Khi người nghèo đi bệnh viện

Thứ Bảy, 10/12/2011, 15:31
Có những bệnh nhân do quá nghèo, nhà lại ở xa Bệnh viện Đà Nẵng, trong khi đó mỗi tuần phải chạy thận nhân tạo từ 2 đến 3 lần, vì vậy cho dù họ đã được khoa điều trị cho xuất viện, nhưng họ vẫn tìm kiếm cho mình một góc nhỏ trên hành lang của Khoa Thận nhân tạo để làm nơi tá túc, lăn lóc qua ngày để chạy thận…

6 giờ 30 phút sáng, tôi lách mình qua chiếc cổng nhỏ của Bệnh viện Đà Nẵng để hòa mình vào dòng người đông đúc đang chen vai vội vã bước chân vào bệnh viện. Cạnh những chiếc ghế đá sát với khoa Cấp cứu lúc này đã có đến vài chục con người đủ mọi lứa tuổi đang đứng, ngồi lặng lẽ hướng tầm mắt về phía lối đi. Một người bạn đang công tác tại bệnh viện nói với tôi rằng, đó là những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh rất khó khăn đang chờ đợi những người mang cháo tình thương đến phát vào mỗi buổi sáng…

Tôi đứng lại, quan sát thấy trên tay của những người đang chờ đợi ấy là những chiếc cặp lồng lớn nhỏ… Hơn 20 phút trôi qua, hai người phụ nữ xuất hiện với chiếc xe đẩy bên trên có nồi cháo đang nghi ngút khói. Tất cả những người đang ngồi gần đó đứng bật dậy, họ nhanh chân đến đưa những chiếc cặp lồng để nhận những bát cháo tình thương từ tay hai người phụ nữ…

Muôn vàn cảnh ngộ…

Trong số những con người khốn khó ấy tôi đã gặp chị Đỗ Hoài Hương (31 tuổi), trú tại thị trấn Lắk, huyện Lắk (Đắk Lắk). Chị Hương đã ở Bệnh viện Đà Nẵng gần 1 năm qua để chăm sóc cô con gái của mình tên là Ngô Thị Xuân Hoài. Vừa kể chuyện với tôi, chị Hương vừa lấy tay áo lau đi những giọt nước mắt đang tuôn trào trên đôi mắt quầng thâm vì nhiều đêm mất ngủ.

Chị Hương đang chăm sóc con.

Với căn bệnh u não, cháu Xuân Hoài con gái của chị Hương đã trải qua hai lần đại phẫu, ngoài 20% chi phí được thanh toán theo tiêu chuẩn học sinh của cháu, gia đình chị cũng đã chạy vạy khắp nơi thêm gần 60 triệu đồng để trang trải cho gần 1 năm trời hai mẹ con chị bám trụ với bệnh viện. Nay tình hình sức khỏe của cháu vẫn không có tiến triển, nhìn thấy con sống đời sống thực vật nhưng không nỡ đưa con về nhà, trong khi mọi chi phí chỉ trông chờ vào tiền công đi làm thợ phụ hồ của anh Ngô Ngọc Quy cha của cháu. Vài tuần một lần, anh Quy gom góp chút tiền mọn để nhảy xe đò từ Đắk Lắk về Bệnh viện Đà Nẵng với vợ con…

Cách chỗ mẹ con chị Hương không xa, ở khoa Ung bướu, cha con anh Lê Kim Thành ở thôn Phước Bình, xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) cũng đang từng ngày vật lộn với khó khăn và bệnh tật. Anh Thành có hoàn cảnh hết sức thương tâm, vợ anh vừa mất vì căn bệnh ung thư gan quái ác chưa được bao lâu thì 3 trong số 4 đứa con anh cũng lâm trọng bệnh.

Nay đứa con trai bị viêm gan B đang điều trị tại nhà; đứa con gái đầu bị viêm gan B đang điều trị tại TP HCM, anh Thành phải cậy nhờ người cậu ruột của cháu thuốc thang chăm sóc. Bản thân anh Thành thì đang từng ngày phấp phỏng lo âu ở Bệnh viện Đà Nẵng với đứa con gái 15 tuổi cùng chứng bệnh ung thư gan…

Nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang ở cùng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, khi nói chuyện về hoàn cảnh của anh Thành cũng rơm rớm nước mắt… Không biết rồi đây, khi không còn nơi nào trong số người thân, bạn bè để vay mượn tiền thuốc thang, anh Thành sẽ xoay sở thế nào với những đứa con trong người đang mang trọng bệnh. Rất buồn, anh Thành nói, ngày đêm tôi cầu mong đất trời làm sao để cho các con tôi được trở lại như trước đây, chúng mạnh khỏe, vui chơi cùng bè bạn…

Đêm ở Bệnh viện Đà Nẵng thật buồn, lại càng buồn hơn khi ngoài kia trời mưa như thác đổ. Tôi chọn cho mình một góc cuối hành lang tầng 1, nơi có rất đông người nhà bệnh nhân đang chực chờ bên ngoài khoa Hồi sức cấp cứu để ngồi quan sát... Mỗi người nhà bệnh nhân ở đây đều mang trong mình một tâm trạng, nhưng tựu trung lại là những lo toan cho bệnh tình người thân, âu lo về những khoản tiền mang theo ít ỏi, không biết rồi có đủ chi phí mỗi khi bệnh viện có yêu cầu.

Một vài người phụ nữ túm tụm lại nói chuyện với nhau, những người đàn ông thì có vẻ lặng lẽ hơn, họ ngồi đốt thuốc lá, những đốm sáng từ đầu điếu thuốc thi thoảng lại lóe lên trên vành môi khô khốc của họ, làm cho không gian bên ngoài khoa Hồi sức cấp cứu này vốn đã nặng nề càng thêm não nuột hơn.

Chen nhau để xin cháo tình thương.

Gần 22 giờ, lượng mưa quá lớn, nước mưa không thoát kịp đã bắt đầu tràn lên hành lang. Những người nuôi bệnh lại gọi nhau í ới để chuyển đồ dùng lên những bậc tam cấp của tầng hai trú ngụ. Người phụ nữ đứng ngồi không yên bên cạnh tôi là bà Võ Thị Thành (70 tuổi), trú ở thôn 6, xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn (Quảng Nam). Bà Thành ra Bệnh viện Đà Nẵng nuôi chồng là ông Võ Văn Hoa (71 tuổi) đã gần một tháng vì ông bị tai biến mạch máu não. Mỗi ngày ở bệnh viện là thêm một ngày tiền bạc của gia đình dần vơi, ấy vậy mà chồng bà vẫn im lìm trong hôn mê. Thấy trời mưa to, nước tràn lên hành lang bệnh viện, bà Thành than thở với tôi: "Chú ơi! Sao cả tháng trời rồi mà ông nhà tui vẫn nằm im vậy…?”.

Nằm ở tầng 3 của tòa nhà 7 tầng Bệnh viện Đà Nẵng là khoa Nội tiết niệu, thời điểm tôi có mặt ở khoa này có rất nhiều bệnh nhân đang điều trị. Cô y tá tên Huyền cho biết: Đây chưa phải là thời điểm đông bệnh nhân nhất, nhưng do số lượng giường bệnh ít nên buộc phải bố trí cho 2-3 bệnh nhân nằm chung một giường.

Vì khó khăn chung, nên bệnh nhân cũng phải cùng nhau khắc phục, người bệnh nhẹ thì nhường cho người bệnh nặng được nằm. Gia cảnh của những bệnh nhân khoa này đa phần là rất khó khăn, nằm điều trị ngoài khoản được thanh toán viện phí qua bảo hiểm, số còn lại phải giật gấu vá vai, vay mượn để chi dùng và cậy nhờ vào sự sẻ chia của các tổ chức, cá nhân làm từ thiện.

Nhiều bệnh nhân điều trị đã lâu ngày nên kinh tế gia đình đã đến hồi khánh kiệt, người nuôi bệnh hàng ngày phải sống nhờ vào cơm, cháo tình thương hoặc mua ở bên ngoài với mức rất dè xẻn như trường hợp của ông Nguyễn Đại Tân (47 tuổi) ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam); ông Đinh Văn Trố (59 tuổi), ở xã Sơn Thủy, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi); bà Hà Thị Đợi (47 tuổi), ở thôn Nà Như, xã Dân Chủ, huyện Hòa An (Cao Bằng); ông Nguyễn Quỵt (63 tuổi), ở thôn Tân Mỹ, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi); ông Trần Chạn (89 tuổi), ở thôn Trang Điền, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc (Quảng Nam); bà Nguyễn Thị Cần (73 tuổi), ở thôn Trung An, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi)… hầu hết những bệnh nhân này đều là nông dân nghèo, đông con hoặc là người nghèo không có người thân để cậy nhờ nương tựa…

Những bệnh nhân lấy hành lang bệnh viện làm nhà…

Có những bệnh nhân do quá nghèo, nhà lại ở xa Bệnh viện Đà Nẵng, trong khi đó mỗi tuần phải chạy thận nhân tạo từ 2 đến 3 lần, vì vậy cho dù họ đã được khoa điều trị cho xuất viện, nhưng họ vẫn tìm kiếm cho mình một góc nhỏ trên hành lang của Khoa Thận nhân tạo để làm nơi tá túc, lăn lóc qua ngày để chạy thận…

Chỉ cần bước lên khỏi cầu thang của tầng 2, nơi có dòng chữ chỉ dẫn ghi khoa Thận nhân tạo, chúng ta có thể bắt gặp dọc hành lang là những chiếc thùng giấy được gói ghém rất cẩn thận. Nếu không được giải thích một cách cặn kẽ, khó lòng chúng ta nhận ra đó là hành trang của những bệnh nhân nghèo đã chọn hành lang bệnh viện để làm nơi trú ngụ cho hành trình chạy chữa bệnh tật của mình.

Người đầu tiên tôi gặp ở “xóm hành lang” là bà Lê Thị Phụng (64 tuổi), ở Mộ Đức (Quảng Ngãi). Đã 8 tháng qua, kể từ ngày bà Phụng được khoa Nội tiết niệu cho xuất viện, bà và người con gái bị hội chứng chất độc da cam vẫn bám trụ lại với Bệnh viện Đà Nẵng, để mỗi tuần chạy thận nhân tạo 2 lần.

Bà Phụng trước đây là y tá ở B.25 thuộc mặt trận Nam Trung Bộ, sau hòa bình bà chuyển về công tác ở huyện Đội Mộ Đức (Quảng Ngãi), rồi chuyển về công tác ở Trường Văn hóa Quân khu V cho đến khi nghỉ. Bà Phụng là thương binh hạng 3, nên trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng bà cũng đã được hưởng nhiều ưu đãi trong vấn đề viện phí. Tuy nhiên, suốt một hành trình dài điều trị như thế, hai mẹ con bà đã lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Từ nhiều tháng qua, mẹ con bà phải sống trong sự thương cảm, sẻ chia, giúp đỡ của những người cùng cảnh ngộ, cơm cháo hàng ngày hai mẹ con bà phải nương nhờ vào các nồi cơm, nồi cháo từ thiện… Cùng sinh sống trên hành lang bệnh viện này như bà Phụng còn có rất nhiều bệnh nhân nghèo khác, mỗi người một hoàn cảnh, một điển hình cho nỗi cơ cực, tủi buồn…

Những bệnh nhân lấy hành lang bệnh viện làm nhà.

Anh Nguyễn Mỹ (39 tuổi), ở Quế Phú, Quế Sơn (Quảng Nam) bị suy thận mạn giai đoạn cuối và đã điều trị ở khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Đà Nẵng được hơn 3 năm nay. Mỗi tuần anh Mỹ phải chạy thận 3 lần, nên anh quyết định chọn một góc hành lang để thay mái ấm của mình. Vợ anh Mỹ, chị Nguyễn Thị Lan cũng đã gửi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn cho gia đình bên nội nuôi dưỡng, chăm sóc… để ra Đà Nẵng nuôi chồng. Ngày ngày chị phải chạy vạy làm thuê, làm mướn đủ thứ việc để kiếm tiền, đến giờ phát cơm từ thiện, chị lại chạy về chầu chực để xin cho chồng và cho cả bản thân chị cầm lòng qua bữa.

Những người bệnh nặng, có hoàn cảnh khó khăn như anh Mỹ hiện đang trú ngụ tại hành lang này còn có anh Phạm Văn Phương (32 tuổi), quê ở phường An Sơn, TP Tam Kỳ (Quảng Nam); chị Trần Thị Trung Phương (31 tuổi), ở Phước Đức, Phước Sơn (Quảng Nam); anh Hồ Lựu (34 tuổi), ở Bình Triều, Thăng Bình (Quảng Nam) và nhiều người khác nữa…

Đây là những bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo quá lâu ngày, gia cảnh họ từ lâu đã rơi vào túng bấn. Hiện tại, họ sống ở hành lang bệnh viện, mỗi tuần chạy thận nhân tạo từ 2 đến 3 lần, mỗi lần chạy thận sau khi đã được bảo hiểm chi trả, mỗi bệnh nhân phải đóng thêm 80.000 đồng. Số tiền này các bệnh nhân chủ yếu là trông chờ vào những tấm lòng hảo tâm trong xã hội…

Vài ngày rong ruổi ở các khoa có bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, chứng kiến rất nhiều những hoàn cảnh thương tâm… Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không thể nào kể hết với bạn đọc nỗi khốn khó của những con người mắc phải căn bệnh nan y quái ác…

Rời bệnh viện để trở về, tôi không thể nào quên được những ánh mắt khổ đau luôn thường trực một nỗi đợi chờ của những người bệnh nghèo, đó là sự đợi chờ từ sự sẻ chia của cộng đồng và xã hội… Và cho đến lúc ngồi vào bàn viết để viết nên bài báo này, hình ảnh đau khổ dường như đến tuyệt vọng của chị Từ Thị Lan (43 tuổi) ở Đại Lãnh, Đại Lộc (Quảng Nam) khi bày tỏ với tôi rằng đã mấy ngày rồi chị và gia đình không thể nào kiếm nổi khoản tiền theo yêu cầu của bệnh viện để cho đứa con gái 18 tuổi của chị tên là Nguyễn Thị Xuân Vy có điều kiện làm xét nghiệm máu…

Phía ngoài kia, trời vẫn âm u, mưa vẫn nặng hạt dần kéo dài đến thê thiết, tôi cầu mong cho những con người khốn khổ ấy sẽ luôn gặp được những chia sẻ từ phía cộng đồng, để hành trình vật lộn với bệnh tật của họ có thêm những ngày thanh thản…

Phan Bùi Bảo Thy
.
.