Khi gia đình không còn là tổ ấm

Chủ Nhật, 28/08/2011, 10:40

Sau khi mẹ mất, đang học lớp thanh nhạc của một trường văn hóa nghệ thuật tại Vĩnh Phúc, Phương Anh bỏ học, rồi bỏ nhà đi hoang. Gia đình không có gì để níu chân một đứa con gái mà từ khi lớn lên, không biết đến thế nào là cuộc sống của một đứa trẻ có đủ cha mẹ. Người cha đã có gia đình riêng, nhiều lần cũng tìm gặp khuyên cô về ở cùng. "Bố có dì rồi, có hai con riêng rồi, em chẳng thể về ở chung được" - Phương Anh thở dài.

1. Người ta vẫn nói nhà nghỉ là chốn ô hợp, quả không sai đối với trường hợp nhà nghỉ Kim Xuân ở ngõ 10 phố Doãn Kế Thiện, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Vào lúc 10 giờ ngày 18/8, lực lượng hình sự Công an quận Cầu Giấy bất ngờ bao vây, kiểm tra hành chính toàn bộ phòng của nhà nghỉ này, dường như những mặt trái của nhà nghỉ đã bộc lộ hết. 23 đối tượng thuê phòng tại đây đều trẻ tuổi, nhưng hầu như ở phòng nào cũng có ma túy và vũ khí.

Tại phòng 201, kiểm tra 2 vị khách có tên Trần Long Sơn (SN 1990, ở Lộc Hạ, Nam Định) và Trần Bình An (SN 1988, ở Mường Chà, Điện Biên), lực lượng chức năng đã thu giữ 1 khẩu súng bắn đạn  hoa cải và 9 viên đạn dùng cho dạng súng tự chế. Tại phòng 503, cặp trai gái  Lê Tuấn Anh (SN 1984, ở Triệu Hóa, Thanh Hóa) và Nguyễn Phương Anh (SN 1992) đang lắc lư, quằn quại bên cạnh coóng hút ma túy đá. Kiểm tra trong phòng, cơ quan chức năng thu 1 khẩu súng bắn đạn bi, 1 gói ma túy tổng hợp màu hồng và rất nhiều dụng cụ dùng để đập đá. Những phòng còn lại là các nam thanh nữ tú trong độ tuổi 9X, 8X ngập ngụa trong bia rượu, ma túy. Khi bị đưa về Cơ quan Công an, nhiều đối tượng còn phê thuốc, nằm bò ra bàn ghế. Số còn lại ngáp ngắn ngáp dài, rũ rượi sau một đêm ăn chơi trác táng.

Những vị khách ở 10 phòng nghỉ thuộc 10 nhóm khác nhau, nhưng việc những thanh niên này "không rủ cũng gặp" ở cùng một thời điểm cho thấy nhà nghỉ Kim Xuân đã trở thành địa điểm tụ tập của những đối tượng phạm tội về ma túy. Hành vi mua bán ma túy của những đối tượng liên quan đang được tiếp tục làm rõ, song không loại trừ tội phạm ma túy đã lợi dụng nhà nghỉ để làm chỗ trú chân, ẩn náu, biến đây thành điểm sử dụng ma túy an toàn cho chúng, là nơi tàng trữ và giao dịch ma túy để đối phó với việc kiểm tra, bắt giữ của Cơ quan Công an.

Đã có rất nhiều cuộc kiểm tra hành chính đối với loại hình kinh doanh dịch vụ thuộc loại "nhạy cảm" này đã được Công an Hà Nội tiến hành trước đó. Ma túy, mại dâm… vẫn là những tệ nạn tiềm ẩn thường xuyên ở nhà nghỉ mà việc kiểm tra nhà nghỉ Kim Xuân mới chỉ hé lộ phần nào sự thật đang diễn ra tại muôn vàn nhà nghỉ đã và đang mọc lên như nấm  sau mưa tại Hà Nội.

2. "Trong ký ức của mình, em không lưu giữ được bất cứ hình ảnh nào về cha mẹ, bởi tuổi thơ em lớn lên chỉ có bà ngoại. Ngoại bảo bố mẹ em bỏ nhau khi em chưa đầy một tuổi. Bố đi lấy vợ khác, mẹ cũng bỏ đi làm ăn xa" - Nguyễn Thị Phương Anh (SN 1992, quê Vĩnh Phúc) bắt đầu câu chuyện khá trôi chảy, lạnh lùng, nhưng cũng thật chua chát. Cô là 1 trong 2 cô gái đang mang bầu nhưng vẫn "đập đá" như điên tại nhà nghỉ Kim Xuân này. Cô kia là Nguyễn Thị Nhung (SN 1981, ở Tuyên Quang). Phương Anh mới có thai hơn 1 tháng, còn Nhung đã vác cái bụng lùm lùm, bước đi nặng nhọc.

Sử dụng quá nhiều ma túy "đá", khi bị bắt về Cơ quan Công an, bà bầu Nguyễn Thị Nhung nằm gục xuống bàn, ngủ ly bì và gắt gỏng khi trả lời câu hỏi của phóng viên. Nhung bảo đang mang thai đứa con đầu lòng. Bạn bè rủ xuống Hà Nội chơi, cô ta bắt xe khách xuống, đến thẳng nhà nghỉ này để "lắc". Khi chúng tôi hỏi có thai như vậy, tại sao lại sử dụng ma túy, Nhung thản nhiên bảo: "Em siêu âm rồi, con trai, cho nó đập đá sớm để sau này nó máu". Nói rồi cô ta lại đổ vật xuống để... ngủ khiến cán bộ điều tra Công an quận Cầu Giấy cũng cảm thấy "bó tay" trước sự buông thả, vô trách nhiệm của bà mẹ trẻ này.

Trong suốt cuộc trò chuyện với Nguyễn Thị Phương Anh, chúng tôi cố chờ những giọt nước mắt hối hận của cô gái có hoàn cảnh khá éo le này, nhưng thật thất vọng. Hình như tuổi thơ của Phương Anh đã bị đánh cắp khi  không có bàn tay chăm sóc của bố mẹ. Bà ngoại dù rất thương yêu cháu, nhưng tình cảm của bà dành cho cháu, dù rằng cũng là thứ tình thương vô bờ bến cũng không thể đủ đầy bằng bàn tay nâng giấc, săn sóc của cha mẹ để một đứa trẻ lớn lên, hoàn thiện nhân cách từ mái ấm gia đình. Phương Anh kể, bà ngoại trông vào quán bán hàng tạp hóa để nuôi cháu khôn lớn.

Số thanh niên bị tạm giữ tại nhà nghỉ Kim Xuân.

Năm 2000, mẹ cô quay về nhà, nhưng không phải để chăm sóc đứa con gái mà vì ma túy. Để rồi chỉ ngay năm đó, mẹ cô bị bắt giữ và thi hành án tại Trại giam Quyết Tiến. Mất mát lớn nhất mà Phương Anh cảm nhận được là khi bà ngoại cô qua đời năm 2007. Phương Anh được người bác tiếp tục nuôi nấng. Đầu năm 2008, mẹ cô được ra trại. Đến cuối năm, mẹ cô nhập viện. Mọi người không cho cô biết mẹ cô bị bệnh gì. Sau vài tháng điều trị, mẹ cô xin về nhà và qua đời, không một lời trăng trối, dặn dò lại cô con gái. Đối với cô, ký ức về mẹ chỉ có vậy.

Sau khi mẹ mất, đang học lớp thanh nhạc của một trường văn hóa nghệ thuật tại Vĩnh Phúc, Phương Anh bỏ học, rồi bỏ nhà đi hoang. Gia đình không có gì để níu chân một đứa con gái mà từ khi lớn lên, không biết đến thế nào là cuộc sống của một đứa trẻ có đủ cha mẹ. Người cha đã có gia đình riêng, nhiều lần cũng tìm gặp khuyên cô về ở cùng. "Bố có dì rồi, có hai con riêng rồi, em chẳng thể về ở chung được" - Phương Anh thở dài.

Trong một lần xuống Hà Nội chơi, cô gặp Lê Tuấn Anh (28 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) trong một quán nét. Biết hoàn cảnh của Phương Anh, Tuấn Anh rủ cô về sống cùng anh ta. Ban đầu là nhà trọ, sau Tuấn Anh thuê một phòng riêng tại nhà nghỉ Kim Xuân, đưa Phương Anh về ở cùng. Chính tại phòng trọ này, khi kiểm tra, Cơ quan Công an đã thu được súng, ma túy "đá".

Phương Anh thú nhận những ngày chung sống cùng Tuấn Anh, thấy anh ta ngày nào cũng "đập đá", cô tò mò muốn thử cho biết. Ban đầu là ngồi cạnh, hít hơi khói khi Tuấn Anh nhả ra. Thế rồi cũng bện hơi, những lần Tuấn Anh ra ngoài, cô lấy coóng ra "đập đá" một mình rồi khoan khoái thưởng thức cảm giác phê thuốc. Cô không bận tâm đến việc Tuấn Anh làm gì để có tiền  nuôi cô. Ngay cả khi biết mình có thai, cô cũng không lo lắng sẽ phải làm gì, sống như thế nào để chờ đón đứa trẻ sẽ ra đời. Suốt ngày, cô cùng người tình mê mải chìm đắm trong ảo giác của ma túy.

Tang vật thu được tại các phòng nghỉ, có rất nhiều hàng "nóng" và dụng cụ sử dụng ma túy "đá".

3. Trong số 8 đối tượng nữ có mặt tại nhà nghỉ Kim Xuân tại thời điểm Cơ quan Công an kiểm tra, ít tuổi nhất là Trần Thu Trang (SN 1994, ở Cầu Diễn, Từ Liêm). So với những cô gái kia, có lẽ Trang là người đặc biệt nhất mà tôi cảm nhận được. Từ gương mặt cho đến cách nói chuyện của cô gái khá già dặn so với tuổi 17.  Hình như những mất mát, đổ vỡ của gia đình đã lấy đi sự hồn nhiên, trong trẻo của một thiếu nữ đang chập chững những bước đầu tiên vào tuổi trưởng thành.

"Thực ra em rất vui vì hôm nay, em mới có người để chia sẻ những câu chuyện buồn mà em vẫn giữ kín bấy lâu" - Trang cười rất tươi, rồi đột nhiên òa khóc nức nở như một đứa trẻ. Bố mẹ chia tay nhau khi Trang 13 tuổi. Năm ấy, khi ngôi nhà đang xây dang dở thì bố Trang bỏ đi. Hai chị em Trang ở cùng mẹ. Những mảnh vỡ trong tâm hồn đứa con gái đang độ tuổi nhạy cảm chưa kịp lành thì tiếp tục vỡ tan thành nhiều mảnh nữa khi mẹ cô đưa dượng về chung sống cùng. Cảm thấy như bị bỏ rơi, Trang bỏ học, quyết định đi làm để kiếm sống. Cô học làm tóc, gội đầu ở một tiệm làm tóc nhỏ gần nhà. Mỗi lần bạn đi học qua cửa hàng, Trang mặc cảm lắm, cắm mặt xuống làm việc, không dám nhìn ra ngoài. Sự hiếu thắng, bướng bỉnh của một đứa con gái mới lớn đã lấn át tất cả. 14 tuổi, chán nghề gội đầu, Trang xin vào làm nhân viên phục vụ trong các quán ăn.

Cũng chỉ được một thời gian ngắn, do mâu thuẫn với cha dượng, Trang đi thuê nhà trọ ở cùng Nguyễn Ngọc Hà (SN 1989), sinh viên một trường cao đẳng. Hai cô gái rủ nhau đi làm lễ tân buổi tối cho một quán karaoke ở đường Trần Duy Hưng, kiếm tiền thuê nhà. Khu trọ gần nhà nên mẹ thi thoảng vẫn đến thăm, cho tiền và đồ đạc để con gái sử dụng. Mẹ khuyên rất nhiều nhưng Trang nhất định không về nhà. Trang bảo mỗi năm qua đi, khi thêm một tuổi mới, cô nhận thức được việc bỏ nhà đi là dại dột nhưng dường như vết thương về một gia đình không trọn vẹn đã trở thành vết sẹo không bao giờ lành trong tâm hồn cô gái trẻ. Thậm chí, mỗi lần trở về ngôi nhà mới mà ngày hoàn thiện cũng là lúc bố mẹ chia tay, vết thương trong cô lại rỉ máu. Người mẹ mải bươn chải suốt ngày ngoài chợ với mớ hàng tạp hóa không có thời gian để tâm sự với cô con gái đang tuổi thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý. Nhiều lần, Trang cũng muốn nói chuyện tình cảm với mẹ, muốn được mẹ vuốt ve, hỏi han chuyện bạn bè nhưng không, khoảng cách giữa hai mẹ con ngày càng xa vời vợi…

Đêm 17/8, sau khi hết giờ làm việc tại quán karaoke, Trang điều khiển xe máy chở Hà cùng về nhà trọ. Đến khu vực sân vận động Mỹ Đình, xảy ra va chạm giao thông, cả Trang và Hà bị ngã xuống đường, xe máy cũng hỏng. Nửa đêm không tìm được ai để nhờ vả, hai chị em dắt bộ xe máy về nhà nhưng chủ nhà trọ đã khóa cổng. Đang lúc lang thang không biết đi đâu thì Dũng, bạn của Hà điện thoại hỏi thăm. Lát sau, Dũng đã có mặt, đưa hai chị em về nhà nghỉ Kim Xuân, nơi Dũng thuê trọ. Hai cô gái đã ngủ cùng phòng với người bạn trai mới quen qua mạng của Hà, chứng kiến anh ta mang coóng ra "đập đá" cho tới lúc Cơ quan Công an kiểm tra, bắt giữ.

"Lần này em sẽ về nhà chứ?" - tôi hỏi Trang. Cô gái buồn bã lắc đầu: "Không. Em sẽ vẫn ở ngoài thuê nhà, đi làm kiếm sống". "Em hận bố mẹ vậy sao?". Nước mắt lại ứa ra, Trang nghẹn ngào: "Em không hận bố mẹ, mà em chỉ có một ước ao, giá như nhà mình không xây to như bây giờ mà chỉ cần ngôi nhà  lụp xụp chật chội như ngày xưa nhưng đủ 4 người…". Nỗi đau của những đứa trẻ khi mái ấm gia đình tan vỡ dường như đã ăn sâu vào ký ức của Thu Trang, để giờ đây trở thành những lời ngậm ngùi khiến cổ họng chúng tôi cũng nghẹn đắng. Không hiểu bố mẹ Trang sẽ nghĩ gì khi nghe những lời tâm sự đau đớn này của cô con gái? Khi viết những dòng này, trong thâm tâm chúng tôi rất mong mẹ của Trang sớm đọc được để hiểu thêm về con gái mình. Biết đâu, người mẹ ấy sẽ có cách để níu giữ con mình trước bao cạm bẫy của đường đời

H.Vũ
.
.