Hiện trường giả - những màn kịch trốn tội

Thứ Năm, 09/10/2008, 14:52
Dựng hiện trường giả sau khi gây án nhằm đánh lạc hướng Cơ quan điều tra (CQĐT) để che đậy hành vi phạm tội là một thủ đoạn của bọn tội phạm. Thời gian gần đây tại Hà Nội và nhiều địa phương khác liên tục xảy ra các vụ án mà hiện trường đã bị bọn tội phạm ngụy tạo, gây khó khăn cho công tác truy tìm.

Theo Đại tá, PGS-TS Ngô Sỹ Hiền, Chủ nhiệm Khoa Nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự Học viện Cảnh sát nhân dân thì dù hiện trường giả có được ngụy tạo tinh vi đến mấy thì với trình độ khoa học kỹ thuật  hình sự phát triển như hiện nay, CQĐT cũng vẫn tìm ra sự thật. Và, điều này đã được thực tế chứng minh.

Tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuần trước, có một phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm, phần vì tính chất nguy hiểm của tội phạm, phần vì tại phiên tòa này, màn kịch che đậy tội ác của kẻ giết người đã bị bóc trần. Y là Bùi Xuân Khánh, 40 tuổi, quê ở Vũ Thư, Thái Bình.

Sau hơn 5 tháng tạm giam, ra tòa, trông Khánh có phần hốc hác hơn hôm bị bắt. Đứng trước vành móng ngựa, Khánh biết mình không thể chối tội được nữa nên đành phải thú nhận: “Vâng, tôi là kẻ đã giết chết cô ấy rồi sau mới quấn khăn vào cổ cô ấy để đánh lừa mọi người rằng, cô ấy tự sát”.

“Cô ấy”, người mà Khánh nói đến chính là chị Lương Thị Lan Anh, vợ Khánh. Hai vợ chồng mới cưới nhau được ít ngày. Lan Anh vừa mới được làm vợ, còn chưa biết đến hạnh phúc làm mẹ thì đã chết bởi chính bàn tay tội ác của chồng.

Trước khi lấy Lan Anh, Khánh đã từng có một đời vợ ở quê. Sau khi sinh con, người vợ này bị ốm rồi mất. Khánh để lại đứa con trai nhỏ gửi nhà vợ nuôi rồi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Cho đến năm 2007 thì Khánh về nước nhưng không về quê mà ở lại Hà Nội cùng gia đình chị gái để kiếm việc làm. Cũng trong thời gian này, qua mai mối của chị gái, Khánh đã quen biết với Lan Anh.

Lan Anh thua Khánh chục tuổi, đang làm công nhân tại một công ty may ở Hà Nội. Hai người gặp nhau chừng vài lần thì hai bên tổ chức cưới vì cha Lan Anh khi ấy đang ốm nặng, sợ không qua khỏi. Khánh khai rằng, đây là một cuộc hôn nhân không tình yêu và Khánh lấy Lan Anh chỉ vì tin vào lời hứa của gia đình bên vợ rằng, nếu hai người thành đôi thì Khánh sẽ có nhà ở và việc làm.

Bùi Xuân khánh bị dẫn vào phòng xét xử.

Quả vậy, sau khi lấy nhau, vợ chồng Khánh đã được cho mượn một ngôi nhà ở Gia Lâm để ở. Trong nhà cũng có đủ tiện nghi: tivi, tủ lạnh... Nhưng cuộc sống chung của hai người thì ngày càng trở nên tồi tệ. Phần vì thiếu tình yêu; phần vì tâm trí Khánh đã để ở nơi một người đàn bà khác. Đó là Đỗ Thị Thu Hà, nhà ở huyện Từ Liêm.

Khánh quen Hà đã lâu, từ khi Khánh mới 18 tuổi, từ quê đi bộ đội đóng quân ở Từ Liêm, ngay gần nhà Hà. Đôi trẻ yêu nhau tha thiết nhưng bị gia đình Hà ngăn cấm. Rồi Khánh ra quân, về quê lấy vợ sinh con.

Nhiều năm sau, khi vợ đầu của Khánh đã mất, Khánh từ nước ngoài trở về Hà Nội và chủ động tìm gặp lại Hà. Lúc này Hà cũng đã có chồng và có 2 con.  Tình yêu cũ lại sống dậy với sức mạnh gấp trăm lần thời son trẻ.

Vì thế, ngay cả khi kết hôn lần thứ hai với Lan Anh thì tình yêu của Khánh đã dồn hết cho Hà. Đến lúc Khánh đã cưới Lan Anh nhưng hai người vẫn hẹn hò, đưa đón. Thậm chí, Hà còn nhắn tin vào máy điện thoại di động xui Khánh: “Nếu không yêu thì đừng có con với nó” (tức Lan Anh). Và, bi kịch bắt đầu khi trong một lần tình cờ, Lan Anh đã đọc được cái tin nhắn bỉ ổi này trong điện thoại của Khánh. Về sau, Lan Anh còn đọc được thêm nhiều tin nhắn khác của Hà trong máy của Khánh.

Tối 18/4, Khánh đi chơi với Hà nhưng lại bỏ quên điện thoại ở nhà. Giống như mọi lần, Lan Anh vớ lấy để kiểm tra tin nhắn. Trong khi Lan Anh đang hý hoáy bấm xem thì Khánh về. Hai vợ chồng cãi nhau đến mãi khuya rồi mới đi ngủ. Giống như nhiều lần khác, lần này, Lan Anh lại bỏ bữa tối vì uất ức.

Sáng hôm sau, Lan Anh không đi làm. Khánh căn vặn tại sao, Lan Anh trả lời nhấm nhẳng và thú tính trỗi dậy, Khánh xông vào túm cổ, đập đầu Lan Anh xuống thành giường liên tiếp cho đến khi Lan Anh bất tỉnh. Dường như vẫn chưa hả, Khánh còn tiếp tục bóp cổ Lan Anh cho đến chết.

Sau khi Lan Anh chết, sợ bị phát hiện, Khánh đã tự tạo ra hiện trường của một vụ tự sát. Khánh nâng Lan Anh dậy, vuốt tóc thật gọn gàng lại rồi đặt Lan Anh nằm nghiêng trên giường như tư thế một người đang ngủ. Sau đó, Khánh lấy một chiếc khăn thường ngày Lan Anh vẫn dùng để quấn chặt vào cổ của cô y như người tự tử. Xong xuôi, Khánh khép chặt cửa phòng ngủ trên tầng 2 mò xuống tầng 1 nấu mỳ ăn rồi dắt xe máy ra khỏi nhà vờ đi đến hàng sửa xe máy.

Mãi đến chiều Khánh mới về nhà người cháu họ ở gần đó, đưa chìa khóa nhà cho cháu vờ nhờ cháu sang nhà gọi vợ dậy đi làm. Người cháu tin là thật đã sang nhà Khánh mở cửa, gọi Lan Anh nhưng thấy Lan Anh đã chết nên hô hoán gọi mọi người xung quanh. Lúc ấy, Khánh mới về, tuồng như một người ngoại phạm. Khánh trình bày với Công an rằng, đêm hôm trước, hai vợ chồng cãi nhau. Sáng hôm sau Lan Anh ngủ muộn, không đi làm. Khánh tự nấu mỳ ăn rồi đi sửa xe máy, sau đó về nhà cháu họ chơi. Đến lúc đứa cháu hô hoán lên Khánh mới biết Lan Anh tự tử, có thể vì cô ấy giận chồng mà tự tìm đến cái chết.

Màn kịch của Khánh, tất nhiên sau đó đã bị CQĐT Công an TP Hà Nội lật tẩy. Bởi vì, kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Lan Anh chết do ngạt cơ học vì bị bóp cổ. Dấu vân tay của Khánh còn để lại khá nhiều trên vùng cổ nạn nhân và trên chính chiếc khăn mà y đã ngụy tạo thắt vào cổ nạn nhân. Vùng gáy nạn nhân có nhiều vết thương chứng tỏ cô đã bị đánh trước khi chết. Kết quả khám nghiệm tử thi cũng cho biết thời điểm chết của nạn nhân là trước khi Khánh dắt xe máy ra khỏi nhà đi sửa.

Hơn nữa, CQĐT còn chứng minh được rằng xe máy của Khánh không bị hỏng, việc Khánh dắt xe đi sửa, không có mặt ở nhà là ngụy trang nhằm tạo ra bằng chứng ngoại phạm. Một cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự Hà Nội, người đã tham gia khám nghiệm hiện trường vụ án này cho biết, dấu hiệu chết do bị bóp cổ khác với chết do thắt cổ nên các đối tượng phạm tội dù có tính toán kỹ lưỡng đến mấy cũng không thể ngụy tạo một vụ giết người bằng bóp cổ thành một vụ tự sát được. Các bằng chứng khoa học khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi sẽ tố cáo ngay sự gian dối này.

Khi tôi đem câu chuyện của Bùi Xuân Khánh kể với Đại tá - PGS-TS Ngô Sỹ Hiền, một người đã nhiều năm làm công tác nghiên cứu và giảng dạy ở lĩnh vực này, ông bảo, màn kịch của Khánh cũng khá tinh vi nhưng còn thua xa đối tượng trong vụ án giết người ở Hà Tĩnh xảy ra hồi năm ngoái.

Hai vợ chồng cũng cãi vã, xô xát  rồi chồng đã xuống tay giết chết vợ như trong vụ án vừa kể trên. Nhưng sau khi vợ chết, người chồng mất nhân tính này đã nghĩ ra một trò quái hơn đó là lôi xác vợ vào nhà tắm rồi cậy miệng đổ cả chai thuốc sâu vào. Thuốc trào ra đầy mũi, đầy cổ tử thi rồi chảy lênh láng ra sàn nhà tắm khiến mùi thuốc sâu bốc lên nồng nặc. Xong rồi, anh chồng khép cửa nhà tắm lại và đi sang nhà hàng xóm chơi.

Đến khi các con đi học về, gọi mãi không thấy mẹ đâu lại thấy mùi thuốc sâu nồng nặc ở khu vực nhà tắm nên mới mở cửa xông vào thì thấy mẹ đã chết. Anh chồng lúc ấy mới về lao vào ôm xác vợ khóc lóc thảm thiết. Bà con lối xóm đến, ngửi thấy mùi thuốc sâu, lại thấy thuốc tràn ra cả miệng lẫn mũi chị vợ nên ai cũng tin là chị này giận chồng mà uống thuốc sâu tự tử.

Nhưng rồi, kết quả khám nghiệm tử thi đã lật tẩy màn kịch tinh vi này. Qua khám nghiệm trong dạ dày nạn nhân không có thuốc trừ sâu chứng tỏ nạn nhân đã bị đổ thuốc trừ sâu vào miệng sau khi chết. Vùng đầu nạn nhân có nhiều vết thương và chính các vết thương này là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân. Điều đó có nghĩa là nạn nhân đã bị đánh chết chứ không phải tự vẫn. Trước các chứng cứ khoa học này, cuối cùng anh chồng đã phải thú nhận toàn bộ sự thật.

Nhưng tinh vi nhất trong việc dựng hiện trường giả có lẽ là hai đối tượng trong vụ án giết người xảy ra ở Tuyên Quang hồi cuối năm 2007.

Sáng ngày 6/10, trên tuyến Quốc lộ 2, thuộc địa phận Tuyên Quang, đoạn km 17+500 có một chiếc xe ôtô 4 chỗ ngồi màu trắng bị tai nạn giao thông đâm vào vỉa taluy bên đường. Một bên bánh xe kênh cả lên vỉa taluy, các cửa kính xe bị rạn vỡ... Phía sau tay lái, một người đàn ông đã bị chết, đầu ngửa về phía sau. Khi tổ tuần tra giao thông của Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang làm nhiệm vụ ngang qua đã phát hiện vụ việc trên.

Qua công tác điều tra ban đầu, nạn nhân được xác định là ông Bùi Huy Hoàng, 55 tuổi, quê ở Hải Dương, trú tại xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ. Hiện trường có vẻ như là một vụ tai nạn giao thông mà người cầm lái do không làm chủ được tay lái đã tự lái xe đâm vào taluy đường và chết bởi cú va chạm này. Tất cả những người dân khi đến hiện trường đều phán đoán như vậy.

Tuy nhiên, kết quả khám nghiệm hiện trường lại cho thấy, các vết rạn ở cửa kính xe không phải hình thành do va chạm với một xe khác mà do bị đập vỡ bằng một vật tày. Không giống như trong các vụ tai nạn  giao thông thông thường, nạn nhân thường bị chết vì đa chấn thương. Còn trong vụ việc này, nạn nhân không bị chấn thương ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể ngoại trừ một vết siết của một sợi dây tại vùng cổ. Đặc biệt, tiến hành giải phẫu tử thi, CQĐT tìm thấy độc tố trong dạ dày của nạn nhân.  Điều đó chứng tỏ nạn nhân đã bị đầu độc và đây là một vụ giết người được ngụy tạo bằng hiện trường của một vụ tai nạn giao thông.

Những chứng cứ khoa học đã buộc Nguyễn Thị Thanh Thuyết, vợ ông Hoàng và người tình của ả là Tạ Hoàng Hiệp phải thừa nhận, đó là hiện trường giả chúng dựng lên nhằm đánh lừa CQĐT.

Thuyết là vợ hai của ông Hoàng, lấy ông Hoàng từ khi mới 16 tuổi. Thuyết kém ông Hoàng gần 20 tuổi nhưng khi trẻ mê mẩn ông Hoàng vì ông này là lái xe đường dài, tiền bạc rủng rỉnh. Sau khi đẻ cho ông Hoàng hai đứa con, thấy ông Hoàng già, Thuyết bắt đầu chán và đem lòng si mê Tạ Hoàng Hiệp, một gã đồng cô có giọng hát chầu văn rất ngọt, kém Thuyết 3 tuổi. Để đến được với nhau, Thuyết và Hiệp đã bày mưu tính kế giết ông Hoàng.

Sáng 6/10, biết ông Hoàng đi công tác Hà Giang, Thuyết đã dậy sớm nấu mỳ cho ông Hoàng ăn và hòa một lượng lớn thuốc ngủ vào cốc bột sắn cho ông Hoàng uống. Sau đó đưa ông Hoàng ra xe nhưng chỉ lái được một đoạn thì ông Hoàng ngấm thuốc buồn ngủ không lái được. Thuyết đã lên thay lái chở ông Hoàng đến điểm hẹn đón người tình.

Sau đó, Hiệp cầm lái chở ông Hoàng theo Quốc lộ 2 lên Tuyên Quang. Khi ông Hoàng đã mê mệt, Hiệp và Thuyết dùng dây thừng mang theo siết cổ ông Hoàng cho đến chết rồi lái xe đâm vào taluy đường, dùng gạch đập vỡ kính xe, tạo dựng hiện trường giả là ông Hoàng tự gây tai nạn giao thông.

Đại tá, PGS-TS Ngô Sỹ Hiền, cho biết, giả tạo hiện trường một vụ tự sát hoặc một vụ tai nạn giao thông để che giấu một vụ giết người chỉ là một trong rất nhiều dạng ngụy tạo hiện trường mà bọn tội phạm thường sử dụng. Trên thực tế còn có những dạng ngụy tạo khác như sau khi giết người thì đốt xác tạo ra hiện trường một vụ cháy (như vụ một đối tượng Hàn Quốc đốt xác một nữ sinh viên Trường đại học Hà Nội), hoặc sau khi giết người thì cắt rời thi thể nạn nhân ra làm nhiều phần rồi phi tang để xóa bỏ hiện trường (như vụ Nguyễn Văn Tuyên ở Thanh Xuân phi tang xác vợ)...

Trong tính toán của các đối tượng phạm tội, hiện trường giả do chúng dựng lên sẽ đánh lạc hướng CQĐT và nhờ đó mà chúng thoát tội. Nhưng Đại tá, PGS-TS Ngô Sỹ Hiền khẳng định: “Với trình độ khoa học kỹ thuật hình sự phát triển như hiện nay, CQĐT sẽ không quá khó khăn để lật tẩy được các màn kịch này”.

Ông cho biết thêm, nạn nhân chết cháy bao giờ trong lòng phế quản, khí quản cũng có bụi tro hoặc bị ngộ độc CO2 thì máu phải có màu cánh sen. Thế cho nên sau khi giết chết nạn nhân rồi mới đốt tưởng là sẽ ngụy tạo được rằng nạn nhân bị chết cháy nhưng trong lòng phế khí quản không có bụi tro, máu không có màu cánh sen thì rõ ràng là nạn nhân không phải bị chết cháy mà là bị giết chết trước khi bị đốt cháy. Hay như nạn nhân chết vì bị ngạt cơ học sẽ có các dấu hiệu khác với chết vì bị chấn thương hay vì bị đầu độc...

Với trình độ khoa học tiến tiến trong giám định hình sự, các kết quả giám định cho biết chính xác nạn nhân chết vào khoảng thời gian nào, nguyên nhân chết do đâu, công cụ, phương tiện gì đã gây nên cái chết cho nạn nhân... Vì thế, Đại tá, PGS-TS Ngô Sỹ Hiền nhấn mạnh, dù ngụy tạo hiện trường tinh vi đến đâu thì CQĐT vẫn tìm ra sự thật, tội phạm sẽ bị đưa ra ánh sáng

.
.