Hồi ức Bình Sơn

Thứ Năm, 22/02/2018, 14:56
Làng ven sông La, nằm ngay ngã ba Lạc Thiện (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Quốc lộ 8 chạy thẳng thì lên Linh Cảm, sang Lào, nhập một nhánh đường Trường Sơn vào Nam. Rẽ trái thì nối với đường Đồng Lộc, đường Khe Giao chạy vào Quảng Bình rồi cũng lại nhập đường Trường Sơn vào tiền tuyến.

Đường ống dẫn dầu cho chiến trường vắt ngang qua hói (kênh đào) trước cổng làng. Vì thế, làng thành túi hứng bom. Lên 5 tuổi, đi mót lúa, tôi tận mắt thấy đồng ruộng làng mình hố bom chi chít. Nước hố bom trong vắt. Đó là nơi lũ trẻ chúng tôi dừng lại rửa bùn, gỡ đỉa trước khi đội bị lúa về nhà vào mỗi xế chiều.

Tôi sinh giờ Tý, trên chiếc chõng tre đặt dưới hầm. Bữa ấy mưa như trút. Bà mụ xắn quần, lội nước ngập nửa ống chân, đỡ tôi lọt lòng dưới duy nhất một ngọn đèn dầu leo lét. Thằng bé được cắt rốn bằng một thanh cật nứa có hơ qua lửa đèn dầu. Vừa cắt rốn xong thì bom nổ rung chuyển.

Đèn tắt phụt. Cả thanh cật nứa lẫn cái cuống rốn của tôi đều văng đi đâu mất, đốt đèn lên soi tìm mãi cũng không thấy. Núm ruột của tôi xem như đã vùi lẫn đất vườn nhà. Dốc ngược tôi lên, vỗ đét vào mông để bắt tôi khóc cho bật hơi, bà mụ bảo: “Thằng trọi ni rồi mai mốt sẽ lì phải biết”.

Lạ, bom đạn là thế mà không đứa nào chết. Thế hệ chúng tôi không chết trong chiến tranh, chỉ lớn lên còi cọc trong những khó khăn, thiếu thốn của những ngày sau cuộc chiến.

Bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ hôm nay. Trước 1975, đây là vị trí có sân bay Nước Mặn.

Năm 1980, gia đình tôi chuyển vào miền Nam, trụ lại ở Bình Sơn, xã Văn Hải, khi đó thuộc TX Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Thuận Hải. Nơi ở nằm trong doanh trại cũ của một đơn vị Biệt Động quân. Bố tôi là Hiệu trưởng trường BTVH Cán bộ của tỉnh, được phân ở phòng rộng nhất, trong nhà có cả giếng nước riêng, công trình phụ đầy đủ. Sau này, đọc trong cuốn “55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ” của Alan Dowson và lục tìm, so sánh, tôi phát hiện ra rằng căn phòng ấy nguyên là nơi ở của trung tá Vũ Quốc Bảo, chỉ huy trưởng cuối cùng của đơn vị Biệt Động Quân Việt Nam Cộng hòa từng đóng ở đó.

Ngày 8-4-1975, phòng tuyến Phan Rang được thành lập. Viên trung tá này đã dẫn đơn vị của mình ra Quốc lộ 1 chặn quân giải phóng ở khu vực núi Cà Đú, cách đó chừng 5 - 7 km. Ra trận nhưng đôi ủng vẫn đánh xi bóng lộn. Hơn một tuần sau, 16-4-1975, Phan Rang giải phóng.

Trong khu gia binh cũ, lẫn trong cát, thuốc mầu (thuốc đạn súng cối) rơi vãi khắp nơi. Chúng tôi nhặt về hàng vốc những viên thuốc có hình thù như viên đá lửa, to nhỏ đều nhét vào cọng mì (sắn) và đốt… Cọng mì phóng vút lên, bay ngoằn ngoèo, sau đuôi phụt một vệt khói xanh khét lẹt mùi magne, giống hệt mùi khi đốt quả bóng bàn. Tỉnh thoảng có “liều phóng” chui tọt vào kẽ mái tôn, xịt lửa xì xì một chặp rồi tắt. Nhà tôn, tường xây nên không hề gì. Nếu là nhà tranh như ở quê cũ, rất có thể trò chơi con trẻ đã thiêu rụi nửa xóm!

Anh em tôi thường theo thằng Nghị, thằng Vương, rủ thêm anh em Tuấn – Hào… đi đào phế liệu. Sân bay Nước Mặn, thực chất chỉ là một bãi đáp trực thăng quân sự nằm ngay bên bờ biển. Đi thêm 500m nữa là cầu tàu Ninh Chữ, một trong những nơi hỗn loạn nhất trong cuộc tháo chạy giữa tháng 4-1975. Đó chỉ là một gò đất được đắp cao chừng 1,2 m phía trên đáp trực thăng, phía dưới là hầm hào, công sự, ụ phòng thủ.

Chúng tôi dỡ kỳ hết những bao cát chắn công sự, giũ sạch cát để lấy cái bao rách bán ve chai, lấy tiền mua kẹo ú – một loại kẹo bột ngào đường dai ngoách và cay xé vị gừng. Ngày nào cũng đào, cũng bới, cả bãi đáp trực thăng đổ ụp xuống. Thỏa mãn cơn thèm kẹo ú, lũ trẻ chúng tôi đã hồn nhiên tay không xóa sổ cả một tàn tích của cuộc chiến.

Bãi đáp bỏ hoang, gai xương rồng, những búi cây bồn bồn, thầu dầu, cà độc dược… chen lẫn với những bụi phi lao còi cọc đã phủ trùm lên tất cả. Dùng chà – leng, tức cuốc bàn dùng để be cát theo nước tưới rẫy, lưỡi rộng bản, nhẹ và mỏng, chúng tôi đào sâu xuống và mừng phát điên khi tìm ra  cả một kho báu. Những thùng đạn AR 15 mới cứng, những thùng đạn M79 chưa khui, còn nguyên lớp giấy dầu màu xanh rêu lót bên trên.

Viên M79 to như quả chuối cầm lên tay nằng nặng, vỏ hắt ánh kim sa lóng lánh. Mỗi đứa đút vài ba quả M79 đem về nhà cất làm… đồ chơi. Thùng đạn AR 15, có ron cao su và nắp lẫy, rất kín, chúng tôi đổ hết đạn ra, vùi vào cát, lấy thùng không mang về. Thằng Nghị bảo, nó sẽ dùng cái thùng ấy để đựng dầu chạy máy bơm tưới rẫy.

Mang về buổi trưa, buổi tối con nít cả xóm  đột nhiên đều khóc váng lên. Ông Chín Tấc phát hiện ra thùng dầu mới tinh, bèn tra hỏi. Thằng Nghị khai thật. Ông Chín hoảng hồn, đi khắp các nhà thông báo cho các ông bố bà mẹ: bọn con nít đã đào mang về nhà cả kho đạn! Cuộc tổng kiểm tra của xóm kết thúc bằng một trận đòn tập thể với  tiếng roi vun vút. Đứa nào cũng hứa xin chừa.

Sợ đòn thì hứa thế thôi. Thằng Tuấn Ngô, không hiểu nghe ai nói, mà quả quyết rằng đạn M79, khi di chuyển sẽ xổ ron, xổ hết ron là nổ, hễ nổ là banh xác cả căn nhà. Nhưng có ném vô đá, vô tường mạnh mấy, hễ không nổ thì vẫn… an toàn. Tôi không tin, cá với nó 5 viên kẹo ú.

Làng Bình Sơn sống bằng nghề trồng hành tỏi trên cát, có rất nhiều giếng to để lấy nước tưới. Lâu ngày, giếng cạn kiệt, đất cát cũng bỏ hoang. Tôi ôm 2 cục đá xanh to ném xuống giếng cạn. Chúng tôi thi nhau thả những viên đạn M79 xuống cục đá dưới đáy giếng. Chẳng viên nào nổ cả.

Màn cá độ bất phân thắng bại lại kết thúc bằng những trận đòn. Sau đó, trường phải nhờ công binh bắc thang, dòng dây xuống giếng cạn nhặt hết số đạn lên. Vừa quất roi vun vút vừa mắng ầm ầm, ông Hiệu trưởng là bố tôi vừa thở dài: “Muốn chết hay sao mà cứ chơi với bom đạn. Chiến tranh chưa đủ ngán à?”.

Một lần, xe tải của nhà máy xi măng Phương Hải qua cua Bình Sơn đã làm rơi một bao xuống đường. Dừng lại, thấy bao đã nứt, tài xế phóng xe đi luôn. Hè nhau khệ nệ khiêng vô làng, đám trẻ bán bao xi măng bể cho ông Mười Tầng lấy tiền chia nhau mua kẹo bột. Kẹo nhai chưa kịp nuốt, ông Chín Tấc ba thằng Nghị đã xuất hiện véo tai tôi và mấy đứa to đầu vì cái tội chia tiền không đều.

Búi Đá Chồng ngày nay.

Tôi cãi: “Con bé Xíu (hơn hai tuổi) có khiêng xi măng đâu mà phải chia cho nó?”. Ông Chín gầm lên: “Ngu lắm. Nó rớt bao xi măng, bọn mày bảo không khiêng thì không có phần. Vậy rớt… trái bom, nổ, nó ngồi một chỗ thì có phần không?”.

Không cãi được, mỗi đứa lấy một hai viên kẹo thả vào lòng bé Xíu. Thằng Thư con thầy Minh lớp tớp đã nhai hết, chỉ còn  mỗi một viên vừa cho vào mồm. Nó bèn lôi ra, ấn luôn vào mồm bé Xíu. Con bé răng có đâu mà nhai, viên kẹo dính chặt hàm, mũi dãi chảy lòng ròng, thở không được, người tím tái.

Thằng Thư khóc toáng lên: “Con Xíu ăn kẹo chia… chết rồi kìa”. Ông Chín Tấc vội quay lại thò tay vào mồm con Xíu nạy viên kẹo ra, tiện tay tát cho thằng Thư cái bốp! Qua cơn, con bé bỗng nhiên bật cười nắc nẻ, luôn mồm kêu “chẹo! chẹo!”…

Cách trường hơn 1km là núi Đá Chồng. Trên núi có phế tích Văn Thánh Miếu, nghe đâu do ông Nguyễn Văn Thiệu xây cho cụ thân sinh Nguyễn Văn Chung làm nơi đặt trụ sở Hội Khổng học Ninh Thuận. Tòa nhà chữ Đinh đổ nát nhưng mấy chữ “Dĩ đức giáo dân” khắc phía trước thì vẫn sắc nét. Cạnh đó là Trùng Quang Tự, cũng nghe đâu do ông Thiệu xây cho bà cụ thân sinh tu cuối đời. Ông Mười Tầng, ông Chín Tấc… trong xóm tôi từng là lính nghĩa quân bảo vệ cả hai cơ sở đó.

Ông Chín Tấc xin làm rẫy trên mảnh đất trong trường, trồng đậu phộng. Thằng Nghị chiều nào nó cũng ra rẫy theo nước. Rẫy xanh um, nhưng xung quanh thì cát hoa cả mắt, chân trần thò xuống là bỏng rãy. Trưa nắng, chúng tôi cứ hè nhau chạy rông, đuổi theo những con giông cát. Những con giông  sấp bụng bò nhanh thoăn thoắt. Thỉnh thoảng, chúng dừng lại, đảo mắt láo liên rồi lại phóng vút đi.

Chúng tôi lao theo chụp và la oai oái, lò cò bước ra đường ngồi ôm chân mà gỡ. Chân đứa nào cũng dính đầy gai hắc hầu, buốt nhức. Thằng Nghị vừa đứng nhai khoai dong, vừa cười như nắc nẻ. Nó bảo: “Con Việt cộng hông thằng nào biết bắt giông, bày đặt”. Cáu quá, tôi phi tới. Vậy là thành trận đập lộn. Một chặp, thằng Nghị đẩy tôi ra, bảo: “Nghỉ chơi. Hết giờ rồi, không về ba tao đánh”. Không ai can, tự nhiên đám đánh lộn cũng tự động giải tán…

Sau trận đó, anh em tôi nghỉ chơi với thằng Nghị. Độ một tuần sau, đột nhiên ông Chín Tấc ba thằng Nghị và ông Vương, ba của Cu Lớn, Cu Nhỏ cùng ghé thăm bố tôi, ngồi uống trà. Ông Chín mang theo một bẫy lồng toàn giông cát béo múp bảo vừa đào được. Ông Vương mang hai bó miến dong.

Ông Chín bảo với bố tôi: “Tôi nói anh Vương đưa ít giông sang thầy nấu miến cho tụi nó ăn, đừng có chạy long nhong giữa trưa nguy hiểm lắm. Đất này đầy bom mìn, bọn nhỏ chạy lung tung, lỡ có bề gì thầy ạ. Tui là lính, tui biết rõ mà thầy”.

Ông Vương gãi gãi mái đầu không có tóc: “Thầy cho tụi nhỏ sang bên nhà tôi mà chơi. Có tụi nó kèm, anh em thằng Hai Cu nhà tôi thấy học cũng sáng lên nhiều lắm. Coi như nhờ thầy. Toàn cát với xương rồng, đất này mà không học thì mai  mốt tụi nó thành con giông rúc vô cát mất”.

Nhỏ xíu, tôi đâu biết mấy ông người lớn nói gì. Mấy ổng nói chuyện chiến tranh gì kỳ dữ vậy trời. Nghe lỏm mà cũng cay mắt. Mà cũng chẳng biết tại sao, gần 40 năm mà còn nhớ đến tận giờ…

Ký của Nguyễn Hồng Lam
.
.