục những khoản phí, lệ phí mà ông Đĩnh cung cấp cho tôi cũng chưa thấy đề cập đến phí liên hoan nông dân tập thể, liên hoan ngày thiếu nhi, Quốc khánh, phụ nữ, rằm tháng 8... mà nông dân ở nhiều xã phải đóng hàng năm.--PageBreak--

Rồi còn nhiều những khoản nữa đang đè nặng lên vai người nông dân như đám cưới, đám ma, đám giỗ, tảo mộ, khánh thành nhà cửa, công trình này nọ và đặc biệt là các khoản đóng góp xây dựng đền chùa, miếu mạo, mồ mả...

Thống kê những khoản phí, lệ phí mà người nông dân phải đóng góp có cảm giác rằng năm này tháng khác họ phải lao động cật lực cũng không đủ để đóng góp.

Không đóng phí mất quyền công dân (?)

Không chỉ ở Thái Bình mà hầu hết các tỉnh trong cả nước, người nông dân đều phải nộp rất nhiều loại phí, lệ phí. Điển hình phải kể đến chuyện nộp phí của các hộ nông dân ở xã Hiệp Xương (Phú Tân, An Giang).

Anh Hà Văn Tiền thống kê các loại khoản thu mà anh phải nộp như sau: Lao động công ích 120.000đ, an ninh quốc phòng 24.000đ, kiên cố giao thông nông thôn 500.000đ, xe gắn máy 150.000đ, phí sử dụng nguồn nước 240.000đ, khuyến học 20.000đ, phí thủy lợi 339.000đ, phí đê bao 598.000đ, thuế trồng cây hàng năm 336.000đ...

Ở xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn, An Giang), những hộ dân ở ấp Trung Bình 2 cho biết, mỗi năm họ phải đóng ít nhất 2 triệu đồng. Điển hình là gia đình ông Phan Văn Thành có năm phải đóng đến 4,5 triệu đồng cho đủ các loại phí trên trời dưới bể. Có hộ gia đình ở đây không có tiền nộp phí nên phải bán đất để “trả nợ” cho xã.

Ngoài những khoản phí, lệ phí do Nhà nước quy định, tùy từng vùng miền mà các cấp cơ sở tự đặt ra từ 20 đến 50 loại lệ phí khác nhau để thu của nông dân. Đây là những khoản mang tính “phong trào”, do vậy, theo quy định chỉ được vận động nhân dân tự nguyện chứ không nên ép buộc. Tuy nhiên, nếu nông dân không đóng góp đầy đủ thì khó có thể sống được ở địa phương.

Tại huyện Phú Tân (An Giang), nhiều nơi lực lượng xã, ấp còn lập chốt để thu phí xe gắn máy. Cá biệt, có chuyện cán bộ đi thu phí đã xảy ra xô xát. Lại có địa phương áp dụng biện pháp... “cấm vận”: không ký xác nhận vào bất kỳ giấy tờ nào nếu gia đình còn nợ quỹ, phí.

Tại ấp Đông Sơn, vùng Núi Sập (An Giang) nhiều gia đình không làm được giấy khai sinh cho con, không có hộ khẩu, không làm được giấy tờ gì vì không có tiền đóng lệ phí. Trong trường hợp như vậy, nông dân nếu không nộp đủ phí, lệ phí, coi như bị mất quyền công dân?

Tại xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), các cán bộ xã còn đặt ra một loại phí hết sức vô lý. Ai muốn có dấu đỏ xác nhận để được đi lao động ở Đài Loan thì phải đóng 200.000đ. Theo giải thích của các cán bộ xã thì 20.000đ là tiền đóng dấu, còn 180.000đ là tiền xây dựng quê hương. Những ai sang đó lao động vi phạm hợp đồng, muốn đi tiếp lần nữa thì phải đóng cho xã đến 7 triệu đồng mới có được con dấu để làm thủ tục tiếp theo.

Khoan thư sức dân là “kế sâu rễ bền gốc”

Đó là câu của Trần Hưng Đạo mà ông Bùi Kim Đĩnh nói với tôi khi trao đổi về biện pháp tháo gỡ cho nông dân. Thái Bình là tỉnh thuần nông, đất hẹp, người đông nhưng có tới 7 khu công nghiệp và 13 cụm công nghiệp “ngốn” hết 1.250ha “bờ xôi ruộng mật”.

Điều đáng nói là 50% đất đai đưa vào khu công nghiệp vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” cả chục năm trời. Trong khi đó, có đến 45% nông dân Thái Bình phải bỏ nhà đi làm ăn xa. Nông dân "mất" đất vì công nghiệp hóa, sống ngay cạnh các khu công nghiệp nhưng vẫn không có việc làm. Thậm chí, không có nguồn thu nào, song nông dân vẫn bỏ ruộng vì trồng cấy không có lời lãi gì.

Theo số liệu mới nhất, có 6.408 hộ nông dân ở Thái Bình đã bỏ ruộng vì có làm cũng không đủ đóng góp cho mấy chục khoản phí. 

Ngoài ra, theo ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp - nông thôn, tỉ trọng đầu tư của ngân sách Nhà nước cho ngành nông nghiệp đang giảm dần theo từng năm.

Cụ thể, chỉ tiêu đầu tư cho nông nghiệp chỉ đạt 1-1,5% GDP, thấp hơn rất nhiều so với các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, mặc dù nông nghiệp đóng góp khoảng 22% GDP. Chính điều này đã góp phần dẫn tới tình trạng các hộ ở nông thôn phải đóng góp phí và lệ phí ngập đầu, khiến nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp ngày một giảm, nông dân mỗi ngày một nghèo đi.

Lời ông cha từ xưa rằng “dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Làm nông nghiệp muôn đời vẫn cực nhọc, vất vả, vậy mà “hạt thóc phải cõng nhiều loại phí” thì không khác gì chất thêm gánh nặng lên lớp người nghèo nhất xã hội. Điều đáng chú ý là tình trạng loạn thu phí, lệ phí ở nông thôn lại là “con đẻ” của chính quyền địa phương, trong khi đó, việc chi tiêu nhiều khi lại thiếu minh bạch nên rất dễ gây ra bức xúc trong dân.

Theo ông Đĩnh phải rà soát lại tình trạng thu phí, lệ phí trên khắp cả nước và thấy loại phí, lệ phí nào không hợp lý thì phải bỏ ngay. Ngoài ra, Nhà nước nên miễn hoặc giảm cho nông dân các loại lệ phí vì những loại lệ phí mới là nhiều, lớn và tác động trực tiếp lên đời sống của họ.

Những khoản thu nên xóa bỏ như: đăng ký khai sinh, kết hôn, cấp mới hộ khẩu thường trú, cấp lại bản chính giấy khai sinh, cắt chuyển hộ khẩu, cấp đổi hộ khẩu vì thay đổi địa giới hành chính, đăng ký hộ khẩu thường trú, đăng ký khai tử, chứng thực hồ sơ đi học, đi làm, xác nhận hộ tịch, đăng ký tạm trú, tạm vắng. Các khoản thủy lợi phí cũng nên miễn hoặc giảm.

Những khoản phục vụ lợi ích cộng đồng dân cư như xây dựng đường giao thông liên thôn, xây dựng nhà văn hóa, kênh mương, nước sạch, vệ sinh môi trường... vẫn phải thu nhưng phải theo nguyên tắc chung, tránh tùy tiện, phù hợp với khả năng của dân và đặc biệt là phải công khai. Đối với các quỹ mang tính chất từ thiện nên duy trì để thể hiện đạo lý của dân tộc Việt Nam nhưng phải chống hình thức thu theo kiểu hành chính hóa, tức là bắt buộc. Với mỗi đợt huy động đóng góp lớn thì phải được cấp có thẩm quyền cho phép...

Phạm Ngọc Dương
.
.