Chuyện những người đánh án bằng khoa học:

Khi tử thi lên tiếng

Thứ Hai, 05/07/2010, 12:10
Từ những dấu hiệu không rõ ràng, có lúc tưởng chừng như là mơ hồ của một vụ án hình sự, lực lượng kỹ thuật hình sự (KThS) khắc họa lại đến từng chi tiết nhỏ để giúp các cơ quan điều tra lần theo dấu tích để phá án. Sẽ là không quá, nếu khẳng định, các kết quả giám định của lực lượng cảnh sát KTHS chính là những "bằng chứng thép" trong tất cả các vụ điều tra trọng án.

Trong loạt phóng sự này, PV Chuyên đề ANTG sẽ giới thiệu đến bạn đọc cận cảnh những "mảnh ghép hoàn hảo" đã được Phòng KThS Công an TP HCM) phác thảo nên từ những dấu vết nhỏ như vậy trong một số vụ việc nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TP HCM và các tỉnh lân cận.

Có nhiều bí ẩn xung quanh những người đã chết. Những lời phỏng đoán của dư luận, các thông tin đồn đại...  Và những cán bộ, chiến sĩ pháp y luôn là  những người giúp tử thi lên tiếng, xóa tan mọi ngờ vực trong dư luận. Cũng như, tìm cho thân nhân  người vắn số một lời giải đáp minh bạch.

19 năm về trước, vùng Lai Vung (Đồng Tháp) đang yên bình bỗng nhiên xôn xao bởi thông tin Võ Thị Bé Sáu bị gia đình chồng giết, rồi mang xác trả lại cho nhà Bé Sáu nhằm phủi sạch trách nhiệm.

Với những người dân miền Tây, chỉ quen với sông nước và cây lúa, thì đó là thông tin nhanh chóng tạo nên sự phẫn nộ trong cộng đồng. Người dân vùng Lai Vung ấy, bàn bạc, quyên góp tiền cho gia đình nạn nhân Bé Sáu, quyết đi kiện gia đình bên chồng cho đến cùng. Họ không thể chấp nhận chuyện một gia đình sát hại con dâu rồi ngang nhiên mang xác về nhà trả lại.

Gia đình chồng Bé Sáu cũng là dân thuần nông, sau sự cố của Bé Sáu bỗng lâm vào tình trạng bị cô lập. Họ bị hàng xóm láng giềng xa lánh, bị khủng bố bởi tiếng chửi rủa, những lời nguyền tai ác. Đằng đẵng cả năm trời, khi mộ Bé Sáu đã xanh cỏ, cái gia đình có cô con dâu bị chết ấy vẫn còn chịu cảnh lời ong tiếng ve.

Xét nghiệm vết máu khô.

Trở lại một chút về thời điểm Bé Sáu lập gia đình. Sui gia hai bên là hàng xóm, cách nhau một con rạch nhỏ. Tình láng giềng kết thân từ lâu, thuận lợi cho cuộc hôn nhân giữa cô gái chưa đầy 20 tuổi là Bé Sáu, với anh thanh niên hàng xóm vừa bước qua tuổi 22. Về làm dâu, Bé Sáu cáng đáng nhiều việc từ coi sóc nhà cửa, cho đến thăm lúa ngoài ruộng.

Dân trong vùng ai cũng khen ngợi sự đảm đang của Bé Sáu. Họ dành nhiều cảm tình cho cô gái quê này. Thế nên, đám tang của Bé Sáu biến thành một sự kiện thương tâm cho tất cả những người dân trong vùng. Họ quyết định đi kiện. Lá đơn kiện xin làm sáng tỏ vụ việc được những người quen với cây cuốc, gửi đến các cơ quan chức năng trong tỉnh Đồng Tháp. Nhận được đơn, nhiều đoàn cán bộ đã đến, khai quật mộ của Bé Sáu lên để khám nghiệm. Nhưng, rất tiếc vẫn không có lời giải đáp.

Chuyện đến chuyện đi trong im lặng của những đoàn cán bộ  ấy càng khiến tin đồn gia đình chồng của Bé Sáu dùng tiền để mua công lý lại càng lan rộng. Và  người ta lại tin hơn vào những lời đồn này. Cuối cùng, họ họp bàn và quyết định sẽ lên TP HCM, tiếp tục theo đuổi vụ kiện nhằm vạch mặt cái gia đình "tàn ác" kia.

Một sáng giữa năm 1991, trước cổng Cơ quan Bộ Công an phía Nam (trước đây Bộ Nội vụ) ken kín những người nông dân đi đề nghị Cơ quan Công an làm rõ về cái chết của Bé Sáu. Họ cho rằng Bé Sáu chết do bị bẻ cổ, mong nhờ Cơ quan Công an cử cán bộ đến khám nghiệm và đưa ra kết quả cuối cùng để vạch mặt kẻ thủ ác.

Nhận định đây là vụ việc nghiêm trọng, lãnh đạo Trung tâm Khoa học hình sự phía Nam, thuộc Bộ Công an (lúc này, lực lượng Pháp y Công an TP HCM đang kết hợp với lực lượng Pháp y của Bộ Công an, chưa tách ra thành lực lượng riêng - PV) đã cử hai đồng  chí giám định pháp y đi Lai Vung để làm cái việc mà người dân yêu cầu là khai quật mộ khám nghiệm tử thi của Võ Thị Bé Sáu.

Thượng tá Trần Thành Định và Trung tá Phạm Xuân Liên, hai cán bộ được lãnh đạo cử đi khám nghiệm tử thi của Bé Sáu vẫn nhớ như in thời điểm gai góc đó.

Thượng tá Định kể với chúng tôi rằng, khi đến Lai Vung, anh và Trung tá Liên làm việc với sự giám sát chặt chẽ của gia đình nạn nhân cùng những người dân ở khu vực này.

Cuộc khám nghiệm bắt đầu từ sáng sớm cho đến gần tối. Sau khi đã lấy xong mẫu (gồm một số nội tạng trong xác của Bé Sáu) phục vụ cho công tác xét nghiệm, Thượng tá Định và Trung tá Liên lên xe ra về. Ngay lập tức, hàng trăm người dân chặn đầu xe, yêu cầu hai anh phải cho kết luận ngay lập tức. Đương nhiên, không thể đưa ra kết quả xét nghiệm khi chưa có những đánh giá dựa trên các xét nghiệm khoa học, hai anh từ chối. Nói từ chối có vẻ đơn giản vậy, nhưng để thoát được ra khỏi đám đông đang phẫn nộ để về lại TP HCM là cả vấn đề phức tạp.

Về đến TP HCM đã quá khuya, vậy mà ngay sáng hôm sau, Thượng tá Định và Trung tá Liên nhận được yêu cầu của lãnh đạo là phải nhanh chóng có mặt tại cơ quan để... trấn an những người dân ở Lai Vung đang đứng trước cổng Cơ quan Bộ.

Hóa ra, lo sợ gia đình chồng Bé Sáu có thể  dùng tiền để "mướn người đóng giả công an", nên gia đình Bé Sáu đã ngồi xe đò tìm  đến  cổng Bộ Công an để xem hai người tham gia khám nghiệm tử thi có phải là công an thật hay không. Đến khi gặp hai anh mặc quân phục bước vào cổng Bộ thì họ mới an tâm về lại quê nhà.

Mẫu xét nghiệm được lấy từ thi thể của Võ  Thị Bé Sáu, qua giám định cho thấy, nạn nhân  tử vong vì hóa chất của một loại thuốc diệt cỏ đang được những nông dân miền Tây sử dụng phổ biến. Ngay lập tức, hiện trường vụ việc được lực lượng Công an tái hiện lại, nhằm có câu trả lời minh bạch cho gia đình nạn nhân, cũng như những người  dân sinh sống trong vùng đang quan tâm đến vụ việc.

Ngày hôm đó, chồng Bé Sáu sau một chầu nhậu quắc cần câu với vài ông bạn trong xóm, đã về nhà  đá thúng đụng nia với vợ. Trong cơn giận không thể  kiềm chế, Bé Sáu đã vơ chai thuốc diệt cỏ  được đặt nơi góc nhà cầm lên tu sạch. Vài phút sau, người nhà của gia đình chồng Bé Sáu, phát hiện Bé Sáu đang nằm quằn quại bên cạnh chai thuốc diệt cỏ. Họ dùng xuồng, đưa Bé Sáu đến trạm y tế xã để cấp cứu. Tuy nhiên, trên đường đi thì Bé Sáu đã tử vong.

Họ, những người nông dân cảm thấy hành động của con dâu mình như vậy là không thể chấp nhận được. Hai mươi năm trước, chuyện con dâu phản ứng lại với gia đình chồng theo cách của Bé Sáu được những nông dân miền Tây cho rằng là điều cấm kị. Gia đình chồng Bé Sáu lập tức quay xuồng, chở cái xác đang còn ấm ấy chèo một mạch đến nhà Bé Sáu để... trả dâu lại. --PageBreak--

Nhận được thi thể của con gái, lúc này, do Bé Sáu mới chết nên xác còn mềm. Và sự oặt ẹo nơi vùng cổ của tử thi khiến gia đình Bé  Sáu trong cơn hoảng loạn vì cái chết của con gái đã tự kiểm nghiệm và cho rằng gia đình chồng Bé Sáu đã bẻ cổ con gái mình dẫn đến tử vong. Tin đồn này lan nhanh khiến vùng quê yên bình ấy phút chốc lâm vào tình trạng căng thẳng do sự phẫn nộ mang lại. Giả như các cán bộ pháp y không có câu trả lời thỏa đáng, chắc chắn gia đình chồng Bé Sáu phải nhận lãnh những hậu quả không ai có thể lường trước được.

Trung tá Liên, nói khi khai quật tử thi của Bé Sáu, các anh đã ngờ ngợ cái chết này liên quan đến thuốc diệt cỏ. Và quả nhiên đúng như vậy, sau các lần xét nghiệm được thực hiện trong phòng kín, kết quả cho thấy Bé Sáu chết do uống thuốc diệt cỏ. "Những loại thuốc diệt cỏ thường có gốc phốt-pho lưu lại rất lâu trên cơ thể người hoặc trong đất. Chính vì thế, chúng tôi có đủ các cơ sở khoa học để kết luận Võ Thị Bé Sáu chết do ngộ độc thuốc diệt cỏ", Trung tá Liên khẳng định lại vụ việc mà anh tham gia thực hiện gần 20 năm về trước.

Hỏi chuyện hai anh về  công việc của các bác sĩ pháp y, Trung tá Liên nói đã theo nghề này, nhất thiết phải học cách lãng quên để tránh sự ám ảnh của công việc. Những xác chết trong tình trạng phân hủy, những tử thi biến dạng, những thi thể nạn nhân bị kẻ thủ ác chia thành nhiều mảnh... rất dễ trở thành nỗi ám ảnh thường trực nếu như các cán bộ pháp y không học cách tự lãng quên nó. Có lãng quên, các anh mới có thể sinh hoạt bình thường cùng vợ con, mới thoải mái trong các bữa cơm, trong giấc ngủ...

Lấy Trung tá Liên tham gia làm điển hình, thì những khi cao điểm, có năm Trung tá Liên khám nghiệm khoảng 800 tử thi. Năm "thấp điểm" thì khoảng 400 tử thi. Nhẩm tính, mỗi ngày các cán bộ pháp y phải khám nghiệm gần 2 tử thi, một con số rất khủng khiếp.

Theo Thượng tá Trần Thành Định, những năm trước, công tác khám nghiệm pháp y thường gặp nhiều khó khăn. Bởi đơn giản, ẩn sâu trong tiềm thức của người dân là chuyện "nghĩa tử, nghĩa tận". Không ai muốn người thân mình phải chịu cảnh mổ xẻ khi đã nằm xuống. Nhưng, ở thời điểm này, công tác khám nghiệm pháp y đã trở nên thuận lợi hơn. Có lẽ, do ý thức cũng như sự hiểu biết của người dân về sự cần thiết của công tác khám nghiệm pháp y trong các vụ án, tai nạn giao thông đã được cải thiện...

Cách đây hơn một năm, quận Gò Vấp xảy ra một vụ việc nghiêm trọng. Thời điểm xảy ra vụ việc này là vào những ngày giáp tết âm lịch, nơi xảy ra vụ việc là căn nhà nhỏ nằm khuất trong hẻm, được một cặp vợ chồng người Thanh Hóa thuê ở để buôn bán vặt.

"Đây có thể là một vụ việc đáng lưu tâm. Bởi không ai ngờ  được, người chồng lại là kẻ thủ ác có máu lạnh đến thế đối với chính vợ của mình", Trung tá Liên mở đầu trước khi kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện này như thế.

Ngày cuối tháng Chạp, trực ban Cơ quan Công an quận Gò  Vấp nhận được điện thoại của một người dân phản ánh chuyện người phụ nữ thuê nhà trọ trong hẻm mà mình đang sinh sống vừa tử vong. Có thể do bị giết chết.

Ngay lập tức, Công an quận Gò Vấp mời các bác sĩ  pháp y thuộc Phòng KTHS tham gia khám nghiệm hiện trường. Nạn nhân là nữ giới, chết trong tư thế  nằm trên giường rất ngay ngắn, nhìn sơ qua rất dễ nhận định đây là cái chết tự nhiên. Nhưng, bằng con mắt nghiệp vụ, cán bộ giám định pháp y phát hiện có thể nạn nhân chết do ngạt thở.

Tiến hành mổ khám nghiệm tử thi, kết quả đúng như dự đoán, nạn nhân bị ngạt thở dẫn đến tử vong. Kết luận pháp y được chuyển cho Cơ quan Công an quận Gò Vấp tiến hành điều tra. Vụ việc được dựng lại rất rõ ràng.

Hai vợ chồng gốc Thanh Hóa này vào TP HCM, mướn nhà  trọ để buôn bán. Họ có với nhau một con trai đang đi học, thằng bé rất mê chơi game. Do mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình, người chồng đã dựng lên một kịch bản giết vợ rất công phu.

Sáng ấy, người chồng đưa cho con một ít tiền và cho phép thằng bé được đi chơi game thoải mái. Ở nhà, người đàn ông này bắt tay vào việc giết vợ. Chuẩn bị một sợi dây cột màn mỏng, nhỏ nhưng chắc. Lựa lúc vợ sơ ý, người đàn ông nhẫn tâm đã siết cổ vợ từ phía sau cho đến chết. Người chồng siết khéo đến mức, cho đến khi vợ ngạt thở chết thì dưới cổ, chỉ xuất hiện một vết màu đỏ lờ mờ, rất nhỏ mà nếu không quan sát kỹ thì không thể phát hiện ra.

Sau khi sát hại vợ, người chồng thản nhiên đi chuẩn bị  bữa trưa và đợi con về cùng ăn. Khi thằng bé hỏi sao mẹ không ra ăn cơm, người đàn ông trả lời rằng mẹ mệt, nên còn ngủ. Hắn tiếp tục cho con tiền để đi chơi game nhằm tranh thủ thời gian để dựng hiện trường giả sao cho giống cảnh vợ chết tự nhiên trên giường ngủ. Tuy nhiên, bằng các chứng cứ của Cơ quan pháp y kết luận, Cơ quan điều tra đã tiến hành đấu tranh và cuối cùng, người chồng vô lương tâm này đã thừa nhận mình giết vợ bằng sợi dây cột màn do mâu thuẫn.

Thượng tá Định nói giám định pháp y mục đích là  để xác định cơ chế vết thương dẫn đến tử vong, tử vong vào thời điểm nào, hung khí gây án là dụng cụ gì, cách thức tiến hành gây án có phải chuyên nghiệp được tính toán kỹ hay chỉ là hành động bột phát... Nếu không có công tác khám nghiệm tử thi, rất dễ xảy ra những nhận định thiếu chính xác khi tiến hành điều tra, như chuyện vết hoen tử thi dễ nhầm tưởng là bị đánh do có vết bầm trên cơ thể, tử thi mới còn nóng, cơ thể mềm dễ nhầm chết do các chấn thương... Thế mới thấy, công tác giám định pháp y, không chỉ là tham gia định hướng cho Cơ quan điều tra, mà qua những kết luận của giám định, những nỗi oan của chính gia đình người gặp nạn còn được làm sáng tỏ.

(Còn nữa)

Thuận Thiên - Kinh Hữu
.
.