Khi cuộc sống như một món quà

Thứ Sáu, 29/03/2019, 11:07
“Chi phí của bạn đã được trả bởi một người tới trước như một món quà, bạn có thể đáp đền tiếp nối bằng cách đóng góp chi phí cho một người đến sau!” - Đó là cách mà karma stay Xứ sở La vie est belle (ấp 4, xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) hoạt động từ đầu năm 2019 đến nay.

Xứ sở nhỏ bé nằm cạnh rừng xanh Nam Cát Tiên này là một khu vườn gieo trồng những hạt giống tử tế và nuôi dưỡng cây hạnh phúc trong mỗi người từng ngày.

Tự định nghĩa chính mình

Không phải homestay, khách sạn hay khu nghỉ dưỡng, Xứ sở La vie est belle (LEB) là một karma stay. Lựa chọn đi theo mô hình mới lạ ít người biết đến này, chị Lê Thanh Phúc - “chủ nhà” giải thích rằng vì không muốn dán bất cứ nhãn mác có sẵn nào lên “xứ sở” mà mình đã dành tâm huyết và yêu thương để tạo dựng nên chị cùng chồng đã bắt đầu hành trình tìm kiếm một cách định nghĩa cho riêng mình.

Chị Phúc cho biết, chị được truyền cảm hứng từ karma yoga. Năm 2017, chị tham gia khóa đào tạo yoga, học và thực hành là karma yoga - hiểu đơn giản là những công việc phục vụ bất kỳ ai mà không mưu cầu kết quả. Công việc chị làm trong thời gian phục vụ đó là dọn nhà vệ sinh công cộng. Mất mười ngày, chị mới làm quen với công việc và thay vì suy xét trong lòng, chị chỉ làm thôi.

Cánh cửa luôn rộng mở ở Xứ sở La Vie Est Belle để chào đón tất cả mọi người.

Sau một tháng, vào ngày cuối cùng của công việc, chị đã khóc - như thể mình đã làm được một cái gì đó cho chính mình chứ không chỉ cho người khác. Không còn phân biệt công việc nào cao quý, công việc nào thấp kém. Rốt cuộc, chỉ là việc mình có làm trọn vẹn và đặt toàn bộ tâm trí của mình vào quá trình làm việc đó hay không.

Ở LEB, khách sẽ là người đóng góp vào không gian chung để tự tạo ra trải nghiệm cho chính mình, từ việc phụ một tay nấu bữa ăn, tự rửa chén đũa của mình sau khi ăn đến giữ gìn phòng ở sạch sẽ, ngăn nắp... Đó cũng là một cách để tiếp nối tinh thần karma yoga.

Nguồn cảm hứng thứ hai là triết lý karma kitchen từ anh Nipun Mehta mà chị Phúc gặp trong một chuyến đi vào tháng 5-2018. Nipun Mehta - một người Mỹ gốc Ấn, đã bắt đầu chuỗi nhà hàng hoạt động trên tinh thần trao tặng từ năm 2007 ở Berkeley (California), sau đó lan tỏa đến Washington D.C, Chicago và bây giờ xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Anh...

Mọi thứ ở các nhà hàng này đều dựa trên tinh thần trao tặng, từ các bạn tình nguyện nấu ăn, phục vụ không lương mỗi cuối tuần đến chi phí bữa ăn đã được trả bởi một người đến trước, bạn được mời đóng góp tiếp vào vòng tròn trao tặng này như một món quà dành cho người đến sau.

Xứ sở La Vie Est Belle có một tủ sách cộng đồng, bạn có thể lấy một quyển để đọc rồi trả lại chỗ cũ khi về.

Một thời khắc quan trọng là cuối 2018, chị Phúc ghé thăm ngôi chùa ở thành phố Bảo Lộc. Quan sát, chị nhận ra các vị sư ở đây vận hành ngôi chùa bằng niềm tin. Họ buông bỏ hoàn toàn kết quả, không cần biết khách sẽ mang gì đến cúng viếng, đóng góp bao nhiêu. Quan trọng là chùa vẫn tồn tại được. Từ Bảo Lộc về Nam Cát Tiên, hai vợ chồng chị say sưa thảo luận về “sự tỉnh thức” vừa rồi. Và chị quyết định định nghĩa LEB là một karma stay”, đặt tên theo một  bộ phim Italy “La vie est bell” dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Cuộc sống tươi đẹp”.

“Xứ sở La Vie Est Belle là một karma stay và một không gian giáo dục hỗ trợ người tham gia trải nghiệm thiên nhiên bên trong và ngoài mỗi chúng ta thông qua những hoạt động trải nghiệm như thực hành thiền, yoga, sáng tạo nghệ thuật biểu đạt, kết nối với bản thân - con người - thiên nhiên và sống một lối sống giản dị, sẻ chia, hòa hợp, tự chủ”.

Tinh thần trao tặng

Với mong muốn ban đầu là “mở cửa đón chào tất cả mọi người”, chị Phúc luôn trăn trở về việc làm thế nào để bất cứ ai, từ sinh viên đến người đi làm, từ người có thu nhập đến không có thu nhập, đều có thể đến trải nghiệm. LEB xây dựng một lối sống chậm, chỉ nhận khách lưu trú tối thiểu 2 đêm cho nhóm trên 10 người và 3 đêm cho cá nhân.

“Ban đầu thu phí 250.000 đồng/ngày đêm. Sau nửa năm, chị vẫn cảm thấy chưa ổn. Đối với sinh viên, chị sẵn sàng hỗ trợ nếu các bạn cần nhưng sẽ không miễn phí vì như vậy mọi người sẽ không trân trọng. Trong khi đó, lại có những người cho rằng chi phí quá thấp so với những trải nghiệm họ nhận được” - câu hỏi “làm thế nào để cân bằng” lớn dần.

Không gian tập yoga và tổ chức các khóa học hằng tuần, hằng tháng.

Khi LEB chuyển sang mô hình karma stay, chi phí của bạn đã được trả bởi một người tới trước như một món quà và bạn có thể đáp đền, tiếp nối bằng cách đóng góp chi phí cho một người đến sau. LEB cũng không đặt ra mức phí cố định, tất cả tùy thuộc vào mức độ hài lòng khi trải nghiệm, những giá trị khách nhận được, tinh thần hào phóng và khả năng tài chính của khách. Tất cả những đóng góp từ vòng tròn trao tặng sẽ được sử dụng để trang trải chi phí thuê nhà, ăn uống, hoạt động của không gian và các dự án cộng đồng mà LEB đang và sẽ triển khai.

Trước khi ra về, tôi nhận từ chị Phúc chiếc phong bì nhỏ, bên trong có 2 tấm thiệp. Một tấm là của người bạn đến trước viết gửi lại cho tôi, một tấm là để tôi viết gửi lại cho người bạn tiếp theo. Có những người thậm chí đã khóc vì món quà tinh thần của người lạ mặt đến trước đã chạm đến trái tim họ. Nó khiến tôi phải nghiêm túc suy nghĩ về thông điệp mình sẽ để lại cho người đến sau. Trong chiếc phong bì ấy, mọi người không chỉ trao tặng cho người bạn đến sau món quà vật chất là chi phí lưu trú mà còn truyền đi năng lượng tích cực, lan tỏa tình yêu thương chân thành và sự tử tế ấm áp.

“Làm sao để trao tặng khi mình không có gì?” - tôi đã tự hỏi mình như vậy. Nhưng những ngày ở LEB, tôi nhận ra mình có rất nhiều thứ. Tôi có thời gian để lắng nghe người khác nói, tôi có nụ cười để làm họ vui, tôi có đôi tay để phụ họ nấu bữa trưa, tôi có đôi chân để đạp xe đi chợ mua rau củ, tôi có câu chuyện để chia sẻ và cảm thông với họ và có thể tôi có một nguồn năng lượng vô hình bên trong giúp họ bình an khi ở bên. Chúng ta thật “giàu”có! Chúng ta có rất nhiều thứ để trao tặng, không chỉ là tiền!

Tử tế với mình, với người và với thiên nhiên

LEB tạo ra một không gian và mang đến các hoạt động để mọi người tìm lại 3 sự kết nối cốt lõi: Kết nối với chính mình, với người khác và với thiên nhiên.

Mỗi ngày ở LEB bắt đầu từ 5h30 sáng, mọi người sẽ cùng nhau ngồi thiền dưới hiên nhà, tĩnh tâm, tập trung vào hơi thở và lắng nghe tiếng nói nhỏ nhất bên trong mình. Nếu chú ý, bạn có thể sẽ nghe được tiếng gà gáy sớm gọi bình minh từ xa vọng lại, tiếng ếch nhái đánh thức nhau... và cả rung động rất khẽ của những giọt sương rơi trên mái nhà. Đến 6h30, chị Phúc sẽ hướng dẫn mọi người tập yoga.

Một buổi chiều thanh thản, tình nguyện viên và khách cùng tập khí công.

Ngoài các hoạt động khuyến khích mọi người cùng tham gia với nhau như yoga, thiền, bữa ăn chánh niệm, vòng tròn chia sẻ..., thời gian còn lại mỗi người túy ý làm những gì mình muốn: đọc sách, tưới vườn chơi xích đu, vuốt ve chú chó Totoro nghịch ngợm... LEB là một không gian tự chủ.

Bữa ăn chánh niệm nghĩa là mọi người cùng ăn trong im lặng để cảm nhận vị ngon của từng nguyên liệu làm nên bữa ăn đó và bày tỏ sự biết ơn đối với thiên nhiên, với những người đã đóng góp để mang đến bữa ăn: Những người nông dân, người vận chuyển thực phẩm, người đi chợ mua thực phẩm, người chế biến nguyên liệu...

Còn thuật ngữ vòng tròn chia sẻ để nói về hoạt động cuối tuần hoặc cuối buổi học, mọi người ngồi thành vòng tròn để chia sẻ bất cứ điều gì mình muốn. Nguyên tắc là ai sẵn sàng thì bắt đầu và khi một người chia sẻ thì những người còn lại chỉ lắng nghe mà không hồi âm. 

Một lần sau khi ăn trưa xong, trời khá oi bức và mọi người đã về phòng nghỉ ngơi, tôi thấy Philippe lặng lẽ cầm chổi quét dọn khu vực sinh hoạt chung. Ở đây, chẳng có sự phân biệt giữa vai trò chủ hay khách, giữa việc ai phục vụ ai... Tất cả đều tự nguyện và chủ động đóng góp vào không gian chung, xuất phát từ sự tử tế và tấm lòng mong cầu niềm an vui bên trong mình dành cho mọi người.

Tôi gọi đây là “cây niềm vui” vì mọi người có rất nhiều niềm vui từ cây này: ngồi trò chuyện, đàn hát, ngắm sao dưới gốc cây, chơi xích đu, leo cây....

Chị Nguyễn Thị Mai Anh (36 tuổi, ở TP HCM) - một trong số ít những người mẹ Việt Nam quyết định cho các con của mình tự học tập và không cần đến bất kỳ trường lớp nào (thuật ngữ tiếng Anh là unschooling), đưa hai con đến LEB như một hình thức học tập qua trải nghiệm. Sau gần một tuần sống ở xứ sở, chị Mai Anh chia sẻ: “Môi trường ở đây đầy yêu thương. Mọi người đối xử với nhau bằng tình cảm chân thật. Các bé nhà chị lên đây rồi không muốn về luôn”.

Nằm cạnh rừng Nam Cát Tiên, bên cạnh là dòng sông trong lành, xung quanh nhà ngập tràn màu xanh của cỏ cây, LEB phù hợp để những người đang sống trong quá nhiều “chiếc hộp” (phòng ngủ, lớp học, phòng làm việc, xe hơi, thang máy...) như chúng ta được hít thở bầu không khí trong lành, sạch sẽ của thiên nhiên nhận ra mình chỉ là một phần nhỏ trong thiên nhiên rộng lớn. Ở LEB, mọi người để tất cả thuận tự nhiên.

Mỗi sáng, anh Philippe (chồng chị Phúc) và các bạn tình nguyện viên đạp xe, xách giỏ, mang hộp đựng và túi giấy đi chợ mua thực phẩm. Trong bếp luôn có các thùng để phân loại rác hữu cơ và chai nhựa tái chế. Trong email gửi khách, các bạn nhắc nhở chúng tôi tự mang theo bình đựng để lấy nước uống và hạn chế mang rác đến xứ sở. Các bạn dùng tro bếp để rửa chén thay cho nước tẩy rửa. Ở đây tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời. Toilet cũng chừa ra một khoảng trống để ánh sáng lọt vào, không cần bật đèn vào ban ngày và có thể tận dụng để phơi quần áo.

Thậm chí, trong toilet của tôi còn có cả một cây con nhỏ bé mọc ra từ bức tường đá, nhờ hơi sương và ánh sáng từ khoảng trống phía trên trần nhà mà “sống khỏe” mỗi ngày. Nhìn cây con đó, tôi nghĩ rằng thiên nhiên chẳng cần ai bảo vệ cũng có thể phát triển mạnh mẽ, việc của chúng ta là phải biết trân trọng và đừng làm tổn hại đến thiên nhiên.

Vì tất cả đều là những món quà nếu chúng ta thực sự cảm nhận, dù có thể đó chỉ là một cây con nhỏ bé trên bức tường trong toilet.

Anh Thy
.
.