Hoàng Hồng Kiên - “Nick Vujicic Việt Nam”

Thứ Tư, 01/05/2019, 09:02
Có lẽ cặp vận động viên khuyết tật Hoàng Hồng Kiên - Phạm Hồng Thức đã không còn xa lạ với nhiều người khi anh chị đã từng giành được nhiều thành tích cao trong các giải đấu trong nước cũng như Para games khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, gần đây, Hoàng Hồng Kiên được biết đến nhiều hơn với vai trò là một diễn giả truyền cảm hứng sống cho đông đảo người dân.

1. Tôi vẫn nhớ lần gặp chị Hoàng Hồng Kiên tại nhà văn hóa tổ dân phố 4, 5, 6 phường Yết Kiêu (quận Hà Đông, Hà Nội) cách đây 3 năm. Khi đó, biết tôi đến tìm hiểu viết bài, chị đã có nhã ý muốn cho tôi thấy được không khí sinh hoạt của CLB Phụ nữ tự lực quận Hà Đông, nơi có hơn 20 phụ nữ khuyết tật phần lớn là bị khuyết tật về tai, mắt là hội viên và cũng là nơi chị Kiên làm chủ nhiệm. Hôm ấy, tôi đã rất xúc động về một Hoàng Hồng Kiên ăn nói lưu loát, nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn biết quan tâm, chia sẻ với hoàn cảnh của từng hội viên.

Từ đó tôi thân thiết hơn với chị, rồi được chị mời đến nhà ăn cơm. Đó là một phòng trọ cấp 4 chật chội ở Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với những vật dụng hết sức đơn sơ, giản dị. Vật dụng quý giá trong căn nhà nhỏ bé ấy là những tấm huy chương, bằng khen của vợ chồng anh chị. Chúng nhiều đến mức không thể treo hết được trên tường, trên kệ tủ mà phải xếp gọn vào nhau cho đỡ tốn diện tích.

Tôi nhớ, chị rất thích chụp ảnh và có nhờ tôi chụp cho rất nhiều ảnh. Nhìn niềm vui, niềm hạnh phúc ánh lên trên khuôn mặt chị khi được chụp ảnh và sự háo hức, mong chờ khi xem những bức ảnh của mình, tôi thấy thật ấm lòng biết bao.

Chị Hoàng Hồng Kiên.

Cách đây 39 năm về trước tại một bản làng miền núi người dân tộc Tày ở huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, một bé gái xinh xắn, khỏe mạnh cất tiếng khóc chào đời. Bé gái ấy chính là Hoàng Hồng Kiên. Nhưng đến khi 4 tháng tuổi, bé gái ấy đã bị bại liệt mất đôi chân do di chứng của chất độc da cam. Khi ấy, nơi miền núi xa xôi, trình độ dân trí còn thấp nên mọi người đã rất kì thị, chê bai, dè bỉu chị và điều đó vô hình trung là động lực khiến chị luôn phải nỗ lực vươn lên chứng minh bằng những việc làm cụ thể.

Tuy không được đi học nhưng chị vẫn nung nấu một ý chí là phải biết đọc và biết viết. Nhờ sự giúp sức của người thân và lòng quyết tâm của chính mình, cuối cùng chị cũng nhận ra được mặt chữ. Chị đặc biệt thích đọc sách và nghe đài bởi chúng là những người bạn luôn ở bên mỗi khi cô đơn, buồn tủi. Thế là từ niềm đam mê đó cùng với nghị lực vươn lên của bản thân mà trong chị đã ấp ủ được những vần thơ từ lúc nào mà không hề hay biết.

Chị tập tọe làm thơ và đến năm 1999, khi biết tỉnh Lạng Sơn có tổ chức cuộc thi thơ chị đã nhiệt tình tham gia và bất ngờ giành giải nhì. Biết chị bị khuyết tật nên phần thưởng mà ban tổ chức trao tặng là một chiếc xe lăn. Cơ hội thoát khỏi “ao làng” đã đến, nhất là từ khi nghe qua sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam biết tin Hội Người mù Hà Đông đang tuyển hội viên. Sau những lần bán hoa quả cho mẹ, chị dành dụm được khoảng 100 nghìn đồng, rồi một mình đi xe lăn lên Hà Nội với sự hồ hởi và niềm hi vọng thay đổi cuộc đời.

Thế nhưng, đến nơi mới biết hôm đó là ngày nghỉ, tiền cũng chả còn đủ để có thể thuê nhà nghỉ nên chị đành phải ngủ ở bến xe Hà Đông. Sáng hôm sau vào Hội thì chị mới hay biết Hội chỉ tuyển những người có hộ khẩu ở Hà Đông. Nhưng may mắn thay, Hội còn thiếu người tiêu thụ tăm tre, chổi chít. Thế là chị bắt đầu công việc mưu sinh nơi “đất khách quê người” với đầy gian khó bằng công việc như thế.

Mỗi ngày chị phải đi hàng chục km trên mọi ngõ ngách Thủ đô khiến đôi tay của chị trầy xước không biết bao nhiêu vết. Nhưng, với niềm tin vào quyết định của mình, chị gạt đi những khó khăn, thử thách để tiếp tục sống và làm việc trên đất thị thành không người thân thích.

Chị Hoàng Hồng Kiên trong một buổi chia sẻ với các học viên.

2. Biến cố cuộc đời với Hoàng Hồng Kiên vào năm 2003, trong một lần đi giao hàng chị bị tai nạn khiến tay bị gãy, xe thì hỏng. Không có tiền, chị một mình nằm phòng trọ để xương tay tự liền. Thấy hoàn cảnh chị quá khó khăn, Hội Người mù Hà Đông xin với Trung tâm Thể thao Khúc Hạo một chiếc xe lăn để chị đi làm trở lại. Trong lần ấy, thấy chị to khỏe nên HLV Ngô Anh Tuấn gợi ý xin chị vào đội cử tạ nhưng sau thấy tay chị bị lệnh xương nên đưa chị vào đội xe lăn.

Lúc ấy chị nghĩ vận động viên cũng là một nghề và có thể tạo ra thu nhập nên vui vẻ nhận lời. Thế là cứ sáng sớm ra chị đến sân vận động Hàng Đẫy tập luyện, trưa lại đi bán hàng đến tận đêm mới về. Công việc cứ thế diễn ra, 4 tháng sau chị được chọn đi thi đấu và có huy chương.

Trong quá trình tập luyện, sau những lần hỏng xe, được anh Phạm Hồng Thức (quê Gia Lâm, Hà Nội, mất đôi chân do tai nạn tàu hỏa, 14 năm liền vô địch xe lăn toàn quốc) sửa hộ. Từ đó hai người bạn trẻ với hoàn cảnh giống nhau đã rung lên những cảm xúc tình yêu ngọt ngào, cháy bỏng và hạnh phúc khi mà chưa một lần họ tìm thấy trong suốt những năm sinh ra trên cõi đời này. Sau thời gian tìm hiểu, họ đã nghĩ rằng số mệnh cho họ gặp nhau và là của nhau nên đến năm 2004, họ quyết định sống chung bất chấp sự phản đối kịch liệt của gia đình đôi bên. Sau đó, vào năm 2005 chị đã giành được đến 4 huy chương vàng trong sự khâm phục của bạn bè và người hâm mộ.

Tiếp theo, năm 2006 chị giành được 2 huy chương bạc của châu Á - Thái Bình Dương. Trong suốt sự nghiệp thể thao của mình, chị đã giành được đến 8 huy chương vàng Para games cùng với Bằng khen của Chủ tịch nước và 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

3. Thế nhưng thể thao cũng chỉ có mùa, không phải lúc nào cũng thi đấu và có thu nhập, vì vậy song song với việc tập luyện, năm 2006, anh chị đã cho ra đời xưởng tăm tre, chổi chít Thức-Kiên ở Đại Mỗ (nay thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Để lựa chọn được những cây đót chất lượng tốt nhất cũng như giảm chi phí, anh chị đã lặn lội tìm mua ở tận Hòa Bình, Điện Biên.

Thời điểm cao nhất, xưởng đã giải quyết công ăn việc làm cho 30 người, trong đó có hơn 10 người câm điếc. Ngoài thời gian bán hàng, anh Thức còn dùng xe ba bánh để chở hàng và chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập.

Năm 2009, “trái ngọt” tình yêu đã đến khi chị mang thai. Và để tiết kiệm, anh đưa chị về quê ngoại dưỡng thai rồi sinh em bé. Về địa phương, chị kết hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn tuyển người khuyết tật và dạy nghề làm tăm tre, chổi chít cho họ. Năm 2010, xuống Hà Nội chị cũng đi tập lại nhưng thành tích không cao do đã bị mất sức sau sinh và tuổi tác. Chị từ giã sự nghiệp thể thao đầy vẻ vang của mình.

Hoàng Hồng Kiên mở lớp dạy nghề tại một gia đình ở Thường Tín (Hà Nội) và kết hợp với tổ chức từ thiện địa phương để giúp đỡ những người khuyết tật có công ăn việc làm tại xưởng của mình. Em Hoàng Anh Tuấn (sinh viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhà nghèo, quê Yên Bái bị khuyết tật từ nhỏ lên Hà Nội học đại học với vỏn vẹn 4 triệu đồng.

Ở được một tháng hết tiền mà chưa được vào ký túc xá cũng như không có học bổng tài trợ, chị biết chuyện đã nhận Tuấn vào làm công việc tiêu thụ sản phẩm cho xưởng đến khi em nhận được những khoản hỗ trợ của nhà nước.

4. Thế có lẽ đã là ổn, vậy nhưng, cô gái dân tộc Tày ấy không chịu bằng lòng với những gì mình đang có. Bước ngoặt cuộc đời lần nữa lại đến với chị vào năm 2014, khi diễn giả “không tay, không chân” người Úc - Nick Vujicic sang Việt Nam lần thứ hai và chị được ban tổ chức mời là đại diện người khuyết tật tiêu biểu nhất của Thủ đô dự buổi diễn thuyết của Nick ở sân vận động Mỹ Đình. Khi ấy cơn sốt Nick lan tỏa khắp nơi khiến chị mơ ước sẽ trở thành một “Nick Vujicic Việt Nam”.

Nghĩ là làm, chị đã bắt đầu tìm hiểu đến với các khóa học diễn giả ở nước ngoài. Chị tâm sự khó nhất là đi Nhật Bản vì phải chứng minh tài chính có 100 triệu đồng mới đi được. Chị đã phải vay mượn rất nhiều. Năm 2015, chị bắt đầu diễn thuyết những chương trình ngắn. Từ năm 2014 đến 2016 chị đã đến 14 quốc gia trên thế giới để học bằng tiền túi của mình.

Khi tiếp xúc với những sinh viên đại học, chị thấy đa phần các em chưa định hướng được nghề nghiệp trong tương lai, có em vào học đại học lại thi sang trường khác làm lãng phí tiền của, công sức của bố mẹ. Nhận thấy điều đó, đầu năm 2016, “Hành trình kết nối niềm tin cuộc sống” (chương trình truyền cảm hứng sống) của chị ra đời và bắt đầu đến các trường THPT và về các tỉnh thành.

Chị Hoàng Hồng Kiên làm MC chương trình khai mạc Hội thi tiếng hát người khuyết tật lần II khu vực phía Bắc năm 2019.

Các lớp học của chị thường là miễn phí hoặc có thì lấy học phí rất thấp. Thời gian đầu, tiền không có, chị thường tự đi xe ba bánh đến các địa phương, thậm chí có những địa phương ở vùng biên giới để nói chuyện, diễn thuyết đều đặn mỗi tháng. Để tiết kiệm chi phí, trong mỗi chương trình, anh Thức phải đến điều chỉnh âm thanh, ánh sáng thay vì thuê người.

Sau đó câu chuyện nỗ lực vươn lên vượt khó của Hoàng Hồng Kiên cũng như những buổi chia sẻ của chị đã lan tỏa tới nhiều người hơn, chị đã đứng lớp diễn thuyết trước khoảng 5.000 người ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Chị chia sẻ, muốn lan rộng chương trình này đến với người khuyết tật bởi chị biết đâu đó người khuyết tật vẫn còn tự ti, mặc cảm với số phận.

Gần đây, chị lập trang Facebook “Diễn giả Hoàng Hồng Kiên”. Và nếu ai đó đã có lần ghé vào trang thì sẽ thấy những status chia sẻ hết sức bổ ích với nhiều người như: “Không có tài năng nào thiếu đi được ý chí mạnh mẽ kiên cường. Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó”. Hay “...Hãy dũng cảm đấu tranh cho những gì mà bản thân vẫn luôn tin tưởng. Sau cơn mưa trời sẽ lại sáng, mọi ước mơ, đam mê của bạn sẽ trở thành hiện thực sau chuỗi ngày dài bạn nỗ lực và cố gắng và cố gắng”...

Trong những ngày tháng tư này, chị được mời làm MC cho một chương trình hết sức ý nghĩa, đó khai mạc Hội thi Tiếng hát người khuyết tật lần II khu vực phía Bắc, với chủ đề “Những trái tim khát vọng” do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Hôm ấy, ở gần cuối chương trình, cả hội trường đã lắng lại, đâu đó đã có những đôi mắt đỏ hoe và cả những giọt nước mắt khi chị kể câu chuyện về cuộc đời của chính mình và bày tỏ sự tri ân sâu sắc với Đài Tiếng nói Việt Nam - người bạn tri âm của chị hồi bé. Và cũng nhờ có thông tin phát trên đài mà 19 năm trước cô gái tỉnh lẻ Hoàng Hồng Kiên lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội để rồi có sự nghiệp như ngày hôm nay.

Có thể nói, Hoàng Hồng Kiên đã đi một cuộc hành trình dài, với bao cố gắng, nỗ lực, quyết tâm để giờ đây thành quả đã là một diễn giả tên tuổi, một mái ấm nhỏ bé tràn đầy hạnh phúc và tiếng cười bên cạnh người chồng hết mực yêu thương cùng cậu con trai khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi. Ước mơ trở thành “Nick Vujicic Việt Nam” của chị đã thành hiện thực.

Ngô Khiêm
.
.