Kể tiếp chuyện khó tin nhưng có thật ở Hải Lộc

Thứ Bảy, 27/12/2008, 14:45
Gia đình bà Nguyễn Thị Sánh (thôn Y Vích) thuộc loại... nghèo nhất thôn. nhà bà thuộc diện giải phóng mặt bằng và được đền bù tất cả là 13,2 triệu đồng. Nhưng chưa kịp về đến nhà bà bị mấy cán bộ xã, thôn ra chặn lại "mời" về trụ sở thôn để nhân có số tiền đền bù ấy thì... đóng góp ủng hộ cho nhà chùa là... 10 triệu đồng???

>>Khi chính quyền xã…hành nhà báo!

Sau khi Chuyên đề ANTG số 811 ra ngày 26/11 đăng bài "Khi chính quyền xã ... hành nhà báo", chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc, trong đó đều đặt câu hỏi vì sao những cán bộ chính quyền xã Hải Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa) đã mắc quá nhiều sai phạm trong thời gian dài mà không bị xử lý, phải chăng họ được một thế lực nào đó bao che? Chúng tôi đã trở lại huyện Hậu Lộc và có buổi làm việc với Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện để tìm câu trả lời.

Cán bộ xã đi bắt nợ dân

Trở lại câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Văn Thủy, ở thôn Lạch Trường, người chỉ vì nợ mấy khoản đóng góp mà bị chính quyền xã thu cả 4 tấm ván mua về đóng áo quan mà chúng tôi đã nêu trong bài trước.

Năm đó, xã Hải Lộc mở đợt cao điểm thu các khoản đóng góp của năm và cả tiền nợ đọng từ những năm trước nữa. Không biết xã thu những khoản tiền gì mà nhà ông Thủy phải đóng đến mấy trăm nghìn. Trong lúc ông còn đang loay hoay chưa biết tìm đâu ra tiền thì xã, thôn đã cho người đến "quy trữ tài sản". Nhà chỉ có duy nhất mấy tấm ván ấy là đáng giá nên họ vác đi.

Hơn một năm sau, anh Nguyễn Văn Năm, con trai út của ông từ miền Nam ra, nghe bố kể chuyện, dù chẳng dư dật gì vì chỉ vào Nam đi làm thuê kiếm sống, anh đã dốc nhẵn túi để lên xã hoàn thành nghĩa vụ đóng góp của gia đình mình, cả nợ cũ lẫn lãi là hơn 1 triệu đồng. Đóng xong, tưởng được lấy mấy tấm ván về, nhưng người ta bảo, muốn lấy ván về thì phải nộp... tiền lưu kho với giá là 5.000 đồng/ngày. Hơn một năm trời lưu kho, khoản "phí trông coi" phải nộp nhiều hơn tiền mua mấy tấm ván, tiền cũng chẳng còn nên anh đành tay không ra về. 

Mấy tấm ván ấy, gia đình ông Thủy đã xác định là mất. Nhưng sau hôm tôi về được vài ngày, ông trưởng thôn và công an viên bỗng dưng... vác đến trả. Tuy nhiên, khi người nhà ông Thủy kiểm tra mới phát hiện ra sau mấy năm được "bảo quản" trong kho của xã, 1 trong 4 tấm ván ấy bị mối mọt xông đầy, không thể đem đi "đóng áo" được nữa nên gia đình ông quyết không nhận.

Ông Nguyễn Văn Thủy tần ngần bên 4 tấm ván mà xã trả lại nhưng đã hỏng hết, chẳng thể dùng để "đóng áo" được nữa.

Vật nài mãi mà chủ nhà không chịu nhận lại tài sản của mình, mấy "công bộc" bảo đã đem đến rồi thì xin gửi lại, rồi xã sẽ tìm cách khắc phục sau; rồi chẳng cần chủ nhà có đồng ý hay không, họ vội vàng xếp mấy tấm ván ngay chái nhà, đi thẳng.

Nhưng gia đình ông Thủy không phải là trường hợp duy nhất bị "quy trữ tài sản". Không ít gia đình ở Hải Lộc chỉ vì nợ tiền đóng góp mà bị xã thu từ tivi đến bàn ghế. Trong đó có nhà khi mang tiền đi chuộc được chiếc tivi từ xã về thì xem được vài hôm cũng hỏng luôn.

Những "chuyện thật như bịa" ở làng quê này vẫn chưa hết. Gia đình bà Nguyễn Thị Sánh (thôn Y Vích) thuộc loại... nghèo nhất thôn. Khi kè Y Vích được Nhà nước đầu tư xây dựng, nhà bà thuộc diện giải phóng mặt bằng và được đền bù tất cả là 13,2 triệu đồng. Ngày 17/11/2008, bà cùng mấy hộ dân lên xã để nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

Với người đàn bà quanh năm sống trong nghèo khó thì số tiền 13,2 triệu đồng quả là quá lớn nên bà có nhiều dự định. Nhưng chưa kịp về đến nhà bà bị mấy cán bộ xã, thôn ra chặn lại "mời" về trụ sở thôn để nhân có số tiền đền bù ấy thì... đóng góp cho nhà chùa một chút. Vốn chẳng bao giờ dám trái lời cán bộ, bà đành theo họ về hội trường thôn.

Tại đây, bà bàng hoàng khi biết số tiền mà mình phải "ủng hộ" là... 10 triệu đồng. Đang bất ngờ vì được cầm số tiền quá lớn, rồi thình lình bị triệu về thôn, bà chẳng nghĩ được gì. Vì thế, khi cán bộ xã nói vậy, như kẻ mộng du, bà ngoan ngoãn đưa cho họ đủ số tiền như họ yêu cầu. Ra đến cổng, bà mới giật mình nhận ra cái việc dại dột vừa làm nên quay lại xin "các chú" thương tình cho xin lại chút ít nhưng vô dụng.

Sáng hôm sau, bà lại lên xã xin lại 2 triệu, còn 8 triệu sẽ ủng hộ, họ cũng chẳng nghe.

Ở thôn Y Vích còn nhiều nhà khác, khi đi nhận tiền đền bù, cũng đều bị xã, thôn bắt... ủng hộ chùa. Như nhà ông Trịnh Văn Hùng, nhận tiền đền bù được 2,4 triệu đồng, chưa kịp mang về nhà thì đã bị xã, thôn bắt "ủng hộ"... 1 triệu đồng.

Không chỉ có kiểu "quy trữ tài sản" và bắt ép dân ủng hộ không khác gì thời phong kiến như vậy, với những người dân không đóng góp đầy đủ các khoản xã đề ra lập tức bị “cấm vận”.

Có 2 nạn nhân trong số đó là anh Nguyễn Văn Tích và chị Phạm Thị Nga, ở thôn Tân Lộc. Hai người yêu nhau và rồi, họ đã "ăn cơm trước kẻng". Biết chuyện, dù buồn vì mang tiếng với hàng xóm nhưng ông Nguyễn Văn Thoa (bố anh Tích) đứng ra tổ chức đám cưới.

Nhưng, ngày 3/11/2008, khi hai người đi đăng ký kết hôn đã bị UBND xã từ chối. Lý do hai người không được xã cho đăng ký kết hôn vì gia đình anh Tích còn... nợ mấy chục ngàn đồng tiền mua vật tư phòng chống bão lụt năm 2008. Bởi xã đã quy định "Mỗi khi đến giao dịch với địa phương, phải xuất trình sổ kế hoạch gia đình và các giấy tờ liên quan đến công việc gia đình cần giải quyết!". Gia đình thiếu tiền đóng góp, thì đương nhiên con không được đăng ký kết hôn.

Việc không cho công dân đăng ký kết hôn rõ ràng là việc làm xâm phạm quyền công dân. Không những thế cái sai này lại bắt nguồn từ một cái sai khác bởi khoản thu mua vật tư phòng chống bão lụt năm 2008 là trái với quy định của UBND huyện Hậu Lộc về việc chấn chỉnh việc tổ chức thu các khoản đóng góp của nhân dân, có một điều khoản rõ ràng: "Từ ngày 1/1/2008 việc huy động vật tư, lực lượng phòng chống bão lụt thực hiện bằng hiện vật, vật tư tại chỗ, lực lượng tại chỗ. Nghiêm cấm việc huy động đóng góp bằng tiền của nhân dân!". Quy định của huyện rõ như vậy nhưng "ông xã" vẫn ngang ngược đứng ra thu, ai chống đối không đóng thì xã sẽ xử lý theo kiểu "cấm vận" như vậy.

Cũng vì nợ tiền mà anh Trịnh Văn Thành ở thôn Đa Phạn giờ đã có 2 mặt con nhưng vẫn chưa có giấy kết hôn. --PageBreak--

Hàng loạt sai phạm trong quản lý kinh tế

Không chỉ nghĩ ra đủ trò để tận thu tiền của dân, lãnh đạo xã Hải Lộc còn cố ý làm trái, lập hồ sơ khống để rút tiền Nhà nước. Theo kết luận của Thanh tra huyện Hậu Lộc, khi kè đê biển Y Vích được khởi công, theo biên bản xác định đất ở ngày 12/4/2006, có sự tham gia của đại diện các phòng chức năng huyện Hậu Lộc và xã Hải Lộc thì có 27 hộ bị ảnh hưởng, thiệt hại do xây dựng công trình này. Trong số đó, có 1 hộ có nhà ở và công trình phụ, còn 26 hộ bị thiệt hại về đất đai, hoa màu.

Nhưng, căn cứ vào bản đồ địa chính thì diện tích đất bị thiệt hại chỉ là đất hoang chứ không phải đất của các hộ dân trên. Do các cơ quan liên quan đã không nghiệm thu kết quả giải phóng mặt bằng (GPMB) nên đã chi trả sai toàn bộ số tiền GPMB được phê duyệt là trên 230 triệu đồng.

Kiểm tra toàn bộ hồ sơ chi trả gồm danh sách trả tiền bồi thường và giấy biên nhận tiền của từng hộ, đoàn thanh tra của UBND huyện Hậu Lộc đã phát hiện đó chỉ là hồ sơ để xã, thôn hợp thức hóa. Thực tế, hồ sơ đó đã không phản ánh đúng bản chất số tiền đã chi trả cho dân. Có 8 hộ ở thôn Thắng Hùng thì được ông trưởng thôn Nguyễn Văn Hự nhận thay với số tiền hơn 35 triệu đồng. Các hộ còn lại thì xã nhiệt tình... nhận hộ.

Số tiền hơn 35 triệu đồng do trưởng thôn Nguyễn Văn Hự ký nhận, đoàn thanh tra phát hiện thôn đã sử dụng 20 triệu đồng vào việc sửa chữa các công trình phúc lợi của thôn, số còn lại thì quỹ của thôn đang quản lý. Còn về số mà xã "nhận thay" dân, theo xác minh của đoàn thanh tra, thì đợt 1,

Hội đồng bồi thường GPMB đã chi trả cho 12 hộ với số tiền là trên 55 triệu đồng. Toàn bộ số tiền trên đã được thủ quỹ của xã nhận lại. Và, tại chứng từ số 16 (ký ngày 16/7/2007) thì số tiền trên đã được "chuyển hóa" thành tiền của người dân... tình nguyện đóng góp cho xã để xây dựng trường.

Đợt chi trả đền bù lần thứ 2, cũng với chiêu "tình nguyện đóng góp xây dựng trường học" này, hơn 100 triệu Hội đồng bồi thường GPMB chi trả cho dân cũng bị xã thu lại. Và, cũng theo xác minh của đoàn thanh tra, toàn bộ số tiền đợt 1 là hơn 55 triệu đồng dù "chi tiêu" vào "mục đích chung" nhưng đã để ngoài sổ sách kế toán.

Chưa hết, cơn bão số 7 năm 2005 đã gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân xã Hải Lộc. Nhà nước cùng các tổ chức xã hội, cá nhân đã tiến hành quyên góp ủng hộ những gia đình bị thiệt hại do bão gây ra trên địa bàn xã với số tiền là 334 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền trên, Đảng ủy - UBND xã đã có chủ trương giao xuống cho các hộ bị thiệt hại nhưng lại... "động viên" những hộ ấy... "tự nguyện" đóng góp số tiền mà mình được nhận để... xây dựng trường tiểu học.

Theo thanh tra huyện Hậu Lộc, ngoài những sai phạm trên, cán bộ xã Hải Lộc còn hàng loạt sai phạm khác với tổng số tiền gần 1 tỉ đồng.

Lãnh đạo huyện Hậu Lộc nói gì?

Tại sao sau hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng như vậy mà lãnh đạo xã, cụ thể là ông Vũ Đình Phiên, nguyên Chủ tịch UBND xã, hiện là Bí thư Đảng ủy và bà Trịnh Thị Huyên, Chủ tịch UBND xã, không hề bị xử lý?

Ngày 10/12/2008, chúng tôi có buổi làm việc với ông Trần Quang Thiêm, Chủ tịch UBND huyện và ông Trịnh Ngọc Giao, Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, điều bất ngờ là ông Chủ tịch UBND huyện Trần Quang Thiêm, người đã ký kết luận thanh tra, trong đó nêu ra hàng loạt sai phạm của UBND xã Hải Lộc, cũng tỏ ra rất bức xúc trước những vi phạm ở đây. 

Theo ông Thiêm, sai phạm ở Hải Lộc là lớn, không chỉ ở số tiền vi phạm mà còn sai về mặt nguyên tắc, về chế độ. Nhưng vì sao kết luận thanh tra có từ tháng 5-2008, vậy mà tới nay, sau gần 8 tháng, những người vi phạm vẫn yên vị và tiếp tục tác oai tác quái làm khổ dân? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Thiêm cho biết nếu làm sòng phẳng, làm nhanh thì chỉ một vài tháng là xong.

Nhưng từ khi ông ký kết luận thanh tra đến nay vẫn không xử lý dứt điểm được, thời gian như thế là quá kéo dài, từ đơn giản thành phức tạp, làm nhân dân hiểu sai, mất lòng tin. Vì vậy với tư cách Chủ tịch UBND huyện, Thường vụ Huyện ủy, ông cũng thấy rất bức xúc trước vụ việc ở Hải Lộc.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: "Chủ tịch UBND huyện có đủ quyền để cách chức Chủ tịch UBND xã hay không?”. Ông Thiêm cho biết về pháp lý thì đủ nhưng do Bí thư và Chủ tịch UBND xã thuộc diện cán bộ do Thường vụ quản lý nên ông phải chờ khi nào Ban Thường vụ đồng ý thì mới xử lý được. Do đó dù rất bức xúc nhưng lúc này ông đành... ngồi nhìn.

Ông Thiêm cho biết thêm, trong cuộc họp Ban Thường vụ Huyện ủy hôm 2/12, vấn đề xử lý sai phạm của cán bộ xã Hải Lộc lại được đưa ra bàn. Tại cuộc họp này, ông và đồng chí Trưởng Công an huyện đều thống nhất quan điểm xử lý nghiêm, mức độ phải đúng với sai phạm, chứ không thể chần chừ, do dự, phiến diện.

Không những thế, Trưởng Công an huyện còn khẳng định với những sai phạm này phải khởi tố vụ án, nếu khó thì sẽ chuyển hồ sơ lên Cơ quan điều tra Công an tỉnh. Tuy nhiên kết luận cuộc họp, dù vẫn khẳng định sẽ xử lý dứt điểm nhưng Bí thư Huyện ủy lại giao cho Ủy ban Kiểm tra vào cuộc tiếp. 

Làm việc với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc Trịnh Ngọc Giao nói khá nhiều về khó khăn và những thành tích, cùng những "nỗ lực lớn" của cán bộ xã trong việc "phát huy nội lực địa phương" và các dự án viện trợ để xây dựng trường học, trạm xá... Tuy nhiên, ông cũng phải thừa nhận cũng có những sai phạm.

Theo ông Giao, quan điểm chỉ đạo phải xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội, không bao che. Ông đã giao cho Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy vào cuộc và yêu cầu trong tháng 12 phải báo cáo toàn bộ để Huyện ủy có hướng xử lý.

Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm này. Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm rằng, chính cách làm "cẩn trọng" tới mức quá chậm trễ trong việc xử lý cán bộ sai phạm của huyện Hậu Lộc là một trong những nguyên nhân khiến tình hình ở Hải Lộc thêm phức tạp. Gần 1 vạn dân Hải Lộc chỉ muốn những cán bộ không còn đủ tư cách phải bị xử lý nghiêm, vì có như vậy họ mới có niềm tin vào chính quyền địa phương để yên tâm làm ăn.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Đồng Đại Lộc, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết hiện Công an tỉnh đã chỉ đạo Cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ những sai phạm của cán bộ xã Hải Lộc. 

Chúng tôi sẽ trở lại vụ việc này khi có những thông tin mới

Nguyễn Thiêm
.
.