“Hung thần” xe ba gác

Thứ Ba, 20/04/2021, 20:16
Luật cấm cũng mặc kệ, Cảnh sát giao thông xử phạt, giữ cả giấy phép lái xe lẫn phương tiện thì chế xe khác, người dân phản đối cũng bỏ ngoài tai... Họ vì tiền, nại cớ mưu sinh mà bất chấp mạng sống của người khác, điều khiển xe ba gác tự chế, xe 3 bánh vận chuyển tôn, thép có chiều dài vượt nhiều lần so với thùng xe trên đường. Tai nạn xảy ra thì cãi chầy cãi cối, có khi bỏ của chạy lấy người nếu thấy người bị tai nạn có chiều hướng nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện nay, loại phương tiện này là nỗi khiếp sợ đối với không ít người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Những vụ tai nạn thương tâm

Thời gian gần đây, trên địa bàn các quận, huyện vùng ven TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, xe ba gác, xe 3 bánh tự chế hoạt động rầm rộ. Rong ruổi trên nhiều tuyến như Quốc lộ 1A đoạn từ huyện Bình Chánh đến quận Thủ Đức, đường Nguyễn Ảnh Thủ, Hà Huy Giáp thuộc quận 12, Quốc lộ 22 qua địa bàn huyện Hóc Môn, Huỳnh Tấn Phát nối quận 7 với Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh...

Hiện trường các vụ xe ba gác chở tôn gây tai nạn chết người ở Củ Chi, quận 12, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Các trục đường trong khu công nghiệp Sóng Thần, Đồng An, Quốc lộ 1K thuộc tỉnh Bình Dương và Quốc lộ 51 thuộc tỉnh Đồng Nai, chúng tôi ghi nhận xe chở tôn, sắt, thép lưu thông nhan nhản. Những chiếc xe này hầu hết là xe cũ không gắn biển kiểm soát hoặc có thì cũng bị phủ mờ bằng lớp sơn. Thùng xe được hàn thêm giá đỡ, khung thép để chỉ chuyên vận chuyển tôn, sắt, thép. Họ thường xuyên nẹt pô, bóp còi inh ỏi, thậm chí nếu gặp đoạn đường đông người hoặc giao lộ thì còn thêm âm thanh gào thét “tắp zô... tắp zô...” tạo thứ âm thanh hỗn độn inh tai, nhức óc. 

Một số tài xế có ý thức chấp hành, chỉ chất hàng hóa trong thùng xe nhưng một bộ phận không nhỏ bất chấp luật lệ giao thông, sẵn sàng chở những sóng tôn, những cây sắt dài hơn chục mét vô tư lao trên đường gây nguy hiểm cho người qua lại. Thậm chí, đã từng có những vụ tai nạn gây chết người.

Trưa 16-4-2020, ông Ngô Đình Thạch (sinh năm 1958, tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) điều khiển xe máy lưu thông trên đường liên huyện Thống Nhất - Cẩm Mỹ (theo hướng từ huyện Thống Nhất đi huyện Cẩm Mỹ). Khi đi đến đoạn đường thuộc xã lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, xe của ông Thạch bất ngờ bị xe lôi tự chế được kéo bởi xe mô tô BKS 60S4-4870 lấn sang trái tông trực diện.

Cú va chạm mạnh khiến những tấm tôn trên thùng xe trượt về phía trước cứa thẳng vào phần cổ ông Thạch. Gây ra tai nạn nghiêm trọng nhưng người điều khiển xe ba gác thiếu đạo đức này đã trốn khỏi hiện trường bỏ mặc nạn nhân nằm quằn quại trên vũng máu. Một số người dân xung quanh phát hiện vụ việc chạy đến đưa ông vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã quá muộn do bị đứt động mạnh cổ gây mất máu quá nhiều. Đội CSGT huyện Thống Nhất có mặt tại hiện trường rất nhanh nhưng cũng không kịp cấp cứu nạn nhân.

Xe ba gác tự chế vô tư chở tôn trên Quốc lộ 51, tỉnh Đồng Nai.

Một vụ khác, chiều 1-10-2020, cháu T.H.K (sinh năm 2007, tại xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) trong lúc điều khiển xe đạp điện chở bạn đi học thêm trên đường Trần Văn Chẩm (hướng từ Quốc lộ 22 vào trung tâm huyện) thì xảy ra va chạm với xe ba gác máy chở tôn theo chiều ngược lại do Nguyễn Trường Giang (sinh năm 1990, quê tỉnh Ninh Bình) điều khiển. Cú va chạm khiến cháu T.H.K tử vong trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu, còn cháu bé ngồi sau bị thương phải nằm điều trị hơn một tuần.

Gần đây hơn, rạng sáng 28-3-2021, anh Lê Phú Vinh điều khiển xe Exciter 78G1-527.52 chở Nguyễn Văn Hòa (cùng sinh năm 2001, tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) lưu thông trên đường Tô Ngọc Vân, hướng từ cầu Bà The ra Quốc lộ 1. Khi đến khu vực trước nhà số 99C, đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12 thì xảy ra va chạm với xe 3 bánh lưu thông hướng ngược lại, sau đó xe 3 bánh tông tiếp vào xe máy 78H7-6754 do anh Lê Văn Huy (sinh năm 2002, ngụ Đồng Nai) điều khiển.

Cú tông khiến hai anh Vinh và Hòa văng vào tủ kim loại có gắn kính ở lề đường, nằm bất tỉnh, riêng anh Huy may mắn chỉ bị trầy xước nhẹ. Thấy tài xế xe ba gác tăng ga bỏ chạy khỏi hiện trường, một số người đi đường xúm lại đưa vào bệnh viện Quân y 175 cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, mất máu nhiều nên anh Vinh không qua khỏi.

Cần mạnh tay xử lý

Theo một cán bộ Đội CSGT Công an quận 12, TP. Hồ Chí Minh, nhận thấy mức độ nguy hiểm khôn lường từ những chiếc xe 3 bánh chở tôn, sắt quá khổ, từ nhiều năm nay Ban chỉ huy Công an quận đã chỉ đạo cho CBCS trong đội thường xuyên xây dựng chuyên đề tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm, đồng thời tổ chức tuyên truyền đến từng cửa hàng, công ty kinh doanh sắt thép, tôn trên địa bàn và tài xế để họ không vi phạm.

Mỗi tháng, Đội đều thực hiện ít nhất từ 4-5 chuyên đề về tuần tra, kiểm soát và xử lý đối với các trường hợp xe các loại vi phạm chở tôn, sắt có chiều dài và kích cỡ vượt quá quy chuẩn của xe, qua đó xử phạt hàng trăm lượt vi phạm.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cửa hàng và tài xế vì lợi ích trước mắt, không màng đến tính mạng của những người tham gia giao thông vẫn lén lút thực hiện các vụ vận chuyển sắt thép, tôn vi phạm các quy định về an toàn giao thông vào ban đêm, nhất là thời điểm từ 23 giờ đến rạng sáng hôm sau hoặc lúc giữa trưa.

Một cửa hàng bên Quốc lộ 1, quận 12, TP. Hồ Chí Minh chất tôn lên xe, chờ “vệ tinh do thám” thông báo trước khi lên đường.

Nhiều tài xế khi vận chuyển còn tìm cách đối phó với CSGT bằng việc cho người chạy xe gắn máy đi trước để dò đường và khi thấy có trạm, chốt công an thì dùng điện thoại thông báo để tài xế tấp xe vào lề chờ đến khi tổ công tác rời đi thì tiếp tục vận chuyển.

Theo chân tổ tuần tra, kiểm soát, xử lý đối với các loại xe ba gác chở tôn, sắt, hàng hóa các loại vi phạm quy định về an toàn giao thông tại một điểm chốt cố định trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, gần 2 tiếng đồng hồ chúng tôi ghi nhận 3 xe ba gác nhưng chỉ có thể lập biên bản xử lý lỗi chở hàng cồng kềnh. Thấy không hiệu quả, đồng chí tổ trưởng quyết định thay đổi phương thức bằng cách tuần tra lưu động theo nhiều tuyến như Hà Huy Giáp, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 22.

Trên đường đi, chúng tôi ghi nhận hầu hết trước mỗi cửa hàng bán tôn, sắt thép đều có xe ba gác chất đầy hàng đậu sẵn bên trong. Quay sang hỏi một cán bộ CSGT, tôi được biết các cửa hàng này cùng với cánh tài xế xe ba gác thường cắt cử hẳn một vài người làm “vệ tinh do thám”. Những vệ tinh này thường xuyên sử dụng xe mô tô quần thảo khắp các cung đường trong quận và các địa bàn lân cận, nếu thấy không có trạm, chốt thì gọi điện thoạt thông báo cho các cửa hàng và tài xế lùa xe xuống đường, trong trường hợp phát hiện chốt đột xuất thì cũng thông báo để tài xế tấp xe vào lề đường đối phó.

Tổ công tác phát hiện một xe ba gác máy chở sắt nên lập tức áp sát, ra hiệu lệnh dừng lại. Tài xế này chấp hành hiệu lệnh nhưng do chở quá nặng và sắt trên xe dài gần chục mét nên anh này vừa phanh, vừa lách các phương tiện khác trên đoạn đường hơn trăm mét mới dừng lại được.

Khi bị lập biên bản về các lỗi điều khiển phương tiện không có giấy phép, không mang theo giấy tờ tùy thân, chất hàng cồng kềnh vượt nhiều lần so với quy định thì anh này bỏ đi, nhất quyết không ký. Chỉ đến khi một cán bộ CSGT giải thích và thông báo, nếu không hợp tác sẽ kéo xe về trụ sở thì anh ta mới quay lại năn nỉ ỉ ôi: “Cho em xin, lỗi nhẹ thôi các anh. Nhà em còn mấy cái tàu há mồm ở dưới quê, đóng phạt nặng quá thì tháng này chúng chết đói mất... Anh nhà báo cũng đừng chụp hình nhé. Nếu lên báo thì em hết đường kiếm cơm luôn... Thôi, để em chuyển sang chợ đầu mối chở rau quả cho lành...”. 

Luật sư Phan Hoàn Phúc - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết: Từ ngày 1-1-2008, ô tô đã hết niên hạn sử dụng; xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh ở TP. Hồ Chí Minh bị đình chỉ lưu hành; tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ các trường hợp vi phạm. Cơ quan công an cũng tạm dừng đăng ký mới các loại phương tiện 3-4 bánh tự chế, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm.

Theo luật sư Phúc, ngoài việc xử phạt, UBND TP Hồ Chí Minh đã đồng ý đề án của Sở Giao thông vận tải theo lộ trình: Giai đoạn 2021-2022, cấm các loại xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố và một số tuyến đường ngoài khu vực trung tâm và tiến tới loại bỏ các loại xe này.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, thành phố vẫn còn khoảng 30.000 xe 3-4 bánh tự chế hoạt động và có 2.167 xe cơ giới 4 bánh được đăng ký cấp biển số. TP Hồ Chí Minh đang tìm phương án xử lý triệt để nhưng thực tế vẫn có hàng chục ngàn xe ba gác máy mang biển đăng ký ở các tỉnh, thành khác đang hoạt động trên địa bàn thì tính thế nào?
Việc này đòi hỏi Ủy ban An toàn giao thông phải vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo đồng bộ các tỉnh thành lập phương án nghiêm cấm xe ba gác lưu thông trong khu vực trung tâm, quyết liệt xử lý, tịch thu đối với xe ba gác tự chế, phạt thật nặng đối với những trường hợp xe có đăng ký nhưng vận chuyển hàng hóa cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, tịch thu xe ba gác hoán cải chở tôn, sắt, thép quá khổ...
Đức Cương
.
.