Khi trẻ em… chán đời (?!)

Thứ Bảy, 06/02/2010, 22:35
Trưa hôm ấy, cả trường nhốn nháo vì Nhân (học sinh lớp 4) leo lên lầu 3 và tuyên bố sẽ nhảy xuống sân trường để... "đi chết". Nhận được điện thoại của nhà trường, bố mẹ Nhân lập tức xuất hiện. Và cả hai đều tái mặt đi bởi hành động của Nhân. May mắn là sau một hồi ỉ ôi tâm sự, mẹ Nhân đã đưa được con về nhà an toàn. Hỏi nguyên nhân ý định mà cậu nhóc này tính... quyên sinh, Nhân chỉ lặng im không nói.

Đang yên đang lành, đột nhiên một hôm người nhà phát hiện con hay cháu mình đang ngồi một mình nhổ tóc... đắm đuối. Hoặc, bé luôn giữ khư khư trái bóng, con búp bê trong tay, không quan tâm đến bất cứ điều gì khác. Vẫn ở cái tuổi mà người ta hay nói, "đừng tè dầm là tốt quá rồi", trẻ bỗng dưng đòi... tự tử. Cứ tưởng mọi chuyện vài ngày rồi sẽ qua. Tuy nhiên, không hẳn là vậy. Những biến chứng về mặt tâm lý này của trẻ luôn chứa đựng các nguyên nhân bất ổn, mà giới y khoa vẫn thường gọi là bệnh tâm thần trẻ em.

Bác sĩ Đào Trần Thái, Trưởng bộ môn Tâm thần - ĐH Y Dược TP HCM, hiện đang công tác tại Bệnh viện Tâm thần TP HCM nói, có nhiều dạng tâm thần trẻ em. Có trẻ sau khi sinh ra phát triển không bình thường, chậm ngồi, chậm đi, chậm nói... Nguyên nhân gây bệnh có thể xảy ra trong thời kỳ mẹ mang thai, trong khi chuyển dạ hoặc những năm đầu sau sinh. Nghĩa là có rất nhiều trường hợp trẻ bị tâm thần được quy chuẩn bởi những hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, trong phóng sự này, tôi chỉ đề cập đến những trẻ có khả năng mắc bệnh tâm thần do những yếu tố gia đình, nhà trường và xã hội vô tình hay hữu ý... gây nên.

Rối loạn tâm lý kiểu... trẻ con

Phạm Trúc Ly, 6 tuổi là con gái một trong gia đình bố mẹ làm nghề buôn bán ở quận 1. Luống tuổi mới có con, nên bố mẹ dồn hết tình cảm cho Trúc Ly. Ngay từ khi mới sinh ra, Ly đã được chăm chút từng tí một. Mọi việc cứ thế trôi đi, cho đến khi Trúc Ly vào mẫu giáo thì sinh chuyện. Bé sợ hãi mọi thứ xung quanh, từ cô giáo cho đến bạn bè, cả vật dụng trong lớp. Cha mẹ bé cứ nghĩ, "trẻ con ấy mà, đứa nào đi học không khóc. Vài ngày chắc sẽ hết". Nhưng, chuyện không đơn giản như vậy.

Liên tiếp nhiều tuần tính từ ngày đầu tiên Ly đến trường, bé vẫn khóc thét khi cha mẹ đưa đi học. Cực chẳng đã, cha mẹ Ly phải cho bé ở nhà, mướn người dạy kèm với hy vọng khi vào tiểu học Ly sẽ hết những cơn khóc thét khi thấy... mặt cô giáo. Tuy nhiên, ngay khi vào lớp 1, Ly vẫn vậy, bé hoảng sợ với tất cả mọi thứ xung quanh. Buộc lòng, cha mẹ Ly phải cho bé đến khám tại khoa Tâm thần trẻ em. Tại đây, bác sĩ kết luận rằng bé bị chứng sợ trường học hay còn gọi là ám ảnh trường học. Để bé có thể tự nhiên đến trường, buộc phải có sự can thiệp về mặt tâm lý của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

"Để điều trị tâm lý cho những bệnh nhi này, nhất thiết phải có sự hợp tác giữa gia đình và bác sĩ. Những triệu chứng của Trúc Ly cũng tương tự với các triệu chứng của các bé sợ sự chia ly, cứ hễ vắng mặt cha mẹ là lại khóc thét lên", bác sĩ Thái cho biết.

Bác sĩ Đào Trần Thái (thứ 2 từ trái sang) và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Tâm thần TP HCM.

Một trong những hội chứng mà trẻ em thường mắc phải là chứng rối loạn hưng cảm hoặc trầm cảm. Nhưng, nhiều người thường không để ý đến yếu tố này. Thấy trẻ cười đùa quá mức thì cho rằng hiếu động, hung hăng trên mức cần thiết thì cho rằng dữ tính, thích giao tiếp đến mức kỳ lạ thì cho rằng hoạt bát, ngồi thinh lặng hàng giờ thì cho rằng "lớn trước tuổi"... chứ ít ai biết rằng đó cũng là một trong những triệu chứng của tâm thần trẻ em và cần thiết phải có sự điều trị của bác sĩ.

Cũng có những cô bé cậu bé, thuở nhỏ thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, khi vừa qua cái ngưỡng tuổi 13 thì lại xuất hiện triệu chứng tâm thần phân liệt khởi phát sớm. Biểu hiện của hội chứng này chính là khả năng học tập của trẻ, suốt ngày nghi ngờ có người hại mình, hoặc khi nào cũng nhăn nhó vì... có ai đang nói trong tai mình... Nói vậy, để thấy rằng, cái chuyện tâm thần trong trẻ em là thiên hình vạn trạng, và cần nhìn nhận đúng bản chất của sự việc chứ không phải chỉ là chuyện "trẻ con ấy mà, vài ngày nó hết".

Một dạo, trong giới tuổi teen xuất hiện trào lưu rất quái đản là hành xác. Những cô bé, cậu bé đua nhau dùng dao lam hoặc mảnh chai thủy tinh rạch nát tay mình. Sau đó, thản nhiên chụp hình và đưa lên blog. Nhìn "trào lưu" này, cứ nghĩ đơn giản rằng đó chỉ là sự chứng minh bản lĩnh không đúng cách của lứa tuổi "không ai có thể hiểu được". Tuy nhiên, hiện tại thì đã có kết luận y khoa cho căn bệnh tự hành xác đó trong lứa tuổi teen, hội chứng nhân cách ranh giới.

10 tuổi, Nguyễn Hoài Nhân thường được mẹ ví là "cục vàng trong nhà". Bởi Nhân là con trai một. Không như Trúc Ly, Nhân đến trường vẫn bình thường như bao bạn bè khác. Chuyện cứ bình yên trôi qua cho đến khi Nhân vào lớp 4.

Trưa hôm ấy, cả trường nhốn nháo vì Nhân leo lên lầu 3 và tuyên bố sẽ nhảy xuống sân trường để... "đi chết". Nhận được điện thoại của nhà trường, bố mẹ Nhân lập tức xuất hiện. Và cả hai đều tái mặt đi bởi hành động của Nhân. May mắn là sau một hồi ỉ ôi tâm sự, mẹ Nhân đã đưa được con về nhà an toàn. Hỏi nguyên nhân ý định mà cậu nhóc này tính... quyên sinh, Nhân chỉ lặng im không nói.

Vài tháng sau, cả trường lại đứng tim với Nhân lần nữa khi cậu đòi "đi chết lần hai". Lần này, Nhân củng cố quyết tâm "đi chết" bằng cách ngồi trên lan can lầu ba, lưng xoay ra ngoài, chỉ cần ngửa nhẹ đầu ra sau là... thỏa ý nguyện. Lại thêm lần nữa, bố mẹ Nhân xuất hiện và năn nỉ con mình. Hậu quả đáng tiếc rất may đã không xảy ra.

"Trường hợp của Nhân, bé không đứng trung dung được. Tức là khi nào bé cũng có cảm giác sợ hãi vì cho rằng mình bị bỏ rơi. Ở những trường hợp này, các cháu luôn muốn có sự quan tâm trên mức cần thiết", bác sĩ Thái nói. Ngoài ra, bác sĩ Thái còn kể chuyện có trẻ cứ mang thuốc ngủ ra... phòng khách để dọa chết hoặc cứ tìm những chỗ đông người để đòi... tự tử.

Có lần, bác sĩ Thái chữa trị cho một cậu nhóc cứ luôn miệng đòi chết bằng cách, hễ thấy người nhà là gào lên "Con đi chết đây". Bác sĩ Thái thuyết phục bố mẹ cậu nhóc bình tâm và quay lưng đi chỗ khác, chỉ còn cậu nhóc và bác sĩ. Sau một hồi gào thét đòi chết chán chê, cậu nhóc thôi gào và nhìn bác sĩ rất... bẽn lẽn. Lúc này, bác sĩ Thái mới bắt đầu phân tích cái chuyện mà cậu nghĩ rằng "bố mẹ có thể bỏ rơi mình bất cứ lúc nào" là hoàn toàn sai lầm.

Ngồi với các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần trẻ em, tôi đặt câu hỏi có những đứa trẻ không chịu lớn, bởi sự bao bọc quá mức của bố mẹ. Đặc biệt là ở những gia đình hiếm con, thì không biết các bé có dễ bị rối loạn tâm lý để dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về tâm thần hay không? Thật bất ngờ, các bác sĩ nói gần như là đồng loạt: "Chính cha mẹ của bé mới có vấn đề về... tâm thần, khi bao bọc con quá mức như vậy".--PageBreak--

Khi trẻ… “khước từ” cuộc sống

Tôi nhớ lại câu chuyện 5 học sinh cùng lớp 7 rủ nhau tự tử vài năm trước. Trong 5 lá thư tuyệt mệnh để lại cho gia đình, bạn bè..., các em thừa nhận rằng mình từ chối cuộc sống là bởi bị phân biệt đối xử, bị gia đình thường xuyên la mắng...

Mang những câu chuyện này ra trao đổi với bác sĩ Thái, bác sĩ cho biết rằng bản năng của con người bao giờ cũng là muốn sống chứ không muốn chết. Và ai cũng muốn sung sướng, muốn ăn ngon mặc đẹp chứ không ai muốn cực khổ, thiếu đói... Tuy vậy, ở tâm lý và nhận thức non trẻ, các em rất dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố gia đình. Bác sĩ Thái thừa nhận là trong một gia đình thường xuyên có bạo lực, trẻ dễ bị trầm uất. Từ trầm uất sẽ dẫn đến những hành động sốc nổi với các hậu quả không thể lường trước được.

Trịnh Thị Diễm, 8 tuổi nhà ở quận 5. Bố mẹ Diễm đưa con đến khám tại khoa Tâm thần trẻ em bởi suốt nhiều tháng nay, Diễm thường có những biểu hiện kỳ lạ, như thường xuyên ngồi một mình, tỏ ra cáu gắt và thi thoảng nói lảm nhảm chỉ đủ Diễm nghe. Khi bác sĩ chuyên khoa yêu cầu Diễm vẽ một bức tranh mà bé đang hình dung trong suy nghĩ. Cầm bức tranh trong tay, bác sĩ chuyên khoa đã hiểu vấn đề mà Diễm đang gặp phải.

Bức tranh Diễm vẽ cảnh một người đàn ông đang bị cái bàn đè lên, trên mặt bàn là hai phụ nữ một nhỏ một lớn ngồi ăn cơm. Cạnh đó, là đứa bé trai đang đứng trên cái bếp lò cháy phừng phực. Trò chuyện mãi, bé mới giải thích rằng người đàn ông bị cái bàn đè lên là bố Diễm, đứa bé đứng trên bếp lò là em Diễm, còn hai phụ nữ ngồi trên bàn là Diễm và mẹ Diễm.

Nhận thấy tâm lý của Diễm đang bị đè nặng, bác sĩ tìm cách chữa trị cho bé thông qua sự hỗ trợ của gia đình. Hóa ra, bố Diễm là người rất độc đoán. Ông cho rằng chỗ của phụ nữ trong gia đình là... dưới bếp. Thế cho nên, chỉ mình ông và con trai là được ăn cơm ở phòng ăn, Diễm và mẹ có mâm riêng dưới bếp. Sự phân biệt đối xử này, khiến Diễm bị rối loạn tâm lý, dẫn đến trầm cảm nghiêm trọng. Cái may ở đây là gia đình đã đưa Diễm đến gặp bác sĩ kịp thời để chuyện đáng tiếc không xảy ra.

Tư vấn về một trường hợp động kinh tại khoa Tâm thần trẻ em.

Một trường hợp rối loạn tâm lý ở trẻ, do không được can thiệp kịp thời đã để lại câu chuyện rất đau lòng.

Hoàng Thế Vũ, đang là học sinh lớp 5 của một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh. Vũ sinh ra trong một gia đình trí thức, bố và mẹ đều là những người có địa vị. Thế cho nên, ngay từ lúc vào mẫu giáo, Vũ đã được bố mẹ tạo điều kiện (lẫn áp lực) tối đa nhất cho việc học tập. Chuyện bố mẹ muốn con thành đạt như mình hoặc hơn mình, cũng là tâm lý chung có thể thông cảm được. Nhưng, sự kỳ vọng thái quá đó của bố mẹ đã khiến Vũ trở nên lầm lì, ít nói ngay từ nhỏ.

Vào tiểu học, học lực của Vũ chỉ dừng ở mức trung bình khá, tức là còn xa lắm mới có thể thỏa mãn được mong ước của bố mẹ Vũ. Cho đến năm Vũ học lớp 5, áp lực từ cha mẹ đè lên Vũ ngày càng lớn. Hầu như, đêm nào mẹ Vũ cũng đem Vũ ra so sánh với các trẻ khác cùng tuổi nhưng học giỏi hơn. Chuyện cứ thế diễn ra, cho đến một đêm, mẹ Vũ lại cằn nhằn Vũ về chuyện học hành. Mọi lần trước Vũ còn phản ứng lại, nhưng lần này, em chỉ im lặng cúi gằm mặt không đáp lời mẹ.

Sáng hôm sau, chờ mãi không thấy con xuống ăn sáng để đi học. Mẹ Vũ mới lên phòng em để kiểm tra. Và, bố mẹ Vũ như chết sững bởi đứa con trai duy nhất trong nhà đã tự tử. Sau cái chết của Vũ, hai ông bà phải điều trị tâm lý rất lâu nhưng vẫn không thể thoát khỏi trạng thái trầm uất.

Một điểm khá lạ là bác sĩ Đào Trần Thái luôn khẳng định: "Học nhiều không phải là nguyên nhân dẫn đến bị tâm thần. Trẻ học nhiều bị tâm thần là bởi chính các em đã có những nguy cơ tâm thần tiềm ẩn". Sợ mình nghe lầm, tôi có hỏi lại và bác sĩ Thái vẫn khẳng định như vậy. Tuy nhiên, bác sĩ Thái cũng đồng tình rằng không phải nói vậy là để khuyến khích các bậc phụ huynh nhồi hàng đống kiến thức vào đầu trẻ. Mà cần phải đánh giá đúng năng lực của trẻ để có phương pháp giáo dục hợp lý.

Bên cạnh đó, sai lầm lớn nhất của các bậc làm cha mẹ là đặt quá nhiều kỳ vọng vào con trẻ, khiến trẻ bao giờ cũng cảm thấy u uất không được thoải mái. "Cần phải tạo điều kiện để trẻ được nghỉ ngơi, giải trí sau những giờ học. Bản năng của trẻ đứa nào cũng muốn học giỏi, được cha mẹ khen. Nhưng, có trẻ thông minh thì cũng có trẻ bình thường. Điều quan trọng là cha mẹ đừng bao giờ đem sự siêu việt của trẻ khác mà so sánh với con mình. Đó là hành động tối kị, bởi đơn giản, ấy chính là giọt nước làm tràn ly khiến trẻ dễ bị biến chuyển tâm lý theo hướng tiêu cực", bác sĩ Thái chia sẻ.

Phần lớn nguyên nhân dẫn đến chứng tâm thần của trẻ là do tâm lý. Và nguyên nhân chính dẫn đến sự biến chuyển tâm lý là do tác động của gia đình. Dĩ nhiên, còn do tác động của xã hội, nhà trường. Và việc chữa trị để trẻ trở lại trạng thái bình ổn tâm lý là cả một hành trình rất dài. Cần phải có sự hợp tác giữa gia đình và bác sĩ. Trong đó, quan trọng nhất là phải duy trì ổn định tình cảm của các thành viên trong gia đình đối với trẻ, bác sĩ Thái kết thúc buổi trao đổi với tôi bằng kết luận như vậy

Ngô Nguyệt Hữu
.
.