Hôn nhân cận huyết ở vùng cao A Lưới: Nỗi buồn từ cơn mê hủ tục

Thứ Sáu, 22/01/2016, 07:00
Tại huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên- Huế), bao đời nay người dân vẫn lưu giữ hủ tục hôn nhân cận huyết thống. Hủ tục này khiến nhiều cặp trai gái từ là anh em con cô con cậu trở thành… vợ chồng và là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái giống nòi.


Những câu chuyện hạnh phúc trớ trêu

Ngôi nhà xập xệ, trống hoác của vợ chồng chị Hồ Thị Canh (24 tuổi, dân tộc Pa Kô) nằm cheo leo bên dốc núi dựng đứng ở thôn A Rỉ, xã Hương Nguyên. Lúc chúng tôi đến, Canh và chồng - anh Hồ Văn Ten - vừa đi rẫy về. Nghe hỏi chuyện cưới hỏi, vợ chồng Canh chỉ tay vào tấm ảnh cưới còn mới treo trên đầu chiếc giường oải mục nói, tụi em cưới chưa đầy một mùa rẫy. Thấy một người đàn ông trạc 50 tuổi, tên Ty, đi từ ngõ vào nhà, Canh nói đó là cậu ruột của cô đồng thời cũng là bố của chồng mình.

Cha mất sớm, mẹ đi bước nữa, nên từ nhỏ Canh sống với gia đình cậu ruột. Những ngày sống với gia đình cậu khiến Canh và Ten - người con trai đầu của cậu - có tình cảm gắn bó không khác nào anh em cùng cha mẹ. Rồi tình cảm giữa đôi trẻ chuyển từ tình anh em thành tình yêu trai gái. Thể theo phong tục của người Pa Kô cũng như nhiều dân tộc khác ở miền sơn cước A Lưới, ông Ty tác hợp cho Canh và Ten thành vợ chồng vào cuối năm 2011.

Trước ngày cưới, trong những lần Canh vượt núi lên thị trấn A Lưới biểu diễn văn nghệ, biết tin cô sắp kết hôn cận huyết thống, một số cán bộ ở Phòng Văn hóa - Thông tin huyện ra sức khuyên bảo. Nhưng những lời khuyên này không thể làm Canh thay chuyển tình cảm, bởi Canh nghĩ, việc cô lấy con trai của cậu là chuyện bình thường. “Chúng em đã lỡ phải lòng nhau từ lâu rồi. Phong tục lại khuyến khích chúng em kết hôn nên không có lý do gì mà không lấy nhau làm vợ chồng” - Canh nói và cười mãn nguyện với hạnh phúc trớ trêu mà mình đang có.  

Những ngày rong ruổi ở miền sơn cước A Lưới, chúng tôi được người dân kể rất nhiều câu chuyện vợ chồng có quan hệ cận huyết như trường hợp của Canh. Nhiều cặp mới cưới nhau, nhiều cặp đã bước sang tuổi ông, tuổi bà. Gia đình vợ chồng bà Nguyễn Thị Rương và ông Quỳnh Piềng ở thôn Kê, xã Hồng Vân cũng có người con trai cả là Hồ Văn Kiền lấy vợ cận huyết thống. Vợ của Kiền- chị Nguyễn Thị Xuyền- là con gái của ông Quỳnh Sang. Ông Sang là anh ruột của bà Rương, nên con dâu đầu của bà Rương cũng chính là cô cháu gái của bà!

Chị Hồ Thị Canh vừa lấy người anh con cậu làm chồng.

Biết chúng tôi tìm hiểu chuyện hôn nhân của Kiền, bà Rương khoe: “Vợ chồng hắn đã cưới nhau gần mười mùa rẫy và đã có hai đứa con. Hắn sống ở tận xã Hồng Thủy và hiện làm công an của xã này nhưng hay chở vợ con về thăm nhà lắm”. Tôi hỏi tại sao lại để con trai mình lấy con cậu làm vợ, bà Rương nói đó là việc tiếp nối truyền thống, phong tục của ông bà tổ tiên mà làm theo phong tục thì không có chi phải xấu hổ. Gần nhà bà Rương, vợ chồng bà Trần Thị Sương và ông Hồ Văn Giang là một trong những cặp kết hôn cận huyết lớn tuổi nhất còn sống ở xã Hồng Vân. Bố bà Sương và mẹ ông Giang là anh em cùng cha mẹ.

Bà Sương cười tít mắt, nói bà vừa có thể gọi mẹ ông Giang là mẹ chồng vừa có thể gọi là cô, còn ông Giang gọi cha của bà là bố vợ hoặc cậu đều đúng. “Ngày trước con cô lấy con cậu như vợ chồng tui chủ yếu do bị cha mẹ ép buộc, chừ tụi trẻ lấy nhau như ri phần nhiều do chúng yêu thương nhau mà cưới nhau, ít khi do cha mẹ ép lắm” - bà Sương kể.

Kết hôn cận huyết vì sợ… mất của (?!)

Bà Sương bảo, đối với các dân tộc ở miền sơn cước A Lưới, chuyện con cô lấy con cậu là hết sức bình thường. “Giống nòi là cha, giống nòi là mẹ, con cô phải lấy con của cậu để không quên nguồn gốc của mình”- bà Sương giải thích. Theo bà Sương, đồng bào các dân tộc ở A Lưới rất sợ con cháu quên nguồn gốc, anh em máu mủ của mình. Vì là anh em cận huyết nên khi lấy nhau, đôi phu thê sẽ không phụ bạc nhau, họ vừa là dâu rể vừa là con cháu nên sẽ biết yêu thương, chăm sóc hai bên gia đình chu đáo.

Ông Hồ Văn Liên - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thủy cho biết, ngoài nhằm để đôi trẻ không quên nguồn gốc, con cô con cậu lấy nhau còn để không bị mất của. Bởi lẽ, nếu con cô con cậu lấy người khác thì của cải của gia đình phải chuyển cho người ngoài, và như thế là tài sản bị mất đi. Trong khi đó, phong tục của các dân tộc quy định của cải không nên di chuyển cho người ngoài dòng máu, dòng họ có vật quý không thể cho sang dòng họ khác. 

Sau một lúc bấm ngón tay nhẩm tính, ông Liên nói trong đám cưới của người dân các dân tộc Pa Kô, Kơ Tu, Tà Ôi, Pa Hy ở A Lưới, nhà trai tốn rất nhiều của cải. Lễ vật cưới vợ của chàng trai phải có đủ trâu, bò, heo, dê, chiêng, nồi đồng lớn, 10 cục đồng đặc… “Nếu con trai trong nhà mà lấy người ngoài dòng máu làm vợ thì sẽ bị mất lượng lớn của cải. Khi con cô lấy con cậu, của cải của hai gia đình được chuyển qua về cho nhau, họ đều là anh em ruột thịt nên coi như không mất của” - ông Liên giải thích.

Chuyện con cô con cậu lấy nhau làm vợ làm chồng ở A Lưới có sự khác nhau giữa các vùng và các dân tộc. Nhiều nơi, người ta quy định chỉ có con trai của cô mới được phép lấy con gái của cậu. Trong khi đó, có nơi  người ta còn cho phép con gái của cô kết hôn với con trai của cậu. 

Con dâu đầu của bà Nguyễn Thị Rương cũng chính là cô cháu gái của bà.

Hầu hết các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết ở A Lưới mà chúng tôi gặp đều khẳng định như đinh đóng cột rằng việc hôn nhân của mình không có gì vi phạm. Thậm chí, họ nói, hiện tại và sau này, nếu con cái của mình mà có tình cảm với con cô hoặc con cậu thì họ vẫn tác hợp cho bọn trẻ. Một số cặp con cô lấy con cậu kể rằng, khi họ đến xã đăng ký kết hôn, cán bộ không hề hỏi han về mối quan hệ giữa hai người và không hề tuyên truyền gì cả.

Nỗi lo suy thoái giống nòi từ cơn mê của hủ tục

Bà Hồ Thị Tư - Phó phòng Văn hóa thông tin huyện A Lưới thở dài khi trò chuyện với chúng tôi về hủ tục kết hôn cận huyết trên địa bàn. “Hôn nhân cận huyết là một trong những hình thức của tục nối dây đã có ở A Lưới từ thời xửa thời xưa. Đến ngày nay, bà con không hiểu biết về khoa học nên cứ mãi đắm chìm trong cơn mê đằng đẵng của hủ tục” - bà Tư nói.

Bà Tư kể, ngày trước, để thực hiện tập tục hôn nhân cận huyết, cha mẹ thường ép con cái lấy con cô con cậu làm vợ làm chồng. Nhiều người lớn cũng bị cha mẹ ép kết hôn theo hình thức này bởi vì việc dựng vợ gả chồng cho thế hệ sau ngày đó chỉ vì vật chất, không phải vì tình yêu. Hiện nay, việc kết hôn theo hình thức này hầu hết không phải do cha mẹ ép buộc nữa mà do sự tự nguyện của đôi trẻ. Mà đôi trẻ đã yêu nhau thì dù cha mẹ không muốn cũng không tài nào ngăn cản.

Qua việc tìm hiểu về vấn đề hôn nhân cận huyết ở huyện vùng cao A Lưới, chúng tôi thấy rằng trên thực tế càng về sau này khi các thế hệ thanh niên được học hành chu đáo, công tác tuyên truyền của chính quyền các cấp đã khởi sắc hơn thì tình trạng hôn nhân cận huyết đã có phần giảm xuống. Tuy nhiên, đây vẫn là nỗi lo vì không dễ gì xóa sạch. Mặt khác, cán bộ địa phương mỗi khi được hỏi về thực trạng này, họ thường tìm cách lảng tránh vì sợ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và thành tích của địa phương mình…

Bà Trần Thị Sương có chồng là người anh con cô.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trương Thị Bích Phượng - Trưởng bộ môn Sinh lý động vật - Tế bào - Di truyền, Khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học - Đại học Huế cho biết, các đặc điểm trên cơ thể được quy định bởi vật chất di truyền ở bên trong, là các gien. Các gien từ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau qua con đường sinh sản cùng với quá trình sao chép. Quá trình sao chép của vật chất di truyền có thể xảy ra sai sót, xuất hiện các đột biến. Đối với các bệnh di truyền do gien lặn đột biến trên nhiễm sắc thể thường là khá hiếm trong quần thể. Các thể dị hợp là phổ biến hơn thể đồng hợp. Sự kết hôn đồng huyết giữa những người dị hợp tử mang gien bệnh sẽ tạo điều kiện xuất hiện cá thể đồng hợp tử biểu hiện thành kiểu hình mang bệnh.

Vì vậy, PGS.TS Trương Thị Bích Phượng cảnh báo, con cái của những cặp hôn nhân cận huyết có nguy cơ mắc các bệnh tật di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, còi cọc, down hoặc kém phát triển về trí não... Nguy cơ mắc những bệnh này của những đứa trẻ có cha mẹ cận huyết thống cao gấp 10 lần so với những đứa trẻ khác. Khi trưởng thành, những đứa trẻ được sinh ra từ những ông bố bà mẹ là anh em họ cũng dễ có nguy cơ sẩy thai hoặc vô sinh. Đây đang là nguyên nhân làm suy giảm dân số ở các dân tộc thiểu số của nước ta.

Theo PGS.TS Phượng: “Ở A Lưới xảy ra hôn nhân cận huyết không chỉ là phong tục lạc hậu mà còn do môi trường sống (ở nơi hẻo lánh, biệt lập), do quan hệ đời sống (anh em gần gũi nhau trong công việc, sinh hoạt) và xuất phát từ một tổ tiên chung nên thường kết hôn gần. Việc này do trình độ, hiểu biết của người dân còn thấp. Hướng giải quyết trước mắt là phải chú trọng phát triển kinh tế, đời sống, nâng cao trình độ, nhận thức, phổ biến kiến thức cho người dân. Ngoài ra, cần phải điều tra, nghiên cứu cụ thể về các cuộc hôn nhân cận huyết để có phương pháp giải quyết và công bố rộng rãi kết quả cho người dân biết.

Thực tế y học đã chứng minh nhiều tác hại, nỗi đau do hôn nhân cận huyết. Như một gia đình quý tộc ở Anh chỉ kết hôn trong hoàng tộc để vương quyền không lọt cho người ngoài. Sau này con cháu đời sau bị bệnh máu không đông. Hay như dòng họ Habsburg là một vương triều vĩ đại, cai trị nhiều nước rộng lớn ở châu Âu bị sụp đổ vì hôn nhân cận huyết. Trong số 16 đời vua, vị vua cuối cùng của triều đại là Charles Đệ nhị qua đời năm 1700. Ông vua này mắc bệnh đường ruột, đái ra máu và vô sinh nên không có người nối dõi... Còn ở A Lưới, nhiều trẻ em sinh ra từ hôn nhân cận huyết bị chậm phát triển, suy dinh dưỡng hơn so với trẻ thông thường.

Cũng theo PGS.TS Phượng, để giảm bệnh di truyền do kết hôn đồng huyết, cần chăm lo cho con em được học hành đầy đủ, được trang bị kiến thức để hiểu biết, đây là cách tốt nhất. Ngoài việc nâng cao trình độ dân trí, chính quyền địa phương phải tuyên truyền thường xuyên, liên tục đến từng hộ gia đình để làm thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán kết hôn đồng huyết. 

Quốc Anh – Thanh Chương
.
.