Khắp nẻo biên cương mùa chống dịch

Thứ Sáu, 22/01/2021, 14:27
0 giờ đêm, sương mù đặc quánh nơi biên ải, thời tiết có lẽ chỉ 2 độ C. Gió buốt cắt da cắt thịt, ánh đèn pin lóe sáng ở đường mòn nơi gần cột mốc biên giới - đây là hình ảnh thường thấy của các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tuần tra trên dọc tuyến biên giới có chiều dài 231km thuộc địa phận tỉnh Lạng Sơn. 

Từ đầu dịch COVID-19 đến nay, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn duy trì 156 lán gác cố định và di động để tuần tra, canh gác, phát hiện và bắt giữ người xuất, nhập cảnh trái phép. Đồng thời phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận hơn 4.000 người bị phía Trung Quốc trao trả qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị. Lạng Sơn cũng là địa phương đấu tranh, bắt giữ, điều tra, xử lý đối tượng, đường dây môi giới, đưa người xuất nhập cảnh trái phép nhiều nhất cả nước.

Vượt qua khắc nghiệt

Lán gác xa nhất cách Trạm Kiểm soát biên phòng Na Hình (thuộc Đồn Biên phòng Na Hình, xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) 7 cây số, có 3 người canh gác. Lạng Sơn là vùng đất khắc nghiệt, vào mùa đông, ban đêm ở trên núi cao, nhiệt độ thường xuống 4 độ C, nếu rét đậm, rét hại thì xuống 1-2 độ. Vào mùa hè, trời nóng như đổ lửa.

Thời điểm chúng tôi tới đây, Lạng Sơn vừa trải qua đợt rét đậm, rét hại nhất từ mùa đông đến nay. Tại các lán dã chiến của Bộ đội?Biên phòng chỉ có tấm bạt phủ, trải qua mưa nắng đã bị hư hỏng, các chiến sĩ phải phủ lên trên một tấm bạt nữa để tránh gió, dột. Bên trong lán, ngoài chõng che ghép lại làm giường, chăn bông, thì chỉ có đống củi đỏ lửa suốt đêm để xua tan băng giá.

Cán bộ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh tiếp nhận công dân Việt Nam bị trao trả về nước và đưa tới khu cách ly tập trung.

Đóng quân ở lán xa nhất, đường đi lại khó khăn, hiểm trở, Trung tá Nguyễn Thành Chung và Thiếu tá Lăng Văn Hiếu, Đại úy Chu Văn Hội phải thay nhau xuống Trạm để lấy cơm. Khi tôi hỏi vì sao phải đi xa như vậy, Thượng úy Nguyễn Văn Thưởng, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Na Hình cho biết “vì không có nước”.

Không chỉ khắc nghiệt về thời tiết mà ở đây chỉ có núi đá, các dãy núi này không có mạch nước ngầm nên toàn bộ nước đều được mang vác từng can từ dưới lên. “Nước mang lên chỉ đủ cho anh em đánh răng, úp mì tôm ăn sáng, còn lại tắm giặt chúng tôi đều phải xuống núi. Vào mùa hè, mỗi lần tắm xong, trèo lên tới nơi, mồ hôi đầm đìa lại như chưa tắm”, Trung tá Nguyễn Thành Chung cho biết.

Không chỉ riêng ở Na Hình, mà 156 lán gác của 11 đồn biên phòng trên toàn tuyến biên giới Lạng Sơn đều không có nước, các chiến sĩ phải vác từng can lên để dùng. “Lán của chúng tôi đóng quân cách Trạm 40 phút leo bộ, mỗi lần xuống chỉ vác được thùng nước 40 lít, tay còn lại xách rau, thịt, đồ khô. Nếu như ngày mưa, đường núi trơn trượt không xuống được, chúng tôi chỉ ăn mì tôm”, Thiếu tá Lê Văn Vương, Trạm biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị kể.

Thiếu tá Đỗ Đức Hiệu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Hình cho biết Đồn quản lý 22,935km biên giới, 47 cột mốc, có 13 lán chốt cố định với 55 cán bộ chiến sĩ ứng trực 24/24 giờ. Lán xa nhất cách Đồn 15km đường đồi núi cheo leo, kéo đường điện khó khăn. Tất cả phải chở nước từ dưới lên, nhu yếu phẩm thiếu thốn. Nhiều lán quá xa, đơn vị bố trí bếp gas mini để anh em nấu mì tôm và chuyện ăn mì tôm là thường xuyên. Chỉ huy Đồn phân công nhau lên ăn, ngủ cùng anh em trên chốt gác để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, động viên tinh thần chiến sĩ, vượt qua thiếu thốn, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ.

Công an tỉnh Lạng Sơn làm thủ tục tiếp nhận công dân về nước.

“Mấy ngày rét đậm vừa qua, anh em đều động viên nhau khắc phục khó khăn, tổ chức canh gác, không để lọt trường hợp xâm nhập vào trong nước”, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Na Hình cho biết. Văn Lãng là địa bàn thường xảy ra tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép nên theo chia sẻ của Thiếu tá Đỗ Đức Hiệu, các chiến sĩ không lúc nào được lơi lỏng cảnh giác và rời nhiệm vụ.

Hiệp đồng tác chiến

Những năm trước, khu vực 05, 06, khu Nam Quan, Kéo Kham (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) là nơi mà cánh “cửu vạn” thường mang vác hàng lậu, nay lại là địa điểm để những đối tượng từ bên kia biên giới lén lút trốn vào trong nước. Trên những cánh rừng này đã diễn ra nhiều cuộc phối hợp, hiệp đồng truy bắt những đối tượng, đường dây, ổ nhóm tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép giữa các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Lạng Sơn và Bộ đội?Biên phòng tỉnh.

Theo Thượng tá Vũ Đình Thắng, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua hai lực lượng đã phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, điều tra, xử lý hiệu quả với loại tội phạm tổ chức, môi giới đưa người đi xuất cảnh trái phép, góp phần hạn chế đáng kể tình trạng trên, phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Điển hình hai lực lượng đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ đồng loạt bắt 2 vụ với 4 đối tượng và 11 người có liên quan tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép. Vụ thứ nhất xảy ra tại khu vực thôn Kéo Cấn, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, đã phát hiện, bắt giữ đối tượng Nông Văn Thành (sinh năm 1990) và Vi Văn Thanh (sinh năm 1972), đều trú tại huyện Đình Lập, đã tổ chức cho 5 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đi Hà Nội để sang Campuchia tìm việc làm.

Vụ thứ hai xảy ra tại thôn Cốc Nhãn, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, hai lực lượng phối hợp bắt giữ Hoàng Phúc Thành và Phan Văn Tương (đều sinh năm 1972), trú tại huyện Lộc Bình tổ chức cho 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để tìm việc làm.

Gần đây nhất, vào ngày 28-12-2020, tại đường mòn khu vực mốc 1240 thuộc bản Thín, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn mật phục, bắt quả tang Phương Văn Bắc, sinh năm 1972, trú tại xã Tú Mịch đang tổ chức cho 4 người Trung Quốc trên đường nhập cảnh trái phép vào Việt Nam mục đích tìm việc làm.

Theo Thượng tá Vũ Đình Thắng, các đối tượng không còn hoạt động đơn lẻ, tự phát mà có sự câu kết chặt chẽ, móc nối trong - ngoài nước, hình thành các đường dây tổ chức, môi giới cho người Việt Nam, Trung Quốc xuất, nhập cảnh, trốn đi nước ngoài trái phép qua những đường mòn biên giới với những phương thức, thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng liên hệ qua mạng xã hội Wechat, Zalo, phân công vai trò, nhiệm vụ theo từng công đoạn, có sự bàn bạc, thống nhất, khi bị bắt hầu hết đối tượng đưa dẫn đều không biết người cầm đầu... Các đối tượng lựa chọn thời điểm thực hiện hành vi phạm tội vào ban đêm, thường xuyên thay đổi cung đường, phương tiện.

Đối tượng Vi Văn Thanh phạm tội tổ chức cho người nhập cảnh trái phép.

Tiếp nhận người được trao trả, đảm bảo cách ly phòng dịch

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị hầu như tuần nào cũng tiếp nhận công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc bị phía bạn bắt trao trả về nước, có ngày lên tới 3 lượt, có lượt hơn 100 người. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Lạng Sơn là đơn vị chủ quản tiếp nhận công dân do Trung Quốc trao trả, sau đó đưa về các khu cách ly tập trung, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo chia sẻ của Đại tá Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, từ năm 2020 đến nay, đơn vị phối hợp với Bộ đội?Biên phòng tiếp nhận hơn 4.000 công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Hằng ngày, các cán bộ của đơn vị lên cửa khẩu để tiếp nhận công dân, làm các thủ tục và đưa về khu cách ly, kết thúc công việc vào lúc 8h tối. Anh em làm việc gấp đôi, gấp ba bình thường. Nhiều đồng chí phải cách ly chống dịch, xa gia đình, có thời điểm cả đơn vị một nửa phải đi cách ly.

Theo Đại tá Nguyễn Trung Thành chia sẻ, từ nay tới tết Nguyên đán, dự báo tình hình nhập cảnh trái phép gia tăng do tâm lý của người dân muốn về quê ăn tết. Tại Trung Quốc đã phát hiện chủng mới của SARS-CoV-2, phía bạn áp dụng tăng cường biện pháp phòng ngừa, thời gian qua họ đã bắt giữ nhiều công dân Việt Nam sang lao động bất hợp pháp, thu gom và trả về Việt Nam.

Nhiều đối tượng trốn truy nã sang Trung Quốc đã bị thu gom bắt giữ và trao trả. Các đối tượng này đã thay tên đổi họ, thay đổi hình dạng, gây khó khăn cho công tác xác minh, tra cứu. Tuy nhiên, năm 2020 và đầu tháng 1-2021, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp với Phòng Hồ sơ xác minh, phát hiện 13 đối tượng trốn truy nã trong hàng nghìn công dân bị trao trả về nước

Còn tại tuyến biên giới, theo Đại tá Nông Quang Tám, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội?Biên phòng Lạng Sơn, trước trong và sau tết Nguyên đán, 156 lán chốt cố định và cơ động của Bộ đội?Biên phòng ứng trực 100%, đón tết trên lán để phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép. Từ đầu năm 2020 đến 13-1-2021, Bộ đội?

Biên phòng Lạng Sơn đã phát hiện, thu dung và bàn giao 769 lần với 3.947 người Việt Nam nhập cảnh trái phép qua đường mòn biên giới đưa đi các khu cách ly tập trung; phát hiện ngăn chặn được hơn 800 lượt người Việt Nam có ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê; phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tiếp nhận 5.303 trường hợp người Việt Nam nhập cảnh trái phép do Trung Quốc trao trả, đồng thời trao trả cho Trung Quốc 630 trường hợp người nước này nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Theo chia sẻ của Trung tá Vi Vân Cẩn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, đơn vị đã triển khai 21 lán dã chiến ở biên giới. Tới thời điểm này, hiện tượng nhập cảnh trái phép có nhưng còn ít do lực lượng canh giác 24/24h. Thời gian vừa qua, đơn vị đã triển khai bắt giữ 2 vụ xuất, nhập cảnh trái phép, 1 vụ gồm 5 đối tượng người Việt Nam trốn sang Trung Quốc làm thuê, sau đó quay về nước và 1 vụ gồm 8 người Trung Quốc vượt biên vào Việt Nam định đi sâu vào nội địa để tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó đã xử phạt hành chính 9 vụ với 26 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép.

“Chúng tôi được Bộ Chỉ huy tăng cường 8 đồng chí, ứng trực 100% quân số trong dịp tết, phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép là thu dung đưa về cửa khẩu kiểm tra sức khỏe ban đầu, đưa đi cách ly theo quy định, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19”, Trung tá Vi Văn Cẩn cho biết.
Trần Hằng - Xuân Mai
.
.