“Hiến thận”, chuyện đắng lòng

Thứ Ba, 22/04/2014, 10:30

Với anh Hồ Văn Tranh, khoản tiền 120 triệu (được “bồi dưỡng” khi “hiến thận”) sau khi giải quyết nợ nần, còn dư vài chục triệu, anh sửa lại ngôi nhà trên phần đất của người chị ruột mới cho. Ngày anh mới "hiến" về, mẹ anh là bà Nguyễn Thị Chỉ, khóc: "Nếu biết nó đi hiến thận, tôi đã cản nó rồi. Bây giờ nó yếu lắm, làm nặng không nổi".

1. Lập gia đình rồi có con, cuộc sống của anh Hồ Văn Tranh ở ấp 6, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ ngày càng khó khăn. Do không đất canh tác, lại vướng nợ nần nên anh đành để vợ con ở lại quê nhà rồi lên TP HCM tìm việc. May mắn thay, anh được một người đàn ông tên Lợi, ở huyện Nhà Bè, TP HCM giới thiệu cho anh làm phụ hồ.

Anh Tranh kể: "Sau đó, anh Lợi cho tôi biết là anh bị suy cả hai thận, nay đang tìm người cho thận để ghép. Nếu ai đồng ý thì anh Lợi sẽ đền đáp lại bằng một số tiền".

Vẫn theo anh Tranh, cuộc sống quá túng thiếu, lại hàm ơn người đã giúp mình nên khi nghe nói số tiền "đền đáp" là cả trăm triệu đồng thì anh đồng ý.

Và thế là anh Tranh được đưa vào Bệnh viện (BV) 115, TP HCM. Anh kể: "Mọi chi phí xét nghiệm, làm thủ tục giấy tờ đều có người lo hết. Tui chỉ việc theo người ta, họ biểu gì, tui làm nấy". Đến tháng 1/2014, các xét nghiệm cho thấy chỉ số sinh hóa của anh Tranh và anh Lợi hoàn toàn phù hợp nên ca phẫu thuật lấy thận, ghép thận được BV 115 tiến hành rồi sau một tuần, anh Tranh xuất viện được nhận số tiền 120 triệu đồng.

Vẫn theo anh Tranh thì trong thời gian nằm BV, có "người lạ" đến thăm anh, dặn anh khi về nhà và nếu biết ai muốn "hiến" thận thì giới thiệu cho họ để hưởng hoa hồng! Một người dân địa phương cho chúng tôi biết, năm 2013, em rể anh Tranh tên là Bình cũng đã "hiến" thận cho một người lạ, và được 100 triệu đồng.

Nằm cách trung tâm TP Cần Thơ gần 90km, giáp ranh với tỉnh Kiên Giang, xã Thạnh Phú không chỉ anh Tranh là người duy nhất đi "hiến" thận mà còn có thêm 7 người khác. Gần Tết Nguyên đán 2014, ông Ngô Hoàng Sơn ở Vĩnh Long đến nhà cha ruột là ông Ngô Văn Y, tạm trú tại ấp 5, xã Thạnh Phú, rủ 2 người em là Ngô Phú Em và Ngô Thanh Hoài đi "hiến" thận. Trước đó, 2 người em khác của ông Sơn là Ngô Phú Anh và Ngô Ngọc Bích cũng đã "hiến" xong một quả thận.

Theo báo cáo của Công an huyện Cờ Đỏ, từ năm 2012 đến tháng 4/2014, trên địa bàn ấp 5 và ấp 6 xã Thạnh Phú đã có 8 người hiến thận, tất cả đều làm thủ tục tự nguyện hiến tặng rồi sau đó, họ lên TP HCM để thực hiện phẫu thuật. Khi mọi việc hoàn tất, họ được những người nhận thận "bồi dưỡng" 120 triệu đồng.

Một trường hợp nữa là anh Danh Lang. 9 năm trước, anh lấy vợ. Khi hai đứa con lần lượt ra đời, kinh tế ngày càng khó khăn, nợ gần 50 triệu đồng, không cách gì trả được. Túng thế, anh dẫn vợ con lên Bình Dương rồi đi làm thuê cho một cơ sở chế biến hạt điều.

Anh kể: "Năm 2012, tôi tình cờ gặp người quen cùng quê là ông Phú Anh. Qua trò chuyện, tôi nói vì nợ nần nên phải phiêu bạt lên đây. Nghe xong, ông Phú Anh hỏi tôi có muốn kiếm 100 triệu không? Nếu muốn thì theo ông đi Trung Quốc "hiến" thận".

Vẫn theo lời ông Phú Anh, thì ông đã từng qua Trung Quốc "hiến" thận nhưng đến nay ông vẫn khỏe mạnh và vẫn làm việc bình thường. Với anh Lang, số tiền 100 triệu quả là nằm mơ cũng không thấy nổi. Nó sẽ giúp vợ chồng anh trả hết nợ, lại còn dư vốn để làm ăn.

Tối hôm ấy, anh Lang kể với vợ nhưng vợ anh không đồng ý. Anh nói: "Suốt nửa tháng sau đó, tôi phân vân dữ lắm. Nửa muốn "hiến", nửa sợ, nhưng rồi cái nghèo đã thắng". Để giấu vợ, anh nói dối là cơ sở anh đang làm đã hết hạt điều nên anh đi TP HCM tìm việc khác: "Ông Phú Anh đưa tôi qua quận 5, TP HCM, gặp một thanh niên khoảng 35 tuổi, tên Nghĩa. Anh ta yêu cầu tôi đưa giấy chứng minh nhân dân rồi chở tôi đến một BV mà tôi không nhớ là BV nào…".

Tại đây, anh được Nghĩa đưa đi làm các xét nghiệm rồi khi có kết luận "đủ điều kiện hiến thận" thì Nghĩa thuê cho anh một phòng trọ, đưa anh mấy triệu đồng, dặn anh ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, tuyệt đối không rượu bia, chờ ngày lấy thận.

Anh Lang kể tiếp: "Đến cuối tháng 9/2012, tôi cùng một người tên Phú - là người "mua thận" - sang Quảng Tây, Trung Quốc rồi vào BV. Tiếp theo, tôi được đưa vào phòng mổ. Lúc tỉnh lại, dưới bụng bên trái tôi bông băng trắng xóa, và đau. Bữa xuất viện về Việt Nam, anh Nghĩa cho tôi 100 triệu đồng. Cùng hiến thận với tôi còn có một người tên là Thanh, 26 tuổi, quê ở An Giang và cũng được cho 100 triệu".

Như vậy, có thể thấy Nghĩa chỉ là trung gian, còn quả thận của anh Lang thì được ghép cho người tên Phú.

Một trường hợp nữa là anh Lê Văn Giòn, ở ấp 6. Trước Tết Nguyên đán, anh Giòn nộp đơn cho chính quyền xã, xin đi Hà Nội để… tình nguyện hiến thận cho người thân! Dù đơn không được duyệt nhưng anh vẫn đi, không biết là đi đâu, đến nay vẫn chưa trở về và không liên lạc với gia đình.

Theo lời người nhà anh Giòn thì nhà anh cũng như bà con họ hàng, đâu có ai bệnh thận cần phải ghép mà trước đó, "thằng Giòn có xích mích với một số người nên phải lánh mặt!".

2. Những trường hợp nêu trên có phải là "tự nguyện hiến thận" không, hay sự "tự nguyện" ấy chỉ là tấm bình phong che giấu một đường dây, một tổ chức chuyên mua bán thận? Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy trừ trường hợp anh Tranh, quen anh Lợi từ trước và được anh Lợi giúp tìm việc làm, còn thì những người sau chẳng ai có quan hệ huyết thống hoặc bè bạn thân tình gì với người nhận thận, mà việc "hiến" thận chỉ do "người khác" giới thiệu. Tất cả những người đi "hiến" đều là nông dân nghèo, đa phần không có đất sản xuất, phải làm thuê để mưu sinh nên số tiền cả trăm triệu với họ là rất lớn.

Pháp luật Việt Nam quy định cấm mua bán nội tạng người - trong đó có thận. Việc hiến thận chỉ nhằm mục đích cứu sống bệnh nhân, hoặc phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Trên thế giới, chưa một quốc gia nào cho phép mua bán nội tạng mặc dù nhu cầu cấy ghép rất lớn. Xưa nay, việc hiến thận thường là giữa những người trong gia đình, hoặc họ hàng với nhau, còn một người lạ tự dưng "hiến" thận cho một người lạ khác thì nhiều khả năng đó là sự mua bán.

Một bác sĩ ở Khoa Ngoại - Niệu   BV Bình Dân cho chúng tôi biết: "Thông thường, người bán thận và người mua bí mật dàn xếp với nhau về chi phí, giá cả, thủ tục, còn lúc đã đến BV thì trước sau họ đều khẳng định rằng họ tự nguyện. Trừ khi phát hiện những dấu hiệu của việc mua bán, bác sĩ sẽ đình chỉ phẫu thuật để báo cáo lên lãnh đạo xem xét, còn thì ngành y không có chức năng điều tra xem việc tự nguyện ấy thật hay không, mà chỉ căn cứ vào các thủ tục. Nếu họ làm đúng quy định, BV sẽ tiến hành cấy ghép".

Chạy thận nhân tạo vì suy thận.

Theo quy định của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, thì "những công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ năng lực hành vi dân sự, có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình". Hơn nữa, Bộ luật Hình sự không quy định tội danh này nên các trường hợp tự nguyện hiến thận không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trước thực trạng nhiều người "tự nguyện" như thế, Công an huyện Cờ Đỏ vẫn phải tiến hành điều tra nắm thông tin.

Thượng tá Lê Văn Thơ - Trưởng Công an huyện cho biết: "Qua xác minh, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp cò mồi bán thận để hưởng hoa hồng, hoặc những người hiến thận có liên quan đến tổ chức nước ngoài hay đường dây mua bán thận. Chúng tôi đã báo cáo lên trên đồng thời thông qua chính quyền địa phương, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu cặn kẽ để tránh hậu quả suy giảm sức khỏe, giảm khả năng lao động".

3. Bây giờ, trong căn nhà lá trống hốc trống hoác ở ấp 7 xã Thạnh Phú, anh Danh Lang gắng gượng ngồi dậy: "Lúc vừa nhận được 100 triệu thì ông Phú Anh lấy của tôi 5 triệu và mượn thêm 15 triệu nữa nhưng tới nay vẫn chưa trả". 80 triệu còn lại, anh về quê, trả nợ 50 triệu rồi mua đàn heo hơn 10 con: "Tới hồi xuất chuồng thì heo rớt giá nên nghèo vẫn hoàn nghèo".

Hiện tại, những ngày khỏe mạnh, anh Lang đi bón phân, vác lúa mướn với tiền công chưa tới 100 nghìn đồng, còn vợ anh đi phơi lúa cho người ta, tiền công 40 nghìn đồng/ ngày. Anh nói: "Bây giờ biết là cắt thận sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tôi lo lắm. Phải chi trước kia đừng hiến, ráng chịu cực làm ăn thì đâu phải vài bữa lại chịu đau như thế này".

Với anh Hồ Văn Tranh, khoản tiền 120 triệu sau khi giải quyết nợ nần, còn dư vài chục triệu, anh sửa lại ngôi nhà trên phần đất của người chị ruột mới cho. Ngày anh mới "hiến" về, mẹ anh là bà Nguyễn Thị Chỉ, khóc: "Nếu biết nó đi hiến thận, tôi đã cản nó rồi. Bây giờ nó yếu lắm, làm nặng không nổi".

Riêng anh Tranh, anh nói: "Nếu cho tôi trở lại lúc trước khi đi hiến thận, tôi sẽ từ chối ngay. Cho vàng tôi cũng từ chối. Tôi thà đi làm trả nợ còn hơn. Bây giờ đã 3 tháng nhưng vẫn còn đau, không chạy xe được, sức khỏe giảm sút một nửa so với trước,  không làm được việc nặng, đi đứng cũng chậm hẳn, cầm cây búa đóng đinh mà tay run bần bật…".

Sau khi ghép thận, người nhận và người cho đều phải được chăm sóc, theo dõi hằng ngày để xem có biến động về huyết áp, nước tiểu và các chỉ số sinh hóa khác hay không. Bên cạnh đó, người nhận lẫn người cho phải tuân thủ việc kiểm tra định kỳ sau 1 tháng, 3 tháng, 6  tháng, 1 năm… Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì chỉ người nhận thận đến khám thường xuyên, còn người "hiến" thận chẳng ai quay lại vì: "Đi lên đi xuống tốn tiền quá".

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần - Đại học Y Dược TP HCM, nói: "Sau khi hiến thận, một số người sẽ bị ảnh hưởng tâm lý. Họ luôn ám ảnh rằng trong người họ đã mất đi một cái gì đó rồi từ ám ảnh này, họ sẽ cảm thấy đau. Vì vậy, khi người hiến thận xuất hiện những cơn đau thì cần đi khám ngay để xác định đó là đau tâm lý hay đau thực thể, nhằm có hướng điều trị thích hợp…".

Theo các bác sĩ chuyên khoa Niệu - Thận, sau khi cho thận, người cho phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về thăm khám định kỳ, chế độ ăn uống, làm việc để tránh xảy ra những biến chứng: “Ăn mặn quá có khả năng gây ra cao huyết áp. Uống ít nước sẽ khiến nước tiểu cô đặc, dẫn đến sự hình thành các cặn lắng và đó là nguyên nhân gây ra sỏi thận...” chưa kể những viêm nhiễm đường tiết niệu nếu không được điều trị kịp thời cũng có thể gây ra viêm bàng quang, viêm thận...

Thận là một bộ phận thuộc hệ tiết niệu, gồm hai quả, hình hạt đậu, có nhiệm vụ lọc máu trong cơ thể rồi thải các chất độc ra ngoài dưới hình thức đi tiểu. Mỗi quả thận dài từ 10 đến 12,5cm, rộng khoảng 5 đến 6cm, dày 3 đến 4cm và nặng khoảng 170gr. Trong quá trình làm nhiệm vụ lọc máu, thận có thể bị nhiều bệnh lý, chẳng hạn như suy thận hoặc suy thận cấp. Người bị suy thận có triệu chứng nhức đầu do cao huyết áp, phù mặt, tay, chân, bụng hoặc phù tất cả do ứ nước, mệt mỏi, đắng miệng, chán ăn, buồn nôn, mờ mắt, niêm mạc mắt nhợt nhạt do thiếu máu, ngoài ra còn có thể thấy môi thâm, răng xỉn màu, chảy máu chân răng.

Riêng với suy thận cấp, xảy ra do viêm cầu thận cấp hoặc cao huyết áp kéo dài nhưng không điều trị, dẫn đến áp lực máu phá hủy cầu thận, hoặc biến chứng của bệnh tiểu đường, hoặc ăn, nuốt mật cá, mật rắn, mật kỳ đà, hoặc do ong đốt, do viêm họng, do phản ứng với một số loại thuốc chữa bệnh.

Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra suy thận hàng đầu là sỏi thận. Đó là chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại vì nước tiểu quá ít, hoặc hàm lượng chất khoáng tăng cao, lâu ngày tạo ra sỏi. Nếu sỏi thận nhỏ, nó có thể tự ra ngoài khi đi tiểu nhưng nếu sỏi thận lớn, viên sỏi lúc di chuyển sẽ cọ xát vào ống dẫn tiểu gây ra những cơn đau lưng, tiểu ra máu. Nếu sỏi thận bị kẹt trong cuống đài thận, tạo áp lực lên dây thần kinh thận và vỏ thận thì sẽ gây cơn đau quặn thận...

Vũ Cao
.
.